Trước đó, vào tháng 3/2020, các chuyên gia Hoa Kỳ đã phải trở về nước do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; điều này đồng nghĩa với những lô hàng trái cây tươi của Việt Nam cũng phải tạm ngưng xuất khẩu sang thị trường nước này.
Tuy nhiên, tránh làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu, Cục BVTV đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APHIS) để đề nghị tạm thời cử nhân viên của Văn phòng APHIS từ Hà Nội vào TP.HCM để kiêm nhiệm công tác giám sát xử lý chiếu xạ .
Sau một thời gian gián đoạn do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhờ kiểm soát dịch bệnh tốt, phía Hoa Kỳ đã quyết định đặc cách cử chuyên gia kiểm dịch thực vật từ Hoa Kỳ trở lại Việt Nam làm việc vào ngày 2/9. Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho chuyên gia, hai bên đã phải thực hiện rất nhiều thủ tục trong bối cảnh hạn chế chuyến bay, quy định cách ly y tế…
Cho đến nay, chuyên gia của APHIS đã hoàn thành thời gian cách ly y tế, có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 và bắt đầu đến làm việc tại Trung tâm chiếu xạ Sơn Sơn. APHIS là đơn vị trực tiếp kiểm dịch, giám sát quy trình chiếu xạ nhà máy chiếu xạ Sơn Sơn ở TP.HCM. Đây cũng là nhà máy chiếu xạ duy nhất của Việt Nam được APHIS chứng nhận.
Theo ông Timothy Westbrook, chuyên gia APHIS, thông qua việc áp dụng công nghệ chiếu xạ thực phẩm tiên tiến và hàng loạt các tiêu chuẩn, quy cách ngăn ngừa dịch hại trên cây trồng. Đây là chương trình cung cấp dịch vụ cao cấp nhằm đẩy nhanh thủ tục nhập khẩu trái cây tươi nhiệt đới vào Hoa Kỳ. Chương trình kiểm tra trước khi xuất khẩu cũng được bắt đầu hoạt động từ năm 2008 với việc xuất khẩu trái thanh long tươi và đến nay chương trình đã phát triển với nhiều loại trái cây khác được phép xuất khẩu vào Hoa Kỳ.
Tại buổi họp báo, ông Ben Petlock, Tùy viên Nông nghiệp cấp cao của Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM chia sẻ: Phía Hoa Kỳ rất quan tâm, hỗ trợ cho công tác xuất khẩu trái cây tươi của Việt Nam nên đã đặc cách cử chuyên gia kiểm dịch thực vật trở lại Việt Nam làm việc. Đây cũng chính là việc thể hiện sự quan tâm và ủng hộ rất lớn của Hoa Kỳ đối với thương mại nông sản của Việt Nam; đồng thời cũng là hành động thiết thực của hai cơ quan kiểm dịch vật nhằm kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ.
Liên quan đến việc khai thông xuất khẩu trái cây sang thị trường Hoa Kỳ bình thường trở lại sau một khoảng thời gian “tắc đường”, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV vui mừng cho biết: “Chuyên gia kiểm dịch thực vật từ Hoa Kỳ hiện đã trở lại Việt Nam làm việc tại cơ sở chiếu xạ, cũng đồng nghĩa với việc trái cây tươi của Việt Nam sẽ xuất khẩu bình thường trở lại thị trường Hoa Kỳ. Tất cả trái cây tươi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đều phải được chiếu xạ dưới sự giám sát của chuyên gia APHIS và cơ quan kiểm dịch Việt Nam”.
Theo ông Trung, Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại nông sản vô cùng quan trọng của Việt Nam. Đối với xuất khẩu trái cây tươi, hiện hai bên đang áp dụng Chương trình kiểm tra trước khi xuất khẩu. Cho tới nay, Việt Nam đã có 6 loại trái cây được Hoa Kỳ cho phép nhập khẩu (thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa và xoài) đạt kim ngạch khoảng 20 triệu USD/năm.
Trong thời gian tới, Cục BVTV sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Đại sứ quán Hoa Kỳ, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ để kịp thời giải quyết mọi nội dung liên quan đến thương mại nông sản có nguồn gốc thực vật, góp phần thúc đẩy thương mại song phương. Nhờ vậy, từ ngày 25/3/2020 đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu được trên 2.000 tấn trái cây tươi sang Hoa Kỳ, góp phần hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp trong thời kỳ dịch Covid-19 đầy khó khăn này.
“Sự tăng trưởng thương mại nông nghiệp giữa hai nước là thành tựu rất quan trọng, trong vòng 25 năm qua tổng kim ngạch thương mại song phương đối với mặt hàng nông sản thực phẩm của hai nước liên tục tăng trưởng đạt 8 tỷ USD vào năm 2019. Điều này đã mang lại lợi ích cho nông dân và người chăn nuôi của cả hai quốc gia”, ông Ben Petlock nói.
“Ngay sau khi hoàn thành việc cách ly theo quy trình chống dịch thì chuyên gia của APHIS đã bắt tay ngay vào công việc giám sát các lô hàng trái cây Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, đây là sự hợp tác rất tích cực. Việc các chuyên gia của APHIS đang làm việc giám sát trực tiếp tại Nhà máy chiếu xạ Sơn Sơn hy vọng lượng trái cây xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ sẽ liên tục tăng và tăng hơn trong thời gian tới”, ông Hoàng Trung khẳng định.