Gian nan từ tên gọi
TS Phạm Quang Tuyến đã gắn bó hơn 20 năm tại Viện Nghiên cứu Lâm sinh thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam kể từ năm 2005. May mắn lớn của anh là được tham gia nhóm thực hiện đề tài cấp Bộ NN-PTNT nghiên cứu các hệ sinh thái rừng tự nhiên trên cả nước do PGS.TS Trần Văn Con chủ trì. Nhờ vậy, anh có cơ hội đến nhiều khu bảo tồn, vườn quốc gia và lần đầu biết đến cây sâm trong chuyến công tác năm 2007 tại Kon Tum, nơi anh được tận mắt thấy cây sâm Ngọc Linh.
Năm 2009, anh đảm nhận đề tài nghiên cứu bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm tại huyện Mường Tè, Lai Châu. Trong chuyến công tác, anh chú ý đến một loại cây mà người dân bản địa gọi là “tam thất đen”.
TS Phạm Quang Tuyến, Viện Nghiên cứu Lâm sinh, chia sẻ: "Khó khăn nhiều lắm, nhưng tôi giống như người uống rượu với bà con. Lúc say quá thì nói bỏ, không uống nữa, nhưng lên bản gặp bà con lại uống thôi. Tóm lại, tôi bám trụ được là vì đam mê".
Anh kể, chuyến này anh đi cùng anh Nguyễn Hồng Hà, lúc đó là Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Lai Châu, đồng thời cũng là một dược sĩ đam mê dược liệu. Trước khi đến công tác tại huyện Mường Tè, anh Hà đã mời tôi đi thăm chợ để tìm người bán củ tam thất khô. “Tuy nhiên củ tam thất mà chúng tôi mua khác hẳn với loại mà mẹ tôi đã từng mua từ Hà Giang, dài và nhiều đốt hơn”, anh Tuyến nói.
Sự khác biệt khiến anh băn khoăn về chất lượng và nguồn gốc của loại củ này, thôi thúc anh tìm hiểu sâu hơn. Anh thu thập mẫu, chụp ảnh gửi về nhờ một số bạn bè xem. Dựa vào hình dạng ban đầu mọi người đều cho rằng đây là tam thất hoang. “Thời điểm đó, công nghệ gen chưa phát triển, không có tiêu bản tươi, nên việc xác định chính xác gặp nhiều khó khăn”, anh tiếc nuối.
Sau vài năm, loài cây này ngày càng hiếm khiến UBND huyện Mường Tè và Viện Nghiên cứu Lâm sinh đề xuất Sở Khoa học Công nghệ Lai Châu phối hợp triển khai đề tài bảo tồn “tam thất đen” trên địa bàn các xã vùng cao của huyện Mường Tè.
Trong quá trình nghiên cứu, anh Tuyến và nhóm nghiên cứu đã thu mẫu từ tự nhiên trên các dãy núi cao của huyện Mường Tè, phát hiện có 2 loại tam thất hoang, đối chiếu với các mẫu tam thất hoang thu thập ở Sa Pa, phát hiện sự khác biệt thú vị giữa 2 loại: “Quả tam thất hoang ở Sa Pa khi chín có màu đỏ, không có chấm đen, trong khi quả tam thất đen tại Mường Tè lại có chấm đen rõ rệt”.
Từ đó, nhóm nghiên cứu bắt đầu nhận định cây tam thất đen tại Mường Tè có nhiều nét tương đồng với sâm Ngọc Linh, dù hình thái lá và củ khá giống tam thất hoang. Kết quả tra cứu ngân hàng gen cùng các mẫu đối chiếu đã khẳng định, đây là một loài sâm, thuộc nhóm sâm Việt Nam. Tra cứu quốc tế, nhóm phát hiện một số nghiên cứu của Nhật Bản và Trung Quốc đã công bố về loài cây này. PGS Phan Kế Long (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cũng ghi nhận sự hiện diện của cây này tại Lai Châu và gọi là “sâm Lai Châu”.
Tuy nhiên, khái niệm “sâm Lai Châu” khi đó chưa phổ biến, vì vậy nhóm nghiên cứu của anh Tuyến đề nghị tổ chức hội thảo khoa học để thống nhất tên gọi chính thức.
