| Hotline: 0983.970.780

Tổng Bí thư: Cà Mau phấn đấu trở thành vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL

Chủ Nhật 17/11/2024 , 20:55 (GMT+7)

Tổng Bí thư đề nghị Cà Mau khai thác lợi thế về biển, đảo, hệ sinh thái rừng ngập mặn; liên kết chặt chẽ với Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang để cùng phát triển.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau. Ảnh: TTXVN.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau. Ảnh: TTXVN.

Tiếp theo chương trình công tác tại Cà Mau, chiều 17/11, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác của Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu, địa phương phát huy hơn nữa vị trí địa kinh tế, quan tâm đến công tác quy hoạch và ưu tiên đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông. Bởi Cà Mau, cùng với Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, là một trong 4 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL.

Do đó, Cà Mau cần khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế về biển, đảo, hệ sinh thái rừng ngập mặn; đẩy mạnh hợp tác, liên kết chặt chẽ với 3 địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm nói riêng và các địa phương khác nói chung trong việc hoạch định chiến lược, huy động nguồn lực, cùng phát triển, cùng chia sẻ thành quả phát triển.

Đặc biệt, tỉnh cần có phương án tái bố trí dân cư theo hướng tập trung theo cụm nhằm tăng hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng. Qua đó xóa bỏ tình trạng cư trú phân tán, tập trung đất đai cho nhu cầu dự án đầu tư lớn cũng như phát triển mở rộng sau này.

Tổng Bí thư cũng đề nghị Cà Mau, tiếp tục đẩy nhanh tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản cho phát triển; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm cho phát triển kinh tế - xã hội; tập trung cải cách hành chính và chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Đồng thời, tỉnh chú trọng đầu tư phát triển giáo dục, y tế; khơi dậy vốn văn hóa bản địa giàu bản sắc, là một trong những nguồn lực để phát triển.

Tổng Bí thư chỉ rõ, cần thường xuyên làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn đoàn kết trong Đảng. Chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất; phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu.

Căn cứ kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2021 - 2024, tỉnh Cà Mau tập trung rà soát lại các chỉ tiêu, nhiệm vụ. Về công tác chuẩn bị tiến tới đại hội đảng bộ các cấp, tỉnh tập trung cho việc tiếp tục triển khai, quán triệt thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị và các văn bản có liên quan của Trung ương, của tỉnh; tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương của Trung ương.

Tổng Bí thư Tô Lâm tin tưởng, Cà Mau sẽ thực hiện thắng lợi và hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.

Nhân dịp này, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao tặng thiết bị y tế cho Phòng khám Đa khoa khu vực sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Tổng Bí thư đề nghị Cà Mau khai thác lợi thế về biển, đảo, hệ sinh thái rừng ngập mặn. Ảnh: TTXVN.

Tổng Bí thư đề nghị Cà Mau khai thác lợi thế về biển, đảo, hệ sinh thái rừng ngập mặn. Ảnh: TTXVN.

Theo Báo cáo của Tỉnh ủy Cà Mau, đến năm 2025, dự báo có 15/17 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội. 

Kinh tế đang phục hồi, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) dự báo tăng khoảng 6,53%; quy mô kinh tế tăng 1,4 lần so với năm 2020. GRDP bình quân đầu người ước đạt 72,6 triệu đồng/người/năm (tăng 36,2% so với năm 2020); cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Cà Mau dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm. 

Dự kiến đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 64/82 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 33%, diện mạo nông thôn, đô thị có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 0,56%/năm; hiện hộ nghèo chỉ còn 0,95%.

Bên cạnh những thành tựu, tỉnh Cà Mau đã thẳng thắn nhìn nhận và chỉ ra những khó khăn, hạn chế như: Ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tình trạng sụt lún, sạt lở bờ biển, bờ sông phức tạp; tăng trưởng kinh tế vẫn dưới mức tiềm năng, chưa ổn định và chất lượng tăng trưởng chưa cao; tiềm năng du lịch chưa được khai thác tốt; giảm nghèo chưa bền vững…

Xem thêm
Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.