Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) cho biết, bão số 3 (bão Yagi) và hoàn lưu mưa sau bão là đợt thiên tai nghiêm trọng, khốc liệt nhất trong nhiều năm qua ở Bắc bộ; xảy ra gần như đồng thời các loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm (bão rất mạnh, lũ lớn, đặc biệt lớn; lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt xảy ra trên diện rộng); tác động, ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội, thiết chế hạ tầng từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và miền núi.
Thực hiện nhiệm vụ và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, ngày 23/12, tại Yên Bái - một trong những tỉnh bị bão số 3 tàn phá nặng nề, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Sở Nông nghiệp và PTNT Yên Bái cùng các đơn vị liên quan phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Kinh nghiệm phục hồi sau thiên tai”.
Diễn đàn là dịp để các cơ quan quản lý chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương; các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện các cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng bởi thiên tai cùng nhìn nhận, rút ra bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác phòng, chống thiên tai. Từ đó đề xuất các phương án, giải pháp, quan điểm tiến tới xây dựng các cộng đồng xã hội an toàn hơn trước thiên tai.
11 giờ 10 phút
Phòng, chống thiên tai: Phòng là chính, dân là chính, cơ sở là chính
Theo ông Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Quỹ Cộng đồng Phòng tránh thiên tai, bên cạnh thiệt hại lớn về hạ tầng và nông nghiệp, hơn 90% thiệt hại về người do sạt lở và lũ quét. Vì vậy, cần rà soát lại năng lực phòng chống bão và thiên tai ở các tỉnh phía Bắc. Ông Phát nhấn mạnh: “Phương châm chỉ đạo phòng, chống thiên tai: Phòng là chính, dân là chính, cơ sở là chính”.
Trên cơ sở đó, cần tăng cường năng lực trung hạn và dài hạn, đặc biệt tập trung vào công tác dự phòng để chủ động ứng phó với thiên tai. Học hỏi kinh nghiệm quốc tế giúp nâng cao hiệu quả trong công tác dự phòng, từ đó dành nguồn lực hợp lý để triển khai cho những năm tiếp theo.
“Công tác dự phòng cần được triển khai qua 7 nhóm giải pháp, cụ thể: Rà soát và đánh giá các vùng có nguy cơ thiên tai, xác định các biện pháp ứng phó cụ thể cho từng khu vực; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm để đảm bảo thông tin kịp thời cho cộng đồng; tăng cường năng lực ứng phó ở cấp cơ sở, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động xử lý tình huống và nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp có khả năng chống chịu với thiên tai.
Các địa phương cần xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng, đồng thời cải thiện năng lực hệ thống chính trị. Bên cạnh hỗ trợ từng hộ gia đình, cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi và nâng cao khả năng chống chịu với thiên tai trong tương lai”, ông Phát cho biết.
Trong thời gian tới, Quỹ Cộng đồng Phòng tránh thiên tai dự kiến lắp đặt thêm một số trạm và thiết bị tự động đo mưa tại các điểm nguy hiểm, có khả năng sạt lở cao tại Yên Bái. Bên cạnh đó, Quỹ tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực cho các đội xung kích cấp cơ sở để ứng phó hiệu quả với các thiên tai xảy ra trong tương lai.
11 giờ 00 phút
Cục Thủy sản có văn bản hướng dẫn quy trình nuôi mới phù hợp với điều kiện bão lũ
Ông Lê Quang Hưng, Chuyên viên Phòng Nuôi trồng thủy sản (Cục Thủy sản), cho biết: Để ứng phó và giảm thiểu tác động của mưa bão đối với ngành nuôi trồng thủy sản, Cục đã ban hành các văn bản hướng dẫn quy trình nuôi mới phù hợp với điều kiện bão lũ hiện nay. Ngoài ra, Cục cũng xây dựng tiêu chuẩn lồng bè nuôi trồng thủy sản ngoài biển, mới nhất trình NĐ 67 về hỗ trợ chính sách phát triển thủy sản. Trong đó, bao gồm các quy định về hỗ trợ định mức và tiêu chuẩn lồng bè, phối hợp với Hiệp hội Nuôi biển để thống nhất quy chuẩn.
