Chuyển giao công nghệ xử lý rơm rạ làm phân hữu cơ cho nông dân

Bảo Thắng - Thứ Ba, 20/08/2024 , 16:46 (GMT+7)

NAM ĐỊNH Thuộc khuôn khổ Dự án 'Sử dụng phân bón đúng', IRRI phối hợp Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định tập huấn công nghệ và bàn giao máy trộn tự hành cho HTX Nam Cường.

Ông Nguyễn Văn Hữu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Bảo Thắng.

Chuyển giao công nghệ xử lý rơm rạ làm phân hữu cơ

Ngày 20/8, tại xã Yên Cường, huyện Ý Yên (Nam Định), Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định khởi động mô hình và tập huấn công nghệ xử lý rơm rạ làm phân hữu cơ.

ThS Nguyễn Văn Hiếu (Trường Đại học Tiền Giang) cho biết, tại nhiều nơi, người dân sản xuất lúa vẫn còn đặt mục tiêu năng suất, sản lượng lên hàng đầu. Quan điểm này không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay bởi sản lượng cao thường đi kèm với việc tăng lượng giống, phân bón. Giá trị sản xuất chưa chắc đảm bảo.

“Toàn ngành đang tư duy theo hướng chuyển dịch sang kinh tế nông nghiệp. Sử dụng nhiều giống, phân bón có thể để lại hệ lụy lâu dài”, ông Hiếu nói.

Để tối ưu giá trị kinh tế, vị chuyên gia tư vấn của IRRI cho rằng cần phải bắt đầu từ việc sử dụng lượng giống, phân bón hợp lý, đồng thời có những biện pháp thích hợp để tái chế rơm rạ - nguồn phụ phẩm rất lớn trong canh tác lúa.

Theo tập quán, người Việt Nam thường đốt rơm rạ ngay tại đồng, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe người dân. Thay vào đó, IRRI khuyến cáo biện pháp ủ rơm rạ thành phân hữu cơ để sử dụng như một chất bổ sung cho đất tương tự phân bón. Ngoài việc tạo giá trị cho rơm rạ, dùng rơm ủ phân hữu cơ còn góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

IRRI đã nghiên cứu và chuyển giao công nghệ ủ rơm rạ bằng máy trộn tự hành, năng suất khoảng 138 - 300m3 rơm rạ cho 1 lần trộn. Thời gian ủ khoảng 45 ngày, bằng một nửa so với phương thức ủ truyền thống như ủ phân thủ công hoặc dùng xe xúc.

Lễ ký hợp tác giữa IRRI và HTX Sản xuất kinh doanh và Dịch vụ nông nghiệp Nam Cường. Ảnh: Bảo Thắng.

Để ủ hiệu quả, người dân cần chuẩn bị luống ủ, đảo trộn, phun men vi sinh, đậy bạt, kiểm tra nhiệt độ, độ pH thường xuyên. Đồng thời tiến hành đảo trộn lần 2 sau từ 10 - 15 ngày trước khi kiểm tra thành phẩm.

Với điều kiện thực tế tại Việt Nam, người dân có thể sử dụng thêm phân bò trong quá trình ủ với tỷ lệ khoảng 40% hoặc thêm đất giàu chất đạm (Nitơ). Một hỗn hợp ủ được xem là tối ưu khi có thành phần gồm 60% rơm, 30% phân bò và 10% đất. Khi phối trợn, IRRI khuyến nghị phun thêm men vi sinh với liều lượng 1 lít men vi sinh gốc pha kèm với 1kg mật rỉ đường, 18 lít nước, ủ trong 7 ngày thu được 20 lít men vi sinh thứ cấp. Mỗi lít men thứ cấp pha với 10 lít nước phun cho khoảng 250kg nguyên liệu.

“Người dân cần lưu ý đến nhiệt độ và độ ẩm trong quá trình ủ. Tốt nhất là trong khoảng 50 - 70 độ C và 50 - 60% độ ẩm. Thường nhiệt độ của luống ủ sau đậy bạt có xu hướng giảm, rồi tăng lên sau mỗi lần đảo trộn”, ông Hiếu chia sẻ.

Sau 45 ngày tính từ lần đảo trộn đầu tiên, phân hữu cơ có thể sẵn sàng sử dụng. Một thành phẩm được xem là chất lượng nếu tỷ lệ C/N là 13 - 14,5; độ pH từ 6,8 - 7,2. Phân bón được trải đều lên sàn rộng hoặc phơi nắng để giảm độ ẩm trước khi đưa vào quá trình ép viên nén và bảo quản.

Chương trình tập huấn thu hút sự quan tâm tham gia của đông đảo người dân xã Yên Cường, huyện Ý Yên. Ảnh: Bảo Thắng.

