Thời gian vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng chia sẻ rất nhiều về việc UBND thành phố Hà Nội xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch. Người dân Thủ đô mong chờ sự hồi sinh, phục hồi được dòng chảy, môi trường cho dòng sông Tô Lịch đang bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm.
![phuc-hoi-song-to-lich-can-tam-nhin-tong-the-va-dai-han-170537_573.jpg](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/15/phuc-hoi-song-to-lich-can-tam-nhin-tong-the-va-dai-han-170537_573-174402.jpg)
Sông Tô Lịch, một trong những dòng sông lịch sử của Hà Nội, đã trải qua nhiều năm ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường và chất lượng cuộc sống của người dân. Việc phục hồi sông Tô Lịch đòi hỏi một tầm nhìn tổng thể và dài hạn, kết hợp các giải pháp kỹ thuật và quản lý hiệu quả.
CÁC QUY HOẠCH LIÊN QUAN VÀ YÊU CẦU
- Quyết định số 725/QĐ-TTg ngày 10/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong đó sông Tô Lịch cải tạo, xây dựng tuyến mương nối với sông Nhuệ từ khu vực trạm bơm Cổ Nhuế đến đầu sông Tô Lịch với lưu lượng 5m3/s.
- Quyết định số 1569/QĐ-TTg ngày 12/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Quyết định số 1622/QĐ-TTg ngày 27/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 04/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 08/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Quyết định số 847/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu xác định: “Tạo chuyển biến rõ nét trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp, phát triển bền vững; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí; xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường nước các hệ thống sông, hồ; hoàn thành cải tạo môi trường sông Nhuệ - Sông Đáy, sông Tô Lịch”.
- Chương trình số 05-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025”. Về nhiệm vụ quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường: “Từng bước làm sống lại các sông: Nhuệ, Đáy, Tô Lịch, Tích, Kim Ngưu, Lừ, Sét...”.
VỀ QUY ĐỊNH LIÊN QUAN TÀI NGUYÊN NƯỚC
Việc duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông phải đảm bảo theo quy định tại Điều 24 Luật Tài nguyên nước;
- Hoạt động của dự án cần tuân thủ các quy định về phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm và ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước tại Điều 34 Luật Tài nguyên nước;
- Ngoài ra, cần tuân thủ theo các quy định của pháp luật về tài nguyên nước. Cụ thể: Quy định về bảo đảm lưu thông của dòng chảy tại Điều 25; Quy định về phòng, chống hạn hán, thiếu nước, lũ, lụt, ngập úng nhân tạo tại Điều 63; Quy định về phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông tại Điều 66 của Luật Tài nguyên nước; Quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước và quy định về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông tại Nghị định số 53/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.
NHỮNG PHƯƠNG ÁN ĐỀ XUẤT PHỤC HỒI SÔNG TÔ LỊCH
Phương án đề xuất của Hà Nội
UBND thành phố Hà Nội có văn bản số 4287/UBND-ĐT ngày 19/12/2024 gửi Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch nhằm cải thiện môi trường.
Mục tiêu đầu tư: Bổ cập nước cho sông Tô Lịch từ nguồn sông Hồng, thay thế nguồn nước thải đã được thu gom về Nhà máy nước thải Yên Xá, đảm bảo tạo dòng chảy, cải thiện môi trường, tạo mực nước trên sông, thau rửa lòng sông, đảm bảo cảnh quan, vệ sinh môi trường; chuẩn bị nguồn để bổ cập nước cho hồ Tây sau khi quận Tây Hồ hoàn thành Đề án quy hoạch, quản lý, bảo tồn, khai thác phát huy giá trị của hồ Tây và triển khai thực hiện.
Quy mô đầu tư:
- Xây dựng cụm công trình trạm bơm khai thác nước sông Hồng, vị trí tại bãi sông Hồng với công suất trạm 3-5m3/s gồm trạm bơm, bể hút, trạm biến áp, nhà quản lý vận hành.
- Tuyến ống dẫn nước từ trạm bơm vào qua đê bờ hữu sông Hồng (2 tuyến D1200mm).
- Xây dựng đường ống D1200mm dẫn nước từ đê hữu Hồng đến sông Tô Lịch dài khoảng 5.500m. Trên tuyến có bố trí điểm chờ để đấu nối bổ cập nước cho hồ Tây.
- Xây dựng 3 đập dâng trên sông Tô Lịch để giữ nước, tạo dòng chảy, khai thác cảnh quan hai bên bờ sông Tô Lịch...
