Chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp
Tỉnh Lào Cai hiện duy trì nông nghiệp an sinh, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa; chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp. Tỉnh này tập trung phát triển 6 ngành hàng chủ lực và 5 nội dung đột phá để thực hiện Nghị quyết số 10 của Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, 6 ngành hàng chủ lực được đẩy mạnh gồm cây chè, dược liệu, cây chuối, cây dứa, cây quế và chăn nuôi lợn. 5 nội dung đột phá là chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; chuyển đổi đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị; đẩy mạnh các loại hình tổ chức, dịch vụ sản xuất gắn với chế biến, liên kết sản xuất; thực hiện giao đất, giao rừng, để phát triển kinh tế lâm nghiệp; đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới...
Nông nghiệp Lào Cai phát triển theo hướng đa giá trị, gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với du lịch, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2021 ước đạt trên 8.600 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng đạt 5,7%; giá trị sản phẩm/1 đơn vị ha canh tác ước đạt 85 triệu đồng, tăng 6,1% so với năm 2020.
Lào Cai cũng khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; sản xuất an toàn theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm được thực hiện tốt.
Biến những thứ không thể thành có thể
Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong cho rằng, lĩnh vực nông nghiệp của Lào Cai đã và đang thể hiện rõ vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế tỉnh nhưng như thế là chưa đủ. Lào Cai đề nghị Bộ NN-PTNT tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh Lào Cai một số nội dung liên quan đến thể chế, chính sách chung trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ phát triển, sản xuất giống (dược liệu, giống cây trồng, vật nuôi bản địa); chế biến, xúc tiến đầu tư thương mại, xây dựng trung tâm logistic tại Lào Cai; hỗ trợ xây các mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng thôn, bản kiểu mẫu khu vực biên giới…
Đồng thời, đề nghị Bộ NN-PTNT tổng hợp, trình Chính phủ cân đối, bố trí kinh phí để tỉnh Lào Cai tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng, thí điểm bán tín chỉ carbon, tạo nguồn lực để giữ rừng; hỗ trợ kinh phí thực hiện các mô hình phát triển nông nghiệp, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn, đặc biệt là công trình kè sông Hồng để giữ nước, quy hoạch không gian kết nối…
Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Lào Cai đã đạt được, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khuyến nghị, Lào Cai cần tạo dựng hình ảnh địa phương - hình ảnh Lào Cai. Lào Cai có nhiều khó khăn nhưng bù lại cũng có nhiều tiềm năng phát triển riêng, nếu “thiên không thời, địa không lợi” thì phải có cách tiếp cận khác, thay vì đi theo lối mòn.
Khi tài nguyên hữu hạn, sự sáng tạo càng trở nên vô hạn, biến những thứ không thể thành có thể, thông qua phát triển sản phẩm OCOP, đa dạng hóa sản phẩm, thay đổi cách tiếp cận thị trường, chuyển sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng ở các khâu.
Lào Cai cần tổ chức lại sản xuất, phát triển kinh tế hợp tác, chia sẻ hài hòa lợi ích; kêu gọi đầu tư vào khu vực kinh tế nông thôn.
Chuẩn hóa sản xuất theo yêu cầu thị trường; tổ chức các lớp cập nhật kiến thức, diễn biến thị trường, xây dựng các câu lạc bộ khởi nghiệp nông nghiệp. Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn phải làm sao để giảm chi phí, tăng chất lượng, tối ưu giá.
Chú trọng kinh tế nông thôn như hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, hình thành hệ sinh thái kinh tế nông thôn. Ngoài ra, Lào Cai cũng cần chuyển đổi mô hình nông thôn mới sang mô hình nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế nông thôn mà trọng tâm là kinh tế hợp tác, sản phẩm OCOP.