Sáng 2/4, Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp phối hợp cùng sáng lập viên Dự án “Đọc sách cùng Xích Lô” tổ chức Toạ đàm “Sách, xanh và số” tại Thư viện Bộ NN-PTNT.
Mở đầu toạ đàm là chia sẻ của ông Cao Văn Hà, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh, là người sáng lập mô hình Khuyến học mới và là Chủ tịch danh dự Quỹ Ước mơ lớn xã Đông Tiến, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Dành nhiều năm gắn bó với hoạt động khuyến học xã Đông Tiến, ông Hà luôn khát vọng làm mọi việc để thực hiện triết lý học để thay đổi và sự học trước hết là học ở sách.
Ông đã cùng góp sức xây dựng thư viện cộng đồng mang tên Thư viện làng cò Đông Xuyên, phục vụ miễn phí người dân trong thôn, xã, từ đó giúp lan toả và truyền cảm hứng đến những người làm khuyến học, khuyến đọc xã Đông Tiến, người dân trong vùng và những người làm công tác khuyến học trong huyện, trong tỉnh.
Về mô hình thư viện thôn, ông Hà cho biết thư viện được xây dựng từ nguồn xã hội hoá, với hàng trăm cuốn sách và hàng ngàn đầu sách. Số lượng bạn đọc đăng ký tới thời điểm này đã lên tới trên 1.000 người. Với ý tưởng xây dựng thư viện giúp lan toả văn hoá đọc sách và giúp thư viện trở thành trung tâm văn hoá đọc của thôn, ông Hà mong muốn tinh thần ham đọc, ham học được tích luỹ và thúc đẩy từ ngay chính các hộ gia đình. Theo đó, chương trình phát triển tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ đã ra đời từ từ 6/11/2022.
Kể từ khi kêu gọi, chương trình phát triển tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, hiện thôn đã đạt được 3 tủ sách dòng họ, 246 tủ sách gia đình (hơn 10% số hộ). Phấn đấu trong 5 năm, thôn có thể xây dựng tới 800 tủ sách gia đình, giúp lan toả văn hoá đọc hiệu quả, từ đó nâng cao nhận thức và sự gắn kết giữa người dân trong vùng.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho biết, văn hoá đọc sách không chỉ thoả mãn nhu cầu cá nhân của mỗi người mà còn mang tính chất dẫn dắt cuộc sống.
Với ngày càng nhiều huyện, xã nông thôn mới, câu chuyện tri thức hoá nông dân đang là chủ đề được quan tâm vì nông dân là chủ thể sản xuất. Như vậy, việc trang bị cho nông dân tri thức từ sách để phát triển sản xuất, gắn bó với nghề là nhiệm vụ quan trọng.
Lãnh đạo Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho rằng, những buổi toạ đàm thường xuyên về sách bên lề các hội nghị, hội thảo chuyên môn sẽ là cầu nối tương tác mới giữa xã hội, doanh nhân, người làm chính sách… đến với người dân. Bên cạnh đó, với bánh xe chuyển đổi số vận động không ngừng nghỉ, việc tích hợp số hoá vào sách sẽ giúp bạn đọc tiếp cận với kho tàng tri thức một cách nhanh, hiệu quả và tiện lợi hơn ở thời đại mới.
Chia sẻ tại toạ đàm, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng sách cần được tiếp cận theo một phương thức “đời thường” hơn. Lấy ví dụ về việc dạy người nông dân lấy bã cà phê, bã sầu riêng để làm thức ăn chăn nuôi, người viết sách cần tránh văn phong như một luận án khoa học, sử dụng những ngôn ngữ đơn giản, ngắn gọn, súc tích nhất để nông dân có thể đọc hiểu cho việc áp dụng thực tế.
“Chúng ta cần một cuộc cách mạng về sách cho nông thôn. Cần chuyển thể những bài báo khoa học thành ngôn ngữ của người dân để những câu chữ hàn lâm không còn là rào cản giữa nông dân và những trang sách”, Bộ trưởng gợi mở.
Với câu hỏi đặt ra về việc sách viết cho ai và viết để làm gì, Bộ trưởng “đặt hàng” các viện, trường thuộc Bộ NN-PTNT cùng tham gia với Nhà xuất bản Nông nghiệp để triển khai những đầu sách có ngôn ngữ thân thiện hơn với người nông dân.
“Hàm lượng tri thức, giá trị không chỉ nằm trong bản thân sản phẩm đó, mà giá trị nằm ở sự lan toả. Cuốn sách có thể đến được với người dân và thức tỉnh nông dân về những cách làm mới, cách tiếp cận mới. Bộ NN-PTNT cũng sẽ vào cuộc cùng kêu gọi tài trợ và cùng đồng hành với người viết sách cho nông nghiệp”, Bộ trưởng nói.
Kể từ khi ra mắt dự án “Đọc sách cùng Xích Lô”, đã có 6 chương trình chia sẻ, truyền cảm hứng lan toả tinh thần, văn hoá đọc sách đến với người dân. Dự án hiện đang xây dựng kế hoạch phối hợp cùng TikTok để lan toả văn hoá đọc sách hiệu quả hơn đến người dân.