![phuong-an-gia-cuu-song-to-lich-1-160112_167.jpg](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/15/phuong-an-gia-cuu-song-to-lich-1-160112_167-174402.jpg)
Phương án của Hà Nội theo văn bản số 4287/UBND-ĐT ngày 19/12/2024
Phương án đề xuất của Hội Cơ học Hà Nội
Giải pháp của Hội Cơ học là xây dựng đập dâng Thuần Mỹ, đầu nước thuận lợi lấy nước sông Đà qua cống Lương Phú. Cống này nằm trên bờ hữu sông Đà tại huyện Ba Vì, có khả năng lấy khoảng 100 m3/s nước từ sông Đà vào sông Tích, từ đó chảy tự nhiên về Sơn Tây. Nước sông Tích về Sơn Tây có dòng chảy hở tự do không áp nên tổn thất ít, sử dụng cống điều tiết để điều chỉnh mực nước ở Sơn Tây khoảng +10 m.
Tại cống điều tiết Sơn Tây chuyển 40 m3/s theo sông Tích về sông Bùi, còn 60 m3/s theo đường trục quy hoạch Tây Thăng Long về đến sông Đáy xả 30m3/s, về đến sông Nhuệ xả 25 m3/s, còn lại 5 m3/s về sông Tô Lịch và Hồ Tây.
![so-hoa-tuyen-cong-trinh_phuc-hoi-song-to-lich-160112_865.jpg](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/15/so-hoa-tuyen-cong-trinh_phuc-hoi-song-to-lich-160112_865-174403.jpg)
Sơ hoạ phương án đề xuất của Hội Cơ học Hà Nội.
Phương án của Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về động lực học sông biển
Mục tiêu đầu tư: Phục hồi và kết nối sông Tô Lịch, Hồ Tây với sông Hồng nhằm đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch ổn định, tăng cường lưu lượng duy trì dòng chảy môi trường, đường thủy nội địa, hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái ven sông, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống cho cư dân đô thị thành phố Hà Nội.
![phuong-an-phuc-hoi-song-to-lich-160111_694.jpg](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/15/phuong-an-phuc-hoi-song-to-lich-160111_694-174403.jpg)
Phương án đề xuất của Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về động lực học sông biển, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam.
Quy mô đầu tư:
- Xây dựng cụm công trình bao gồm: cải tạo hồ lắng tự nhiên 10ha ngoài bãi sông Hồng, kênh dẫn, trạm bơm khai thác nước sông Hồng, vị trí tại bãi sông Hồng với công suất trạm 18m3/s gồm trạm bơm, bể hút, trạm biến áp, nhà quản lý vận hành.
- Tuyến kênh dẫn nước không áp từ trạm bơm vào qua đê bờ hữu sông Hồng vào hồ Tây, kích thước kênh bxh=3x3m.
- Xây dựng kênh dẫn hở B=10m ven hồ Tây đến cửa A vào sông Tô Lịch, dài 4km. Giải pháp công trình bờ ngăn thành mỏng bằng cừ ván BT dự ứng lực SW400, kết hợp đường đi bộ, cảnh quan theo dọc tuyến kênh và các công trình bổ cập phân tán nước cho Hồ Tây dọc theo tuyến.
- Xây dựng 01 đập dâng trên sông Tô Lịch tại hạ lưu cầu Quang để dâng mực nước, tạo dòng chảy, khai thác cảnh quan hai bên bờ sông Tô Lịch, giao thông thủy; chống ngập sông Tô Lịch khi hỗ trợ tiêu nước sông Nhuệ (qua trạm bơm Yên Sở)...
PHÂN TÍCH - ĐÁNH GIÁ
Phương án 1 của Hà Nội
Với mục tiêu bổ cập nước cho sông Tô Lịch từ nguồn sông Hồng, thay thế nguồn nước thải đã được thu gom về Nhà máy nước thải Yên Xá với công suất trạm bơm 3-5 m3/s < 15,6 m3/s (5x3,125m3/s = 15,6m3/s, nước thải sau xử lý nhà máy XLNT Yên Xá lưu lượng trung bình về mùa khô 270.000 m3/ngày xả vào sông Tô Lịch tại vị trí hạ lưu Cầu Lủ), vận tốc trung bình 0,075 m/s < 0,3m/s là quá nhỏ để tạo dòng chảy trên sông (Theo TCVN 7957:2023, sông phải có dòng chảy liên tục, vận tốc không dưới 0,3 m/s. Lưu lượng dòng chảy sông tham gia pha loãng phải lớn hơn 5 lần so với lưu lượng nước thải). Chưa đáp ứng mục tiêu phục hồi dòng chảy sông. Chỉ đáp ứng mục tiêu ngắn hạn, bổ cập nước cho sông Tô Lịch từ nguồn sông Hồng, thay thế nguồn nước thải đã được thu gom về Nhà máy nước thải Yên Xá. Đồng thời về lưu lượng chưa phù hợp với QH 725 sẽ không đảm bảo yêu cầu về: hình thành dòng chảy; cải thiện chất lượng nước.
