Diễn ra vào 22/4 hàng năm, Ngày Trái đất là phong trào quốc tế nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động bảo vệ môi trường. Tổ chức lần đầu vào năm 1970, đến nay, Ngày Trái đất được đông đảo người dân tại 193 quốc gia hưởng ứng.
Ba tháng đầu năm 2024, các nhà khoa học thế giới liên tiếp ghi nhận những kỷ lục về nhiệt độ cao nhất lịch sử. Nhằm thể hiện sự đoàn kết bảo vệ hành tinh, hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu, chủ đề Ngày Trái đất 2024 là "Hành tinh và Nhựa" (Planet vs Plastics), kêu gọi các nhà lãnh đạo, doanh nghiệp và người dân chung tay đạt mục tiêu giảm 60% sản lượng nhựa vào năm 2024. Chủ đề năm 2024 đồng thời kêu gọi cả thế giới chấm dứt việc sử dụng nhựa vào năm 2030.
Nhiều năm qua, hạt vi nhựa được tìm thấy ở đại dương, sông, nước ngầm, rừng núi, đất, cơ thể động vật... Nhiều loài động vật, thực vật vô tình ăn phải các hạt vi nhựa, vì đặc tính không tan và khó phân hủy nên các hạt này tích tụ lại trong cơ thể động vật, thực vật. Khi con người ăn phải chúng thì sẽ bị tích lũy hạt vi nhựa trong cơ thể, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Chủ tịch của Tổ chức Ngày Trái đất cho biết, với chủ đề về hạn chế sử dụng nhựa, sự kiện năm nay kêu gọi hành động mạnh mẽ để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ hệ sinh thái khắp nơi trên thế giới.
Dưới đây là 7 sự thật thú vị về Ngày Trái đất.
Ý tưởng về Ngày Trái Đất đến sau hàng loạt thảm họa môi trường
Năm 1970, các nhóm hoạt động môi trường ở Hoa Kỳ đều lên tiếng mạnh mẽ về sự cố tràn dầu, nhà máy thải chất độc hại, lạm dụng thuốc trừ sâu, phá rừng… Lần đầu tiên, qua sự kiện Ngày Trái đất, các nhóm này tìm thấy tiếng nói chung. Sự kiện được coi là biểu tượng của lòng đoàn kết hiếm có, nhận được sự hưởng ứng của toàn xã hội Hoa Kỳ.
Hơn 20 triệu người tham gia Ngày Trái đất 1970
Số lượng người tham gia khổng lồ đã làm tắc nghẽn đường phố ở Manhattan. Hàng triệu người đã diễu hành quanh trung tâm để lan tỏa nhận thức về bảo vệ môi trường, tham gia dọn dẹp đường phố.
Ngày tổ chức phụ thuộc vào lịch học của thanh, thiếu niên
Ban tổ chức Ngày Trái đất lần đầu tiên đã ấn định ngày này để thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia, góp phần gây nhận thức xã hội. Ngày 22/4/1970 rơi vào giữa kỳ nghỉ xuân, ngay trước khi thi cuối kỳ, khi thời tiết đủ ôn hòa để sự kiện diễn ra thuận lợi.
Cơ quan Bảo vệ Môi trường được thành lập sau Ngày Trái đất đầu tiên
Ngày Trái đất lần đầu được tổ chức đã đánh dấu sự ra đời của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA). Thành lập chỉ 8 tháng sau sự kiện, EPA là cam kết bảo vệ môi trường của Quốc hội Hoa Kỳ khi thấy đông đảo công dân hưởng ứng Ngày Trái đất. Liên tiếp trong những năm đầu của thập kỷ 1970, các chính sách về môi trường được thông qua, gồm đạo luật về giáo dục môi trường quốc gia, sức khỏe nghề nghiệp, không khí sạch và nước sạch.
Ngày Trái đất lan rộng toàn cầu vào năm 1990
Năm 1990, các nhà quản lý môi trường đã hợp tác với Ban tổ chức Ngày Trái đất, lan tỏa phong trào bảo vệ môi trường đến 200 triệu người ở 141 quốc gia. Bước sang thiên niên kỷ mới, diễn ngôn của Ngày Trái đất trọng tâm gây nhận thức về biến đổi khí hậu. Từ năm 2020, hơn 1 tỷ người hưởng ứng ngày này trên toàn thế giới.
Thỏa thuận Paris được đưa ra cho các nước ký kết vào Ngày Trái đất 2016
195 nước thông qua Thỏa thuận Paris năm 2016 đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong nỗ lực giảm lượng khí thải nhà kính, mở ra hy vọng cho cả hành tinh. Nhằm hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu, Thỏa thuận Paris đã đề ra một mục tiêu tham vọng: giữ cho mức tăng nhiệt độ trái đất dưới ngưỡng 2°C và tiếp tục nỗ lực để hạn chế sự gia tăng ở mức 1,5°C vào năm 2100 so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Sự kiện dọn dẹp có quy mô lớn nhất lịch sử sẽ được tổ chức vào Ngày Trái đất 2024
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Trái đất năm nay, các nhà tổ chức hợp tác với các cộng đồng ở Malaysia để tổ chức hoạt động dọn dẹp lớn nhất trong lịch sử Ngày Trái đất. Đảo Penang, hòn đảo chính của Malaysia đang chịu tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa do thiếu kiểm soát hoạt động du lịch. Dự kiến ít nhất 100.000 tình nguyện viên sẽ dọn dẹp các bãi biển ở Malaysia và phát động chương trình trồng 1 triệu cây xanh.