“Tại hội thảo, có rất nhiều ý kiến, người cho rằng nên đặt tên là sâm Mường Tè, người thì bảo phải đặt tên là tam thất đen… Nhóm nghiên cứu của chúng tôi đề xuất nên đặt theo vùng phát hiện và gọi là sâm Lai Châu. Cuối cùng các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn cũng đi đến thống nhất với tên gọi như thế”, anh Tuyến cười nhớ lại khi “đứa con tinh thần” của mình đã được chính thức đặt tên.
Bám trụ vì đam mê
Quá trình trồng sâm Lai Châu để bảo tồn đầy thử thách khi bắt đầu ở khu vực đồng bào La Hủ (một trong 4 dân tộc rất ít người của tỉnh Lai Châu), trước đây chủ yếu sống bằng săn bắt, hái lượm, rất hiếm khi canh tác ổn định.
Anh Tuyến cho hay, bà con La Hủ sinh sống trên đỉnh núi cao khoảng 2.000m, nơi sâm mọc tự nhiên trong vườn nhà. Ngoài ra, người dân cũng đem sâm từ rừng về, trồng theo kiểu tự nhiên dưới các bụi cây, không áp dụng bất kỳ biện pháp kỹ thuật nào.
Anh Tuyến nhớ lại: “Khi nhóm nghiên cứu đến, các cán bộ đã hướng dẫn người dân làm đất theo phương pháp canh tác đất dốc, làm đất theo kiểu ruộng bậc thang và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Tuy nhiên, năm đầu tiên trồng vào đầu mùa xuân, khi 5 tháng mùa mưa đến cây đã bị trôi hết do đất cát xốp và lượng mưa ở Mường Tè rất lớn, lên đến 3.000 mm/năm”.
“Vụ đó, song song với việc bảo tồn sâm Lai Châu, tôi còn bỏ tiền túi mua thêm mấy trăm cây sâm Ngọc Linh về trồng, và rồi cũng trôi cả!”, anh Tuyến cười khi nhắc lại kỷ niệm đầu tiên ở vùng đất khó.
Sang năm thứ 2, cả nhóm nghiên cứu và bà con đều quyết định làm theo cách khác bố trí luống xuôi dốc. Với cách làm này, nơi bằng phẳng không gặp vấn đề gì, nhưng tại những khu vực dốc, mưa lớn làm cây bị lệch, củ bị trôi ra ngoài, còn người đi thì vồ ếch liên tục. Phương án này cũng không ổn.
Nhấp một ngụm trà, anh Tuyến chậm rãi kể tiếp, đến năm thứ 3, chúng tôi đã thay đổi phương pháp trồng bằng cách làm luống “hình xiên,” kết hợp giữa luống xuôi dốc và theo đường đồng mức, giúp cây không bị trôi củ và thoát nước tốt hơn, tạo ra mô hình bền vững.
Vấn đề trồng sâm tiếp tục gặp khó khăn khi chọn cách gieo hạt. Theo phương pháp truyền thống, người dân La Hủ không quen đóng bầu hạt, vì họ cho rằng quá tốn thời gian. Bên cạnh đó, đất trồng sâm cần phải là đất mùn pha cát và đóng bầu có thể tạo lớp váng trên miệng bầu, làm chậm quá trình thấm nước. Anh Tuyến thử nghiệm với bầu ươm xơ dừa công nghệ cao, nhưng chi phí vận chuyển quá tốn kém và không phù hợp với khu vực miền núi, cuối cùng anh chọn giải pháp gieo trên khay, vừa đảm bảo tỷ lệ sống cao, kiểm soát được cây trồng, người dân cũng dễ thực hiện.
Nhớ lại những khó khăn trong quá trình thực hiện, anh Tuyến nói “có lúc muốn bỏ cuộc”. Anh kể: “Một lần vào mùa khô, tôi cùng các thành viên trong nhóm nghiên cứu đến kiểm tra mô hình. Trong quá trình xuôi dốc, nhưng việc di chuyển khá dễ dàng. Vậy nên, khi quay về, chúng tôi đã cố đi nhanh cho kịp chuyến xe khách cuối cùng lúc 17 giờ để Hà Nội. Nhưng do đường đầy cát, trơn và dốc, chiếc xe bị trượt suýt rơi xuống vực. Kinh lắm! Đó là kỷ niệm đầu tiên”.
