Chuyên gia Thái Lan chia sẻ kinh nghiệm trồng và phát triển ngành hàng sầu riêng

Quỳnh Chi - Thứ Ba, 06/02/2024 , 07:28 (GMT+7)

Chuyên gia Sakda Sinives chia sẻ bài học kinh nghiệm của Thái Lan về quá trình phát triển ngành hàng sầu riêng liên quan đến việc chọn giống, công nghệ và kiểm soát chất lượng.

Sầu riêng trồng cao, dễ dàng cơ giới hóa ở tỉnh Chanthaburi, Thái Lan.

Phát triển sầu riêng ở Thái Lan

Ở tỉnh Chanthaburi, thủ phủ sầu riêng tại Thái Lan, tất cả cây sầu riêng trong vườn đều được trồng trên mô đất cao, cây nọ “cách ly” hẳn với cây kia tránh lây bệnh xì mủ do Phytophthora và các bệnh từ đất khác, hàng lối rộng thoáng, thuận lợi cho cơ giới hóa.

Nguyên tắc trồng sầu riêng ở Chanthaburi là trồng cao cho dù trồng trên đồi, sử dụng hệ thống tưới tự động. Một số nhà vườn còn lắp thiết bị dự báo thời tiết và drone để thiết lập bản đồ đất và định vị từng cây trồng, qua đó có thể định kỳ khảo sát, rà soát, “khám bệnh” (chẩn đoán hình ảnh) cho từng cây.

Giữa các lối đi trong vườn, cỏ được giữ và kiểm soát bằng cách cắt tỉa ngăn nắp. Xung quanh gốc trong vòng bán kính 40-50 cm, cỏ và lá cây rụng được dọn sạch, gốc cây thông thoáng để đón ánh mặt trời ngăn ngừa mầm bệnh. Các vườn cây được tạo tán thấp vừa phải, đẹp.

Ông Sakda Sinives, chuyên gia nông nghiệp nổi tiếng của Thái Lan cho biết, ngành sầu riêng Thái Lan đã có sự chuẩn hóa về giống, kỹ thuật canh tác, thu hoạch, đóng gói, bảo quản, chế biến, đặc biệt chuyển hướng mạnh sang chế biến (bóc múi cấp đông và chế biến sâu), qua đó, có thể điều tiết thị trường, giảm chi phí vận chuyển trong quá trình xuất khẩu, và… tránh đổ rác (vỏ sầu riêng) tới nước xuất khẩu.

Trong hơn 20 năm qua, sầu riêng của Thái Lan (chủ yếu giống Monthong) đã thống trị thị trường sầu riêng ở Trung Quốc, trước khi Trung Quốc nhập khẩu chính ngạch từ Việt Nam. Quá trình nghiên cứu, tuyển chọn và nhân rộng giống Monthong phổ biến là một trong những yếu tố thúc đẩy ngành hàng sầu riêng tại Thái Lan phát triển ổn định do khắc phục được những nhược điểm về chống chịu bệnh và thời tiết của các giống sầu riêng truyền thống lâu đời tại Thái Lan trước đây.

Chuyên gia Thái Lan Sakda Sinives có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật.

Tên gọi Monthong nghĩa là "chiếc gối vàng", làm liên tưởng đến mùi thơm ngậy, vị ngọt bùi, múi dày, kem, mịn. Vì thế, giống này được người tiêu thụ Trung Quốc rất ưa chuộng. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Thái Lan, hơn 90% sản lượng sầu riêng Monthong được xuất khẩu sang Trung Quốc; phần còn lại được tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu...

Giống sầu riêng Monthong không chỉ được trồng tốt ở Thái Lan, mà với những đặc tính tốt của mình, hiện giống này đã được trồng rộng rãi tại nhiều quốc gia ở Đông Nam Á khác như Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Myanmar… kéo theo nỗi quan ngại về việc cung sẽ vượt cầu trong bối cảnh mà nhiều quốc gia đang trồng chung một giống.