Ngay sau khi trình bày lý thuyết, các chuyên gia IRRI đã giới thiệu công nghệ trình diễn cơ giới hóa sản xuất phân hữu cơ từ rơm rạ tại HTX Sản xuất kinh doanh và Dịch vụ nông nghiệp Nam Cường (xã Yên Cường, huyện Ý Yên). Đồng thời, cách xếp luống phân hữu cơ, vận hành máy đảo trộn tự hành cũng được giới thiệu.

Ông Nguyễn Văn Dự, Giám đốc HTX Nam Cường vui mừng khi được dự án bàn giao máy đảo trộn phân hữu cơ tự hành trong vòng 2 năm. "Tôi sẽ cùng các thành viên HTX vận hành một cách hiệu quả, đồng thời chia sẻ, lan tỏa kinh nghiệm của mình rộng rãi cho bà con vùng lân cận", ông bày tỏ.

Giải pháp rẻ, chất lượng cao

Trong khuôn khổ sự kiện, ông Nguyễn Văn Hữu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định cho biết, tỉnh có khoảng 73.000ha diện tích đất trồng lúa, sản lượng lúa hàng năm khoảng 900.000 tấn. Kéo theo đó, khối lượng rơm rạ, phế phụ phẩm nông nghiệp là rất lớn.

Nam Định vui mừng khi được chọn là một trong số 6 địa phương tham gia Dự án "Sử dụng phân bón đúng" do Cục Nông nghiệp Đối ngoại (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ - USDA) chủ trì và tài trợ, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) là chủ dự án. 

"Những năm qua, tỉnh định hướng chuyển dịch mạnh mẽ từ sử dụng phân bón vô cơ sang hữu cơ, thể hiện ở việc hình thành nhiều chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm", ông Hữu chia sẻ và cho biết thêm, người dân giờ đã hiểu những mặt trái của việc lạm dụng phân bón vô cơ như gây chai đất, sinh trưởng của cây trồng bị ảnh hưởng, tính chống chịu giảm sút.

Người dân trực tiếp kiểm tra chất lượng sản phẩm sau phối trộn. Ảnh: Bảo Thắng.

Hiện tỉnh có nhiều chủ trương khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ bằng những buổi đào tạo, tập huấn nhằm thay đổi nhận thức về sử dụng phân bón, cũng như tăng cường sử dụng các biện pháp xử lý rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp. 

Đánh giá việc tái chế rơm rạ thành phân bón là "một mô hình hay", ông Nguyễn Văn Hữu hi vọng thành công của mô hình sẽ giúp người dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, tạo ra chu trình khép kín trong sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh.

"Qua sự hợp tác với IRRI, người dân Nam Định sẽ có điều kiện nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường tốt hơn. Thay mặt ngành nông nghiệp tỉnh, tôi cam kết tạo mọi điều kiện để dự án hoàn thành. Hi vọng rằng tiếp nối Yên Cường, nhiều xã khác cũng có cơ hội thực hiện sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm rạ", ông Hữu nhấn mạnh. 

Ông Robert Caudwell, Trưởng đại diện IRRI tại Việt Nam thông tin thêm, sự kiện ngày 20/8 thuộc hoạt động thí điểm và nhân rộng kỹ thuật xử lý rơm làm phân bón hữu cơ. Với đối tượng thụ hưởng là nông dân, dự án đặt mục tiêu nâng cao nhận thức, giúp giảm tình trạng đốt rơm hay vùi rơm vào ruộng ướt gây phát thải khí nhà kính.

Chiếc máy phối trộn được IRRI giới thiệu tại chương trình. Ảnh: Bảo Thắng.

Theo ông Caudwell, công nghệ xử lý rơm rạ đã được IRRI nghiên cứu từ nhiều năm và phối hợp với một số đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT triển khai trong thực tế tại ĐBSCL. Trước đó, hồi tháng 6/2024, IRRI đã giới thiệu công nghệ này tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.

Đại diện của IRRI nhìn nhận, công nghệ mới này giúp giải quyết đồng thời 2 vấn đề là chất lượng và giá thành. Rơm rạ được phối trộn đều với tỷ lệ hợp lý, trong thời gian ngắn giúp người dân giảm thời gian lao động. Quá trình phân hủy rơm trong thời gian 45 ngày cũng được tính toán một cách tối ưu. 

"Việc sản xuất phân bón từ rơm rạ có thể thay đổi cách nhìn của người dân về phụ phẩm này. Từ đó giúp họ hình thành động lực, thói quen thu gom rơm rạ chủ động ngay từ lúc thu hoạch", ông Caudwell nhấn mạnh.

Dự án "Sử dụng phân bón đúng" gồm 3 hợp phần: Phát triển công nghệ và công cụ nhằm sử dụng phân bón hiệu quả trong trồng lúa; nâng cao năng lực truyền thông cho các bên liên quan; giám sát và đánh giá việc thực hiện.

