| Hotline: 0983.970.780

Thủ tướng: Phát triển kinh tế thì không thể thiếu thị trường chứng khoán

Thứ Tư 28/02/2024 , 14:41 (GMT+7)

Sáng 28/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024.

Thủ tướng nhấn mạnh phát triển kinh tế thì không thể thiếu TTCK. Ảnh: VGP.

Thủ tướng nhấn mạnh phát triển kinh tế thì không thể thiếu TTCK. Ảnh: VGP.

Tại Hội nghị, Thủ tướng khẳng định Chính phủ và cá nhân ông rất quan tâm tới thị trường tài chính, trong đó có TTCK. "Có lẽ không tuần nào tôi không nói chuyện và làm việc với các đồng chí lãnh đạo có liên quan tới TTCK, luôn theo dõi TTCK. Lúc 12h40 hằng ngày, tôi luôn theo dõi bản tin xem TTCK hôm nay thế nào để có phản ứng chính sách kịp thời, nếu không theo dõi được thì rất sốt ruột.

Khi có biến động nào đó thì chúng tôi luôn đặt mình vào vị trí của các nhà đầu tư, nhà phát hành, trên tinh thần cùng thắng, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, các bên đều thắng tức là góp phần phát triển kinh tế Việt Nam nhanh, bền vững, lành mạnh theo chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Chúng tôi cũng luôn suy nghĩ Chính phủ phải bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư, các chủ thể liên quan tới TTCK", Thủ tướng phát biểu.

Theo Thủ tướng, trong hai năm vừa qua, các chủ thể đã cùng nhau chia sẻ, vượt qua khó khăn. Nhờ đó, nếu năm 2022 là năm thăng trầm của thị trường thì năm 2023 đã khắc phục nhiều khó khăn, cải thiện tình hình, tập trung làm những việc phải làm và có tiến bộ hơn; năm 2024 phải tăng tốc và năm 2025 phải bứt phá. Điều này cần cùng phát huy trách nhiệm của Chính phủ, các bộ ngành, các nhà đầu tư, các nhà phát hành và của các chủ thể liên quan.

Phát triển kinh tế thì không thể thiếu TTCK

Theo người đứng đầu Chính phủ, TTCK là một cấu phần quan trọng của thị trường tài chính (thị trường tiền tệ, thị trường vốn) nói riêng và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta nói chung. Khi phát triển đến trình độ cao, TTCK có vai trò là "hàn thử biểu" của nền kinh tế.

TTCK cũng là một kênh đầu tư linh hoạt, hấp dẫn của các tổ chức và cá nhân đầu tư; đồng thời là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.

TTCK góp phần quan trọng thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội, nhất là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.

"Tóm lại, phát triển kinh tế thì không thể thiếu TTCK. Phát triển TTCK là một yêu cầu khách quan", Thủ tướng nhấn mạnh.

"Phát triển TTCK công khai, minh bạch, an toàn, toàn diện, bao trùm, lành mạnh, hội nhập, bền vững, hiệu quả; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể liên quan. Từ thị trường sơ khai, TTCK Việt Nam đang ở mức thị trường cận biên và tới năm 2025 đặt mục tiêu trở thành thị trường mới nổi, góp phần thực hiện mục tiêu thu hút khoảng 25 tỷ USD đầu tư gián tiếp nước ngoài mỗi năm, tương đương đầu tư trực tiếp", Thủ tướng phát biểu bày tỏ mong muốn thị trường tăng dần đều, ổn định, bền vững, thay vì tăng giảm đột ngột.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện cùng các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện cùng các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: VGP.

6 định hướng cho TTCK

Về những nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, trong đó có TTCK, Thủ tướng nêu rõ, sau hơn 35 năm đổi mới, "Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay", như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định.

Về phương hướng phát triển TTCK, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 và Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 có nhiều nội dung, song Thủ tướng nhấn mạnh 6 điểm:

Thứ nhất, Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thứ hai, chính sách phải nhất quán, phản ứng chính sách phải kịp thời, chính sách phải phù hợp và theo kịp thực tiễn.

Thứ ba, quản lý nhà nước phải công khai, minh bạch, đúng quy luật thị trường.

Thứ tư, Chính phủ, các cơ quan chức năng luôn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể liên quan; luôn chia sẻ khó khăn và đặt mình vào vị trí nhà đầu tư, nhà phát hành để thiết kế chính sách, xây dựng một Chính phủ thực sự kiến tạo phát triển.

Thứ năm, Chính phủ quyết tâm nâng hạng TTCK, tập trung phát triển theo xu hướng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, phát triển nhanh và bền vững.

Thứ sáu, liên hệ chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà đầu tư và xã hội để thực hiện các chức năng cung cấp vốn; phát triển mạnh hạ tầng và hệ sinh thái TTCK.

Phân tích thêm về một số quan tâm của các nhà đầu tư, Thủ tướng nêu rõ năm 2023 có thiếu điện cục bộ do điều hành không tốt. "Năm nay, chúng tôi rất quyết liệt để không thiếu điện và các nhà đầu tư có thể yên tâm về vấn đề này", Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng cũng đề nghị các nhà đầu tư, nhà phát hành tích cực tham gia công tác bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện quan điểm xuyên suốt lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là nguồn lực, động lực phát triển, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.

Thủ tướng cho biết Chính phủ, các bộ ngành sẽ triển khai các giải pháp góp phần nâng cao năng lực đầu tư, hiểu biết pháp luật, năng lực phân tích, tăng cường trách nhiệm của các nhà đầu tư, bởi "lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn".

Thủ tướng nêu rõ, năm 2024, Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, giữ vững ổn định chính trị - xã hội để nhà đầu tư yên tâm. "Chúng ta quyết tâm nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi trong năm 2025", Thủ tướng nhấn mạnh.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho biết, trong năm 2023, TTCK tiếp tục khẳng định vai trò kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế.

Mặc dù chịu ảnh hưởng từ nhiều thách thức, khó khăn từ bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước, hoạt động huy động vốn qua TTCK trong năm 2023 có sự khởi sắc, với tổng giá trị huy động vốn qua thị trường chứng khoán đạt 418.271 tỷ đồng, tăng 33,5% so với năm 2022.

Đối với TTCK, năm 2024 sẽ là năm tạo dựng các cơ sở cho sự phát triển TTCK trong trung và dài hạn, góp phần vào việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế năm 2024.

Xem thêm
Nhiều dự án nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới tài trợ đạt kết quả tốt

Chiều 22/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới vùng Đông Á – Thái Bình Dương Manuela V. Ferro.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 1] Tính mạng trên hết

Phần lớn quãng đời của ngư dân gắn với biển. Biển cả mênh mông, trong khi bão tố rất bất thường, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn bị thiên tai đe dọa…

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.