Trước tình hình đó, để gia tăng năng lực cạnh tranh với các quốc gia láng giềng tại thị trường chính là Trung Quốc, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp Thái Lan đã có những chiến lược để hỗ trợ ngành hàng sầu riêng trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm xuất khẩu tươi, bên cạnh việc gia tăng phát triển các nhà máy cấp đông và chế biến sâu nhằm đa dạng hóa sản phẩm, kéo dài thời gian bảo quản cũng như phục vụ được nhu cầu của các thị trường xa hơn.

Khâu phát triển giống mới, đặc biệt là những giống ngon nhưng có ít mùi thơm hơn Monthong trong các năm qua cũng đã có những thành tựu nhất định, qua đó, mở ra cơ hội chào bán mặt hàng nông sản đặc biệt này đến người tiêu dùng tại các quốc gia phương Tây, vốn không ưa chuộng sầu riêng do mùi quá nồng của loại trái cây vua này.

Có thể nói, ý thức được sự vươn lên mạnh mẽ cả về mặt diện tích, sản lượng và chất lượng của những quốc gia trồng sầu riêng khác như Việt Nam, Campuchia, Myanmar, thậm chí toàn Đông Nam Á…, phương châm của người Thái là phải đi trước một bước để tiếp tục ở thế dẫn đầu.

Quá trình phát triển sầu riêng và câu chuyện 'trồng, chặt, trồng' ở Thái Lan

Nhớ về thời kỳ đầu tiên khi sầu riêng Thái xuất khẩu sang Trung Quốc, vị chuyên gia kể: “Nông dân Thái Lan trồng sầu riêng từ lâu đời. Hơn 20 năm trước, chúng tôi đã rất vui mừng khi sầu riêng được người Trung Quốc nhập khẩu ào ạt với giá cao. Tuy nhiên, việc không kiểm soát được độ chín của trái, mẫu mã, sâu bệnh và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đã khiến cho mặt hàng này rất nhanh chóng không còn được ưa chuộng tại thị trường 1,4 tỷ dân sau một thời gian xuất khẩu. Chúng tôi đã từng nghĩ đến giải pháp về làm hàng đông lạnh và chế biến để đa dạng hóa thị trường, tuy nhiên công nghệ tại thời điểm đó chưa đáp ứng được yêu cầu như ngày nay. Những vấn đề trên đã dẫn đến sầu riêng mất giá và không tiêu thụ được, rơi vào tình trạng ùn ứ”.

Sầu riêng phát triển với diện tích lớn nhưng không tiêu thụ được, người nông dân Thái Lan đã quyết định chặt bỏ để chuyển sang cây trồng khác. Một trong số loại cây đó là thanh long với cây giống được nhập khẩu từ Việt Nam. Nhưng không may, thanh long lại bị nhiễm Phytophthora do được trồng trên nền đất có tiền sử nhiễm bệnh từ cây sầu riêng.

“Trong giai đoạn đó, giá cao su trên thế giới đang rất cao, người nông dân lại chặt thanh long để chuyển sang trồng cao su, đặc biệt là trong giai đoạn cựu Thủ tướng Thaksin nắm quyền (2001 – 2006). Khi đó, Thái Lan thậm chí còn đề xuất thành lập liên minh cao su với Malaysia và Indonesia với mong muốn thống trị ngành cao su thế giới. Tuy nhiên, khi diện tích cao su phát triển ào ạt tại nhiều nước khác như Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar thì giá cao su liên tục giảm sâu. Người nông dân lại một lần nữa chặt cao su để quay lại trồng sầu riêng. Một vòng quay trồng - chặt, chặt - trồng đã xảy ra trước khi chúng tôi có thể cải tổ để phát triển bền vững như ngày hôm nay”, vị chuyên gia chia sẻ.

Hiện nay, Thái Lan đã áp dụng bài bản khâu chế biến công nghệ cao, tích hợp chuỗi khối (Blockchain) để phục vụ truy xuất nguồn gốc.

