| Hotline: 0983.970.780

Sinh vật cảnh, nghề 'làm chơi ăn thật'

Thứ Tư 17/01/2024 , 06:00 (GMT+7)

Sinh vật cảnh, nghề nghe tưởng chỉ có chuyện chơi chơi nhưng lại là nghề 'làm chơi ăn thật', cho thu nhập chính ở nhiều vùng nông thôn.

Mỗi nghệ nhân là một "phù thủy cây cảnh"

Theo PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, Trưởng ban Hoa cây cảnh thuộc Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, trong những năm gần đây, ngành sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh ở Việt Nam có tốc độ tăng trưởng rất nhanh do người dân có nhu cầu cao về trang trí nội, ngoại thất.

Ông Trần Đình Hòa ở khu phố Phú Hậu, thị trấn Cát Tiến (huyện Phù Cát, Bình Định) đang tâm tư về nghề sinh vật cảnh. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Trần Đình Hòa ở khu phố Phú Hậu, thị trấn Cát Tiến (huyện Phù Cát, Bình Định) đang tâm tư về nghề sinh vật cảnh. Ảnh: V.Đ.T.

Sản phẩm sinh vật cảnh cũng ngày càng được đa dạng hóa từ cây cảnh nội thất, cây cảnh ngoại thất, cây bonsai, cây hoa… cho đến các loài thú cưng như chó, mèo, chim cảnh, cá cảnh. “Nước lên thuyền lên”, khi ngành sinh vật cảnh “nổi đình nổi đám” thì các ngành sản xuất phụ kiện và thiết bị liên quan đến sinh vật cảnh cũng ăn nên làm ra.

Ngành sản xuất sinh vật cảnh ở Việt Nam trong những năm gần đây ngày càng được quan tâm hơn đến việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào việc chăm sóc, nuôi dưỡng, cắt tỉa tạo hình cho cây cảnh. “Sản xuất sinh vật cảnh bây giờ không chỉ dừng lại ở việc cung cấp sản phẩm cây cảnh ra thị trường, mà mỗi chủ nhà vườn sinh vật cảnh còn là một nghệ nhân thiết kế, tạo hình cây cảnh để cho ra những sản phẩm độc đáo, đẹp mắt”, PGS.TS Đặng Văn Đông chia sẻ.

Ông Trần Đình Hòa ở khu phố Phú Hậu, thị trấn Cát Tiến (huyện Phù Cát, Bình Định) cách đây gần 20 năm từng được mệnh danh là “vua sanh xứ cát”, từng cầm trong tay 200 triệu đồng sau khi bán 90 gốc sanh vào thời điểm ấy. Ông Hòa là người rất tâm đắc với cái nghề “làm chơi ăn thật” mà mình đeo đuổi suốt mấy chục năm qua.

Theo ông Hòa, người đến với ngành sinh vật cảnh thường do niềm đam mê dẫn dắt. Thế nhưng khi đến với ngành này chỉ với niềm đam mê thôi là chưa đủ, mà cần phải có sự nỗ lực xuyên suốt và liên tục học hỏi, trau dồi thì mới phát triển được. Có khi từ một cây cảnh tầm thường nhưng qua tay một nghệ nhân tâm huyết sẽ trở thành một cây cảnh có giá trị. Mỗi nghệ nhân phải là một "phù thủy cây cảnh" thì ngành sinh vật cảnh mới cho ra đời những tác phẩm độc đáo.

Cây duối của nhà vườn Toàn Nguyễn ở xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước, Bình Định) hút mắt khách tham quan tại Triển lãm và Hội thi sinh vật cảnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên 2023 tổ chức tại Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Cây duối của nhà vườn Toàn Nguyễn ở xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước, Bình Định) hút mắt khách tham quan tại Triển lãm và Hội thi sinh vật cảnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên 2023 tổ chức tại Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

“Người đến với ngành sinh vật cảnh có nhiều góc độ khác nhau. Cũng xuất phát từ đam mê, nhưng có người đến với sinh vật cảnh bằng lộ trình từ thấp lên cao; tự trồng cây, chăm sóc, tạo dáng, biến cây cảnh mình trồng từ vóc dáng bình thường trở thành tác phẩm có cấu trúc thẩm mỹ đặc biệt, đạt tiêu chí cổ - kỳ - mỹ.