Tại địa phương, tỉnh Hải Phòng và Quảng Ninh đã xây dựng quy chuẩn riêng, triển khai mô hình phát triển công nghệ nuôi mới thân thiện với môi trường, cùng các công trình phụ trợ trên lồng bè nhằm nâng cao hiệu quả và khả năng chống chịu trước thiên tai.
10 giờ 50 phút
Tổng thiệt hại về kinh tế do bão số 3 gây ra lên tới gần 84.000 tỷ đồng
Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, bão số 3 và mưa lũ sau bão là đợt thiên tai nghiêm trọng, khốc liệt nhất trong nhiều năm qua ở Bắc bộ; xảy ra gần như đồng thời các loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm (bão rất mạnh, lũ lớn, đặc biệt lớn; lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt xảy ra trên diện rộng); tác động, ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội, thiết chế hạ tầng từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và miền núi.
Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhiều điểm sáng đã xuất hiện. Tại thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, Lào Cai, quyết đoán đưa 115 người dân đi tránh thiên tai an toàn. Cùng lúc đó, tại huyện Bát Xát, hiệu trưởng trường cấp 3 đã báo cáo chính quyền về vết nứt tại địa phương. Vị hiệu trưởng cùng các thầy cô đã đưa 141 thầy trò thoát khỏi nơi nguy hiểm. Hai tiếng sau, trường bị vùi lấp.
Cô giáo trường cấp 2 ở Thanh Hóa khi thấy ký túc xá của học sinh có dấu hiệu sạt lở đã kịp thời báo động, đưa hơn 200 người ra ngoài an toàn. 15 phút sau, ký túc bị vùi lấp.
Về ứng phó đê điều, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cho biết đơn vị đã phối hợp cùng các địa phương xử lý hơn 800 sự cố. Có thể kể đến cống Bún ở Bắc Giang, cống Nổ Thôn ở tả sông Mã, Thanh Hóa được xử lý kịp thời, giúp gần 60.000 nhân khẩu thoát hiểm. Ngay tại Yên Bái, người dân cũng rất phối hợp với chính quyền khi đi sơ tán, đề phòng phương án phải phá đập Thác Bà do lượng nước đổ về vượt mức thiết kế.
Bão Yagi và mưa lũ sau bão đã làm 345 người chết, mất tích; 2.041 người bị thương; 5.647 nhà bị sập đổ, 256.923 nhà bị hư hại, tốc mái; 281.153ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; 46.614 con gia súc, 4,8 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 805 sự cố đê điều; 2.524 công trình thủy lợi bị hư hại, sự cố; 194 tàu, thuyền, 18.220 lồng bè; 82.678ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, thiệt hại; 548km đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng, ách tắc với khối lượng sạt lở trên 15 triệu m3. Ước tính tổng thiệt hại về kinh tế trên 83.746 tỷ đồng, trong đó thiệt hại về nông nghiệp ước tính 38.086 tỷ đồng (chiếm 45% tổng thiệt hại về kinh tế).
10 giờ 45 phút
'Trao quyền cho thế hệ trẻ vì một tương lai an toàn trước thiên tai'
Bà Nguyễn Thị Thúy Ái, Trưởng phòng Thông tin, truyền thông (Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai), chia sẻ: Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai và Ngày ASEAN Quản lý thiên tai năm 2024 đã lấy chủ đề là “Trao quyền cho thế hệ trẻ vì một tương lai an toàn trước thiên tai”.
Đây là vấn đề được đánh giá là hết sức cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Việc trang bị cho thế hệ trẻ những kỹ năng cần thiết để có thể tự bảo vệ bản thân mình khi có thiên tai sẽ là sự đảm bảo cho tương lai của Trái đất.
Một thông tin đáng mừng là ở Việt Nam trong những năm gần đây, hoạt động này được đẩy mạnh; thế hệ trẻ được trang bị đầy đủ kỹ năng liên quan tới vấn đề này.
10 giờ 40 phút
Kiến nghị sớm xây dựng, triển khai bản đồ phòng, chống thiên tai
Theo ông Lã Tuấn Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình (Yên Bái), huyện đã kịp thời thực hiện tốt các nội dung quan trọng trong công tác khắc phục hậu quả bão lũ. Cụ thể:
Huyện Yên Bình đã tích cực tuyên truyền thông tin cảnh báo, đặc biệt là diễn biến thời tiết để người dân chủ động phòng tránh. Công tác lãnh đạo, chỉ huy được triển khai hiệu quả, huy động sự phối hợp giữa các lực lượng như Công an, quân đội để ưu tiên khắc phục nhà cửa sau bão và đảm bảo giao thông thông suốt. Đồng thời, tập trung khắc phục hậu quả trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp.
