Mô hình trồng lúa nuôi rươi, nuôi cáy không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn mà còn góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe của người nông dân huyện Tứ Kỳ.
Độc đáo mô hình trồng lúa nuôi rươi ở huyện Tứ Kỳ
Mô hình trồng lúa nuôi rươi, nuôi cáy không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn mà còn góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe của người nông dân huyện Tứ Kỳ.
Xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương được biết là một vùng đất chiêm trũng khó canh tác, bởi tình trạng nước ngập sâu trên các cánh đồng. Nhưng “trong cái khó, ló cái khôn”, chính điều kiện tự nhiên đặc thù ấy đã tạo cơ hội cho những con rươi, con cáy nơi đây sinh trưởng và phát triển tốt.
Qua đó giúp bà con nông dân hình thành nghề nuôi rươi nuôi cáy.
Có được sự thành công ngày hôm nay, dấu ấn đầu tiên phải kể đến chính là những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm, kịp thời hỗ trợ bà con nông dân trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Đặc biệt, việc hoàn thiện công trình cống Sồi - bước đột phá mạnh mẽ của địa phương trong việc khơi thông dòng chảy, điều tiết thủy lợi.
Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Hát có hơn 3 mẫu ruộng nuôi rươu, trước đây gia đình ông là một trong những hộ tích cực nhất trong phong trào sản xuất hiệu quả kinh tế canh tác nông nghiệp hữu cơ và trở thành hộ sản xuất giỏi để cho bà con trong xã học tập và làm theo.
Ngôi nhà khang trang, kiên cố này của gia đình ông Hát, bà Huệ là minh chứng rõ nét nhất về hiệu quả kinh tế từ phong trào nuôi rươi mang lại. 3 mẫu ruộng hữu cơ của gia đình ông Hát cho thu hoạch tới hơn 1 tấn rươi, chưa kể tiền thóc lúa. Với mức giá trung bình 300.000 đồng/kg rươi, mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm có thể nói là con số không tưởng đối với nhiều hộ nông dân.
Phỏng vấn
Bà ĐỖ THỊ HUỆ
Xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương
Kinh tế không những gia đình nhà chúng tôi mà kinh tế của các hộ dân cũng rất là ổn định. Những nhà cao tầng mọc lên san sát. Các khách tham quan về thăm khu rươi cấy của chúng tôi rất là đông. Những nước rươi, lấy rươi đêm cũng thế cứ điện là sáng từ ngoài bãi vào bên trong làng. Thế mà ô tô, xe máy là cứ nườm nượp về người thì về tham quan, người thì về mua.
Với mức giá trung bình 300.000 đồng/kg rươi, mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm có thể nói là con số không tưởng đối với nhiều hộ nông dân.
Bà ĐỖ THỊ HUỆ
Xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương
Tất cả chúng tôi không có tiếp xúc với cái hóa chất và cái thuốc trừ sâu cho nên là môi trường nó đã xanh sạch đẹp rồi, thì sức khỏe cũng đã tạm ổn định. Khi mà mình đã dùng những cái thực phẩm sạch rồi thì cái sức khỏe của mình là nó cũng rất là đảm bảo.
Tại vùng đất này con rươi xuất hiện tự nhiên và rộ lên trong vài con nước của tháng 10, tháng 11 âm lịch. Việc rươi từ đâu đến, ăn gì... không ai hay biết. Vì thế, người dân An Thanh chỉ biết bảo nhau tạo môi trường sống tốt hơn cho rươi. Nhận thấy tiềm năng này UBNB xã An Thanh đã xây dựng Đề án “Quy hoạch vùng sản xuất theo định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp sạch, an toàn, hướng đến du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với bảo vệ môi bền vững giai đoạn 2021 - 2025”, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương, hướng đến các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt là khai thác tiềm năng nguồn lợi đặc sản rươi, cáy trên mô hình trồng lúa.
Phỏng vấn
Ông PHẠM VĂN SOI
Xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương
Nó cũng thích môi trường sạch. Tự nó sống ở môi trường đất, môi trường thấy rất sạch. Từ nước tới các nguồn nước đầu tư cho nó. Nó không phải ăn gì cả nhưng rất sạch sẽ. Nếu ảnh hưởng cái thuốc bảo vệ thực vật tự nó sẽ bỏ đi hoặc nó chết.
Năm 2023 đánh dấu một vụ mùa bội thu của An Thanh, khi đạt sản lượng kỷ lục trên 100 tấn rươi. Tuy nhiên, sản lượng cao cũng đồng nghĩa với những áp lực về đầu ra, tiêu thụ sản phẩm. Khi đó, những hướng đi mới lại được mở ra.
Bà Phạm Thị Đoan đã tận dụng tốt sản lượng rươi từ mảnh ruộng nhỏ của gia đình để chế biến thành các mặt hàng chả rươi, nem rươi, rươi cấp đông, giúp nâng cao giá trị nông sản, đưa thương hiệu rươi An Thanh - Tứ Kỳ đến với đông đảo khách hàng trên cả nước.
Phỏng vấn
Bà PHẠM THỊ ĐOAN
Xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương
Cá nhân mình cũng phải là sự đam mê, nghĩa là cũng muốn làm ra một cái sản phẩm này được người tiêu dùng ăn và người ta thưởng thức cảm thấy ngon miệng. Mình chế biến được ra thì hiệu quả kinh tế cũng cao hơn.
Phỏng vấn
Ông PHẠM VĂN THIỆP
Phó Chủ tịch UBND xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương
Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân chúng tôi có những cái chủ trương, nghị quyết và có những kế hoạch để triển khai cho nhân dân, vận động nhân dân dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất và địa phương thì tổ chức hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật, thế rồi thì hỗ trợ về cái cơ sở hạ tầng để cho khai thác có hiệu quả hơn trên những cái diện tích mà sản xuất lúa kết hợp với khai thác rươi, cáy.
Người dân xã An Thanh tự hào với 5 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao từ rươi, mang lại nguồn thu nhập bình quân đầu người lên tới 67 triệu đồng/năm. Bức tranh làng quê An Thanh hiện lên thật đẹp và sinh động. Tại vùng sản xuất hữu cơ này, dưới đất là rươi, bờ ruộng là cáy, tiếp đến là lúa trên ruộng, trên bờ là rau ăn lá, rau gia vị và trên cùng là cây ăn quả. Tất cả hòa quyện và tạo ra một hệ sinh thái bền vững. Điều này khẳng định nông nghiệp hữu cơ là hướng đi đúng và trúng cho người nông dân ở xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.