Về yêu cầu theo Quy chuẩn QCVN 08:2023/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt. Cấp lưu lượng Q=3m3/s, không cải thiện được chất lượng nước, theo QCVN 08:2023. Chất lượng nước rất xấu có thể gây ảnh hưởng lớn tới cá và các thủy sinh.
Khả năng mở rộng quy mô theo yêu cầu của quy hoạch và phát triển trong tương lai: Lưu lượng “bổ cập” 3m3/s. Rất khó khăn khi tăng 5÷6 lần quy mô về lưu lượng để đảm bảo phục hồi sông Tô Lịch theo qui hoạch và phát triển;
Về công trình đầu mối lấy nước: Lấy nước trực tiếp bằng trạm bơm trên bờ sông Hồng, mang bùn cát và phù sa sông Hồng vào sông Tô Lịch. Mặt bằng bố trí lắng cát quá nhỏ, gần như không có khả năng xử lý lắng đọng phù sa, bùn cát trực tiếp vào sông Tô Lịch. Trạm bơm và cửa lấy nước được đặt trong bãi bồi do hệ thống kè Phú Gia tạo ra.
Điều kiện và thời gian thi công, kinh phí đầu tư: Khó khăn thi công trên trục đường giao thông lớn Võ Chí Công. Thi công bằng công nghệ mới (khoan kích ngầm, khoan kéo ống) chưa có định mức chi phí và phụ thuộc vào năng lực thi công của một số ít nhà thầu. Không đáp ứng được tiến độ khi gặp sự cố thi công. Kinh phí đầu tư lớn hơn, khó xác định do không có định mức.
Bảo dưỡng, vận hành: Khó bảo dưỡng. Hệ thống đường ống áp lực dài 5,5 km có thể gặp các rủi ro như vỡ, tắc nghẽn trong quá trình vận hành, đòi hỏi chi phí bảo trì và giám sát liên tục.
Một số hạn chế khác như:
- Nguy cơ sạt lở và bồi lắng: Việc lấy nước trực tiếp từ sông Hồng có thể gây ra sạt lở và bồi lắng tại khu vực cửa lấy nước, ảnh hưởng đến sự ổn định của công trình.
- Ô nhiễm thứ cấp: Nước từ sông Hồng có hàm lượng phù sa cao, nếu không được xử lý sơ bộ, có thể gây lắng đọng phù sa và rác thải tại các đập dâng trên sông Tô Lịch, dẫn đến ô nhiễm thứ cấp.
Theo Quyết định số 847/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đập dâng Xuân Quan sẽ được xây dựng trên sông Hồng, đập dâng Long Tửu sẽ được xây dựng trên sông Đuống để dâng mực nước sông Hồng đoạn qua thành phố Hà Nội, do đó phương án của thành phố Hà Nội cần được thiết kế để đảm bảo khi có các đập dâng nêu trên thì có thể dẫn nước tự chảy và tuyến ống chìm vẫn đảm bảo khả năng dẫn nước.
![song-to-lich-o-nhiem-164509_932.jpg](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/15/song-to-lich-o-nhiem-164509_932-174403.jpg)
Hình ảnh sông Tô Lịch từng bị ôm nhiễm nặng nề từ rác thải. Ảnh: Viết Niệm
Về tổng thể cho thấy, phương án đề xuất của UBND thành phố Hà Nội nhằm bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch có ưu điểm như thiết kế tuyến đường thẳng. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về các khía cạnh khoa học, kỹ thuật và kinh tế. Việc triển khai cần được thực hiện đồng bộ với các giải pháp khác như thu gom và xử lý nước thải, kiểm soát nước mưa và cải tạo cảnh quan hai bên sông.
Phương án này cũng tồn tại những hạn chế như chưa giải quyết triệt để nguồn gốc ô nhiễm, nguy cơ lắng đọng phù sa và rác thải, cũng như ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng hiện có. Đồng thời, việc “bổ cập” 3-5 m3/s mới dừng lại ở giải pháp tình thế, trước mắt, chưa giải quyết được một cách tổng thể, dài hạn để phục hồi dòng sông, tạo cảnh quan ven sông.