Dự án được triển khai trong 4 năm, từ 2024 đến 2027 với sự hỗ trợ kỹ thuật từ USDA, IRRI và các nhà khoa học Việt Nam. Dự án được triển khai thực hiện tại 6 địa phương gồm Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Cần Thơ, Sóc Trăng và Đồng Tháp.

Bảo Thắng
Tin khác
Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 2] Đặt tên cho rừng bằng mã số
Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 2] Đặt tên cho rừng bằng mã số

Nhờ mã số vùng trồng, từng lô rừng được minh định trong cơ sở dữ liệu, giúp các bên thuận tiện theo dõi, giám sát và dễ dàng truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp.

Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 1] Thách thức tăng gấp 3 lượng carbon hấp thụ từ rừng
Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 1] Thách thức tăng gấp 3 lượng carbon hấp thụ từ rừng

Để phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, lĩnh vực lâm nghiệp phải tăng khả năng hấp thụ carbon lên 185 triệu tấn CO2e, trong khi tỷ lệ che phủ rừng giữ ổn định.

Bất ngờ chuyện nuôi ốc hương thành công ở Bạc Liêu
Bất ngờ chuyện nuôi ốc hương thành công ở Bạc Liêu

Anh Ðinh Vũ Hải (49 tuổi, ngụ TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) bắt đầu chuyển đổi mô hình nuôi tôm công nghệ cao sang nuôi ốc hương biển, thu hơn tỷ đồng mỗi năm.

Na sầu riêng gai to, trái nặng đến 3kg
Na sầu riêng gai to, trái nặng đến 3kg

Cần Thơ Một nông dân xã Trung Thạnh (huyện Cờ Đỏ) phát triển cây na sầu riêng mới lạ, trái nặng đến 3kg, giá cao, nông dân thu ‘trái ngọt’ trên vùng lúa kém hiệu quả.

Thương hiệu nhãn Ido Đồng Tâm của lão nông U70
Thương hiệu nhãn Ido Đồng Tâm của lão nông U70

Cần Thơ Hợp tác xã nhãn Ido Đồng Tâm ở TP Cần Thơ đang sản xuất nhãn theo hướng VietGAP, nhằm tạo dựng thương hiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu.

Tận dụng nguồn tài nguyên bản địa xây dựng thương hiệu trà lá ổi túi lọc
Tận dụng nguồn tài nguyên bản địa xây dựng thương hiệu trà lá ổi túi lọc

Đồng Tháp Với hương vị thơm dịu, thanh mát và có công dụng tốt cho sức khỏe, sản phẩm trà lá ổi túi lọc của anh Phan Hồi Hương đã được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Học IPM, nông dân Quảng Ninh sản xuất giỏi, múa hát hay
Học IPM, nông dân Quảng Ninh sản xuất giỏi, múa hát hay

Bằng lời ca, tiếng hát, nông dân phường Kim Sơn (TP Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) đã lan tỏa kiến thức, bài học từ chương trình IPM, giúp nâng cao chất lượng đồng ruộng.

Trồng quế đa dạng sinh học tăng năng suất, thu nhập
Trồng quế đa dạng sinh học tăng năng suất, thu nhập

So với trồng quế độc canh, thâm canh trồng quế đa dạng sinh học cho thu nhập cao hơn, đáp ứng được các tiêu chuẩn bền vững và các quy định quốc tế.

Làm giàu từ trồng lan Hồ Điệp công nghệ cao
Làm giàu từ trồng lan Hồ Điệp công nghệ cao

Hải Phòng Thay đổi tư duy, chuyển đổi mô hình sản xuất từ hỗ trợ của Nhà nước để trồng lan Hồ Điệp công nghệ cao giúp ông Đào Quang Trịnh gặt hái nhiều thành công.

Làm giàu từ những vườn cà phê canh tác khoa học
Làm giàu từ những vườn cà phê canh tác khoa học

Nhờ áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến, nhiều chủ vườn cà phê là người BahNar, J’rai ở Gia Lai đã có thu nhập cao, kinh tế gia đình khá giả.

Đào tạo nghề cần khảo sát nhu cầu từng địa phương
Đào tạo nghề cần khảo sát nhu cầu từng địa phương

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn càng ngày càng trở nên cấp thiết trước tốc độ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đó là quan niệm của doanh nhân Nguyễn Văn Hiển.

Đào tạo nghề không thể đưa lý thuyết suông cho nông dân
Đào tạo nghề không thể đưa lý thuyết suông cho nông dân

Đào tạo nghề cho nông dân, theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Lương Minh Cừ, phải đạt được hai tiêu chí thiết thực và hiệu quả, chứ không thể chạy theo phong trào.