“Lần thứ hai vào mùa mưa, tôi một mình một ngựa xuống dốc. Đường trơn, đất sạt lở tạo thành những rãnh sâu như con lươn. Tôi bị văng khỏi đường và suýt rơi xuống vực”, anh Tuyến hồi tưởng.
Đề tài kết thúc nhưng trong quá trình bảo tồn sâm Lai Châu, anh Tuyến nhận thấy dịch bệnh bắt đầu xuất hiện. Năm thứ 3, cây mắc bệnh gỉ sắt khiến lá vàng, không chết cây nhưng hạn chế sự phát triển. Đến năm thứ 4, bệnh thối củ xuất hiện. Nếu không khắc phục được vấn đề này, bà con sẽ không thể tiếp tục trồng, vì thế anh lại tiếp tục kiên trì tìm giải pháp.
Đau đáu câu chuyện kỹ thuật
Anh Tuyến chia sẻ, ban đầu, khi đề án trồng sâm được xây dựng, mục tiêu chỉ là triển khai trồng tại huyện Mường Tè. Tuy nhiên, anh đã đề xuất mở rộng ra huyện Tam Đường, Phong Thổ và Sìn Hồ, trong đó, Tam Đường - cửa ngõ của tỉnh Lai Châu, được cho là khu vực phù hợp nhất nhờ hội tụ đủ 3 yếu tố: Khí hậu tự nhiên, con người và giao thông thuận lợi để phát triển quy mô lớn, dù vấn đề canh tác là thách thức lớn.
Anh Tuyến cho hay, dù các nhà nghiên cứu có thể chỉ ra kỹ thuật, nhưng để người dân tin tưởng và thực hiện theo lại là vấn đề không hề đơn giản. Muốn bà con làm theo mình phải “3 cùng” - cùng làm, cùng ăn và cùng ở với bà con.
Anh kể về duyên nợ một lần gặp đồng bào người Dao ở Tam Đường, khi một người đàn ông rất đam mê, yêu thích cây dược liệu (vì cha anh ấy làm nghề thuốc) muốn gieo hạt sâm dưới tán rừng và đánh dấu từng hạt rất cẩn thận bằng que. Nhưng năm đó hạn hán, anh ấy lại không chuẩn bị sẵn nguồn nước tưới, kết quả vụ đó hầu như không có cây sâm nào mọc lên. Tuy nhiên, sau khi được anh Tuyến hướng dẫn kỹ thuật trồng, người dân bắt đầu thấy hiệu quả và dần thay đổi cách làm.
Còn tại thị trấn Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ, dù đa phần đồng bào là người Kinh có những hiểu biết nhất định nhưng do không tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nên cũng dẫn đến thất bại.
Anh Tuyến chia sẻ thêm một câu chuyện ở xã Khun Há, huyện Tam Đường - nơi trước kia nổi tiếng với sản lượng sâm tự nhiên, được đánh giá ngang ngửa về giá bán với sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, khi người dân mang sâm Lai Châu tự nhiên về trồng tại vườn, cây bị thối củ, cây mẹ yếu dần và chết. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại này là sự bảo thủ trong suy nghĩ của người dân. Họ cho rằng nếu sâm có thể mọc tốt trong tự nhiên, thì việc trồng tại vườn cũng không có gì khác biệt.
"Trong tự nhiên, quá trình chọn lọc diễn ra khắc nghiệt, chỉ những cây sâm mạnh nhất mới tồn tại. Khi trồng trong vườn, không đảm bảo môi trường và kỹ thuật sẽ làm cây dễ bị tổn thương", anh Tuyến nhấn mạnh.
Theo anh Tuyến, một trong những khó khăn lớn trong việc triển khai kỹ thuật là vấn đề giao thông và nhân lực. Đường xá khó khăn khiến các cán bộ kỹ thuật không thể thường xuyên tiếp cạn và có mặt tại địa bàn liên tục được. Khoảng cách giữa các chuyến kiểm tra thường từ 1 - 2 tuần hoặc thậm chí 1 tháng, làm giảm hiệu quả hỗ trợ. Sự thiếu cập nhật tình hình và không gần gũi với bà con khiến công tác chuyển giao kỹ thuật gặp trở ngại.
