Kế hoạch khung cho MRV phát thải lúa
Để thực hiện kế hoạch MRV, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Trồng trọt và Viện Môi trường Nông nghiệp nghiên cứu, tham khảo và trao đổi với một số tổ chức để xây dựng bộ khung cho kế hoạch đo lường, báo cáo và thẩm định nhằm chi trả tín chỉ các bon cho đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Trong bối cảnh đó, Bộ kêu gọi sự góp ý và hỗ trợ từ phía IRRI để hoàn thiện kế hoạch.
Chia sẻ về khung kế hoạch, PGS.TS Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Nông nghiệp Môi trường cho biết, từ tháng 8/2023, đơn vị đã làm việc với chuyên gia của Quỹ Tài chính các bon chuyển đổi (TCAF) về các tiêu chí đánh giá về các bon phát thải thấp phục vụ tín chỉ của TCAF sau này. Đến tuần trước, hai bên đã thống nhất về giải pháp giảm phát thải khí nhà kính được chấp nhận cho chương trình 1 triệu ha lúa.
Về vấn đề kỹ thuật, trong hệ thống từ 6 tháng trước khi cấy đến thu hoạch, các hoạt động được hợp lệ là phơi khô ruộng trước khi cấy, cho ra hệ số phát thải thấp. Tuy nhiên, trong thời gian 6 tháng ruộng bị ngập nước sẽ cho ra hệ số phát thải cao hơn. Trong quá trình canh tác, có 2 chế độ nước liên quan đến giảm phát thải, rút nước giữa vụ 1 lần, hệ số phát thải là 0,71 (giảm phát thải 29% so với tưới ngập thường xuyên). Nếu tưới khô xen kẽ, hệ số phát thải sẽ là 0,55 (giảm phát thải 45% so với tưới ngập thường xuyên).
PGS.TS Mai Văn Trịnh cũng chia sẻ về chế độ quản lý rơm rạ có ảnh hưởng tới hệ số phát thải. Việc nông dân vùi rơm rạ trước khi cấy trong 30 ngày sẽ tạo ra hệ số phát thải cao. Ngược lại, người dân vùi rơm rạ trước thời điểm này sẽ giúp hệ số phát thải giảm đi 5 lần. Ngoài ra, ông Trịnh cũng khuyến cáo không bón vượt quá lượng phân đạm cho phép và lưu ý về hoạt động san phẳng đồng ruộng có sử dụng máy móc để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình giảm phát thải và thành tích giảm phát thải khí mêtan trong canh tác.
Về các bước hoạt động của MRV, lãnh đạo Viện Môi trường Nông nghiệp cho biết quy trình sẽ bắt đầu từ hợp tác xã (HTX) đăng ký với Sở NN-PTNT địa phương, từ đó Sở sẽ trình hồ sơ lên Cục Trồng trọt, Cục đề nghị các đơn vị MRV xác nhận tính hợp lệ của hồ sơ trước khi giao về Chi cục BVTV và hướng dẫn xuống các HTX khai phiếu, điền thông tin về các ruộng.
Mỗi vùng đồng nhất về nước và địa hình sẽ được cung cấp số thẻ nhận diện, xác định đường cơ sở về quản lý nước, phân bón, hữu cơ, rơm rạ. Đơn vị MRV sẽ ký hợp đồng với Trung tâm Khuyến nông tỉnh (mỗi cán bộ khuyến nông theo dõi 2 xã) để tập huấn, lập kế hoạch chọn mẫu… Sau đó, các cán bộ khuyến nông sẽ tự nhập thông tin lên hệ thống đám mây của đơn vị MRV đảm bảo sự minh bạch và rõ ràng của từng đồng ruộng trong kế hoạch.
Hỗ trợ từ IRRI
Đề xuất kỹ thuật về xây dựng hệ thống MRV, ông Bùi Tân Yên, chuyên gia về MRV của IRRI nêu ra điểm khó khăn nhất của hệ thống này là lấy số liệu hiện trường trên diện rộng.
