
Nhà thơ Nguyễn Ngọc Thu thời gian du học tại Liên Xô năm 1987.
Thành hoàng làng Đông La được truyền tụng có tên khai sinh là Hoàng Trân. Năm 1268, Hoàng Trân 19 tuổi được triều đình cử về xứ Thanh Miện để trấn áp thảo khấu. Khi đặt chân đến làng Đông La, Hoàng Trân không chỉ đem lại yên ổn cho cư dân mà còn góp phần thúc đẩy khai khẩn đất đai, mở rộng canh tác. Năm 1449, vua Lê Thái Tổ sắc phong Hoàng Trân là “Đương cảnh Thành hoàng”.
Chôn nhau cắt rốn ở thôn Đông La, xã Hồng Quang, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương nên từ nhỏ nhà thơ Nguyễn Ngọc Thu đã dành sự tôn kính đặc biệt cho Thành hoàng làng Đông La. Sau mấy chục năm xa quê, để tham gia quân đội, rồi xuất ngũ trở thành giảng viên Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM đến ngày nghỉ hưu, nhà thơ Nguyễn Ngọc Thu luôn ôm ấp món nợ được viết về Thành hoàng làng Đông La.
Sau 5 tập thơ, nhà thơ Nguyễn Ngọc Thu ở tuổi 78 đã ra mắt tập diễn ca “Ngọc phả Thành hoàng” với tinh thần hướng về nguồn cội: “Cuộc sống phải có niềm tin/ Tâm linh, đức độ mới nên con người/ Đồng bằng Bắc bộ bao đời/ Sông Hồng tưới mát đất bồi phù sa/ Một vùng châu thổ bao la/ Cho ta sức sống hương hoa thắm nồng”.
Người viết diễn ca mặc định là người kể chuyện dân gian. Hành trình của Thành hoàng làng Đông Lan được tái hiện bằng vần điệu, từ khi nhận lãnh trách nhiệm “Vì dân ổn định cơ đồ/ Sớm yên xã tắc phải trừ ác gian/ Chiếu theo sắc lệnh vua ban/ Ngài Hoàng Trân về trấn an đất này/ Mênh mông thẳng cánh cò bay/ Đất trời Thanh Miện cỏ cây mịt mùng” đến lúc chung lòng cùng người dân “Có đôi con mắt, bàn tay/ Dựng chòi khai phá, xứ này thêm đông/ Hóa thân cho những cánh đồng/ Chống thiên nhiên phải tập trung sức người/ Trồng tre chắn gió chống trời/ Đào ao lấy đất khơi cơi cửa nhà”.
Từng theo Hưng Đạo Vương đánh Nguyên Mông nên được đề bạt chức vụ cao hơn, nhưng ngài Hoàng Trân không màng tước vị nơi gác tía lầu son: “Hoàng Trân lập nhiều chiến công/ Triều đình phong chức nhưng ông không màng/ Chỉ xin trở lại xóm làng/ Nơi ông gắn bó cưu mang tình người”.

Diễn ca "Ngọc phả Thành hoàng".
Diễn ca không phải trường ca, không đòi hỏi những ẩn ý nghệ thuật của văn chương. Diễn ca “Ngọc phả Thành hoàng” dắt độc giả đi dọc chiều dài lịch sử, để ngâm ngợi, để hân hoan về bề dày truyền thống văn hóa một vùng đất. Noi gương tiền nhân, nhiều thế hệ thanh niên làng Đông La đã lên đường bảo vệ non sông khi ngoại xâm dày xéo Tổ quốc thiêng liêng: “Quên sao được các nghĩa ân/ Là đạo lý sống dân mình khắc ghi/ Bao cuộc kháng chiến trường kỳ/ Bao lớp người đã ra đi không về/ Họ mang theo cả tình quê/ Cây đa, giếng nước, con đê, mái đình”.
Bây giờ làng Đông La cũng như bao vùng đất khác của Hải Dương đã đổi thay trong bối cảnh hội nhập. Vì vậy, diễn ra “Ngọc phả Thành hoàng” cũng có những khúc reo vui: “Nhà cao ngói đỏ bên sông/ So với thành thị cũng không thua gì/ Đường quê nườm nượp người đi/ Xe hơi, xe máy rầm rì ngày đêm”.
Hơn nửa thế kỷ tha phương, diễn ca “Ngọc phả Thành hoàng” cũng là nỗi bái vọng của nhà thơ Nguyễn Ngọc Thu với làng Đông La: “Dù đi muôn dặm đường dài/ Đừng quên cái thuở sơ khai quê nhà/ Làm nên cốt cách ông cha/ Thấm vào tục ngữ dân ca muôn đời”.
Như chim có tổ, như cây có cội, mỗi con người đều có một cố hương để nhớ thương, để nương tựa, để mơ ước. Dùng diễn ca để bày tỏ tình cảm, cũng là một sự chọn lựa cần thiết. Diễn ca “Ngọc phả Thành hoàng” gần với văn chương bình dân hơn văn chương hàn lâm. Nhà thơ Nguyễn Ngọc Thu hiểu điều ấy, và ông đã ngồi xuống trong bóng mát Thành hoàng làng Đông La để nghe trái tim mình rộn ràng những bâng khuâng, bát ngát những hoài niệm, vương vấn những ngóng trông.
Hiện nay, nhiều làng quê có phong trào viết gia phả. Thế nhưng, một cuốn sử về làng đâu chỉ cần những số liệu, mà còn cần nhân vật được suy tôn một cách trân trọng. Diễn ca “Ngọc phả Thành hoàng” viết về huyền thoại Hoàng Trân cũng là một gợi ý thú vị. Bởi lẽ, thông qua hình thức diễn ca, vẻ đẹp của quá khứ được khơi dậy để nhắc nhở hôm nay: “Xóm làng gần trước kề sau/ Tối đèn tắt lửa có nhau bao đời/ Dù đi cuối đất cùng trời/ Đừng quên cha mẹ yên nơi giữ làng”.