'Trời đã mới người càng nên đổi mới'

Phạm Xuân Nguyên - Thứ Hai, 27/01/2025 , 06:16 (GMT+7)

Bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ta hãy cùng đọc, cùng ngẫm để cùng thấm tư tưởng sống này của Phan Bội Châu.

Phải sống tự hào tin tưởng cho tương lai dân tộc chứ không được sống tủi với tổ tiên giống nòi. Tôi như nghe Phan Bội Châu đang nói vọng về giữa xuân này!

Mỗi năm Xuân về Tết đến, trong niềm mong mỏi một chu kỳ thời gian mới của đất trời đến với nhân gian, tôi lại nhớ tới câu thơ này của nhà chí sĩ Phan Bội Châu (1867 - 1940). Câu thơ ở trong bài “Bài ca chúc Tết thanh niên” ông làm đầu xuân 1927 tặng học sinh trường Quốc Học và trường Dòng ở thành phố Huế đến chúc thọ ông tuổi 60.

Thưa các cô các cậu lại các anh

Trời đã mới người càng nên đổi mới

Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội

Ghé vai vào gánh vác cựu giang san

Ông kết lại bài thơ bằng mấy chữ trong kinh điển Nho gia “nhật nhật tân, hựu nhật tân” (ngày ngày mới, lại thêm ngày mới). Từ đó, ngót đã trăm năm, lời chúc tết cũng là lời kêu gọi này của “Ông già bến Ngự” càng trở nên gióng giả thúc giục mỗi khi đất nước chuyển mình vào một chu kỳ lịch sử mới.

Phan Bội Châu dấn thân vào con đường ái quốc bằng khát vọng cháy bỏng là cứu nước nhà ra khỏi cảnh nô lệ dưới ách thực dân Pháp. Mọi chủ trương đường lối cứu nước của ông đều nhằm mục đích đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi bờ cõi Việt Nam, giành lại độc lập cho dân tộc. Ông theo đường lối cách mạng bạo động.

Ông tin vào sự “giúp sức” của Nhật Bản, một nước “đồng văn đồng chủng” đã theo phương Tây mà duy tân được đất nước. Ông tin ở lòng ái quốc của đồng bào mình. Nhưng càng trải nghiệm thực tế cách mạng theo đường lối của mình ông càng thấm thía sự phải đổi mới cách nghĩ cách cảm của người dân nước mình. Muốn có “tân vận hội” thì người của “cựu giang san” phải đổi khác.

Ông ngậm ngùi thấy mình sinh ra lạc thời, bị vướng vào cái sự học khoa cử ràng buộc làm cho không thể theo kịp với trào lưu mới của thế giới. Ông coi đấy là “vết nhơ” của đời mình.

Tôi từ nhỏ tới lớn, vốn có tư chất thông minh, công phu đèn sách dùi mài cũng không bê trễ, nhưng kể đến sự kết quả, chẳng qua chỉ là sự học khoa cử mà thôi. Vì lúc bấy giờ, lối học khoa cử của nhà Thanh, đang sôi nổi như gió cuốn mây bay, người nước mình bắt bóng theo chân, chỉ sợ không giống như người Tàu. Bà con ta muốn cưỡi mây lướt gió, không thể nào không mượn con đường khoa cử, dầu ai có muốn chẳng theo thời đi nữa, cũng không có đường học nào mà đi. Than ôi! Chổi cùn trong nhà, tự mình xem là của quý, sự ưa thích lâu đời đã thành thói quen thành ra rốt cuộc tôi cũng bị thời trang trói buộc, đến đỗi tiêu hao ngày tháng về nghiệp khoa cử gần hết nửa đời người. Đó là cả vết nhơ rất lớn trong đời tôi. (“Ra đời giữa lúc mất Nam Kỳ đã sáu năm”, Đào Trinh Nhất dịch từ chữ Hán).

Từ hoàn cảnh mình như thế, Phan Bội Châu cả đời sục sôi nhiệt huyết cứu nước và mong chờ, tin cậy ở lớp người trẻ. Khi chủ trương phong trào Đông Du, ông “Hô hào thanh niên sang Nhật cầu học”:

Dòm quanh thế giới như rồng bay hổ thét, như điện chớp mây tuôn, nhân tài có ngàn thứ muôn thứ, không có vẻ nào mà không mới lạ. Ngay đến một xó Đông Dương này, nước nhà mình so sánh đã đủ thua kém, người ta muôn phần, mình chẳng có một, còn nói Âu Mỹ làm gì? Bởi vậy, nuôi dựng nhân tài là việc cần kíp của mình, không đợi phải nói nữa. Song muốn nuôi dựng nhân tài ta phải làm sao bây giờ, vì cái thực quyền giáo dục nằm cả trong tay chính phủ Pháp bảo hộ? Dầu vậy mặc lòng, anh em chúng tôi còn đây, không lẽ nào bó tay chịu chết sao đành. Giờ chỉ có cách là kêu gào bọn thiếu niên trong nước tỉnh dậy, liều mình trốn ra nước ngoài học tập, như thế thì ta được tự do mở mang trí khôn, mà nước nhà mới chóng có nhân tài đẻ ra được nhiều. (“Ngục trung thư”, Đào Trinh Nhất dịch từ tiếng Hán).

