Những tác phẩm cây cảnh nghệ thuật đình đám
Năm 2010, tại triển lãm Sinh vật cảnh chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, giới chơi cây sửng sốt trước tác phẩm “Mâm xôi con gà” của một đại gia ở Việt Trì, Phú Thọ tham dự triển lãm. Đó là một cây sanh nghệ thuật có tuổi đời trăm năm, với hình dáng độc lạ theo đúng các tiêu chí “cổ - kỳ - mỹ - văn” - 4 yếu tố được xây dựng theo văn hóa chơi cây của người phương Đông.
Tác phẩm cây sanh cổ này ngay lập tức gây sự chú ý của hàng ngàn người yêu cây khắp cả nước. Giới chơi cây đánh giá đây là một trong những tác phẩm có chất lượng tại triển lãm, là một trong số những tác phẩm cây cảnh nghệ thuật đình đám, hiếm hoi. Chủ nhân của nó sau đó đã chụp ảnh và in sẵn cả ngàn bức ảnh để tặng cho những “fan” hâm mộ của cây, cũng là cách thức quảng bá cây quý của người sở hữu.
Cây quý, đẹp đồng nghĩa với giá trị của cây được đẩy giá rất cao. Thời điểm đó, tác phẩm “Mâm xôi con gà” được trả giá tới 6 triệu USD, tương đương 120 tỷ đồng.
Sau “Mâm xôi con gà” còn rất nhiều tác phẩm cây cảnh nghệ thuật khác có giá tiền lên tới vài chục tỷ đồng, như tác phẩm "Huyền phượng vũ", "Tiên lão giáng trần", "Cầu kiều", "Tọa sơn quan lưu thủy", "Cóc vàng", "Thành ôn vọng nguyệt", "Linh vũ đằng sơn", "Ngai vàng Đất Việt"… Đó không chỉ là tác phẩm sinh vật cảnh quý của những người sở hữu, mà còn là “thương hiệu” của làng cây cảnh nghệ thuật Việt Nam khi so sánh trên trường quốc tế, so sánh với những cường quốc có lịch sử chơi cây cảnh nổi tiếng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia…
Sự tài hoa của những nghệ nhân cây cảnh Việt Nam đã thổi hồn cho những loài cây tưởng như vô tri, để nó có thần thái, hồn cốt, làm giàu đẹp đời sống văn hóa, tinh thần của con người phương Đông.
Giới chơi cây dành những danh xưng đẹp nhất để tôn vinh những tác phẩm sinh vật cảnh nổi tiếng, coi đó là những “siêu cây”, “siêu cây triệu đô”… bởi sức hút của chúng đối với những người yêu nghệ thuật.
Siêu cây Ngai vàng đất Việt
Nghệ nhân Lê Đức Nam (SN 1975, phường Đồng Mai, quận Hà Đông, Hà Nội) - người vừa ra sách chia sẻ những kinh nghiệm tạo tác cây cảnh nghệ thuật cũng là chủ nhân của siêu cây có tên “Ngai vàng Đất Việt” nức tiếng trong làng cây cảnh nghệ thuật.
Từ nhỏ, Lê Đức Nam đã có niềm đam mê cây cảnh. Những cây cảnh đầu tiên anh có được là những cây mọc tự nhiên ở bờ bụi, trên khe tường, kẽ đá…, tình cờ gặp được anh đều mang về chăm sóc, rồi tập uốn tạo.
Điểm khác biệt lớn nhất với những người chơi cây khác là Lê Đức Nam được trời phú cho bàn tay tài hoa để tự mình hoàn thiện những tác phẩm để đời, thay vì bỏ bạc tỷ để sở hữu những tác phẩm đã hoàn thiện.
Siêu phẩm “Ngai vàng Đất Việt” gần 20 năm trước là một cây sanh chưa hoàn thiện, anh Nam lấy lại từ một nhà vườn ở Hà Nội. Với sự nhạy cảm, tinh tế, anh biết đây sẽ là một tác phẩm đỉnh cao trong tương lai.
Với những nghệ nhân làm cây, để có một tác phẩm hội tụ đủ 4 yếu tố “cổ, kỳ, mỹ, văn” cần hàng chục năm để tạo thế, cắt giật, nuôi từng tay bông của cây cảnh...