Phương án 2 của Hội Cơ học
Ưu điểm: Giải pháp này tận dụng địa hình dốc tự nhiên từ Ba Vì về Hà Nội, cho phép nước chảy tự nhiên mà không cần sử dụng máy bơm, giúp giảm chi phí vận hành. Nguồn nước từ sông Đà được đánh giá là sạch và ổn định, do đã được lắng lọc qua các hồ chứa như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, phù hợp cho việc cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch.
Một số hạn chế của phương án 2:
Chưa đủ cơ sở pháp lý để xây dựng đập dâng Thuần Mỹ trên sông Đà, ngoài ra việc xây dựng đập dâng Thuần Mỹ có thể tác động đến thoát lũ, các yêu cầu lấy nước, xói lở, biến động lòng dẫn ở hạ du, ảnh hưởng đến cột nước phát điện của thủy điện Hòa Bình… Thực tế hiện nay cho thấy, thành phố Hà Nội đang sa lầy với dự án cải tạo sông Tích từ Lương Phú (thời gian thi công kéo dài, chưa biết bao giờ về đích, cống đầu mối Lương Phú đã hoàn thành nhưng không lấy được nước…), do đó việc bổ sung dự án tiếp nước theo phương án 2 sẽ làm vấn đề phức tạp hơn.
Lưu ý là hiện nay cống Lương Phú không lấy được nước nhưng nếu xây dựng đập dâng Thuần Mỹ thì có thể lấy được (đây là cơ sở và mục đích của việc đề xuất xây dựng đập dâng Thuần Mỹ). Tuy nhiên đúng như trên phân tích, hiện nay đập này chưa có trong quy hoạch, chưa được nghiên cứu cụ thể, chi tiết về hiệu quả và tác động.
Thông số của cống Lương Phú với mực nước thiết kế tưới là +8,41m, cao trình ngưỡng cống lấy nước mùa lũ cũng chỉ tới +10,0m, do vậy khó duy trì mực nước tại Sơn Tây ở mức +12m (nhất là trong mùa kiệt). Lưu lượng thiết kế lấy nước tưới qua cống là 60 m3/s, như vậy mùa kiệt lấy được đến 100 m3/s phụ thuộc nhiều vào việc giữ ổn định mực nước cống Lương Phú trên +8,41m của đập dâng Thuần Mỹ.
Tuyến kênh dẫn đi qua nhiều địa bàn phức tạp với chiều dài khoảng 70 km, tổn thất cột nước dọc đường, các chi phí về đền bù giải phóng mặt bằng lớn; sử dụng nhiều biện pháp kỹ thuật thi công khác nhau trên tuyến.
- Rủi ro liên quan đến chất lượng nước nguồn cung: Việc chuyển nước từ sông Đà cần đảm bảo rằng nguồn nước này luôn đạt tiêu chuẩn về chất lượng. Nếu có sự thay đổi về môi trường hoặc rủi ro về ô nhiễm phát sinh ở sông Đà, toàn bộ hệ thống dẫn nước có thể trở thành nguồn lây lan ô nhiễm, làm suy giảm chất lượng nước tại sông Tô Lịch.
Lưu ý vì thực tế nước sông Đà “sạch” hơn rất nhiều đoạn sông Hồng bên dưới, hơn nữa đoạn này ổn định với nguồn nước sau thủy điện và không chịu ảnh hưởng triều (triều chỉ ảnh hưởng đến gần Sơn Tây).
- Rủi ro về biến hình lòng dẫn, ảnh hưởng dòng chảy mùa lũ, kiệt hạ du: Việc xây dựng đập trên sông tại vị trí trước ngã ba sông Hồng - sông Đà có thể ảnh hưởng rất lớn đến lòng dẫn ở hạ du vốn đang biến động mạnh, hạ thấp thời gian qua. Đồng thời ảnh hưởng đến dòng chảy hạ du, gây khó khăn trong việc lấy nước vào sông Tích.
Cần nghiên cứu thêm, nếu 2 đập dâng Xuân Quan và Long Tửu (theo Quyết định 847/QĐ-TTg) được xây dựng ở mức cao (+4,0 đến +4,5m) có thể lấy nước ổn định vào sông Đáy qua cống Cẩm Đình hoặc ở mức thấp hơn (+2,5 đến +3,0m) cũng vẫn đảm bảo lấy đủ nước theo thiết kế vào sông Nhuệ qua cống Liên Mạc (đây là các phương án được tính toán tại Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Hội đồng thẩm định thông qua và đang chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).