Sau khi thủy điện Thác Bà xả lũ gây ngập úng cho 4 xã, thị trấn thuộc địa bàn huyện, Sở NN-PTNT Yên Bái đã cử chuyên gia lên hướng dẫn khắc phục kịp thời. Sau bão, bà con được khuyến khích tăng cường sản xuất cây vụ Đông, hiện đã bắt đầu thu hoạch để thêm thu nhập trước Tết Nguyên đán.
Ông Hưng cho biết, huyện Yên Bình tạo điều kiện giải ngân sớm, đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm để để hỗ trợ xây dựng nhà cửa cho 102 hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất.
“Trong thời gian tới, tôi mong các cơ quan Trung ương và tỉnh Yên Bái sẽ sớm xây dựng và triển khai bản đồ phòng, chống thiên tai, cảnh báo kịp thời để bà con có thể chủ động ứng phó. Bên cạnh đó, khẩn trương bố trí lại hệ thống giao thông để đảm bảo đưa máy móc, phương tiện cứu trợ vào các khu vực có nguy cơ sạt lở và bổ sung các biển cảnh báo tại những khu vực nguy hiểm. Đặc biệt, khi Nhà máy Thủy điện Thác Bà 2 đi vào hoạt động, cần có quy trình điều tiết lũ hợp lý và hệ thống dự báo sớm, tránh tình trạng xả lũ với lưu lượng quá lớn, gây ngập úng và thiệt hại cho bà con trong khu vực”, ông Hưng nói.
10 giờ 30 phút
Thủy sản Yên Bái đảm bảo sản lượng theo kịch bản tái thiết
Theo ông Hoàng Ngọc Đại, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Yên Bái, tỉnh đã chịu thiệt hại nghiêm trọng với diện tích ngập tràn hơn 10.000ha, ảnh hưởng lớn đến hoạt động nuôi trồng thủy sản. Chi cục Thủy sản Yên Bái đã gửi công văn đôn đốc các địa phương tích cực triển khai các biện pháp khắc phục nhằm ổn định sản xuất và duy trì sản lượng.
Cụ thể, Chi cục đã phối hợp với 46 xã bị ảnh hưởng tổ chức xử lý môi trường thiệt hại sau bão, đảm bảo an toàn cho hệ sinh thái ao hồ. Đồng thời, các loại cá giống có kích cỡ lớn đã được hướng dẫn thả lại vào ao bị ngập tràn nhằm phục hồi sản lượng. Công tác tuyên truyền đến các hộ gia đình nuôi trồng thủy sản cũng được thực hiện đồng bộ, giúp bà con hiểu rõ các biện pháp cần thiết để khôi phục sản xuất.
Nhờ các nỗ lực trên, đến đầu tháng 12, sản lượng thủy sản của địa phương đã tăng từ hơn 1.000 tấn lên 2.000 tấn, đảm bảo kịch bản đã đề ra.
Ông Đại đề xuất tiếp tục thực hiện nạo vét bùn đáy ao, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp chăm sóc đàn cá nuôi trong mùa rét.
10 giờ 15 phút
Tái thiết sau bão: Tinh thần tự lực, tự cường rất quan trọng
Yên Bái là tỉnh có sự phối hợp tốt của chính quyền, sở, ngành địa phương và người dân trong các vấn đề phục hồi dân sinh sau bão. Trả lời câu hỏi của nhà báo về những thách thức trong ổn định cuộc sống sau bão và hoàn lưu bão, ông Nguyễn Xuân Sang, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Yên Bái, nhấn mạnh tinh thần tự lực, tự cường của người dân.
Theo ông Sang, Yên Bái là địa phương có hoàn lưu sau bão nghiêm trọng, dẫn đến mưa lớn và sạt lở đất, khiến 27.000 ngôi nhà thiệt hại, 3.000 vị trí có nguy cơ sạt lở và ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 5.000 hộ dân. Sau bão, tỉnh sắp xếp ổn định cuộc sống người dân bị ảnh hưởng trực tiếp, ưu tiên với hình thức xen ghép và tại chỗ.
