![465022041_3994248964195714_7982148770290059282_n-110110_463.jpg](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/10/465022041_3994248964195714_7982148770290059282_n-110110_463-151943.jpg)
Nhà thơ Phạm Trung Tín.
Nhà thơ Phạm Trung Tín sinh ra ở thành phố Hải Phòng và lập thân ở TP.HCM. Bao nhiêu sóng gió đất cảng tích tụ những thanh âm réo gọi kỷ niệm trong ông để nguồn thơ khơi dậy. Còn bao nhiêu nghĩa tình phương Nam lại bồi đắp những rung động thôi thúc ông nuôi dưỡng miền thơ ấm áp. Cứ hồn nhiên và trong sáng, thơ Phạm Trung Tín đến với bạn bè và công chúng, qua các tập “Dặm dài ký ức”, “Miền tâm tưởng”, “Lời của đá”, “Khoảng thức”, “Đường chân trời”, “Đối diện chính mình”…
Có những nhà thơ, tác phẩm và cuộc đời của họ, có một khoảng cách nhất định. Thế nhưng, với nhà thơ Phạm Trung Tín, thì tác phẩm và cuộc đời của ông lại tương thích về phong vị. Đọc thơ sẽ hiểu con người. Ngược lại, tiếp xúc với con người sẽ phỏng đoán được phẩm chất thơ.
Nhà thơ Phạm Trung Tín đã có những trải nghiệm sống không ít thăng trầm và bôn ba. Thời thanh xuân của ông chấp nhận thử thách đạn bom, cho sự nghiệp thống nhất non sông và làm nghĩa vụ quốc tế trên chiến trường Campuchia. Trở lại nhịp điệu hòa bình, ông học tuyên giáo và học kinh tế, để được tiếp tục cống hiến cho đất nước thanh bình. Suốt hành trình ấy, ông luôn có thi ca đồng hành.
Nhà văn Kao Sơn, một đồng nghiệp gần gũi nhà thơ Phạm Trung Tín, cho biết: “Ông là người ít thổ lộ về những việc đã làm cho cộng đồng xã hội. Ông lặng lẽ như con ong cần mẫn hút nhụy hoa tạo mật nhưng không ồn ào phô trương hay vỗ ngực tự xưng đánh bóng tuổi tên mình.
Phải khơi gợi mãi, ông mới bật mí: Là một thương binh, cán bộ hưu trí, nhưng ông chưa hề nghĩ sẽ nghỉ ngơi, vẫn cần mẫn tham gia công tác của địa phương và làm thiện nguyện. Ông đã 39 lần hiến máu nhân đạo (với trên 50 đơn vị máu).
Năm 2014, ông đăng ký hiến xác cho Trường Đại học Y dược TP.HCM với tâm niệm khi qua đời vẫn có thể giúp ích cho khoa học. Đã ba lần ông dành dụm tiền trợ cấp thương tật, thông qua Hội Từ thiện Hải Phòng để xây dựng sửa chữa ba căn nhà tình nghĩa cho gia đình liệt sỹ. Hằng năm, ông cùng những người anh em chí cốt chắt chiu gửi quà về tặng các gia đình liệt sỹ của quê hương”.
Hiền lành, chân thành và hào hiệp. Với tính cách như vậy, thì Phạm Trung Tín gắn bó với thơ, cũng không có gì lạ. Thơ xưa nay vốn bao dung đứng gần những thiệt thòi, những mất mát, những cặm cụi. Cho nên, Phạm Trung Tín dễ dàng tìm thấy mình trong thơ. Và thơ giúp Phạm Trung Tín cất lên tiếng nói bịn rịn của ông. Đó là những vần điệu ân cần và tin cậy: “Trọng tri kỉ quý tri âm/ Rượu khao mặc khách - thơ tầm tao nhân”.
![z6303522458157_cdd3ed80a4f61f4c276bf67703c9c427-110547_153.jpg](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/10/z6303522458157_cdd3ed80a4f61f4c276bf67703c9c427-110547_153-151943.jpg)
Cuốn sách "Con chữ tấm lòng" vừa ra mắt của nhà thơ Phạm Trung Tín.
Thơ Phạm Trung Tín không nhiều đột phá ý tứ lẫn kỹ thuật. Ông cũng không dụng công tìm kiếm chữ cầu kỳ ấn tượng. Thơ ông như những trang nhật ký vỗ về trống vắng, an ủi âu lo. Đôi khi ông thở dài cho quá khứ chìm khuất “Đường xưa mờ dấu ngựa xe/ Nhà xưa đổi chủ, tiếng ve rã rời” và đôi khi ông sốt ruột cho thực tế lênh đênh “Được thua họa phúc muôn nhà/ Nhục vinh thiện ác chính tà hỏi ai?”.
Bằng tri thức và tấm lòng của mình, nhà thơ Phạm Trung Tín thấu hiểu “Đắng cay chua chát vô thường/ Đau vòng lao lý - ẩm ương cuộc cờ”, nhưng ông vẫn tìm được bài học khắc khoải từng gây nhiễu nhương lịch sử: “Một thời vua chẳng minh quân/ Ngụy cơ tử lấn lướt chân anh hùng/ Hiền lương không đất vẫy vùng/ Sĩ phu ngoảnh mặt dân cùng oán than”.
Nhà thơ Phạm Trung Tín luôn gượng nhẹ trong các mối quan hệ giữa con người với con người. Ông níu kéo con người ở cạnh con người, ông vun vén con người yêu thương con người. Cho nên, ông bày tỏ phẫn nộ trước những hiểm họa đe dọa sự tồn tại của con người: “Ta muốn biết trong hải trình sóng vỗ/ Biển có tự hỏi mình khô hạn sẽ về đâu” hoặc “Chúng ta đang cuồng quay trong tuần hoàn vô hạn/ Có lẽ nào đứng nhìn rồi chấp nhận sự tồn tại mong manh”?
Có thói quen vận dụng thể thơ lục bát để dẫn dắt cảm xúc cá nhân, nhà thơ Phạm Trung Tín có được những bồi hồi sau những bâng quơ sáu - tám, lúc thả lỏng thương nhớ vào tơ vương riêng tư “Tay cầm ly chạm nhẹ tênh/ Giật mình đáy cốc lênh đênh phận người/ Xa xôi trăng khóc hay cười/ Cùng ta tròn khuyết - chín mười tỉnh say” và cả lúc nôn nao cắt móng tay cho mẹ già “Ngón gầy gân guốc nhăn nheo/ Đồng sâu ruộng cạn đói nghèo trả vay/ Trời thương con được cầm tay/ Để xoa dịu bớt đắng cay phận người”.
Con đường sáng tạo của nhà thơ Phạm Trung Tín tương đối bình lặng. Ông lấy xao xuyến trái tim mình để hiểu tha nhân, để đến thi ca: “Bảy mươi: mình hiểu mình hơn/ Chân như đã ngại đường trơn dốc cầu/ Đắn đo lắm những nông sâu/ Góp bao trải ngiệm thành câu vô thường”.
Sống thanh thản và viết ung dung như ông là một sự chọn lựa đáng trân trọng giữa vòng quay danh lợi sôi sục hôm nay. Bởi lẽ, xét cho cùng, ai cũng phải đối diện bản thân ở từng khoảnh khắc định mệnh, và ông nghiêm túc tự thú: “Chính mình đối diện mình thôi/ Hẹp vòng quay chậm gót rồi hoàng hôn/ Cộng trừ chi nữa dại khôn/ Cõi nhân sinh rối - phách hồn lạc xiêu”.