'Ba họ' là ba 'họ' hay ba 'đời'?

Hoàng Tuấn Công - Thứ Ba, 17/05/2022 , 06:02 (GMT+7)

'Ba họ' trong câu 'Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời' (dị bản 'Ai giàu ba họ, ai khó ba đời') có nghĩa là gì?

Bìa sách “Bách khoa thư làng Việt cổ truyền”.

Về câu tục ngữ “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”, sách “Bách khoa thư làng Việt cổ truyền” (PGS Bùi Xuân Đính. NXB Chính trị Quốc gia - 2021) giải thích như sau: “Câu tục ngữ chỉ sự không ổn định về đời sống của các giai tầng xã hội trong nông thôn Việt trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Khái niệm “Họ” trong câu thành ngữ đồng nghĩa với từ “Đời” (hay thế hệ); không có nghĩa là dòng họ (huyết thống, tông tộc), vì dòng họ không phải là một đơn vị kinh tế…”.

Dù khẳng định “họ” đồng nghĩa với “đời”, nhưng PGS Bùi Xuân Đính không giải thích vì sao. Nói đúng hơn, cách giải thích “vì dòng họ không phải là một đơn vị kinh tế…” của ông thiếu thuyết phục, khiến không ít độc giả thắc mắc, hoài nghi.

Vậy, “ba họ” trong câu “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” (dị bản "Ai giàu ba họ, ai khó ba đời") có nghĩa là gì?

Đầu tiên, ta thử tìm trong từ điển. Về nghĩa từ vựng thì tất cả các cuốn từ điển tiếng Việt chúng tôi có trong tay đều giải thích “tam tộc” là “ba họ”, gồm họ cha, họ mẹ, họ vợ, và lấy ví dụ “Tru di tam tộc”. 

Trong khi đó, các sách từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam phần lớn chỉ thu thập và giải thích câu tục ngữ mà không thấy chú giải “ba họ” nghĩa ra sao. Riêng “Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương - NXB Tổng hợp TP.HCM - 2010) và “Tục ngữ lược giải” của Lê Văn Hòe (Quốc Học thư xã - 1952) giải thích rõ ràng như sau (trích lần lượt):

- “Ba họ: Họ của bản thân mình, của cha mình và của vợ mình; Ba đời: Đời của chính mình, của con mình và của cháu mình”.

- “Ba họ là họ bố, họ mẹ và họ vợ. Ba đời là đời cha, đời con và đời cháu”.

Vậy đúng sai thế nào?

Thực ra, “ba họ” trong “Ai giàu ba họ…” có nghĩa là ba “đời”.

- “Ba họ” là đối dịch từ hai chữ “tam tộc”. Mà “tam tộc”, được “Từ nguyên” (Thương vụ Ấn thư quán ấn hành - Trung Hoa Dân Quốc - Tục biên hợp đính bản 1940) giảng là: “Cha, con, cháu là tam tộc” (Phụ tử tôn vi tam tộc - 父, 子, 孫為三族). Về “cửu tộc” (chín họ), sách này giảng tiếp: “Thân thích từ cao tổ đến huyền tôn là cửu tộc” (Cao tổ chí huyền tôn chi thân vi cửu tộc-高祖至玄孫之親為九族). [*]

- “Hán ngữ đại từ điển” (La Trúc Phong chủ biên - Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã - 1993) giảng nghĩa “tam tộc” (ba họ) như sau:

1- Cha, con, cháu (Vị phụ, tử, tôn 謂父, 子, 孫).  

2- Họ cha, họ mẹ, họ vợ (Vị phụ tộc, mẫu tộc, thê tộc - 謂父族, 母族, 妻族).

3-Cha mẹ, anh em, vợ con (Vị phụ mẫu, huynh đệ, thê tử - 謂父母, 兄弟, 妻子).

Như vậy về nghĩa từ nguyên, chúng ta đã có cơ sở để cho rằng, “ba họ” trong “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời” là đối dịch từ “tam tộc”, với nghĩa đời cha, đời con, đời cháu. 

Về ngữ dụng thì trong tiếng Việt, “tam tộc” (ba họ) được hiểu là ba “đời”; “cửu tộc” (chín họ) được hiểu là chín “đời” không phải là hiếm gặp. Ví dụ:

- “Việt Nam tự điển” (Hội Khai trí Tiến đức), hay “Việt Nam tân tự điển” (Thanh Nghị) đều ghi nhận “cửu tộc” là “Chín họ, chín đời: 1- Kỵ (cao tổ). 2- Cụ (tằng tổ). 3- Ông (tổ). 4- Cha (phụ). 5- Mình (bản-thân). 6- Con (tử). 7- Cháu (tôn). 8- Chắt (tằng tôn). 9- Chút (huyền tôn)”.

- Vụ án Lệ Chi Viên, “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Thập lục nhật, sát Hành khiển Nguyễn Trãi tịnh thê Nguyễn Thị Lộ, tội cập tam tộc [十六日, 殺行遣阮廌并妻阮氏路, 罪及三族]. Bản dịch Hoàng Văn Lâu (Hà Văn Tấn hiệu đính - NXB Khoa học Xã hội - 1998), hai chữ “tam tộc” được đối dịch là “ba họ”: “Ngày 16, giết Hành khiển Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ, bắt tội đến ba họ”. Cách dịch này khiến ta không biết đích xác “ba họ” hiểu theo nghĩa nào trong ba nghĩa trích dẫn trên đây.