Tại địa điểm sạt lở, với những khu vực tương đối an toàn, tỉnh khuyến cáo người dân gia cố mái. Với những hộ không thể sắp xếp tại chỗ, tỉnh đã đề xuất xây dựng 12 khi tái định cư, để bố trí cho gần 800 hộ dân, với mức kinh phí trên 300 tỷ đồng, dự kiến triển khai ngay trong năm 2025.
“Việc tái thiết nhà cửa, sản xuất cho người dân cần nguồn lực vô cùng lớn, trong đó các chính sách hỗ trợ quy định, Nhà nước và xã hội hóa chỉ đóng một phần, ngoài ra cần đến sự tự lực, tự cường của chính người dân”, ông Sang cho biết.
10 giờ 5 phút
Cần xây dựng và mở rộng chương trình bảo hiểm nông nghiệp trong chăn nuôi
Tại Diễn đàn, ông Trần Trọng Tùng, Phó Trưởng phòng Khoa học, Công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế (Cục Chăn nuôi), thông tin, do ảnh hưởng của bão số 3, thiệt hại về chăn nuôi sơ bộ ước tính của 22 địa phương hơn 11.000 tỷ đồng.
Trước tình hình trên, Bộ NN-PTNT, Cục Chăn nuôi đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để nhanh chóng hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, người dân khắc phục hậu quả sau mưa bão, khôi phục hoạt động sản xuất.
Trong đó, các biện pháp trọng tâm khôi phục chăn nuôi gồm: xây dựng kế hoạch nhu cầu nguồn giống; khai thác, tận dụng triệt để nguồn thức ăn sẵn có; vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng đàn vật nuôi; thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; tuyên truyền, hướng dẫn người dân quản lý, chăm sóc đàn vật nuôi…
Ông Tùng cũng kiến nghị, nên cấp các gói hỗ trợ tài chính hoặc khoản vay ưu đãi cho hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng nhằm khắc phục thiệt hại nhanh chóng. Hỗ trợ bằng hiện vật như thức ăn, con giống, thiết bị sửa chữa cơ sở hạ tầng chăn nuôi bị hư hỏng.
Bên cạnh đó, miễn giảm lãi suất hoặc gia hạn nợ cho các hộ chăn nuôi và doanh nghiệp đang vay vốn ngân hàng, tạo điều kiện để phục hồi sản xuất. Đầu tư ngân sách để hỗ trợ xây dựng lại chuồng trại, cơ sở chế biến và hạ tầng kỹ thuật trong các khu vực bị thiệt hại. Khôi phục và cải tạo hệ thống giao thông nông thôn, điện, nước để đảm bảo điều kiện sản xuất.
Đồng thời, cấp bổ sung các nguồn lực để tiêm phòng, kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát trong điều kiện hậu bão, khi môi trường dễ bị ô nhiễm, dịch bệnh có thể lây lan nhanh chóng.
Đề nghị cung cấp các chương trình đào tạo ngắn hạn cho nông dân về kỹ thuật tái sản xuất, quản lý rủi ro sau thiên tai và nâng cao năng suất trong điều kiện khó khăn.
Cử chuyên gia nông nghiệp hỗ trợ trực tiếp tại địa phương để khôi phục đàn gia súc, gia cầm và tối ưu hóa chuỗi cung ứng thức ăn. Ngoài ra, đề xuất các chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, nhất là đối với những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhằm tránh tình trạng cung vượt cầu, giá cả giảm mạnh.
Đặc biệt, cần xây dựng và mở rộng các chương trình bảo hiểm nông nghiệp, giúp các hộ chăn nuôi giảm bớt gánh nặng tài chính khi đối mặt với rủi ro thiên tai.
9 giờ 50 phút
Trả lời câu hỏi: Thời gian qua, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đã có những giải pháp nào để giúp công tác phòng, chống thiên tai chủ động, hiệu quả, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai chia sẻ, các dự báo càng chính xác thì việc tổ chức phòng chống càng hiệu quả. Cho nên, ngoài dữ liệu của các cơ quan trong nước, Cục tham khảo dự báo của các nước bạn.