Cũng có người do đam mê mà bỏ ra tiền chục triệu, trăm triệu, thậm chí cả tiền tỷ để mua một cây cảnh mình vừa mắt. Thế nhưng đến với sinh vật cảnh với góc độ nào thì người sở hữu cây cảnh phải am tường việc chăm sóc, phải có tính kiên nhẫn để chăm chút tác phẩm cây cảnh mình đang sở hữu để nó sống khỏe và giữ được dáng vẻ thẩm mỹ cao”, ông Hòa chia sẻ.

Ông Hòa đến với sinh vật cảnh rất sớm, bắt nguồn từ lúc còn giúp cha xách từng gàu nước để tưới cây, giúp cha tạo dáng cho cây cảnh. Sau khi cha ông Hòa mất, ông thừa kế số cây cảnh của cha để lại, nối tiếp niềm đam mê của tiền nhân và đạt được thành công. Năm 1997, ông Hòa đã có tác phẩm tham gia Triển lãm Sinh vật cảnh Bình Định lần thứ I. Lúc cây sanh trên thị trường có giá đắt hơn vàng thì khi ấy ông Hòa đã là “vua sanh xứ cát”. Sau khi cây sanh mất giá, ông Hòa vẫn duy trì nghề và mở rộng thêm đối tượng cây cảnh.

Một tác phẩm độc đáo của nhà vườn Hữu Khanh ở xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Một tác phẩm độc đáo của nhà vườn Hữu Khanh ở xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

“Hiện trong vườn nhà tôi có khoảng 400 tác phẩm cây cảnh gồm sanh, mai, cừa nước, cần thăng, hải châu… nhưng nhiều nhất vẫn là sanh, loại cây hồi xưa cha tôi rất thích. Sinh vật cảnh là ngành bắt nguồn từ niềm đam mê, nhưng khi đã hình thành tác phẩm thì nó là ngành mang lại kinh tế cao. Người dân các vùng nông thôn tham gia ngành sinh vật cảnh ai cũng có tiền xây dựng nhà cửa, mua sắm xe cộ, nuôi con học đại học. Mấy năm nay dù kinh tế suy thoái, sức mua cây cảnh trên thị trường giảm mạnh nhưng mỗi năm gia đình tôi vẫn có khoản thu nhập vài trăm triệu đồng”, ông Trần Đình Hòa chia sẻ.

Nghề hái ra tiền nhưng chưa được quan tâm đúng mức

Làng nghề mai cảnh Nhơn An (thị xã An Nhơn, Bình Định) là một trong những làng nghề cây cảnh tiêu biểu người dân có cuộc sống ấm no, sinh ra nhiều tỷ phú từ những vườn mai cảnh.

Theo nghệ nhân Phan Văn Sáu, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh xã Nhơn An (thị xã An Nhơn, Bình Định), năm 1980, cụ Đặng Văn Lang, một người dân trong xã ươm trồng cây mai vàng trong sân nhà để thưởng ngoạn. Không ngờ cụ Lang chính là người khởi nguồn hình thành nên làng nghề trồng mai cảnh Nhơn An, sau đó nhanh chóng lan rộng ra các xã Nhơn Phong, Nhơn Hạnh, Nhơn Hậu, Nhơn Khánh, Nhơn Mỹ và 5 phường Bình Định, Nhơn Hưng, Nhơn Thành, Đập Đá và Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn) với hàng ngàn hộ dân tham gia trồng hơn 2 triệu chậu mai các loại trên diện tích 145ha.

Riêng ở nơi được mệnh danh là cái nôi của nghề trồng mai cảnh, người dân xã Nhơn An đã ươm trồng, lai tạo được nhiều giống mai đẹp như cúc mai, mai giảo, mai đọt xanh. Đặc biệt, các nghệ nhân ở Nhơn An còn chọn những giống mai tốt làm cây đầu dòng để nhân giống và gìn giữ nguồn gen.

Cũng theo ông Sáu, hiện xã Nhơn An đã mở rộng diện tích trồng mai cảnh lên 90ha với 400.000 cây, gồm hơn 1.500 hộ tham gia. Ở Nhơn An có khoảng 80% hộ trồng mai đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào việc trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và xử lý cây mai ra hoa tập trung đúng dịp Tết Nguyên đán. Mai cảnh ở Nhơn An rất phong phú, nhưng tập trung chủ yếu là mai dáng long, bonsai và mai lùm cung ứng cho thị trường cả nước vào những dịp Tết.

Cây mai hiện đã thực sự là cây làm giàu cho người dân Nhơn An với tổng thu nhập hàng năm từ 50 - 60 tỷ đồng. Theo kết quả điều tra của Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp và nông thôn Bình Định, lợi nhuận 1ha mai cảnh 6 năm tuổi đạt gần 2 tỷ đồng, bình quân mỗi năm nhà vườn lãi hơn 322 triệu đồng/ha. Riêng mai bonsai 10 năm tuổi trở lên lợi nhuận bình quân mỗi năm gần 505 triệu đồng/ha. Hộ trồng mai ít nhất ở Nhơn An cũng có mức doanh thu 40 triệu đồng/năm, hộ trồng nhiều trên 1 tỷ đồng/năm.

“So với cây lúa, cây mai cảnh cho nông dân thu nhập cao hơn 10 lần, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động nông nhàn. Thu nhập của người dân tăng cao nhờ trồng mai cảnh nên hiện tỷ lệ hộ nghèo ở xã Nhơn An đã giảm chỉ còn 2%”, nghệ nhân Phan Văn Sáu, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh xã Nhơn An cho hay.

Nhìn tác phẩm cây cảnh kỳ vĩ như thế này mới hiểu được chủ nhân của nó đã phải kỳ công đến chừng nào. Ảnh: V.Đ.T.

Nhìn tác phẩm cây cảnh kỳ vĩ như thế này mới hiểu được chủ nhân của nó đã phải kỳ công đến chừng nào. Ảnh: V.Đ.T.

Những kết quả đạt được của ngành sinh vật cảnh trong những năm qua rất rõ, tuy nhiên, theo PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, Trưởng ban Hoa cây cảnh thuộc Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, việc thực hiện Nghị định 52/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn gắn với ngành kinh tế sinh vật cảnh hiện vẫn còn nhiều bất cập.

Ví như hiện nay ngành sinh vật cảnh thiếu trầm trọng kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh phí nghiên cứu và phát triển sản phẩm cũng như quảng bá thương hiệu; chất lượng và chuẩn hóa sản phẩm còn hạn chế; người trồng thiếu kiến thức và kỹ năng chuyên môn; đặc biệt chính sách hỗ trợ chưa đủ khuyến khích phát triển ngành sinh vật cảnh.

“Chúng tôi mong những năm tới đây, ngành sinh vật cảnh sẽ được nhà nước quan tâm, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư để phát triển; giảm các thủ tục phức tạp để tạo thuận lợi cho việc khởi nghiệp, khuyến khích nghiên cứu và áp dụng các phương pháp, công nghệ tiên tiến trong chăm sóc tác phẩm.

Song song đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và truyền thông về sinh vật cảnh; xây dựng mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, ngành sinh vật cảnh cần được phát triền nguồn nhân lực, đào tạo nâng cao nghiệp vụ để phát triển bền vững”, PGS.TS Đặng Văn Đông chia sẻ.

Xem thêm
Cô gái trẻ nuôi gà mát tay

ĐẮK NÔNG Mới 30 tuổi, cô gái này không chỉ chăm sóc vườn cà phê hơn 1ha mà còn khá thành công với mô hình nuôi gà quy mô thuộc loại lớn.

Tầm nhìn Một sức khỏe là ưu tiên quốc gia

Tiếp cận Một sức khỏe yêu cầu sự đồng thuận giữa các Bộ, hỗ trợ tài trợ liên ngành và xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu chung.

Mô hình lúa chất lượng cao vụ thu đông đạt 7,3 tấn/ha

Trà Vinh Kết quả sơ kết mô hình lúa chất lượng cao tại huyện Châu Thành cho thấy năng suất đạt 7,3 tấn/ha, lợi nhuận tăng 16% và khí thải giảm 20-30% so với ngoài mô hình.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.