“Ngai vàng Đất Việt” được anh Lê Đức Nam kỳ công ký đá bộ bệ rễ vào từng viên đá để tạo sự hài hòa, cân đối. Ba thân chính có độ so le tạo thành chiều sâu cho người ngắm, càng nhìn lâu càng không thể rời mắt. Giới chơi cây gọi đó là “duyên ngầm” của cây.
Điều khó nhất của một nghệ nhân làm cây là sự hài hòa, cân đối của cây cảnh phải hoàn thiện ở các góc nhìn. Đó là lý do những người thẩm cây lâu năm không bao giờ hỏi, mặt chính của tác phẩm cây cảnh nghệ thuật nằm ở mặt nào.
“Ngai vàng Việt Nam” là một trong số hiếm hoi những tác phẩm cây cảnh như thế. Ngắm tác phẩm này ở các góc độ khác nhau, đều nhận thấy sự biến hóa, cổ quái của cây.
Năm 2018, một người bạn của Lê Đức Nam “làm mối” để anh mua được một chiếc bể cổ từ trong Huế. Chiếc bể cổ có niên đại hàng chục năm, được làm thủ công. Chất liệu kết dính tạo làm nên chiếc chậu cổ này là một loại cốn (keo) đặc biệt, không giống như chậu bê tông đúc, đắp bằng xi măng như chậu hiện đại.
"Y phục xứng kỳ đức” - chiếc chậu cổ của những nghệ nhân Huế vừa khít với bộ bệ đế của cây “Ngai vàng Đất Việt” do Lê Đức Nam uốn tỉa. Hai tác phẩm vừa hài hòa, vừa tôn nhau lên, tạo thành một sự hoàn mỹ mà chính anh cũng không thể ngờ.
Anh cho biết, nếu bị cám dỗ bởi giá trị vật chất, anh đã mất cây sanh “Ngai vàng” từ lâu, bởi rất nhiều người sẵn sàng bỏ ra hàng chục tỷ đồng để xin được mua lại, nhưng anh cố gắng giữ cây quý, dù có những giai đoạn cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn.
Tại triển lãm sinh vật cảnh 2019 tại Thanh Hóa, siêu cây “Ngai vàng Đất Việt” của Lê Đức Nam đã chinh phục được nhiều người yêu cây của xứ Thanh - vùng đất sở hữu nhiều tác phẩm có tên tuổi trong làng cây cảnh Việt Nam. Có đại gia sẵn sàng bỏ nhiều tỷ để mua lại, nhưng siêu phẩm “Ngai vàng” vẫn không suy chuyển, vẫn bề thế trong khuôn viên ngôi nhà cổ tại làng Đồng Mai của Lê Đức Nam.
Nhờ thời gian, nhờ sự tỉ mỉ, tỉ mẩn chăm sóc, tạo tác bởi đôi bàn tay, khối óc tài hoa của nghệ nhân Lê Đức Nam, “Ngai vàng Đất Việt” mỗi ngày thêm hoàn thiện, trở thành một tác phẩm có số má trong làng sinh vật cảnh nước Việt.
“Một tác phẩm cây nghệ thuật thực sự có giá trị vài trăm triệu, thậm chí vài chục tỷ đồng. Rất nhiều nông dân, làng nghề hoa, cây cảnh ở Việt Nam, người dân đổi đời chỉ bằng nghề trồng hoa cây cảnh. Sự tác động của con người là một trong những nhân tố quan trọng, nhưng, quan trọng hơn nữa, đó chính là sự biến hóa tự nhiên của loài cây đó, tất cả đều bằng thời gian.
Có những cây quý có giá tương đương bằng cả một miếng đất vàng. Nhiều người so sánh, một tác phẩm sinh vật cảnh bán đi mua được nhà lầu, xe hơi…, điều đó hoàn toàn đúng bởi Việt Nam hiện có rất nhiều tác phẩm sinh vật cảnh nghệ thuật tầm vóc quốc tế. Nó là vô giá, không định lượng được bằng tiền.
Nó là tài sản tinh thần, làm đẹp cho không gian sống của người Việt, làm đẹp tâm hồn, đời sống tinh thần của con người. Khi những vật chất đã đủ đầy, con người đều có xu thế tìm đến những không gian nghệ thuật để bồi tụ thêm cho đời sống tinh thần”, nghệ nhân Lê Đức Nam chia sẻ.
Tuy nhiên ở Việt Nam, thị trường cây cảnh vẫn mang tính chất tự phát, và là trào lưu của một nhóm nhỏ những người có niềm đam mê, yêu cây, chưa định hình, phát triển thành ngành hàng.