Bên cạnh đó, tăng thời lượng phát trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức dễ nhớ, dễ tiếp cận để đông đảo người dân dễ dàng tiếp nhận, chủ động ứng phó.
9 giờ 40 phút
Đề xuất Chính phủ giãn nợ với người dân, doanh nghiệp thủy sản
Ông Lê Quang Hưng, Chuyên viên Phòng Nuôi trồng Thủy sản (Cục Thủy sản), cho biết, bão và hoàn lưu bão số 3 khiến ngành nuôi trồng thủy sản thiệt hại gần 6.200 tỷ đồng. Theo Cục Thủy sản, đối với việc hỗ trợ tài chính cho người dân, đơn vị này đang tách ra làm “hỗ trợ do thiên tai” và “hỗ trợ do dịch bệnh”.
Một số người nuôi thủy sản ngoài miền Bắc được khuyến cáo chọn đối tượng nuôi phù hợp khí hậu, địa hình. Các doanh nghiệp được đề nghị có các biện pháp hỗ trợ cụ thể như giảm giá con giống, thức ăn...
Về giải pháp lâu dài, đại diện Cục Thủy sản đưa ra các giải pháp: Thống kê thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản (NTTS), hỗ trợ kịp thời cho người dân theo quy định. Làm việc với các ngân hàng, tổ chức tín dụng để khoanh nợ, giãn nợ và bổ sung gói vay mới để khôi phục sản xuất cho người dân. Huy động nguồn lực, đầu tư cơ sở hạ tầng vùng NTTS, đáp ứng điều kiện NTTS và phòng chống thiên tai, tổ chức vệ sinh môi trường vùng nuôi bị ngập, lụt sau thiên tai.
Rà soát, dự kiến nhu cầu con giống thủy sản, thức ăn, chất xử lý môi trường NTTS để sớm phục hồi sản xuất.
Kết nối với các nhà cung cấp để hỗ trợ người nuôi về vật tư phục vụ sản xuất. Rà soát các vùng nuôi tiềm năng để đầu tư, phát triển nuôi trồng thủy sản đảm bảo kế hoạch tăng trưởng của ngành, tăng khả năng chống chịu đối với các sự cố thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cục Thủy sản đề xuất Chính phủ có chính sách giãn nợ với người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản, bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp do bão Yagi.
9 giờ 30 phút
Cần chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp
Theo báo cáo tổng hợp của các tỉnh phía Bắc, diện tích lúa bị ngập úng, ảnh hưởng khoảng 285 nghìn ha, diện tích hoa màu bị ngập úng, ảnh hưởng khoảng 61 nghìn ha và diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp bị ảnh hưởng khoảng 115 nghìn ha.
Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Cây lương thực, cây thực phẩm (Cục Trồng trọt), cho biết: “Để nhanh chóng khôi phục sản xuất cho bà con, chúng tôi đã chủ động theo dõi sát sao khung thời vụ và diễn biến thời tiết thực tế, từ đó điều chỉnh cơ cấu cây trồng sao cho phù hợp.
Cụ thể, tập trung vào phát triển các loại cây vụ đông ưa lạnh, có khả năng bảo quản lâu dài và có thị trường tiêu thụ ổn định. Ngoài linh hoạt trong các phương thức làm đất, gieo trồng, chúng tôi đặc biệt chú trọng áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, giúp giảm thiểu chi phí đầu vào, tiết kiệm thời gian và lao động. Công tác phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng vụ đông và kiểm soát nguồn vật tư nông nghiệp cũng được triển khai mạnh mẽ.
Trong thời gian tới, Cục trồng trọt tiếp tục theo dõi sát sao tình hình thời tiết và thành lập các đoàn công tác đến tận địa phương để kiểm tra và hỗ trợ kịp thời, giúp bà con ổn định sản xuất và đạt hiệu quả cao nhất”.
Cục Trồng trọt đã phối hợp với các cấp có thẩm quyền để nhanh chóng chuyển trực tiếp lượng vật tư nông nghiệp và tiền mặt tới các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, xuất cấp 300,09 tấn hạt giống cây trồng các loại, cấp cho các tỉnh Quảng Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang, Lào Cai, Thái Nguyên, Yên Bái.
