Thông tin trên được bà Văn Thị Bạch Tuyết, Trưởng Ban tổ chức Thành ủy TP.HCM thông tin tại hội nghị triển khai tổng kết Nghị quyết 18 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trên địa bàn TP.HCM.
Theo bà Văn Thị Bạch Tuyết, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM thống nhất cao về quan điểm, chỉ đạo của Trung ương và xác định chủ trương của Bộ Chính trị về tổng kết Nghị quyết 18 và sắp xếp, hoàn thiện tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả phải được triển khai với quyết tâm chính trị cao nhất.
Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần phải thống nhất rất cao về nhận thức, tạo sự đồng thuận, chấp hành nghiêm trong hệ thống chính trị.
Theo bà Văn Thị Bạch Tuyết, nhiệm vụ sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy là công việc rất khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều người trong từng tổ chức, đòi hỏi phải sự đoàn kết, thống nhất, đồng thuận, quan tâm cao, dũng cảm và hy sinh lợi ích cá nhân, vì lợi ích chung của từng đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Trên cơ sở một số gợi ý, định hướng sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của Ban Chỉ đạo Trung ương, khi xây dựng đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố trên cơ sở sắp xếp theo hướng "Trung ương có bộ nào thì thành phố có cơ quan cấp sở tương ứng", đảm bảo nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao 1 cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính; khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực, nhiều tổ chức trung gian cồng kềnh, đảm bảo hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.
Sau khi rà soát tình hình tổ chức cơ sở đảng, hệ thống các cơ quan thuộc chính quyền thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đưa ra định hướng sắp xếp bộ máy bước đầu.
Đối với khối Đảng, đề xuất sáp nhập Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Thành ủy; nghiên cứu kết thúc hoạt động của 11 đảng đoàn; 3 Ban cán sự đảng và Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng TP.HCM. Thành lập mới 2 Đảng bộ trực thuộc Thành ủy gồm: Đảng bộ cơ quan đảng, đoàn thể, tư pháp TP và Đảng bộ Khối chính quyền TP.HCM.
Chuyển các tổ chức đảng trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TP, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, các tổ chức đảng trong các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ về thuộc Đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể, tư pháp TP.HCM.
Cùng với đó là chuyển các tổ chức đảng trong các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND TP và 24 đảng bộ cấp trên cơ sở về trực thuộc Đảng bộ chính quyền. Vẫn giữ nguyên 3 Đảng bộ Quân sự, Đảng bộ Công an, Đảng bộ Bộ đội Biên phòng TP.
Đảng bộ cấp trên cơ sở các Tổng công ty Nhà nước, các Đảng bộ Lực lượng Thanh niên xung phong TP, Đảng bộ Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP, Đảng bộ Ban quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP, Đảng bộ Cục Hải quan TP, Đảng bộ Viễn thông TP, Đảng bộ Bưu điện TP; Đảng bộ Đại học Quốc gia TP; Đảng bộ Khối Đại học, Cao đẳng TP; Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương tại TP; Đảng bộ Khối Doanh nghiệp TP; Đảng bộ Khối cơ sở Bộ Y tế; Đảng bộ Khối cơ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường (sau khi chuyển giao 11 tổ chức cơ sở đảng về trực thuộc Đảng bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường); Đảng bộ Khối cơ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (sau khi chuyển giao 25 tổ chức cơ sở đảng về trực thuộc Đảng bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Đảng bộ Sở Y tế; Đảng bộ Sở Giáo dục và Đào tạo; Đảng bộ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Đảng bộ Sở Giao thông vận tải).
Nghiên cứu chuyển giao một số tổ chức cơ sở đảng loại hình doanh nghiệp, sự nghiệp về trực thuộc các quận ủy, huyện ủy và thành ủy Thủ Đức. Sau khi sắp xếp theo định hướng trên, Đảng bộ TP còn 27 đảng bộ trực thuộc, giảm 24 đảng bộ.
Đối với khối chính quyền, nghiên cứu sáp nhập 10 sở: Sở Xây dựng, Sở GT-VT, Sở Quy hoạch và Kiến trúc; Sáp nhập Sở TN-MT, Sở NN-PTNT để thực hiện quản lý nhà nước về nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, chuyển nhiệm vụ của 2 sở này về các sở khác có liên quan. Đồng thời, chuyển Ban Quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao thành đơn vị trực thuộc.
Nghiên cứu sáp nhập Sở Du lịch và Sở Văn hóa và Thể thao, sáp nhập Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Khoa học và Công nghệ để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, chuyển đổi số.
Nghiên cứu kết thúc hoạt động Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, chuyển các chức năng qua Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Nội vụ, Sở Văn hóa và Thể thao.
Nghiên cứu kết thúc nhiệm vụ Sở An toàn thực phẩm, chuyển nhiệm vụ về Sở Y tế, Sở NN-PTNT và Sở Công Thương.
Sáp nhập Ban Tôn giáo vào Ban Dân tộc, sáp nhập Ban Quản lý khu công nghệ cao và Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Nghiên cứu sắp xếp các cơ quan Ban Đổi mới quản lý Doanh nghiệp, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao, Ban Quản lý Khu Chế xuất – Khu Công nghiệp TP và Văn phòng Thường trực Ban An toàn giao thông TP.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết cho biết, nếu thực hiện theo phương án này sẽ giảm 8 sở và 5 cơ quan hành chính khác thuộc UBND TP.HCM.
Ngoài ra, TP.HCM nghiên cứu sắp xếp các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND TP.HCM gồm các Ban Quản lý, đơn vị sự nghiệp báo chí, giáo dục y tế... Nghiên cứu kết thúc hoạt động, sáp nhập đối với một số Ban chỉ đạo cấp thành, chỉ giữ lại các Ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ cần thiết.
Đối với cấp huyện, nghiên cứu xây dựng đề án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy. Riêng TP Thủ Đức nghiên cứu đề xuất phù hợp với đặc điểm, tình hình.