Quá trình nghiên cứu, phát triển công nghệ và các chính sách về kiểm soát chất lượng sầu riêng đã đóng vai trò quan trọng để ngành hàng sầu riêng Thái phục hồi, phát triển ổn định sau những biến động. Thời điểm đó, vượt qua hàng chục giống sầu riêng phổ biến, sầu riêng Monthong đã được các nhà khoa học người Thái tuyển chọn và phổ biến cho người nông dân trồng, qua đó, cây trồng có thể tăng được tính chống chịu bệnh và thời tiết khắc nghiệt, sản phẩm đạt sự ổn định về chất lượng khi đến tay người tiêu dùng.

Đồng thời, Chính phủ Thái Lan cũng ra sức tuyên truyền để người nông dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc kiểm soát chất lượng sản phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là kiểm soát được độ chín của trái sầu riêng thông qua việc theo dõi số ngày từ thời điểm thụ phấn đến thời điểm thu hoạch, đồng thời kiểm tra được hàm lượng xơ bên trong trái sầu riêng.

Hơn thế nữa, từ năm 2023, nhà quản lý Thái Lan còn cấp phép cho những công ty kiểm định chất lượng sầu riêng tham gia vào đánh giá và cấp chứng nhận chất lượng cho những công ty chuyên xuất khẩu sầu riêng đi Trung Quốc - một hình thức tự kiểm soát chất lượng trước khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Bên cạnh việc xuất khẩu sản phẩm tươi, Thái Lan còn hỗ trợ các công ty đầu tư và phát triển lĩnh vực chế biến, cụ thể là cấp đông và chế biến sâu để phục vụ cho nhiều đối tượng khách hàng và thị trường hơn, qua đó điều tiết được sản lượng sầu riêng trong mùa thu hoạch cao điểm.

So với hơn 20 năm trước, đến nay càng có nhiều người Trung Quốc thích ăn sầu riêng, đồng thời nền kinh tế của nước này cũng phát triển ngày càng mạnh hơn, biến Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ sầu riêng số một thế giới.

Du khách thích thú tham quan vườn trồng ở thủ phủ sầu riêng Chanthaburi, Thái Lan.

Nhấn mạnh về vấn đề kiểm soát chất lượng, ông Sakda chia sẻ thêm: “Tại Thái Lan, chúng tôi hình thành các mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp xuất khẩu, đơn vị đóng gói và người nông dân trồng sầu riêng. Mỗi khi nhận được khiếu nại về chất lượng sầu riêng từ phía Trung Quốc, Cục Trồng trọt của Thái Lan sẽ làm việc với doanh nghiệp xuất khẩu, kế đến là nhà đóng gói và các vườn sầu riêng.

Nếu bị xác định là có lỗi, các doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ bị tạm đình chỉ xuất khẩu, các nhà đóng gói có thể bị thu hồi mã nhà đóng gói còn các nhà vườn có thể bị thu hồi mã vùng trồng. Các chủ thể này chỉ được hoạt động trở lại khi các nguy cơ nói trên đã được khắc phục hoàn toàn. Qua đó, chúng tôi có thể kiểm soát được chất lượng sầu riêng xuất khẩu”.

Ngành hàng sầu riêng Việt Nam cần phát triển đúng ngay từ đầu

Năm 2023, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc cả về sản lượng lẫn giá trị sầu riêng xuất khẩu. Trong 10 tháng đầu năm 2023, Thái Lan là nguồn cung sầu riêng lớn nhất ở thị trường Trung Quốc với số lượng đạt gần 903.903 tấn, tổng giá trị hơn 4,419 tỉ USD.

Tuy nhiên, trong 2 tháng cuối năm, Việt Nam đã vươn lên dẫn đầu, đạt hơn 100.000 tấn/tháng, trong khi Thái Lan chỉ xấp xỉ 25.000 tấn/tháng. Các tháng cuối năm, nhiều vùng sầu riêng của Việt Nam vẫn có sản phẩm thu hoạch lệch vụ so với Thái Lan. Kết quả này đến từ lợi thế về các vùng trồng sầu riêng tại Việt Nam vốn phân bổ dài từ Tây Nguyên đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đa dạng, thuận lợi cho canh tác và phân bổ sản lượng thu hoạch trong suốt cả năm. Đây chính là điều kiện tốt để Việt Nam xây dựng quy trình canh tác sầu riêng bài bản, phù hợp với từng khu vực, tạo nên một ngành công nghiệp chế biến nông sản phổ quát và mạnh mẽ hơn.