Năm 2025 tiếp tục được dự báo là có những biến động thời tiết bất thường, ảnh hưởng đến sản xuất trồng trọt. Thêm vào đó, các thị trường nhập khẩu vẫn đang tăng cường các hàng rào kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu. Theo ông Vương, trong năm 2025, các tỉnh phía Bắc cần chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp dựa trên tình hình thời tiết khí hậu, cơ cấu mùa vụ, vật tư nông nghiệp và nguồn nước.
“Các tỉnh cần tập trung vào khôi phục sản xuất lúa và nâng cao sản lượng. Dự kiến, diện tích sản xuất lúa năm 2025 đạt khoảng 2.205 nghìn ha, giảm 23 nghìn ha so với năm 2024. Năng suất lúa dự kiến đạt 58,8 tạ/ha, tăng 1,5 tạ/ha, với sản lượng đạt 12,96 triệu tấn, tăng 194 nghìn tấn so với năm 2024. Bên cạnh đó, các địa phương cần chuẩn bị nguồn giống dự phòng và vật tư nông nghiệp để kịp thời ứng phó với thiên tai, đảm bảo duy trì sản xuất trồng trọt ổn định cho bà con nông dân”, ông Vương cho biết.
9 giờ 20 phút
4 kinh nghiệm ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai của Yên Bái
Yên Bái là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của hoàn lưu bão số 3 trong tháng 9. Ước tính tổng thiệt hại 5.738,2 tỷ đồng. Những thiệt hại này đã gây ra tổn thất nặng nề đối với cộng đồng và cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sống của người dân trong khu vực.
Theo báo cáo của ông Nguyễn Xuân Sang, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Yên Bái, tổng cộng có 54 người chết, 42 người bị thương; 406 công trình thủy lợi hư hỏng, nhiều đê, kè bị vỡ, sạt lở nghiêm trọng; 30 công trình cấp nước sạch bị hư hỏng, ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ dân; 7.006ha diện tích cây trồng bị thiệt hại; 336.325 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 1.070ha diện tích thủy sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái cho biết, ngay khi có thông tin về bão số 3, Sở đã chủ động phân tích tình hình, dự báo những tác động có thể xảy ra, đặc biệt là đối với các khu vực có nguy cơ cao; Tổ chức sơ tán dân cư tại các khu vực nguy hiểm và tăng cường tuyên truyền, cảnh báo sớm.
Sở còn tham mưu cho Lãnh đạo tỉnh huy động lực lượng và phương tiện cứu hộ cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”, rất kịp thời ban hành Phương án số 01 nhằm tổ chức thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp để khôi phục sản xuất, góp phần ổn định đời sống người dân và các chỉ tiêu kế hoạch năm 2024.
Đến nay, những kết quả khắc phục, tổ chức sản xuất nông, lâm nghiệp sau bão số 3 là rất khả quan trên toàn lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, đê kè, công trình nước sạch nông thôn tập trung (27/30 công trình)... Theo ông Sang, dự kiến đến hết 31/12, toàn bộ các công trình còn lại để đảm bảo sản xuất nông nghiệp và cấp nước cho dân sinh sẽ hoàn thành.
Từ thực tế ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, tỉnh Yên Bái đã rút ra được một số bài học, kinh nghiệm quý báu.
Một là, dự báo chính xác về diễn biến các cơn bão trong mùa mưa, lũ, tăng cường thông tin tới các khu vực vùng cao, vùng sâu, vùng xa, nơi nguy cơ thiên tai cao, là rất cần thiết. Theo phương châm "4 tại chỗ", chuẩn bị sẵn sàng các lực lượng cứu hộ, phương tiện, vật tư và kinh phí sẽ giúp tỉnh nhanh chóng ứng phó và khắc phục hậu quả sau thiên tai.
Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, đa dạng hóa hình thức nâng cao nhận thức cộng đồng, giúp người dân nhận thức rõ mức độ nguy hiểm của thiên tai và chủ động phòng tránh. Duy trì sự phối hợp liên ngành bảo đảm tính kịp thời, vừa nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai trong tương lai.
Ba là, công tác di dời và tái định cư cần được chuẩn bị trước. Hiện trạng vẫn còn những trường hợp bị mắc kẹt do địa hình chia cắt, hoặc người dân chưa nhận thức đầy đủ về mức độ nguy hiểm. Do đó, việc xây dựng các phương án di dời, tái định cư cần được chuẩn bị từ trước, với các phương án cụ thể cho từng địa phương và từng khu vực nguy hiểm.