Ông hướng đến người trẻ, hô hào người trẻ đưa vai gánh vác công việc của nước nhà. Cứ mỗi độ năm hết Tết đến ông đều có thơ tặng thanh niên kêu gọi họ hướng đến việc giải phóng dân tộc, làm cho đất nước đổi thay số phận. Xuân xanh với bạn đầu xanh/ Mới thời mới mãi cho mình mới theo (1928). Cảm hứng đó không bao giờ vơi cạn trong tâm trí Phan Bội Châu. Nó tuôn trào thành những lời thơ lời văn thôi thúc giục giã lòng người mà ông viết trong bất cứ hoàn cảnh nào trên bước đường hoạt động của mình. Duyên nợ mặn mà non nước cũ / Tình cờ gặp gỡ tháng ngày xuân… / Còn trời, còn đất, còn đây đấy / Ai nấy chia nhau gánh một phần (1928). Ông kêu gọi mọi người dân phải có tinh thần ái chủng, ái quần, ái quốc. Ông thức tỉnh đồng bào phải mở mang đầu óc giữa thời buổi sục sôi mưa Âu gió Mỹ.

Sóng khủng hoảng nghiêng trời sôi sục sục. Hãy chen vai tranh lấy cục sinh tồn. Gắng công lên đua khéo học khôn. Kho vô tận càn khôn đà chứa sẵn

(Xuân cảm, 1935)

Năm 1935 ấy, cách đây 90 năm, Phan Bội Châu ở tuổi 68, trong cảnh bị thực dân Pháp giam lỏng ở Bến Ngự (Huế), vẫn không nguôi nỗi lo dân nước. Tuy mình phải “một xó nằm co” nhưng ông vẫn thấy mình là “một lão ngông”, vẫn muốn hóa thân thành nước chảy khắp giang sơn để cổ vũ lôi kéo mọi người đấu tranh khôi phục giang san. Một xó nằm co một lão ngông / Mắt lòng soi khắp nỗi dân cùng / Ước thân này hóa nghìn muôn nước / Dạo bắc rồi nam, tây rồi đông (Vô đề, 1935).

Ông viết mười bài thơ Tết chúc đủ các tầng lớp người trong xã hội: công thương, lao động, nhà giàu, nhà văn, thầy tu, thợ thuyền… với mong muốn người tầng lớp nào cũng có sự đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Ông thức tỉnh quốc dân đồng bào khi rạng đông đến: Người đời hăm hở lo công việc / Mê ngủ còn ai tỉnh dậy trông. Hay những câu thơ giục giã quốc dân đồng bào dậy mà nghe tiếng gà gáy sáng: Vỗ cánh ba hồi khua chúng dậy / Chẻ then muôn cửa rước xuân về cho vận hội mới của non sông.

Năm 1905, Phan Bội Châu đã có bài chơi xuân với tinh thần rất hào sảng:

Nước non Hồng Lạc còn đây mãi, Mặt mũi anh hùng há chịu ri! Giang sơn còn tô vẽ mặt nam nhi, Sinh thời thế phải xoay nên thời thế. Phùng xuân hội, may ra ừ cũng dễ, Nắm địa cầu vừa một tí con con! Đạp toang hai cánh càn khôn, Đem xuân vẽ lại trong non nước nhà! Hai vai gánh vác sơn hà, Đã chơi, chơi nốt, ố chà chà xuân!

Bài thơ ông viết từ đầu thế kỷ XX đến nay đọc vẫn còn cảm được cái hừng hực của một con người chí lớn mang khát vọng lớn làm vẻ vang giống nòi trên trường thế giới. Suốt đời mình ông đã sống với chí lớn đó dù hạn chế của bản thân và hoàn cảnh lịch sử của thời đại đã không cho ông đạt được mục đích sự nghiệp cách mạng của mình. Nhưng cảm hứng sống của ông mãi truyền năng lượng sống cho từng người dân Việt mỗi khi đọc vào văn thơ ông để lại.

Năm thứ hai lăm của thế kỷ XXI, bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ta hãy cùng đọc, cùng ngẫm để cùng thấm tư tưởng sống này của Phan Bội Châu. Tưởng như ông đang thức dậy cùng ta sống vận hội mới hôm nay của nước nhà và chỉ mặt vạch tên những kẻ sống cản đường sự phát triển đi lên của dân tộc.

Sống tủi làm chi đứng chật trời. Sống nhìn thế giới hổ chăng ai? Sống làm nô lệ cho người khiến. Sống chịu ngu si để chúng cười. Sống tưởng công danh, không tưởng nước. Sống lo phú quý, chẳng lo đời. Sống mà như thế đừng nên sống. Sống tủi làm chi đứng chật trời.

