| Hotline: 0983.970.780

Sống khỏe nhờ liên kết sản xuất lúa đặc sản

Thứ Sáu 23/02/2024 , 06:56 (GMT+7)

LAI CHÂU Khi tham gia liên kết sản xuất, các hộ được hỗ trợ vật tư, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm; hình thình kỹ năng xây dựng, quản lý nhãn hiệu, thương hiệu…

Những năm qua, việc xây dựng các mô hình liên kết trong nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa đặc sản được huyện Than Uyên (Lai Châu) chú trọng đẩy mạnh nhằm từng bước hình thành các cánh đồng sản xuất hàng hóa tập trung, thuận lợi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển hướng canh tác xanh, hữu cơ, giá trị cao gắn với phát triển du lịch. Từ đó, giúp đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện gia tăng việc làm, thoát nghèo, tiến tới làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Liên kết sản xuất sẽ góp phần hình thành các cánh đồng hàng hóa tập trung, thuận lợi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Ảnh: Trung Quân.

Liên kết sản xuất sẽ góp phần hình thành các cánh đồng hàng hóa tập trung, thuận lợi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Ảnh: Trung Quân.

Ông Nguyễn Trọng Hưởng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Than Uyên (Lai Châu) chia sẻ, được thiên nhiên ban tặng điều kiện tự nhiên thuận lợi, Than Uyên được biết đến là một trong 4 cánh đồng lúa lớn nhất khu vực Tây Bắc: “nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” (Mường Thanh - Điện Biên; Mường Lò - Yên Bái, Mường Than - Than Uyên; Mường Tấc - Sơn La).

Năm 2023, toàn huyện gieo cấy hơn 4.800ha lúa (2 vụ), sản lượng hơn 25.800 tấn. Trong đó, duy trì hơn 1.500ha sản xuất lúa hàng hóa tập trung, tăng cường sử dụng giống lúa thuần chất lượng cao, năng suất ổn định.

Đặc biệt, với định hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung là động lực để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, huyện đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, thu mua, chế biến lúa gạo với các hộ dân; thúc đẩy việc duy trì và phát triển nhãn hiệu gạo đặc sản như Séng Cù Than Uyên, nếp Tan Pỏm (Tà Hừa), gạo tẻ tròn…

Ông Nguyễn Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dũng Long (đơn vị triển khai chuỗi liên kết sản xuất lúa đặc sản trên địa bàn huyện Than Uyên) chia sẻ, Công ty xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa đặc sản với các hộ theo hình thức doanh nghiệp cung cấp, cho trả chậm giống, vật tư đầu vào (phân bón, thuốc BVTV) và thu mua toàn bộ đầu ra với giá cao hơn 1 - 2 giá so với thị trường.

Ngược lại, các hộ tham gia liên kết cam kết sản xuất theo những yêu cầu, kỹ thuật và hướng dẫn của doanh nghiệp như giảm thiểu việc sử dụng thuốc BVTV, phân bón hóa học, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ…

Theo ông Hạnh, khi tham gia liên kết, cả doanh nghiệp và nông dân đều được hưởng lợi. Đối với doanh nghiệp, sẽ chấm dứt được tình trạng không có vùng cung cấp nguyên liệu ổn định, tạo điều kiện nâng cao công suất sử dụng máy móc, nâng cao chất lượng sản phẩm chế biến. Từ đó, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả hoạt động chế biến và tiêu thụ nông sản.

Nhờ liên kết sản xuất, doanh nghiệp đã có nguyên liệu ổn định, tạo điều kiện nâng cao công suất sử dụng máy móc. Ảnh: Trung Quân.

Nhờ liên kết sản xuất, doanh nghiệp đã có nguyên liệu ổn định, tạo điều kiện nâng cao công suất sử dụng máy móc. Ảnh: Trung Quân.

Đối với người sản xuất, được hỗ trợ về vật tư, khoa học kỹ thuật, có thị trường tiêu thụ ổn định. Không chỉ vậy, nông dân được nâng cao trình độ thông qua các buổi tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất… Từ đó, sự gắn kết giữa nông dân ngày càng bền chặt, tạo cơ sở cho việc cung cấp sản phẩm đủ lớn về số lượng, đồng đều về chất lượng. Bên cạnh đó, nhờ liên kết, nông dân có khả năng xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể, tiến đến xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng sản phẩm để gia tăng giá trị, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Ông Lò Văn Ban ở bản Nà Ban, xã Hua Nà (huyện Than Uyên) phấn khởi chia sẻ, diện tích canh tác của người dân trong bản vốn manh mún, cộng thêm thói quen sản xuất theo kinh nghiệm nên trước đây mạnh ai nấy làm. Năng suất, sản lượng lúa, hiệu quả kinh tế thu được thấp, đói nghèo đeo bám mãi không thôi.

Từ khi được sự định hướng, tuyên truyền, hỗ trợ của chính quyền địa phương, doanh nghiệp, các hộ đã mạnh dạn tham gia chuỗi liên kết sản xuất lúa đặc sản. Tuy nhiên, khi mới bắt đầu, hầu hết người dân đều tỏ ra hoài nghi, nhưng khi thu hoạch ai nấy lại “vui ra mặt” khi năng suất lúa cao, doanh nghiệp về tận ruộng thu mua toàn bộ sản lượng với giá 15.000 đồng/kg (trước phải chở từng bao thóc đi xa để bán, thương lái ép giá, dìm giá).

“Sản xuất khó nhất là bán sản phẩm thì đã có doanh nghiệp chăm lo. Mình chỉ cần tập trung sản xuất cho tốt thì ngại gì không tham gia liên kết. Đặc biệt, khi các hộ sản xuất theo hướng an toàn, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch trải nghiệm theo định hướng của huyện, xã, giấc mơ đổi đời của đồng bào các dân tộc sẽ sớm trở thành hiện thực”, ông Ban đánh giá.

Huyện Than Uyên đang định hướng gắn phát triển sản xuất lúa với hoạt động du lịch. Ảnh: TL.

Huyện Than Uyên đang định hướng gắn phát triển sản xuất lúa với hoạt động du lịch. Ảnh: TL.

Ông Trần Đăng Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Hua Nà cho rằng, nông dân muốn tiêu thụ thuận lợi, gia tăng lợi nhuận phải sản xuất được những sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Hiện nay, xu hướng sử dụng những nông sản an toàn, thân thiện với môi trường ngày càng lên ngôi, nếu tiếp tục duy trì lối canh tác truyền thống, lạc hậu thì chắc chắn sản phẩm sẽ bị đào thải. Do đó, khi người dân đi vào các chuỗi liên kết sản xuất, được sự dẫn dắt của doanh nghiệp sẽ dễ dàng tổ chức sản xuất, bắt kịp với sự thay đổi không ngừng của thị trường.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.