TS Alisher Mirzabaev là chuyên gia về kinh tế và biến đổi khí hậu của Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI). Với sự chuyển đổi năng động của ngành hàng lúa gạo Việt Nam, ông Alisher đã đến Việt Nam nhiều lần để hỗ trợ Bộ NN-PTNT hoạch định con đường giảm phát thải, thiết lập thị trường carbon trong sản xuất lúa gạo. Một trong những vấn đề khiến ông Alisher suy ngẫm là làm thế nào để thị trường carbon có thể mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân Việt Nam.
Tại sự kiện Agritechnica Asia & Horti Asia 2024 (diễn ra ngày 22 - 24/5/2024 tại Bangkok, Thái Lan), Báo Nông nghiệp Việt Nam đã trao đổi với TS Alisher Mirzabaev về những cơ hội cho nông dân Việt Nam trực tiếp tham gia vào thị trường carbon thông qua việc áp dụng các công nghệ giảm phát thải khí nhà kính.
Theo TS Alisher Mirzabaev, IRRI đang nghiên cứu một số giải pháp công nghệ giảm lượng khí thải metan (CH4), gồm công nghệ tưới ngập - khô xen kẽ, quản lý rơm rạ và cơ giới hóa gieo sạ. Bên cạnh đó, IRRI cũng nghiên cứu cách quản lý dinh dưỡng ở từng địa điểm cụ thể để giảm lượng khí thải oxit nitơ thông qua hướng dẫn sử dụng phân bón đúng.
Bằng cách áp dụng các công nghệ thông minh, nông dân có thể đạt được mức giảm lượng khí metan tương đương 3 tấn carbon/ha.
Thưa ông, nông dân sẽ được hưởng những lợi ích gì khi tham gia vào thị trường carbon?
TS Alisher: Lợi ích chủ yếu sẽ nằm ở khía cạnh tài chính, đây cũng là yếu tố thu hút nông dân tham gia canh tác an toàn, bền vững. Thị trường carbon hoạt động như thị trường gạo, chất lượng carbon ảnh hưởng đến giá cả. Do đó, nếu nông dân cam kết canh tác bền vững và được thể hiện qua các chỉ số đánh giá thì khả năng họ có nguồn thu từ việc giảm phát thải carbon sẽ cao hơn.
Kế hoạch giảm thiểu carbon chất lượng cao cần khép kín, chặt chẽ trong từng khâu (tức là giảm lượng khí thải trên toàn chuỗi sản xuất). Để hiện thực hóa điều này, cần chuẩn hóa quy trình giám sát, báo cáo và thẩm định (MRV) liên quan đến môi trường và các chỉ số bền vững. Hệ thống MRV khi vận hành ổn định sẽ làm tăng độ tin cậy giữa người bán - người mua carbon, mang lại lợi ích nhiều hơn cho nông dân.
Một lợi ích khác của cơ giới hóa gieo sạ là giảm lượng giống, vật tư phân bón, tiết kiệm nước. Ví dụ, có thể tiết kiệm tới 30% nước thông qua việc áp dụng tưới ngập - khô xen kẽ. Biện pháp này trở nên đặc biệt hữu ích khi tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng khắc nghiệt ở ĐBSCL. Do đó, nông dân sẽ cải thiện được khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu thông qua quản lý nước tốt hơn.
Từ góc nhìn của chuyên gia quốc tế, xin ông chia sẻ trải nghiệm cùng làm việc và khảo sát nông dân ở Việt Nam?
TS Alisher: Trong các khảo sát gần đây được chúng tôi thực hiện trong khuôn khổ dự án Tăng cường giảm khí metan do USAID tài trợ ở Đông Nam Á (dự án MASEA), chúng tôi rất ấn tượng với sự đa dạng của ngành hàng lúa gạo Việt Nam, vốn gắn bó với đặc điểm thổ nhưỡng, văn hóa, xã hội, ảnh hưởng đến tập quán canh tác của nông dân từng vùng miền. Chúng tôi cẩn trọng xem xét điểm khác biệt giữa các địa phương, từ đó hoạch định nhiều lộ trình đầu tư cho Việt Nam.
Dù địa bàn triển khai chính của dự án là ở ĐBSCL, chúng tôi cũng khảo sát nông dân ở Đồng bằng sông Hồng và khu vực các tỉnh miền Trung. Qua đó, đội ngũ nghiên cứu có sự hiểu biết toàn diện về lúa gạo Việt Nam.