Tuy nhiên, bản dịch Cao Huy Giu (Đào Duy Anh hiệu đính - NXB Khoa học Xã hội - 1971), hai chữ “tam tộc” được dịch rõ là “ba đời”: “Ngày 16, giết Hành khiển Nguyễn Trãi và vợ lẽ là Nguyễn Thị Lộ, giết đến ba đời”! Dĩ nhiên, “ba đời” ở đây chỉ có thể hiểu là đời cha, đời con, đời cháu.

Đến đây sẽ có người thắc mắc, vậy liệu có thể vế đầu “ba họ” (tam tộc) là họ cha, họ mẹ, họ vợ, với nghĩa chỉ số lượng (“tất cả những người có quan hệ họ hàng” như bình luận của Trần Ngọc Đông (đã trích dẫn trên đây); còn vế sau “ba đời” là chỉ ba thế hệ? Rồi cả câu được hiểu: "Chưa từng thấy ai cả ba họ đều giàu; chưa từng thấy ai cả ba đời đều nghèo." (Nguyễn Đức Dương); “Không ai giàu có cả ba họ [họ bố, họ mẹ và họ vợ - HTC] và cũng không ai nghèo khó luôn ba đời” (Lê Văn Hòe) được chăng?

Câu trả lời là không!

Bởi “ba họ” và “ba đời” trong câu tục ngữ đang xét đều là đơn vị chỉ thời gian, không phải chỉ số lượng. Theo đây, ba họ/ba đời vừa có nghĩa cụ thể (đời cha, đời con, đời cháu), mỗi đời chừng 30 năm, nhưng lại vừa mang tính tượng trưng, ước lệ, ý chỉ sự lâu dài, mãi mãi.

Câu tục ngữ được hiểu với nghĩa khái quát, số phận con người, giàu hay nghèo không phải là nhất thành bất biến, mãi mãi giữ nguyên, mà sẽ thay đổi theo thời gian. Bởi thế, không thể vế đầu “ba họ” được hiểu với nghĩa số lượng (tất cả họ hàng thân thích nội ngoại), còn vế sau “ba đời” (đời cha, đời con, đời cháu), lại chỉ thời gian.

Một ví dụ khác. Tục ngữ Hán có câu đồng nghĩa “Phú bất quá tam đại, cùng bất quá ngũ phục - 富不過三代, 窮不過五服 (Giàu không đến tam đại, nghèo không đến năm đời). “Tam đại” là “ba đời” (cha, con, cháu), đối với “ngũ phục” là “năm đời” (cụ, kỵ, ông, cha, và bản thân mình), đều là những đơn vị chỉ thời gian.

Về phép cấu tạo tục ngữ, dân gian thường chọn lối nói có nhịp điệu, đăng đối chặt chẽ. Bởi vậy, "giàu" cặp với "khó"; "ba họ" đi với "ba đời" là một cách xử lý rất khéo, vừa đảm bảo ngữ nghĩa, lại có vần điệu, dễ đọc dễ nhớ. Cách nói này hiệu quả hơn nhiều so với giả định "Ai giàu ba đời, ai nghèo ba đời".

Lời dân gian “Đất có tuần, dân có vận”, “Sông có khúc, người có lúc”… “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”, phản ánh sự biến thiên, thay đổi theo quy luật phát triển của cá nhân, dòng họ, cộng đồng, đất nước... Bởi vậy, dù kinh tế xã hội phát triển ra sao, “ổn định” đến mức nào cũng không ngăn được chuyện đời cha là tỉ phú, đời con đời cháu đi ăn mày; đời cha đi ăn mày, con cháu thành tỉ phú… Theo đây, nhận xét câu “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” là “chỉ sự không ổn định về đời sống của các giai tầng xã hội trong nông thôn Việt trước Cách mạng Tháng Tám 1945” của PGS Bùi Xuân Đính e rằng khiên cưỡng.

Như vậy, PGS Bùi Xuân Đính đã đúng khi cho rằng, “họ” ở đây đồng nghĩa với “đời” hay “thế hệ”, chứ không phải “dòng họ”. Tuy nhiên, ông lại sai khi giải thích sở dĩ “họ” “không có nghĩa là dòng họ (huyết thống, tông tộc), vì dòng họ không phải là một đơn vị kinh tế…”. Giải thích như vậy thì không có lẽ khi “họ” được hiểu là “đời”, thì “đời” sẽ là “một đơn vị kinh tế”?

Hoàng Tuấn Công
Tin khác
Mạch nha Thi Phổ
Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.

Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm
Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Trên bia đá đền thờ tổ nghề chạm bạc Đồng Xâm có tuổi đời gần 600 năm ghi dấu ấn tinh hoa làng nghề và những điều răn dạy con cháu giữ nghiêm phép nghề.

'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc
'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

Nội dung của 'Hưng Hóa kí lược' có 12 đề mục, bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí.

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn với chùm thơ về vẻ đẹp đô thị năng động và bao dung, đã được trao giải nhất cuộc thi thơ ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’ năm 2024.

Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.

Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái
Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.

Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm
Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.

Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia
Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư ở tuổi 104 được trao giải A của Giải thưởng sách quốc gia 2024 với công trình nghiên cứu về lịch sử đô thị phương Nam.

Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.