Phải sống tự hào tin tưởng cho tương lai dân tộc chứ không được sống tủi với tổ tiên giống nòi. Tôi như nghe Phan Bội Châu đang nói vọng về giữa xuân này!

Phạm Xuân Nguyên
Tin khác
Nhà nghiên cứu đam mê khám phá phong tục thờ cúng cổ truyền
Nhà nghiên cứu đam mê khám phá phong tục thờ cúng cổ truyền

Nhà nghiên cứu Trung Chính Quách Trọng Trà nhân dịp Tết Ất Tỵ vừa giới thiệu cuốn sách ‘Thờ cúng cổ truyền Việt Nam – Nghi lễ và thực hành nghi lễ’.

Sài Gòn cuối năm âm thầm bao nhiêu thương nhớ
Sài Gòn cuối năm âm thầm bao nhiêu thương nhớ

Sài Gòn cuối năm bao giờ cũng vội vàng, sự hối hả của đô thị phương Nam dường như dồn lại trong những tờ lịch cuối cùng rời khỏi bloc lịch.

Một tiếng cười xua tan mọi cay cực nhân gian
Một tiếng cười xua tan mọi cay cực nhân gian

Một tiếng cười từ người xưa luôn có sức gợi mở hy vọng cho người nay. Năm Ất Tỵ 2025, kỷ niệm 110 năm ngày sinh của nhà văn Nam Cao (1915 - 1951) thì thử tìm một tiếng cười trong trang viết tác giả tiêu biểu của dòng văn học hiện thực phê phán, cũng là điều thú vị.

Người làng... đã thành người phố
Người làng... đã thành người phố

Tốc độ đô thị hóa đáp ứng những nhu cầu mới xuất phát từ sự thay đổi cơ cấu và tính chất của cư dân nông thôn hiện nay dường như đang phát triển đầy tính tự phát và có nguy cơ dẫn đến phá vỡ những cảnh quan nông thôn bao nhiêu đời nay.

Cuối tháng Chạp chợt thương một giọng chợ xa xôi
Cuối tháng Chạp chợt thương một giọng chợ xa xôi

Cuối tháng Chạp chộn rộn người xe tất bật, những buổi chợ cũng vội vàng bao nhiêu giọng điệu gợi lên nhiều kỷ niệm xôn xao về năm cũ sắp trôi qua.

Những người đàn bà đi máy bay Pháp tìm chồng qua vùng giới tuyến
Những người đàn bà đi máy bay Pháp tìm chồng qua vùng giới tuyến

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ vào đầu tháng 5/1954, mẹ tôi và nhiều người phụ nữ ở Quảng Bình đã vào tận Huế để tìm và cùng chồng trốn lính trở về quê…

Đàn trâu của nhà thơ Phạm Đức
Đàn trâu của nhà thơ Phạm Đức

Thơ hay thường vận vào người. Chung cuộc, cho tới khi rũ áo ra đi, nhà Thơ Phạm Đức chỉ có một mình. Gia tài ông để lại là căn nhà bên mép sông Bùi còn chưa hết nợ, một tủ sách đồ sộ mấy trăm cuốn. Và đàn trâu…, gần hai trăm con.

Tác giả trẻ có một ‘dị bản’ được trao giải thưởng văn học
Tác giả trẻ có một ‘dị bản’ được trao giải thưởng văn học

Tác giả trẻ Nguyễn Đinh Khoa với truyện dài ‘Dị bản’ vừa được Hội Nhà văn TP.HCM trao giải thưởng văn học dành cho các cây bút dưới 40 tuổi.

‘Minh đạo sách’ trong ý thức sáng tạo của một người trẻ
‘Minh đạo sách’ trong ý thức sáng tạo của một người trẻ

‘Minh đạo sách’ là tác phẩm mới của nhà thơ Khúc Hồng Thiện, vừa được Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành, mang nhiều suy tư về tinh thần văn hóa Việt.

‘Linh khí quốc gia’ góp một ý tưởng cho bài ca giữ nước
‘Linh khí quốc gia’ góp một ý tưởng cho bài ca giữ nước

‘Linh khí quốc gia’ là ý tưởng được đại tá Trần Thế Tuyển viết thành trường ca, nhằm kêu gọi hành động thiết thực cho những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.

Có 3 vua Quang Trung giả sang mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi năm 1790?
Có 3 vua Quang Trung giả sang mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi năm 1790?

Cuốn sách 'Danh nhân Phan Huy Ích (1751 – 1822)' do Nguyễn Tuấn Cường- Đỗ Thị Bích Tuyển (chủ biên) phát hiện thêm 2 vua Quang Trung giả trong chuyến mừng thọ vua Càn Long.

Sự kiện

'Trời đã mới người càng nên đổi mới'

'Trời đã mới người càng nên đổi mới'

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt
Một tiếng cười xua tan mọi cay cực nhân gian

Một tiếng cười xua tan mọi cay cực nhân gian

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt
Người làng... đã thành người phố

Người làng... đã thành người phố

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt