Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Bán hạt gạo không giàu nhưng bán sự tử tế sẽ giàu'

Hồng Thắm - Thứ Tư, 12/06/2024 , 16:31 (GMT+7)

'Bán hạt gạo không bao giờ giàu nhưng bán sự tử tế sẽ giàu', Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nói chuyện với người dân tại Lễ hội lúa - rươi hữu cơ Tứ Kỳ năm 2024.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nói: “Suy cho cùng, nông nghiệp hữu cơ hay sinh thái là câu chuyện tử tế. Nói nông nghiệp tử tế sẽ dễ nhập vào cảm xúc của con người hơn là những từ khoa học như hữu cơ hay sinh thái". Ảnh: Hồng Thắm.

Tự hào những sản phẩm nông nghiệp "vị nhân sinh"

Sáng 12/6, tại Hải Dương, Sở NN-PTNT Hải Dương và UBND huyện Tứ Kỳ tổ chức Lễ hội lúa - rươi hữu cơ Tứ Kỳ năm 2024.

Lễ hội được tổ chức tại xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ - vùng sản xuất lúa - rươi hữu cơ lớn nhất của tỉnh Hải Dương. Dọc hai bên triền đê đều là vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, gồm: Lúa, chuối, rau ăn lá, rau gia vị và hơn 200ha đã được chuyển đổi sang canh tác theo mô hình lúa - rươi hữu cơ từ năm 2020, sau khi địa phương được đầu tư xây dựng cống Sồi để đưa nước vào nội đồng.

Việc triển khai cải tạo vùng sản xuất hữu cơ không chỉ được thực hiện tại xã An Thanh và xã Quang Trung mà còn mở rộng thêm ở những địa phương khác như Chí Minh, Bình Lãng, Hà Thanh có đặc điểm sinh thái tương tự.  

“Cần coi nông nghiệp hữu cơ là một cuộc cách mạng trong tâm thức và hành động của chúng ta đối với thiên nhiên, sức khỏe con người, môi trường, sự đa dạng sinh học và quan trọng là đối với các thế hệ mai sau”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Điều này cho thấy sự đầu tư thực hiện cải tạo vùng sản xuất hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy khu vực nội đồng thực sự mang lại hiệu quả tốt, đạt mục tiêu đề ra là cải tạo vùng sản xuất lúa truyền thống thành vùng sản xuất hữu cơ đảm bảo đạt mục tiêu kép vừa thu hoạch được lúa, vừa thu hoạch được rươi, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân, duy trì hệ sinh thái đồng ruộng, sinh vật thủy sinh phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Ngọc Sẫm, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tứ Kỳ cho biết, Tứ Kỳ là một huyện nằm trong lưu vực sông Thái Bình, sông Luộc và hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải, là một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng điều kiện thuận lợi về khí hậu, đất đai màu mỡ được bồi đắp bởi phù sa của các dòng sông bao quanh huyện.

Nông dân Tứ Kỳ chăm chỉ, cần cù, có truyền thống, kinh nghiệm làm nông nghiệp từ nhiều đời nay. Sự kết hợp giữa tinh hoa của đất trời với bàn tay, sự sáng tạo của người nông dân, tất cả như được hòa quyện lại để tạo nên những sản phẩm nông nghiệp mang đậm bản sắc văn hóa xứ Đông, trong đó có rươi, cáy, lúa hữu cơ và nhiều sản phẩm khác từ nông nghiệp.

"Xác định phát triển nông nghiệp là một trong bốn trụ cột theo Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh và sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất sạch, sản xuất an toàn gắn với bảo vệ môi trường bền vững, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm, những sản phẩm nông nghiệp "vị nhân sinh" của Tứ Kỳ ngày càng có chất lượng và lan tỏa đến cộng đồng cả nước trong những năm qua", ông Sẫm nói thêm.

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm hữu cơ. Ảnh: Hồng Thắm.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng, toàn tỉnh Hải Dương hiện nay có 881,6ha diện tích vùng sản xuất hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy tập trung tại các huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà, Kim Thành và thị xã Kinh Môn. Tạo ra sản phẩm năm 2023 ước đạt 4.400 tấn lúa hữu cơ; 814 tấn rươi; 59 tấn cáy; hằng năm đem lại giá trị trên 300 tỷ đồng.

"Khai thác, bảo tồn thủy đặc sản rươi, cáy kết hợp với sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân, duy trì hệ sinh thái đồng ruộng, sinh vật thủy sinh phát triển bền vững", ông Thắng nhấn mạnh.

Ông Thắng cho hay, năm 2018, mô hình canh tác lúa rươi tại xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ đã đạt giải Nhất toàn quốc - Giải thưởng Vietfarm - Tự hào nông sản Việt do Trung tâm Phát triển và Hội nhập tổ chức với sự hỗ trợ của cơ quan phát triển Ireland và được các chuyên gia quốc tế đánh giá cao.

Năm 2021, sản phẩm rươi Tứ Kỳ và gạo lúa rươi được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Năm 2022, vùng sản xuất lúa rươi An Thanh được cấp giấy chứng nhận hữu cơ.

"Bán hạt gạo không bao giờ giàu được nhưng bán sự tử tế sẽ giàu"

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nói: "Mở đầu câu chuyện thật khó, tôi không biết nên thưa ai trước, thôi thì thưa chung đến tất cả những người tử tế, những bác nông dân tử tế, doanh nghiệp tử tế và một hệ sinh thái tử tế".

Bộ trưởng nói thêm: "Suy cho cùng nông nghiệp hữu cơ hay sinh thái là câu chuyện tử tế. Nói nông nghiệp tử tế sẽ dễ nhập vào cảm xúc của con người hơn là những từ khoa học như hữu cơ hay sinh thái. Chúng ta tử tế, chúng ta tạo ra những sản phẩm tử tế".

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng cắt băng xuất bán lúa hữu cơ bãi rươi. Ảnh: Hồng Thắm.

Bộ trưởng chia sẻ một cuốn sách về người Nhật Bản làm nông nghiệp hữu cơ. Người đứng đầu Bộ NN-PTNT cho hay, người Nhật coi làm nông nghiệp hữu cơ là một cuộc cách mạng, chứ không đơn giản chỉ là chuyển từ trồng lúa truyền thống sang trồng lúa hữu cơ.

Vì người Nhật xem nông nghiệp hữu cơ là một cuộc cách mạng nên họ chăm chút, kiên trì, nhẫn nại và họ tìm mọi cách để thể hiện giá trị của hạt gạo. Có lẽ chăng vì vậy mà hạt gạo Nhật bao giờ bán trong siêu thị giá cũng cao gấp 5 - 10 lần gạo của mình?

"Cần coi nông nghiệp hữu cơ là một cuộc cách mạng trong tâm thức và hành động của chúng ta đối với thiên nhiên, sức khỏe con người, môi trường, sự đa dạng sinh học và quan trọng là đối với các thế hệ mai sau", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp gửi lời cảm ơn Tứ Kỳ vì đã cho chúng ta câu chuyện nông nghiệp "vị nhân sinh". Bộ trưởng cho rằng, lễ hội hôm nay tuy diễn ra trên một con đường làng nhưng đã gợi mở và truyền cảm hứng cho cả nền nông nghiệp nước ta, cho nông dân trên các vùng miền của Tổ quốc, không phải chỉ là lúa rươi mà có thể là lúa cá, lúa tôm...

"Bán hạt gạo không bao giờ giàu được nhưng bán sự tử tế sẽ giàu", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Bộ trưởng gợi mở, chúng ta nói lúa, rươi, cáy thì cần truyền thông xem con rươi, con cáy giá trị như thế nào? Bán là bán câu chuyện, cần phải thổi hồn vào câu chuyện. Câu chuyện giàu cảm xúc thì giá trị nó tăng cao.

Tư lệnh ngành nông nghiệp mong muốn lãnh đạo Tứ Kỳ, lãnh đạo Hải Dương sẽ viết tiếp câu chuyện nông nghiệp vị nhân sinh, chỉ từ một mô hình nhỏ 200ha nhưng rất lớn khi hiểu hết giá trị của nó, sức lan tỏa của nó, không chỉ dừng lại là của Tứ Kỳ, của Hải Dương nữa mà còn là của cả Việt Nam.

“Chúng ta truyền thông ra thế giới rằng người Việt Nam đang làm nông nghiệp tử tế. An Thanh, Tứ Kỳ chỉ là một trong những "đốm lửa" để thổi bùng ra cả Hải Dương, Hưng Yên, các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ”, Bộ trưởng khẳng định.

Nụ cười rạng rỡ của nông dân sau khi hoàn thành cuộc thi gặt lúa. Ảnh: Hồng Thắm.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan gửi lời cảm ơn đến tất cả những người nông dân vì đã gợi mở cho Bộ trưởng và cho Bộ NN-PTNT nghĩ khác đi một chút, kiên trì lên một chút và tự làm mới mình mỗi năm một chút. Bộ trưởng tin rằng, cùng với sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Hải Dương, huyện Tứ Kỳ và bà con nông dân, điều kỳ diệu sẽ xảy ra ở mảnh đất này.

Bộ trưởng bày tỏ mong muốn sau Lễ hội hôm nay, Tứ Kỳ sẽ tiếp tục chăm chút hơn nữa về câu chuyện nông nghiệp vị nhân sinh, cần mạnh dạn lập ra một kế hoạch nông nghiệp vị nhân sinh, bởi vì hiện nay Tứ Kỳ vẫn còn đang rất rụt rè, chưa mạnh dạn.

“Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta hãy đến những ngày hội đơn giản như thế này, không phải trong hội trường hoành tráng mà ở ngay trên chính bờ ruộng cùng bà con nông dân để chúng ta cũng là những người tử tế, để chúng ta cảm ơn những người tử tế”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ thêm.

Tại Lễ hội lúa - rươi hữu cơ Tứ Kỳ năm 2024 đã diễn ra các hoạt động như: Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm hữu cơ. Tổ chức thi nấu mâm cơm đặc sản hữu cơ. Tổ chức hội thi gặt lúa. Và cắt băng xuất bán lúa hữu cơ bãi rươi.

Hồng Thắm
Tin khác
Dịch vụ khí hậu số trong nông nghiệp: Đã xóa được ‘ngờ’, tạo niềm tin sâu còn khó
Dịch vụ khí hậu số trong nông nghiệp: Đã xóa được ‘ngờ’, tạo niềm tin sâu còn khó

Dù chứng tỏ được lợi ích trong dự báo thời tiết, sâu bệnh... các dịch vụ số trong nông nghiệp vẫn cần thời gian để bền vững hơn, nhất là trước những thách thức mới.

Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.

Thay đổi công nghệ để nâng cao chất lượng chè xuất khẩu
Thay đổi công nghệ để nâng cao chất lượng chè xuất khẩu

Đầu tư đồng bộ vào công nghệ, quy trình và thương hiệu, ngành chè Việt Nam có thể tăng khả năng cạnh tranh và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.

Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 4] Cơ hội còn nhiều ở thị trường carbon bắt buộc hơn 900 tỷ USD
Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 4] Cơ hội còn nhiều ở thị trường carbon bắt buộc hơn 900 tỷ USD

Thị trường carbon quốc tế đang rất sôi động, với giá trị ước tính có thể lên tới gần 1.000 tỷ USD, đòi hỏi Việt Nam cần có sự chuyển dịch mạnh mẽ.

Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc
Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc

‘Ký ức không phai’ là cuốn sách ghi lại kỷ niệm gắn bó với Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève.

Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 3] Đóng góp thầm lặng từ những mô hình nông lâm kết hợp
Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 3] Đóng góp thầm lặng từ những mô hình nông lâm kết hợp

Bên cạnh việc góp phần chuyển đổi hệ thống thực phẩm, đảm bảo sinh kế cho người dân, nông lâm kết hợp còn có ý nghĩa quan trọng trong mục tiêu trung hòa carbon.

Tầm quan trọng của giống đối với ngành chè Việt Nam và thế giới
Tầm quan trọng của giống đối với ngành chè Việt Nam và thế giới

Việc mở rộng các giống chè chất lượng cao đang là mục tiêu chiến lược để tăng giá trị xuất khẩu​.

Làm sao thoát ‘bẫy giá rẻ’ cho chè xuất khẩu?
Làm sao thoát ‘bẫy giá rẻ’ cho chè xuất khẩu?

Ngành chè Việt Nam, với vị thế là một trong năm quốc gia xuất khẩu chè lớn nhất thế giới, đang đối mặt với một thực tế đáng lo ngại khi giá chè xuất khẩu trung bình chỉ đạt 67% so với giá chè thế giới.

Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 2] Đặt tên cho rừng bằng mã số
Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 2] Đặt tên cho rừng bằng mã số

Nhờ mã số vùng trồng, từng lô rừng được minh định trong cơ sở dữ liệu, giúp các bên thuận tiện theo dõi, giám sát và dễ dàng truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp.

Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện
Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện

Tâm sự nghề nghiệp của những người đã và đang đứng trên bục giảng với nhiều kỷ niệm khó quên, càng trở nên ấm áp nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 1] Thách thức tăng gấp 3 lượng carbon hấp thụ từ rừng
Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 1] Thách thức tăng gấp 3 lượng carbon hấp thụ từ rừng

Để phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, lĩnh vực lâm nghiệp phải tăng khả năng hấp thụ carbon lên 185 triệu tấn CO2e, trong khi tỷ lệ che phủ rừng giữ ổn định.

Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò
Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò

Cô giáo người Nùng Lý Thị Thủy đang dạy văn ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Phú Yên, vừa ra mắt cuốn sách lý luận phê bình có tên gọi ‘Khơi chuyện’.