| Hotline: 0983.970.780

'Bắt bệnh bốc thuốc' đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp

Mô hình 'trường trong farm, farm trong trường'

Thứ Hai 21/08/2023 , 06:00 (GMT+7)

BÌNH DƯƠNG 'Tôi đi khảo sát và làm việc với một số trường đại học chuyên đào tạo ngành nông nghiệp thì mới thấy thực trạng đáng buồn', ông Phạm Quốc Liêm, Tổng Giám đốc Unifarm kể.

"Cánh chim đầu đàn" làm nông nghiệp công nghệ cao

Bình Dương, nơi không chỉ nổi tiếng là trung tâm công nghiệp mà còn được ví là "thủ phủ" nông nghiệp công nghệ cao với những khu canh tác quy mô, hiện đại bậc nhất cả nước. Trong đó, Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) là một doanh nghiệp quy tụ được trí tuệ và tâm huyết của đội ngũ kỹ sư, cùng với việc kết hợp hiệu quả "4 nhà" (nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông), tạo ra nhiều sản phẩm nông sản mang tầm vóc quốc tế.

Vườn chuối công nghệ cao xanh tốt của Unifarm tại xã An Thái, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Trần Trung.

Vườn chuối công nghệ cao xanh tốt của Unifarm tại xã An Thái, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Trần Trung.

Bài liên quan

Tọa lạc tại xã An Thái (huyện Phú Giáo, Bình Dương) với diện tích hơn 400 ha, trang trại Unifarm là vùng sản xuất chuối và dưa lưới công nghệ cao của Bình Dương. Với quy trình trồng theo tiêu chuẩn châu Âu, khoảng 300ha chuối tại Unifarm mỗi năm cho năng suất gần 50 tấn/ha. Sau khi thu hoạch, sản phẩm trải qua các công đoạn sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển xuất khẩu đảm bảo chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế.

Bên cạnh đó, quy trình trồng trên 100ha dưa lưới tại Unifarm ứng dụng theo công nghệ Israel, hệ thống kiểm tra nhiệt độ, độ ẩm, hệ thống tưới tại các nhà màng được kết nối đến hệ thống điều khiển trung tâm. Dưa lưới tại trang trại trồng bằng giá thể được xử lý triệt để các mầm bệnh có thể gây hại cho cây.

Dẫn chúng tôi thăm nông trại, đập vào mắt là những vườn chuối thẳng tắp, xanh tốt, sai lúc lỉu quả, xen kẽ là những nhà kín hiện đại, bên trong, từng “đàn” dưa treo lúc lỉu như những chú lợn con chờ ngày thu hoạch. Bên ngoài, phòng điều khiển tưới tiêu có hiển thị bảng điện tử giúp các kỹ sư theo dõi và thực hiện quy trình chăm sóc cây trái mà không cần phải vào tận bên trong nhà kính. Tại khu sản xuất dưa lưới có những chiếc xe chuyên dụng kềnh càng đang phăm phăm rẽ cỏ chở nông sản đã thu hái về phân xưởng đóng gói.

Dưa lưới tại Unifarm ứng dụng công nghệ Israel. Ảnh: Trần Trung.

Dưa lưới tại Unifarm ứng dụng công nghệ Israel. Ảnh: Trần Trung.

Bài liên quan

Mỗi năm, mô hình trồng dưa lưới tại Unifarm cho doanh thu hơn 2 tỷ đồng/ha và mô hình trồng chuối già hương xuất khẩu cho doanh thu từ 500 triệu đồng/ha. Từ việc ứng dụng khoa học vào sản xuất, hiện nay, các sản phẩm mang thương hiệu Unifarm ngày càng trở nên phổ biến với người tiêu dùng.

Dưa lưới và chuối của Công ty đang có mặt tại tất cả các hệ thống bán lẻ trong nước. Sản phẩm dưa lưới của Unifarm đã xuất khẩu sang Singapore từ năm 2018, các sản phẩm chuối được xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản... Kim ngạch xuất khẩu nông sản của Công ty bình quân đạt khoảng 4 triệu USD/năm.