Bốn là, công tác khôi phục hạ tầng thiết yếu sau thiên tai, đặc biệt là các công trình thủy lợi, đường giao thông và nhà ở, phải được triển khai ngay khi tình hình ổn định, hỗ trợ nông dân bằng giống cây trồng, vật tư nông nghiệp kịp thời, tạo điều kiện để họ nhanh chóng khôi phục sản xuất.
9 giờ 10 phút
Khắc phục khoảng trống thời gian trong phân bổ viện trợ khẩn cấp
Chia sẻ về công tác khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão, ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai nhấn mạnh về sự khốc liệt của bão số 3 vừa qua. Từ Chính phủ đến Bộ NN-PTNT đã có những chỉ đạo quyết liệt nhằm nhanh chóng khắc phục hậu quả bão lũ.
Theo đó, Bộ NN-PTNT đang xây dựng dự thảo về Nghị định thay thế Nghị định 02 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo mong muốn của địa phương và tình hình thực tế về nâng mức hỗ trợ. Theo ông Hải, nguồn lực từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ khẩn cấp kịp thời nhằm khắc phục các hậu quả.
Ngoài ra, qua cơn bão số 3, có thể thấy sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan, trong đó có Bộ NN-PTNT về chỉ đạo công tác phục hồi sản xuất nông nghiệp. Trong đó, lực lượng khuyến nông các địa phương tích cực phối hợp để hỗ trợ bà con với phương châm “nước rút đến đâu, phục hồi đến đó”, bên cạnh huy động về kinh phí, còn hỗ trợ giống, hóa chất… kịp thời để xử lý nhanh tình hình.
Ngoài ra, Bộ NN-PTNT là cơ quan đầu mối đã phối hợp với Bộ Ngoại giao kịp thời huy động và tiếp nhận nguồn lực quốc tế, với những chuyến bay xuyên đêm đến các địa phương chịu thiên tai để phân bổ viện trợ. “Sau cơn bão số 3, chúng ta đã khắc phục được khoảng trống thời gian khi phân bổ và tiếp nhận các hàng thiết yếu đến người dân”, ông Hải cho biết.
Chia sẻ về bài học sau bão số 3, đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cho rằng, khi có thông tin về dự báo bão mạnh, cần có sự rà soát đối với các tỉnh, trong đó có các tỉnh miền núi, biên giới, nơi có tình huống về chia cắt giao thông, gây khó khăn cho liên lạc, khắc phục hậu quả thiên tai.
Không những vậy, cần huy động nguồn lực từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng trong và ngoài nước vào cuộc, trong đó có phục hồi về nông nghiệp. Phục hồi sản xuất cần gắn với sinh kế và phát triển cộng đồng. Ngoài ra, khối lượng thiệt hại về nông nghiệp công nghệ cao và các sản phẩm giá trị lớn nên cần có giải pháp đảm bảo an toàn trước thiên tai trong thời gian tới.
Ông Hải kiến nghị, trong thời gian tới cần kiện toàn bộ máy nhằm bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai được vận hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, kịp thời hơn và kế thừa, phát huy những điểm mạnh của tổ chức hiện có trong công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành.
Thêm vào đó, ông Hải cho rằng, thời gian tới cần rà soát, tổng hợp các dự án bố trí ổn định dân cư cấp bách do các địa phương đề xuất, rà soát, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi ở các vùng, các địa phương theo hướng thuận thiên, hiệu quả, bền vững hơn, an toàn trước thiên tai, nhất là với nông nghiệp công nghệ cao và các sản phẩm có giá trị lớn, xây dựng phương án phòng, chống thiên tai được thực hiện theo phương châm bốn tại chỗ…
9 giờ 00 phút
Thiên tai là phép thử năng lực của hệ thống phòng, chống thiên tai
Ông Lê Trọng Đảm, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, chia sẻ, mặc dù luôn đề cao tinh thần cảnh giác và xây dựng kế hoạch, kịch bản ứng phó theo phương châm “Hành động sớm để chủ động phòng, chống thiên tai”, nhưng những cơn bão mạnh hiếm gặp như bão số 3 (Yagi) xảy ra trong tháng 8 và tháng 9/2024 kéo theo hoàn lưu gây mưa lớn trên diện rộng đã tạo ra những đợt lũ lịch sử trên các lưu vực sông ở miền Bắc.