- Giải pháp mang tính “bề mặt” nếu không xử lý triệt để nguồn gốc ô nhiễm: Mặc dù việc cung cấp nước sạch có thể cải thiện tình trạng hiện tại của sông Tô Lịch, nhưng nếu các nguồn ô nhiễm (như xả thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt) không được kiểm soát triệt để, tình trạng ô nhiễm sẽ không được giải quyết cốt yếu và có thể tái diễn sau một thời gian nào đó.
Thách thức về mặt kỹ thuật và quản lý: Xây dựng và duy trì hệ thống dẫn nước giữa hai con sông có thể gặp phải nhiều trở ngại kỹ thuật, từ việc thiết kế đường ống/hệ thống dẫn nước cho đến kiểm soát dòng chảy và điều tiết lượng nước phù hợp. Đồng thời, cần có kế hoạch quản lý và giám sát chặt chẽ nhằm đảm bảo quá trình vận hành không gây ra các tác động phụ ngoài ý muốn đối với cả hai hệ thống sông.
- Chi phí đầu tư ban đầu lớn: Mặc dù có tiềm năng giảm chi phí xử lý ô nhiễm sau này, nhưng quá trình xây dựng, lắp đặt và duy trì hệ thống dẫn nước có thể đòi hỏi một khoản đầu tư ban đầu không nhỏ, đặc biệt trong bối cảnh hạ tầng đô thị hiện nay đã phức tạp và đòi hỏi những cải tiến tiên tiến.
- Thời gian thực hiện: Thời gian triển khai dài hơn; cần phối hợp với các địa phương liên quan; có thể gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng và quản lý nguồn nước.
Phương án 3 của Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia
Về mục tiêu, quy mô:
- Tổng thể, dài hạn, đa ngành, gia tăng được giá trị chức năng nguồn nước. Tăng cường duy trì dòng chảy môi trường khoảng 18m3/s, v = 0,3m/s;
- Đảm bảo đường thủy nội địa quy mô cấp V (h>2m; B>15m);
- Hỗ trợ du lịch sinh thái, phát triển cảnh quan; mực nước duy trì trên sông thấp hơn (+3,3m - +3,8m).
Đảm bảo các điều kiện theo TCVN 7957:2023: Vận tốc dòng chảy tối thiểu 0,348m/s > 0,3m/s; Lưu lượng dòng chảy sông Qs=(18m3/s); Theo nguyên tắc phục hồi dòng chảy “có dòng chảy, sông sẽ được sạch” .
Về yêu cầu theo Quy chuẩn QCVN 08:2023/BTNMT: Cấp lưu lượng Q=18m3/s, chất lượng nước có thể đạt được Mức C÷B theo QCVN 08:2023.
Về khả năng mở rộng quy mô theo yêu cầu của quy hoạch và phát triển trong tương lai: Lưu lượng dẫn có thể đạt tới 18m3/s. Quy mô công trình đoạn sông phục hồi cơ bản đã đảm bảo lâu dài. Có khả năng dẫn tự chảy khi xây dựng hai đập dâng trên sông Hồng theo Quyết định số 833/QĐ-TTg ngày 15/8/2024 về điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021÷2025.
Về công trình đầu mối lấy nước: Lấy nước bằng hồ lắng rộng 10ha và kênh dẫn trên bãi sông Hồng, nên công trình luôn hoạt động ổn định và bùn cát được lắng đọng trước khi cấp vào sông Tô Lịch.
Về điều kiện và thời gian thi công, kinh phí đầu tư: Thuận lợi khi phần lớn tuyến qua vùng bãi sông Hồng và ven Hồ Tây. Chỉ gặp khó khăn thi công trong các ngõ (đường nhỏ) mặt bằng chật hẹp; Thi công đơn giản bằng các công nghệ truyền thống. Thời gian thi công nhanh hơn, đáp ứng được tiến độ trước tháng 9/2025. Kinh phí đầu tư nhỏ hơn, dễ dàng xác định do có định mức.
Dễ bảo dưỡng, vận hành so với các phương án khác.
Về tổng thể rõ ràng phương án 3 giải quyết được bài toán lâu dài, tổng thể hơn so với các phương án đã đề xuất.