Bên cạnh đó, các hệ thống canh tác lúa ở Việt Nam cũng rất đa dạng. Chúng tôi phân tích kỹ lưỡng kịch bản đầu tư cho hệ thống độc canh lúa, lúa - cá và luân canh tôm - lúa. Những phân tích này sẽ giúp “khoanh vùng”, xác định cơ hội đầu tư mang lại lợi nhuận cao nhất cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam khi tham gia vào thị trường carbon.
Khi làm việc với nông dân, chúng tôi xây dựng các kịch bản giúp phân tích định giá carbon, giúp các chuyên gia kinh tế xác định giá carbon cần thiết nhằm duy trì sự tham gia của nông dân xuyên suốt quá trình canh tác bền vững.
Ông có thể cho biết các bước tiếp theo của dự án là gì?
TS Alisher: Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục khảo sát nông dân, đi sâu hơn vào phương pháp canh tác hiện tại của họ và mức độ khả thi để áp dụng công nghệ tưới ngập - khô xen kẽ giúp giảm lượng khí thải metan. Chúng tôi tìm hiểu mức chi phí cần thiết, hỗ trợ nông dân chuẩn hóa tổ chức sản xuất, từ đó tham gia thị trường carbon.
Việt Nam có thế mạnh là mô hình hợp tác xã phát triển trên toàn quốc. Các công nghệ theo phương pháp MRV (cơ sở cấp tín chỉ carbon) không thể diễn ra ở cấp độ nông hộ nhỏ lẻ. Các đối tượng mua tín chỉ carbon là doanh nghiệp hay tổ chức quốc tế cũng kỳ vọng hợp tác với các hợp tác xã hơn là với từng nông hộ.
Trong tương lai, chúng tôi sẽ khám phá các mô hình kinh doanh tín chỉ carbon và các cơ chế hợp tác, ví dụ như hợp đồng giữa người bán - người mua, xem loại hình nào phù hợp hơn với nông dân Việt Nam.
Về tình huống thanh toán, chúng tôi sẽ khảo sát xem nông dân muốn thanh toán vào đầu vụ hay cuối vụ; giá cố định hay thay đổi theo thị trường carbon toàn cầu.
Tôi muốn nhắc tại, thị trường carbon hoạt động cũng giống thị trường lúa gạo. Nếu giá carbon tăng, khả năng sẽ có thêm nông dân sẵn sàng cam kết chuyển đổi mô hình canh tác.
Chúng tôi sẽ nghiên cứu việc tăng giá carbon sẽ tác động như thế nào đến diện tích sản xuất lúa gạo bền vững ở Việt Nam. Có thể nói, khi giá carbon tăng lên sẽ tạo điều kiện phổ biến quy trình sản xuất lúa gạo bền vững, ít phát thải.
Đóng góp của ông cho Việt Nam với vai trò chuyên gia kinh tế của IRRI là gì?
TS Alisher: Đóng góp của đội ngũ chuyên gia IRRI có hai mặt. Đầu tiên, chúng tôi sẽ đưa ra các phương án về lộ trình đầu tư cho các bên liên quan thuộc khu vực công và tư nhân. Lộ trình phác thảo mức đầu tư cần thiết trên mỗi ha lúa carbon thấp, cùng ước tính lợi nhuận mỗi nông hộ có thể thu về. Song song đó, chúng tôi khám phá các cơ chế, thể chế, mô hình kinh doanh giúp nông dân dễ dàng tiếp cận thị trường carbon.
Người mua tín chỉ carbon (các doanh nghiệp, tổ chức trong lĩnh vực năng lượng) sẽ thanh toán dựa trên chất lượng của quá trình làm ra mỗi bao gạo. Các hoạt động canh tác (gieo sạ, tưới ngập - khô xen kẽ, bón phân, phun thuốc BVTV) cần được thiết kế để phù hợp với điều kiện từng địa phương. Các khoản thanh toán sẽ dựa trên kết quả được thực hiện sau khi đo lường mức giảm phát thải khí metan thực tế.
"Cần nhấn mạnh, nông dân Việt Nam nên được hỗ trợ tài chính trong nỗ lực giảm lượng khí thải metan, bất kể biến động giá gạo trên thị trường.
Nhìn chung, nông dân nên được trả tiền xứng đáng cho những nỗ lực giảm khí thải. Sự thấu hiểu giữa các bên liên quan, cùng giải pháp tích hợp toàn bộ chuỗi giá trị lúa gạo sẽ tạo ra hệ thống hiệu quả, công bằng hơn cho mọi người", TS Alisher Mirzabaev.