Đỏ mắt tìm nguồn nhân lực

Để có thành quả như ngày hôm nay, ít ai biết rằng, từ hơn chục năm trước, trong khi nông dân vẫn loay hoay tìm lời giải “chặt trồng, trồng chặt” thì Unifarm với việc xác định nguồn nhân lực là yếu tố cốt lõi để xây nền móng cho hệ sinh thái sản xuất kinh doanh đã gặt hái hết thành công này đến thành công khác.

Có hiểu biết và tình yêu với nông nghiệp là một trong những yếu tố đầu tiên của lao động mà Unifarm đặt ra. Ảnh: Trần Trung.

Có hiểu biết và tình yêu với nông nghiệp là một trong những yếu tố đầu tiên của lao động mà Unifarm đặt ra. Ảnh: Trần Trung.

Bài liên quan

Ông Phạm Quốc Liêm - Tổng Giám đốc Unifarm không giấu được niềm tự hào chia sẻ những thành quả của ngày hôm nay cũng như những tảng đá tư duy canh tác kiểu cũ và mới đan xen; những khó khăn tìm và đào tạo nguồn lực để đạt được kỳ vọng khi UBND tỉnh Bình Dương giao đất xây dựng khu nông nghiệp ở An Thái thành khu nông nghiệp công nghệ cao kiểu mẫu.

Đứng bên những hàng chuối xanh mướt, ông Liêm kể: Ban đầu, nguồn nhân lực từ lãnh đạo tới anh em kỹ thuật của Công ty chỉ vỏn vẹn có 10 người. Để bổ sung nhân lực đáp ứng chiến lược phát triển, các thành viên của Công ty phải đi đến các trường đại học để tuyển dụng, nhưng kết quả không như mong đợi.

Do môi trường làm việc của Unifarm chủ yếu với chuyên gia nước ngoài, Công ty đặt ra 3 tiêu chí để tuyển dụng: Thứ nhất là phải thông thạo tiếng Anh, thứ 2 là phải có tình yêu với nông nghiệp, lăn xả với ruộng đồng và cuối cùng là trình độ đại học chuyên ngành về nông nghiệp.

"Tuy nhiên, thời điểm tìm nhân sự, tôi đã đi khảo sát và làm việc với một số trường đại học chuyên đào tạo ngành nông nghiệp thì mới thấy thực trạng đáng buồn: Khả năng giao tiếp của hầu hết sinh viên Việt Nam thời điểm đó khá hạn chế, khả năng giao tiếp tiếng Anh hầu như "zero".

Các kỹ sư tại Unifarm có tay nghề cao, yêu nông nghiệp. Ảnh: Trần Trung.

Các kỹ sư tại Unifarm có tay nghề cao, yêu nông nghiệp. Ảnh: Trần Trung.

Một số trường đạo tạo ngành khác sinh viên có kỹ năng giao tiếp tiếng Anh, có kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm đáp ứng được những yêu cầu cần thiết để làm việc với người nước ngoài thì lại chê làm nông nghiệp vất vả và không hiểu gì về nông nghiệp", ông Liêm ngán ngẩm.

Thuê chuyên gia nước ngoài và mô hình "trường trong farm"

Bài liên quan

Từ những khó khăn đó, Unifarm đã quyết định đi một số quốc gia, nơi có những mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng với Bình Dương để học hỏi, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và đào tạo lại nguồn nhân lực. Đây là chiến lược để xây dựng “trường trong farm”.

Đưa các chuyên gia nước ngoài về làm thuê cho Unifarm được xem là quyết định táo bạo, quyết đoán. Mặc dù thuê chuyên gia nước ngoài phải trả lương rất cao, nhưng “đắt xắt ra miếng”. Những kinh nghiệm và kiến thức của các chuyên gia hàng đầu đến từ các quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến hơn Việt Nam chính là cơ sở để tạo ra những hạt giống nhân lực chất lượng cao của Unifarm hôm nay.

Song song đó, Unifarm xác định sản xuất nông nghiệp công nghệ cao không chỉ cần khoa học công nghệ, mà kinh nghiệm dân gian cũng là một bí quyết rất đáng được học hỏi.

Unifarm đã từng rất chật vật trong việc tìm nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu công việc. Ảnh: Trần Trung.

Unifarm đã từng rất chật vật trong việc tìm nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu công việc. Ảnh: Trần Trung.