Năm 2024, thời tiết khắc nghiệt càng làm nổi bật tầm quan trọng của kỹ thuật. Trong khi nhiều vườn sâm chịu thiệt hại nặng nề, thì vườn sâm tại bản Xin Chải, xã Giang Ma, huyện Tam Đường và bản Pá Hạ, xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè - nơi anh Tuyến và Viện Nghiên cứu Lâm sinh đang trồng sâm thử nghiệm sâm Lai Châu lại hầu như không có cây nào chết. Điều này càng minh chứng rõ ràng “kỹ thuật đúng là yếu tố then chốt để bảo vệ và phát triển cây sâm”.
Trăn trở chuyện "trồng cây, trồng người"
UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Kế hoạch phát triển Sâm Lai Châu giai đoạn 2022 - 2030 và định hướng đến năm 2045. Trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tỉnh Lai Châu xác định bảo tồn nguồn gen cây sâm Lai Châu có phân bổ trong tự nhiên với diện tích khoảng 100 ha. Hình thành vùng nguyên liệu trồng sâm tập trung tại những nơi có điều kiện sinh thái phù hợp với quy mô diện tích trồng sâm toàn tỉnh trên 3.000 ha...
Anh Tuyến cho biết, diện tích trồng sâm của Lai Châu hiện đạt gần 90 ha, nhưng sản lượng vẫn còn hạn chế, do phải mất đến 5 năm mới có thể thu hoạch. Diện tích trồng chủ yếu do doanh nghiệp đầu tư, trong khi đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn về kỹ thuật và nhận thức. Tuy nhiên, anh Tuyến cho rằng, nếu thực hiện đúng kỹ thuật, từ 1 ha vườn giống ban đầu có thể mở rộng lên 10 - 15 ha/năm và sản lượng 1 ha có thể đạt 2 - 3 tấn/ha sau 5 năm.
Đánh giá tiềm năng phát triển của cây Sâm Lai Châu, anh Tuyến khẳng định, cơ hội rất lớn khi với hàm lượng Saponin tổng số của 1 kg sâm Lai Châu cao gấp 4 - 5 lần so với sâm Hàn Quốc. Dù sản lượng hiện tại chỉ đạt khoảng 2 tấn/ha, thấp hơn so với 6 tấn/ha của Hàn Quốc, nhưng nếu Việt Nam đạt sản lượng chỉ bằng một nửa, giá trị từ chế biến dược liệu có thể cao gấp đôi nhờ lợi thế hàm lượng dược chất cao và chi phí lao động thấp hơn.
Hơn nữa, việc trồng sâm không yêu cầu công nghệ cao, kỹ thuật trồng tương đối đơn giản, chi phí nhân công ít do không cần làm đất quá sâu… Nhưng yếu tố quyết định là phải tuân thủ quy trình chăm sóc và kiểm soát sâu bệnh hại.
Anh Tuyến trăn trở: “Dù có tiềm năng lớn, việc phát triển cây sâm gặp nhiều thách thức, trong đó khó khăn lớn nhất chính là yếu tố con người. Khí hậu, địa lý chỉ là điều kiện cần chứ không mang tính quyết định”.
Anh phân tích, hiện nay, thanh niên dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp cấp 3 thường rời quê hương để tìm việc tại thành phố hoặc khu công nghiệp, gây thiếu hụt nhân lực trẻ cho nông nghiệp địa phương. Vì vậy, “cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục và nông nghiệp”. Trường học không chỉ là nơi đào tạo kiến thức mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành lực lượng lao động đủ trình độ, góp phần xây dựng các vùng trồng sâm bền vững.
Anh Tuyến nhấn mạnh: “Để hình thành các vùng trồng sâm chuyên nghiệp, việc giáo dục và hướng nghiệp cho học sinh cần bắt đầu từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Cây sâm là cây dài ngày, cần nhiều năm để hiểu và thành thạo kỹ thuật. Đây không chỉ là bài toán kinh tế, mà còn là bài toán về nhận thức, đòi hỏi sự đầu tư dài hạn và đam mê từ những người tham gia”.
“Những vùng trồng sâm thường hẻo lánh, thiếu điện, giao thông khó khăn, ít người ở lại. Chỉ những ai đam mê và yêu sâm thật sự mới kiên trì theo đuổi con đường này”, TS Phạm Quang Tuyến, Viện Nghiên cứu Lâm sinh tâm sự.