Muốn cho trộm chẳng đến nhà
Đề vào trước cửa: Đây là nhà thơ.
Giả sử không đề hai câu thơ trên, thì kẻ trộm cũng chẳng dại gì mà “sờ râu cọp”, bởi Bảo Sinh trước khi thành Thiền giả, đã là một võ sư có đai có đẳng nổi tiếng khắp gần xa. Nhưng chân dung của ông còn phong phú và phức tạp hơn thế nhiều, khiến một người thân quen ông như tôi cũng chỉ dám phác ra vài nét đơn giản nhất.
Bảo Sinh là trường hợp đặc biệt của văn đàn Việt. Đặc biệt từ tính cách, đến lối thơ mà ông theo đuổi. Đặc biệt cũng còn vì không biết định danh ông thế nào.
Có lẽ các nhà phê bình bỏ qua ông, vì không biết gọi tên hệ thống mỹ học (hoặc không biết ông có cái hệ thống ấy không) mà Bảo Sinh theo đuổi. Đồng nghiệp thì phần nhiều khen, nhưng nặng về xã giao, trong những lúc thù tạc.
Đối xử này của giới văn nhân gần giống với trường hợp của Bút Tre một thời. Nhưng Bảo Sinh không có chút gì lẫn với Bút Tre, mặc dù cả hai đều chủ ý biến mọi thứ thành trò chơi, mua vui cho mọi thành phần xã hội.
Bút Tre trào phúng hóa mọi thứ để cuộc sống bớt nặng nề, còn Bảo Sinh thì muốn vươn tới sự “tống cựu nghinh tân” bằng tiếng cười. Văn ông viết dựa trên những sự thật mà ông chứng kiến, trải nghiệm, nhưng nó thật đến nỗi chỉ thấy ở một tác phẩm hư cấu! Ngược lại, những gì ông hư cấu, lại giống với sự thật hơn bao giờ hết. Thơ ông cũng thế. Chỉ chuyên một loại thơ dân gian dựa chắc vào vần. Nhưng chỗ này thì đùa cợt theo kiểu nói chơi, tròng ghẹo của dân gian cốt gây cười, thậm chí theo kiểu đố tục giảng thanh, chỗ kia lại giống như kinh kệ, chả khác gì lời thánh nhân, hoặc đầy tính triết lý về kiếp người, cõi người, về thần phật có phần bí ẩn, sâu xa kiểu Lão Tử. Ông kéo các thần tượng xuống để xoa đầu, để bỡn cợt, đồng thời dựng tượng đài cho những thứ mà ngôn ngữ ngày thường cứ phải nói chệch đi nếu không muốn bị gán cho tội tục tĩu. Chuyện này khiến một biên tập viên đã bị vạ lây với ông(*).
Tôi biết đến tên Bảo Sinh qua các tác phẩm của nhà văn, cũng là bạn vong niên thân thiết của ông: Nguyễn Huy Thiệp. Nhiều truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, mỗi khi nhân vật nói kinh kệ hoặc tếu táo, tác giả phần nhiều có sẵn thơ của Bảo Sinh để chả phải tìm ở đâu xa. Mà nhân vật nào dùng lời thơ Bảo Sinh cũng ra ngay khẩu khí phù hợp với thân phận của nhân vật ấy. Nhưng nếu không có phần chú thích cuối trang, thì khá nhiều bạn đọc cứ nghĩ tác giả lấy ra từ các bộ Kinh của Ấn Độ hay Trung Hoa cổ. Tuy thế, lại không ít người, ví dụ như tôi, nghĩ rằng cái ông Bảo Sinh nửa người nửa thánh, hoặc do ông Thiệp bịa ra, hoặc là nhân vật sống từ thời Lý thời Trần nào đó tái thế.
Đã có không biết bao nhiêu người lầm tưởng thơ Bảo Sinh là ca dao hoặc tục ngữ. Nhiều câu thơ của ông được dân vỉa hè, các bà hàng rau hàng thịt ở chợ, thậm chí cả đám cửu vạn nằm chờ việc dài cổ nơi vệ đường cũng thuộc nằm lòng, sểnh ra là ngâm nga cho tiêu sầu, quên đi cảnh khốn khổ của họ. Rồi cứ thế nó biến báo thành hàng chục dị bản. Những khổ thơ dẫn ra đây, chỉ là một vài trong vô số những gì Bảo Sinh đã sáng tác và lập tức được/bị dân gian hóa:
“Có thể mua được người yêu/Không ai mua được cách yêu của người”.
“Yêu là nhớ ít tưởng nhiều/Yêu là chẳng hiểu mình yêu cái gì”.
“Bà ơi cháu quý bà thay/Quý bà một nỗi bà hay cho quà”.
Hoặc như khổ thơ bên dưới, cứ tưởng chỉ cần buột miệng cũng nói ra được, nhưng ngẫm kỹ thì phải sống cật lực, nghĩ cật lực, tu đến đầu đến đũa mới có thể “ngộ” ra. Đùa, nhưng không chỉ đùa; tếu táo nhưng không chỉ tếu táo. Ngoài ra, ai muốn hiểu thế nào tùy theo hoàn cảnh của họ cũng chả có gì sai:
“Tuổi già như lá mùa thu/Cái răng thì rụng, cái cu thì mềm”.