Bài liên quan

Xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương) là nơi nổi tiếng có những lão nông chuyên trồng cây ăn quả nghịch mùa. Unifarm đã có chế độ ưu đãi hết sức tương xứng để học hỏi những kinh nghiệm quý báu này.

Ngoài ra, Unifarm hiện đang tiếp tục theo đuổi mô hình du lịch tri thức. Đây là mô hình Unifarm đã thực hiện xuyên suốt trong nhiều năm qua. Quan điểm của Unifarm là không kiếm tiền từ du lịch, mà xem du lịch là môi trường để thế hệ trẻ tăng niềm yêu thích với nông nghiệp, từ đó thôi thúc các em học tập, trải nghiệm để giữ gìn, phát huy giá trị nông sản, nông nghiệp Việt.

“Từ một doanh nghiệp nhỏ, ít ai biết đến, đến nay, Unifarm đã phát triển mạnh mẽ với số lượng nhân công, chuyên gia, kỹ sư lên đến gần 200 người. Unifarm trở thành tên tuổi quen thuộc đối với hệ thống siêu thị trong nước và các nhà buôn quốc tế”, ông Phạm Quốc Liêm tự hào.

Theo ông Phạm Quốc Liêm, nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuối của Unifarm đang cạnh tranh sòng phẳng, thậm chí nhỉnh hơn các thị trường sản xuất chuối có tiếng trên thế giới.

Hiện nay, các kỹ sư tại Unifarm đã được đào tạo, đáp ứng được yêu cầu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Trần Trung.

Hiện nay, các kỹ sư tại Unifarm đã được đào tạo, đáp ứng được yêu cầu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Trần Trung.

Bài liên quan

Để đưa chuối Việt Nam vươn xa trên trường quốc tế, Unifarm đã và đang tích cực chuyển giao công nghệ, giúp bà con nông dân chuyển hướng cây trồng, sẵn sàng bao tiêu sản phẩm cho các hộ nông dân có tâm huyết phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao…

Với chủ trương không thuê đất mà khuyến khích các doanh nghiệp, bà con nông dân hợp tác sản xuất, đôi bên cùng có lợi, Unifarm đã xây dựng được rất nhiều dự án liên kết trồng chuối xuất khẩu với tổng diện tích lên đến hàng nghìn ha tại Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương và không ngừng mở rộng ra các vùng đất có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây chuối.

Để có nguồn nhân lực hỗ trợ các đối tác liên kết, bên cạnh chiến lược “trường trong farm”, Unifarm còn thực hiện chiến lược “farm trong trường”. Theo đó, Unifarm đang bắt tay với các viện, trường, trong đó có Trường Trung cấp nông nghiệp Bình Dương xây dựng và đào tạo chuyên ngành về trồng và phát triển chuối cấy mô.

Ông Phạm Quốc Liêm (bìa trái) giới thiệu thành quả của Unifarm với lãnh đạo tỉnh Bình Dương. Ảnh: Trần Trung.

Ông Phạm Quốc Liêm (bìa trái) giới thiệu thành quả của Unifarm với lãnh đạo tỉnh Bình Dương. Ảnh: Trần Trung.

“Các trường có sẵn cơ sở vật chất, công tác tuyển sinh chuyên nghiệp, có đội ngũ giảng viên lành nghề. Ngược lại, Unifarm có kinh nghiệm sản xuất thực tiễn, có nhu cầu tuyển dụng cao. Sự hợp tác của Unifarm và các trường sẽ giúp các sinh viên ra trường được trang bị đầy đủ kiến thức và có thể vào làm việc ngay, không mất thời gian đào tạo lại, giải quyết được bài toán thiếu hụt nhân sự cho Unifarm.

Thậm chí nếu không làm việc tại Unifarm, các em cũng có thể giúp các đối tác Unifarm hay gia đình của các em để bắt tay cùng Unifarm phát triển cây chuối, tất cả đều tốt. Tuy nhiên chỉ với một mình Unifarm thực hiện chiến lược đào tạo này là chưa đủ, rất cần sự chung tay của nhà nước, cộng đồng”, ông Phạm Quốc Liêm chia sẻ.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.