Bão số 3 (Yagi) là cơn bão cực mạnh với cấp siêu bão đổ bộ vào Việt Nam ngày 7 tháng 9, với phạm vi ảnh hưởng rộng và diễn biến phức tạp đã tàn phá nặng nề các địa phương mà nó đi qua; đặc biệt thời điểm bão đổ bộ vào các tỉnh Đông Bắc nước ta trong đó có các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Hồng, Trung du và miền núi phía Bắc. Các khu vực này đang ở giai đoạn gần cuối của vụ mùa, trà lúa mùa sớm đã chín đỏ đuôi, trà lúa chính vụ nhiều vùng vừa trổ bông xong, một số diện tích đang trong giai đoạn mang đòng già, chia vè, trổ sau bão 7-10 ngày. Nhiều loại cây rau màu vụ thu đông và đông sớm như ngô, rau ăn lá, dưa bí mới được trồng, diện tích các cây trồng giá trị cao trong nhà lưới, nhà màng đang trong giai đoạn cho quả gần thời điểm thu hoạch.
Để giảm thiểu thiệt hại do tác động siêu bão Yagi, xin được khuyến cáo với bà con nông dân một số biện pháp chăm sóc sau đây:
Lúa
Khẩn trương tiêu, thoát nước cho tất cả các trà lúa, nhất là với diện tích lúa bị ngập sâu đến cổ bông hoặc ngập đòng, tiêu cạn nước để phơi mặt luống với các loại cây màu, tránh để nước đọng ở rãnh.
Với trà lúa mùa đã trổ bông và chắc xanh hoặc đã chín đỏ đuôi bị đổ: Khẩn trương buộc và dựng những diện tích bị đổ rạp. Diện tích nào đã chín trên 85% nên thu hoạch ngay với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, đề phòng mưa bão tiếp diễn phức tạp.
Với trà lúa đang trổ và chưa trổ bông: Do tác động của gió mạnh, bộ lá công năng bị rách hoặc dập đầu lá nguy cơ cao cho vi khuẩn bạc lá lúa, các bệnh nấm khác xâm nhập và gây hại. Nên phun phòng bằng Validacin, Starner hoặc các loại thuốc kháng nấm và vi khuẩn tổng hợp theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn.
Trà lúa này cần chú ý theo dõi rầy và các đối tượng gây hại cuối vụ, phòng trừ theo chỉ đạo của địa phương.
Tuyệt đối không bón thêm phân và phun thêm phân qua lá.
Các loại rau màu
Khi đã thoát cạn nước mặt ruộng, dùng bình bơm bơm nước lã rửa sạch đất, bùn bám dính trên mặt lá, khi lớp đất mặt đã khô ráo cần xới phá váng, dựng lại các cây con bị nghiêng ngả, nén gốc để cây đứng thẳng, vững; cắt tỉa bỏ các lá gốc đã già, vàng úa, những lá bị rách tướp... Sau 2-3 ngày khẩn trương bón thúc nhẹ bằng lân suppe hoặc tưới nước có hòa loãng lân suppe + đạm urea, cứ mỗi thùng 10 lít hòa vào 1 muôi tay lân suppe và đạm urea, tưới nhẹ vào sát gốc khi đã xới phá váng. Sau 4-5 ngày, cây đã hồi phục và ra rễ mới cần tiếp tục chăm bón, bón thúc phân NPK hàm lượng cao từ 2-3 kg/sào Bắc bộ và kết hợp vun gốc.
Với diện tích rau ăn lá mới gieo bị thiệt hại nặng, khó còn khả năng hồi phục, cần khẩn trương cuốc lật lại đất mặt luống, để khô và đập nhỏ gieo lại đợt hạt giống mới. Sau mưa bão, rau xanh sẽ khan hiếm, bà con nên tận dụng cơ hội để gieo trồng càng sớm càng tốt sẽ cho hiệu quả cao hơn do bán được giá.
Các vườn cây ăn quả
- Chuối là loại cây trồng dễ bị tổn thương và tổn thương nặng do bão, vườn chuối sẽ bị gãy đổ, lá rách tướp... Sau bão khi đã rút cạn nước cần khẩn trương thu dọn vệ sinh vườn chuối, chặt sát gốc các cây bị gẫy, dập không còn khả năng hồi phục, dựng các cây bị đổ nghiêng nhưng không bị gẫy, dập, cắt bỏ các lá già, lá bị rách, tướp xơ, bồi thêm đất vào gốc, kết hợp bón thúc mỗi hốc 0,3-0,5kg NPK để chuối phục hồi nhanh, nuôi các cây con và kịp trổ buồng dịp Tết.
- Với các cây ăn quả khác như cây có múi: Khơi các rãnh để đảm bảo thoát úng vườn cây, nhặt gom quả rụng, lá và cành cây bị gẫy, vệ sinh gốc, vun thêm đất vào gốc, cắt bỏ các cành già không mang quả, bị gẫy, dập, sau 7-10 ngày đất vườn khô ráo tiến hành bón thúc NPK 16-16-8 vào rãnh tạo quanh tán, mỗi gốc 0,5-0,8kg.
- Với nhóm cây vải, nhãn: Thoát nước triệt để, cắt tỉa các cành bị gẫy, dựng lại các cây bị nghiêng ngả, vệ sinh sạch sẽ gốc, quét vôi nước vào gốc cây để phòng nấm bệnh, khi cây trở lại trạng thái sinh trưởng bình thường, ra lá, lộc non thì bón thúc để chuẩn bị đón và nuôi đợt lộc thu.
Trần Xuân Định, Hiệp hội TM Giống cây trồng Việt Nam