Chuyên gia Thái Lan đánh giá Việt Nam sẽ là cường quốc sầu riêng.

Ông Sakda phân tích thêm: “Việc giáp với Trung Quốc và có cơ sở hạ tầng giao thông ngày một tốt hơn mang lại lợi thế cạnh tranh rất lớn cho Việt Nam. Trong khi một container sầu riêng từ Thái Lan đến cửa khẩu Trung Quốc thường mất tới 5 ngày thì Việt Nam chỉ mất 2-3 ngày. Thời gian vận chuyển ngắn hơn là lợi thế của Việt Nam, tăng cường hiệu suất thương mại. Việt Nam cần phát huy ưu thế về khoảng cách địa lý, cũng như giành được sự tin tưởng của người tiêu dùng và cơ quan quản lý Trung Quốc đối với chất lượng sầu riêng. Khi có uy tín và sự tin cậy, Trung Quốc sẽ đơn giản hóa quy trình kiểm định, giúp nông sản xuất khẩu thuận lợi hơn”.

Theo ông Sakda, Việt Nam cần tránh lặp lại những sai lầm mà ngành sầu riêng Thái Lan đã mắc phải trong quá khứ, cụ thể là phát triển quá nóng về sản lượng nhưng không kiểm soát tốt về chất lượng, dẫn đến tiêu thụ kém và người nông dân phải chặt bỏ.

Từ kinh nghiệm của Thái Lan, Việt Nam cần làm đúng ngay từ đầu về công tác chọn giống, áp dụng chế độ bón phân hữu cơ và bảo vệ thực vật phù hợp, áp dụng cơ giới hóa và công nghệ vào quá trình canh tác, đặc biệt là kiểm soát chất lượng sầu riêng xuất khẩu, tăng cường phát triển công nghệ sau thu hoạch và chế biến, qua đó, có thể giải quyết triệt để các rủi ro tiềm tàng trước khi trở nên phức tạp.

Về công tác quản lý chất lượng, Việt Nam cần sớm có chính sách về việc cấp phép cho các đơn vị giám định chất lượng sầu riêng xuất khẩu để đảm bảo hàng hóa đến với tay người tiêu dùng trong tình trạng tốt nhất có thể. Việt Nam nên chú trọng phát triển thị trường đa dạng hơn, có thể thông qua kênh của những Việt kiều, vốn có mặt khắp nơi trên thế giới. Tóm lại, Việt Nam hoàn toàn có thể triển khai ngành hàng đúng ngay từ đầu mà không cần phải trải qua quá trình thất bại và cải tổ như Thái Lan trong quá khứ.

“Ngoài những lợi thế nói trên, ngành sầu riêng Việt Nam nói riêng và nông nghiệp Việt Nam đang có nhiều điều kiện tốt để phát triển mạnh mẽ và bền vững. Trong đó có thể kể đến vai trò của Nhà nước thông qua việc xây dựng các chính sách hỗ trợ về nghiên cứu khoa học, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp và xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, con người Việt Nam vốn có tính cần cù, thông minh và có năng lực tốt về ngoại thương. Chỉ cần kiểm soát chất lượng tốt, đa dạng hóa thị trường, Việt Nam sẽ sớm vươn lên thành cường quốc về sầu riêng cả về số lượng, chất lượng và giá trị xuất khẩu”, vị chuyên gia đúc kết.

Quỳnh Chi
Tin khác
Thôi đốt đồng, nhà nông thêm tiền, bớt ưu phiền sức khỏe
Thôi đốt đồng, nhà nông thêm tiền, bớt ưu phiền sức khỏe

Nhiều nông dân trồng lúa đã từ bỏ thói quen đốt đồng sau khi được hướng dẫn cách xử lý rơm rạ mang lại hiệu quả kinh tế cao và cải thiện sức khỏe.

Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 5] Ưu tiên tạo tín chỉ carbon, quản lý rừng bền vững
Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 5] Ưu tiên tạo tín chỉ carbon, quản lý rừng bền vững

Muốn thích ứng một cách nhanh chóng, bền vững với những quy định mới như CBAM, EUDR…, chủ rừng buộc phải chuẩn hóa ngay từ khâu giống và trồng cây xuống đất.