Nhiều bản làng, đô thị chìm sâu trong nước. Sạt lở diễn ra khắp miền Bắc. Hệ thống đê liên tiếp gặp những sự cố lớn nhỏ. Hàng vạn ngôi nhà, cơ sở sản xuất, công trình nước sạch, thủy lợi bị phá hủy, hư hại. Gió bão, mưa lớn, ngập lụt cũng xóa sổ nhiều diện tích hoa màu, chuồng trại chăn nuôi, ao bè nuôi trồng thủy, hải sản, cây lâm nghiệp của cộng đồng dân cư. Cùng với đó, hạ tầng lưới điện, hệ thống cây xanh đô thị bị gãy đổ la liệt. Những con số thống kê thiệt hại về vật chất và tính mạng của người dân khiến tất cả chúng ta đều cảm thấy ám ảnh!
Theo ông Lê Trọng Đảm, thiên tai là phép thử lớn nhất để kiểm chứng năng lực của hệ thống phòng, chống thiên tai. Qua cơn bão Yagi, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã chung sức, đồng lòng để vượt qua những thời khắc khó khăn nhất, cố gắng ở mức cao nhất để bà con vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai không bị đói, khát; những người yếu thế, người trong vùng nguy hiểm được hỗ trợ di tản đến nơi an toàn; công tác vận hành các hồ chứa lớn trên thượng nguồn các lưu vực sông đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến vùng hạ du.
Việc kêu gọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho công tác ứng phó sự cố thiên tai khẩn cấp cũng được triển khai rộng khắp và nhanh chóng. Đây là nguồn lực to lớn để hỗ trợ các địa phương và bà con tái thiết, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống. Sau hơn 3 tháng kể từ khi cơn bão Yagi đổ bộ vào đất liền, những dấu hiệu hồi sinh đã xuất hiện trên khắp những thôn làng, những vùng đất tang thương.
Diễn đàn “Kinh nghiệm phục hồi sau thiên tai” do Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai và Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái cùng các đơn vị liên quan phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức là dịp để cơ quan quản lý chuyên ngành từ Trung ương tới địa phương; các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng bởi thiên tai cùng nhìn nhận, rút ra bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác phòng, chống thiên tai. Từ đó, đề xuất các phương án, giải pháp, quan điểm để tiến tới xây dựng các cộng đồng xã hội an toàn trước thiên tai.
8 giờ 50 phút
Bão Yagi khiến Yên Bái thiệt hại gần 6.000 tỷ đồng
“Ảnh hưởng từ bão Yagi khiến Yên Bái hứng chịu mưa lớn, lũ quét, sạt lở. Tổng thiệt hại ước tính gần 6.000 tỷ đồng. Do đó, Diễn đàn hôm nay là cơ hội quan trọng cho người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ quan quản lý cùng ngồi lại với nhau, tìm ra hướng đi”, ông Nguyễn Thế Phước, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái, cho biết.
Chủ động ứng phó với mưa bão, tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết chuyên đề để hỗ trợ thiệt hại cho người dân, mức hỗ trợ cao hơn so với Nghị định 02 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Ông Phước cho biết, công tác khắc phục hậu quả được coi là nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, việc khôi phục sản xuất nông nghiệp được ưu tiên hàng đầu.
Theo lãnh đạo tỉnh Yên Bái, trong các đợt thiên tai, dù có sự chuẩn bị từ trước, nhưng khi bão lớn xảy ra, công tác cứu hộ, cứu nạn vẫn phải huy động rất nhiều nguồn lực. Do đó, việc chuẩn bị sẵn sàng các lực lượng cứu hộ, phương tiện, vật tư và kinh phí sẽ giúp tỉnh nhanh chóng ứng phó và khắc phục hậu quả sau thiên tai.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái đề nghị nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp cùng các đơn vị của chính quyền tỉnh cùng chung sức tiếp tục khôi phục sản xuất. Thông qua diễn đàn, ông Phước cũng mong muốn nhận được các sáng kiến, sự vào cuộc của các nhà đầu tư để tiếp tục giúp nông dân khôi phục sau bão.