“Người thường bàn chuyện ngu xưa/Mấy ai bàn chuyện bây giờ ngu hơn”.
“Hôm xưa lên tỉnh về làng/Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi/Bây giờ quần trễ rốn lồi/Khổ tôi, khổ cả bố tôi đang thiền”.
Và thỉnh thoảng cái ông Bảo Sinh “vô sở cầu” như ông hay nói, lại khiến ta giật mình vì tầm vóc trí tuệ, tư tưởng trong những câu thơ vu vơ rơi ra từ miệng ông:
“Khi đi qua cửa nhà thờ/Hãy đi như đứa trẻ thơ về nhà”.
Triết lý, triết học đến thế chứ còn thế nào nữa?
Tôi chủ định không trích dẫn Bảo Sinh, bởi ngày ngày thơ của ông, cả bản chính lẫn các dị bản, vẫn đang quanh quẩn ở bất cứ nơi nào người ta muốn giải khuây, muốn chọc ghẹo, muốn chửi ngầm, muốn tự nhạo… Và còn vì số người trích thơ ông, cả đúng cả sai, đã đông mà vẫn không ngừng tăng lên.
Một buổi sáng nào đó, thấy hiện lên số điện thoại lạ, tôi đã không định nghe. Nhưng có thể là số phận muốn tôi gắn bó với ông, nên tôi phá lệ. Từ phía bên kia, giọng ông nhẹ nhàng: “Bảo Sinh đây!” Thì sao? Tôi đã suýt buột miệng hỏi lại. Nhưng mà… Bảo Sinh, “ồ, có phải bác là nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp?” - chả hiểu sao tôi thấy lúng túng. “Ông Thiệp là bạn tôi”. Giọng ông vẫn nhẹ nhàng.
Vậy là đúng rồi. Nghe nói ông này kiêu ngạo lắm, lại là bạn của ông nhà văn lớn từng mắng tôi “sấp mặt” vì dám nuôi ý định biên tập chữ của ông ấy (tôi có kể chuyện này trong một cuốn hồi ký), gọi mình có việc quái gì nhỉ. Thì cứ hẹn xã giao có chết ai. Hóa ra ông đã ở rất gần cơ quan tôi rồi mới gọi, một lối hành xử lãng tử rất Bảo Sinh. Lát sau thì ông xuất hiện ở cửa phòng làm việc của tôi, quần áo chỉn chu, vẫn giữ nguyên tác phong, dung mạo của một công tử Hà Thành xưa. Tuy thế, ông lại khiêm tốn tìm chỗ ngồi, lui vào phía góc, dù tôi đã dành cho ông chỗ chính giữa.
Chuyện qua lại, ông nói ông muốn xuất bản sách, dù ông Thiệp phản đối rất dữ. Tôi không hỏi gì thêm, chỉ lễ phép đón tập bản thảo có tên "Bát Phố". Sau này tôi biết nó là tập ghi chép lãng mạn, nhiều chất thơ nhất về Hà Nội. Nó có yếu tố hồi ký nhưng cơ bản vẫn là một ghi ghép, một câu chuyện kể dài, rất đẹp, rất tinh tế, rất độc đáo cả trên phương diện nhân chứng và độ độc đáo của các chi tiết, về Hà Nội kinh kỳ một thời đang lặng lẽ đi vào lãng quên. Thú vị ở chỗ, hóa ra từ trước tới nay ông mới chỉ có thơ truyền khẩu, chứ chưa có tác phẩm in thành sách bao giờ. Và trong khi người ta chỉ biết đến và thuộc loại thơ đậm phong vị dân gian của ông, thì cuốn sách đầu tiên ông muốn xuất bản lại là tập văn xuôi đẹp đến đài các.
Trong bữa cơm do ông mời sau đó vài tuần để nghe tôi nhận xét về "Bát Phố", nhà thơ Trần Quang Quý buột miệng bảo: “Thơ của bác phải vài chục năm nữa mới có thế xuất bản”. Nghe lãnh đạo một nhà xuất bản nói vậy ông không hỏi lý do, không hề buồn hay ngạc nhiên, không làm mình làm mẩy, không coi đó là chuyện gì nghiêm trọng, mà chỉ cười.
Sau này, trái với lo lắng của Trần Quang Quý, mấy tập thơ của ông được xuất bản liền tù tì và được đón đọc rộng rãi, được nhiều đồng nghiệp tung hô ầm ỹ, mỗi khi gặp nhau, ông vẫn giữ nguyên xi nụ cười…rất Bảo Sinh và trở thành nét chân dung “bất hủ” của ông.
(*) Trong cuốn “Huyền Ngôn” của Bảo Sinh, Nhà xuất bản Hội nhà văn 2016, có hai câu thơ: “Đạo nào tóm lại cũng là/ Âm dương-đực cái-đàn bà-đàn ông” và một đoạn văn như sau: “Lão hòa thượng khi sắp hóa, tâm nguyện được ngắm Âm hộ. Đệ tử thỏa mãn ý thầy. Ngắm đi ngắm lại Âm hộ, lão hòa thượng buông lời thõng thượt: “Cũng giống như ngôi chùa”.
Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT-TT) đã gửi hai công văn nhắc nhở Nhà xuất bản, yêu cầu cắt bỏ đi câu thơ cùng đoạn văn bị cho là “tục tĩu” trên.