Dịch vụ khí hậu số trong nông nghiệp: Đã xóa được 'ngờ', cần mô hình bền vững hơn
Dịch vụ khí hậu số trong nông nghiệp: Đã xóa được 'ngờ', cần mô hình bền vững hơn

Dù chứng tỏ được lợi ích trong dự báo thời tiết, sâu bệnh... các dịch vụ số trong nông nghiệp vẫn cần thời gian để bền vững hơn, nhất là trước những thách thức mới.

Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 4] Cơ hội còn nhiều ở thị trường carbon bắt buộc hơn 900 tỷ USD
Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 4] Cơ hội còn nhiều ở thị trường carbon bắt buộc hơn 900 tỷ USD

Thị trường carbon quốc tế đang rất sôi động, với giá trị ước tính có thể lên tới gần 1.000 tỷ USD, đòi hỏi Việt Nam cần có sự chuyển dịch mạnh mẽ.

Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 3] Đóng góp thầm lặng từ những mô hình nông lâm kết hợp
Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 3] Đóng góp thầm lặng từ những mô hình nông lâm kết hợp

Bên cạnh việc góp phần chuyển đổi hệ thống thực phẩm, đảm bảo sinh kế cho người dân, nông lâm kết hợp còn có ý nghĩa quan trọng trong mục tiêu trung hòa carbon.

Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 2] Đặt tên cho rừng bằng mã số
Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 2] Đặt tên cho rừng bằng mã số

Nhờ mã số vùng trồng, từng lô rừng được minh định trong cơ sở dữ liệu, giúp các bên thuận tiện theo dõi, giám sát và dễ dàng truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp.

Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 1] Thách thức tăng gấp 3 lượng carbon hấp thụ từ rừng
Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 1] Thách thức tăng gấp 3 lượng carbon hấp thụ từ rừng

Để phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, lĩnh vực lâm nghiệp phải tăng khả năng hấp thụ carbon lên 185 triệu tấn CO2e, trong khi tỷ lệ che phủ rừng giữ ổn định.

Bất ngờ chuyện nuôi ốc hương thành công ở Bạc Liêu
Bất ngờ chuyện nuôi ốc hương thành công ở Bạc Liêu

Anh Ðinh Vũ Hải (49 tuổi, ngụ TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) bắt đầu chuyển đổi mô hình nuôi tôm công nghệ cao sang nuôi ốc hương biển, thu hơn tỷ đồng mỗi năm.

Na sầu riêng gai to, trái nặng đến 3kg
Na sầu riêng gai to, trái nặng đến 3kg

Cần Thơ Một nông dân xã Trung Thạnh (huyện Cờ Đỏ) phát triển cây na sầu riêng mới lạ, trái nặng đến 3kg, giá cao, nông dân thu ‘trái ngọt’ trên vùng lúa kém hiệu quả.

Thương hiệu nhãn Ido Đồng Tâm của lão nông U70
Thương hiệu nhãn Ido Đồng Tâm của lão nông U70

Cần Thơ Hợp tác xã nhãn Ido Đồng Tâm ở TP Cần Thơ đang sản xuất nhãn theo hướng VietGAP, nhằm tạo dựng thương hiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu.

Tận dụng nguồn tài nguyên bản địa xây dựng thương hiệu trà lá ổi túi lọc
Tận dụng nguồn tài nguyên bản địa xây dựng thương hiệu trà lá ổi túi lọc

Đồng Tháp Với hương vị thơm dịu, thanh mát và có công dụng tốt cho sức khỏe, sản phẩm trà lá ổi túi lọc của anh Phan Hồi Hương đã được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Học IPM, nông dân Quảng Ninh sản xuất giỏi, múa hát hay
Học IPM, nông dân Quảng Ninh sản xuất giỏi, múa hát hay

Bằng lời ca, tiếng hát, nông dân phường Kim Sơn (TP Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) đã lan tỏa kiến thức, bài học từ chương trình IPM, giúp nâng cao chất lượng đồng ruộng.