Ông Yên thông tin, IRRI đang phối hợp Cục Trồng trọt và Trung tâm Chuyển đổi số của Bộ NN-PTNT xây dựng hệ thống số phục vụ theo dõi và báo cáo tình hình sản xuất lúa (RiceMoRe) trên 9 tỉnh ĐBSCL. Hệ thống cho phép thu thập dữ các số liệu hoạt động thực tế trong vùng từ cấp xã với các chỉ tiêu như diện tích xuống giống hàng tuần, cơ cấu giống, diện tích thu hoạch hàng tuần, kỹ thuật canh tác giảm phát thải của từng vụ… Các cán bộ Chi cục Trồng trọt sẽ báo cáo theo ngành dọc, từ đó dữ liệu được chi tiết hóa từ cấp xã, cán bộ của Cục Trồng trọt và BVTV cấp xã hoặc cấp huyện phụ trách sẽ đưa thông tin số hóa, báo cáo lên hệ thống đám mây hàng tuần và dữ liệu được truy cập công khai.
Ông Yên đề xuất kết hợp giữa hai nguồn lực từ khuyến nông và trồng trọt, BVTV cấp xã, huyện để lấy lợi thế về con người trong triển khai kế hoạch MRV. Cùng đó, IRRI sẵn sàng cung cấp miễn phí hệ thống RiceMoRe cho Bộ NN-PTNT để triển khai kế hoạch MRV.
Về các loại phần mềm cho khuyến nông viên và cán bộ cấp xã phụ trách báo cáo, ông Tân thông tin, IRRI cũng có phần mềm tích hợp luôn với phần mềm tính toán theo yêu cầu của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) có thể hỗ trợ cho kế hoạch MRV của Bộ. Ngoài ra, phía IRRI gợi ý về xây dựng và phát triển hệ thống tự động thay vì sử dụng nhiều sức người cho công tác đo đạc.
Chia sẻ về kế hoạch MRV, bà Amber Sharrick, chuyên gia tài chính bền vững của IRRI cho rằng MRV không thể đứng một mình mà phải đưa vào các mục đích khác nhau như tín chỉ các bon, sự tương tác với hệ thống của TCAF, hệ thống MRV có thể tích hợp với mô hình chia sẻ lợi ích như thế nào và cũng cần cân nhắc đến nguồn lực khi tham gia kế hoạch này. Do MRV có liên hệ với thị trường quốc tế, trao đổi tín chỉ quốc tế nên cần đến bên thứ 3 xác minh tín chỉ cho phía Việt Nam.
Phản hồi ý kiến từ phía IRRI, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng việc triển khai cán bộ khuyến nông đến từng cánh đồng là hợp lý vì HTX đưa số liệu vào cần cán bộ khuyến nông hướng dẫn quy trình canh tác bền vững và kiểm tra. Lực lượng này sẽ nắm số liệu và báo cáo đến Sở và Cục Trồng trọt một cách chính xác và thuần thục nhất.
Vấn đề căn bản của canh tác bền vững là vấn đều cung, tiêu nguồn nước, Thứ trưởng mong muốn IRRI hỗ trợ một số mô hình mẫu do Bộ chỉ định để triển khai và từ đó nhân rộng ra toàn khu vực.
Thứ trưởng nhấn mạnh, việc thực hiện quy trình MRV nhằm đảm bảo tín chỉ các bon có chất lượng khi lên sàn giao dịch trên thị trường các bon.
“Giai đoạn này chúng tôi tập trung vào thí điểm và chất lượng. Ngân hàng thế giới (WB) đã cam kết mua toàn bộ tín chỉ các bon của đề án 1 triệu ha lúa đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Hiện nay, chúng tôi tập trung phối với với WB và IRRI để đảm bảo tín chỉ các bon có những hệ số chất lượng, đảm bảo giá trị trước khi tung ra thị trường trong thời gian tới”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho biết, đề án 1 triệu ha triển khai 185.000ha thí điểm đến năm 2025 và mở rộng ra 1 triệu ha đến năm 2026, 2027. Tuy nhiên với khí thế của nông dân ở các nơi, đến năm 2025, có thể thí điểm trên 200.000ha lúa. Ngành nông nghiệp sẽ tập trung cho chất lượng của diện tích khởi đầu này để bảo đảm cho những diện tích mở rộng sau đó.