Ưu điểm:
- Duy trì dòng chảy liên tục: Phương án này đảm bảo sông Tô Lịch có dòng chảy ổn định với lưu lượng bổ cập tối đa 18 m³/s, giúp phục hồi hệ sinh thái và cải thiện chất lượng nước.
- Tạo cảnh quan và giao thông thủy: Việc kết nối với hồ Tây và sông Hồng không chỉ cải thiện môi trường mà còn phát triển cảnh quan và giao thông thủy nội địa, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội.
- Giải pháp tổng thể và dài hạn: Phương án này mang tính bền vững, giải quyết vấn đề ô nhiễm và phục hồi sông Tô Lịch một cách toàn diện.
Nhược điểm:
- Với đề xuất bổ cập cho sông Tô Lịch với lưu lượng 18m3/s bằng giải pháp động lực, duy trì một cách liên tục cần được xem xét kỹ hơn. Vì đây là giải pháp rất tốn kém về mặt năng lượng. Cân nhắc việc có thể chuyển sang lấy nước tự chảy trong trường hợp xây dựng các đập dâng Xuân Quan và Long Tửu.
- Việc cải tạo xây dựng hồ lắng tự nhiên rộng 10 ha ven sông Hồng cầm kiểm chứng tính khả thi khi vận hành trong mùa lũ.
- Cụm công trình hồ lắng, trạm bơm ngoài bãi sông cũng cần nghiên cứu kỹ các quy định về hàng lang thoát lũ của sông Hồng.
- Việc xây dựng kênh hở dẫn nước chạy dọc ven bờ hồ Tây là vấn đề phức tạp cả về kỹ thuật và ảnh hưởng đến cảnh quan của hồ Tây. Ngoài ra, nguồn nước của hồ Tây hiện tại chủ yếu là nước mưa và nước thải, bị tù đọng, nguồn nước từ sông Hồng, sau khi đã được lắng phù sa nên được xả thẳng vào hồ Tây để cải thiện chất lượng nước. Do đó, cần xem xét phương án không xây dựng kênh hở dẫn nước chạy dọc theo hồ Tây.
- Cần rà soát và điều chỉnh hướng tuyến của tuyến kênh dẫn nước từ cửa xả B của hồ Tây để đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng khu Tây Hồ Tây.
LỜI KẾT
Tất cả 3 phương án nêu trên, điều kiện tiên quyết là phải đảm bảo tách nguồn thải khỏi sông Tô Lịch.
![cai-tao-song-to-lich-164958_850.jpg](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/15/cai-tao-song-to-lich-164958_850-174404.jpg)
Phối cảnh đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh của JVE.
Việc tiếp nước để làm sống lại sông Tô Lịch là cần thiết và cấp bách nhưng cả 3 phương án được đề xuất của UBND thành phố Hà Nội, Hội Cơ học và Phòng thí nghiệm trọng điểm Quốc gia đều mới chỉ giải quyết vấn đề một cách cục bộ mà chưa có tầm nhìn tổng thể về nguồn nước cho thành phố Hà Nội nói riêng và các tỉnh lân cận nói chung. Khi sông Tô Lịch được tiếp nước mà các sông khác như sông Đáy, sông Nhuệ, Bắc Hưng Hải, Ngũ Huyện Khê vẫn là các con sông chết thì môi trường nước của thành phố Hà Nội vẫn không được cải thiện.
Do đó, cần phải có giải pháp tổng thể để làm sống lại các con sông của thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận. Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 847/QĐ-TTg ngày 14/7/2023 trong đó đã xác định ưu tiên đầu tư 2 đập dâng Xuân Quan trên sông Hồng, đập dâng Long Tửu trên sông Đuống để dâng mực nước sông Hồng đoạn qua thành phố Hà Nội đảm bảo cho sông Nhuệ, sông Bắc Hưng Hải, Ngũ Huyện Khê có thể lấy nước bằng hình thức tự chảy. Ngoài nhiệm vụ dâng nước, các công trình nêu trên còn mang lại các giá trị về kinh tế (du lịch, dịch vụ, vui chơi giải trí), xã hội, môi trường rất lớn cho thành phố Hà Nội.
Do đó, thành phố Hà Nội nên mạnh dạn đề xuất với Thủ tướng Chính phủ giao cơ quan có thẩm quyền triển khai ngay việc lập dự án đầu tư các đập dâng nêu trên. Song song với đó, giải pháp về việc bổ cập nước cho sông Tô Lịch cần được thiết kế để đảm bảo phủ hợp trong điều kiện có các đập dâng Xuân Quan và Long Tửu.