Sáng 25/10, UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo "Liên kết chuỗi giá trị lúa gạo góp phần thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại Hậu Giang".
Tại hội thảo, bài báo cáo tham luận về “Một số kết quả đo đạc tại các mô hình và định hướng triển khai hoạt động đo đạc, báo cáo và xác nhận” đã cung cấp các thông tin về hiệu quả của các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Những kết quả này không chỉ chứng minh tính khả thi của các phương pháp canh tác hiện đại mà còn tạo ra cơ sở vững chắc để định hướng phát triển các mô hình trong tương lai. Thông qua việc áp dụng công tác MRV (giám sát, báo cáo và xác nhận), tỉnh Hậu Giang có thể nâng cao độ chính xác trong việc đánh giá tác động của các hoạt động sản xuất đến môi trường, từ đó thúc đẩy việc áp dụng các biện pháp cải tiến.
Theo PGS.TS Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp, hoạt động đo đạc mô hình hiện tại đang được triển khai hiệu quả với sự phát triển của 6 mô hình đã được lên sơ đồ. Khi có hợp tác xã (HTX) đăng ký tham gia mô hình, các nhân sự thành viên MRV sẽ hướng dẫn cụ thể để áp dụng cho từng mô hình khác nhau.
Hiện nay, Viện Tài nguyên nông nghiệp đang phối hợp với cán bộ địa phương để xây dựng các mô hình và hệ thống thu thập thông tin MRV online phục vụ cho công tác tính toán. Khi cán bộ MRV cấp địa phương cập nhật số liệu lên máy, các phép tính tự động sẽ được thực hiện để hỗ trợ công tác đo đạc.
Ngoài ra, trong quá trình tập huấn, các cán bộ MRV địa phương sẽ được hướng dẫn kỹ lưỡng, tập trung vào hai thời điểm quan trọng nhất là rút nước đợt 1 và rút nước đợt 2. Hiện nay, có ba cấp tham gia trong quy trình này: cán bộ MRV cấp trung ương (Viện Tài nguyên nông nghiệp quản lý), cán bộ MRV cấp HTX và cán bộ MRV cấp xã. Nhiệm vụ của các cán bộ MRV cấp HTX là thực hiện đo đạc và báo cáo hàng ngày trên phần mềm, kèm theo các minh chứng cần thiết. Các cán bộ cấp huyện và tỉnh sẽ xác nhận tất cả các hoạt động MRV của HTX.
Một kết quả đáng ghi nhận là mô hình 50ha tại HTX Hưng Lợi, Sóc Trăng đã giảm phát thải xuống còn 9 tấn CO2, so với 16,5 tấn trước đó. Điều này cho thấy rằng, lượng giảm phát thải dựa trên nguyên tắc: Khi baseline (mức phát thải khí nhà kính được xác định làm chuẩn để so sánh với các mức phát thải trong tương lai) thấp, mức giảm phát thải sẽ cao hơn. Vì vậy, cần tập trung giảm phát thải cơ sở trước khi áp dụng mô hình và tuân thủ theo các phương pháp giảm phát thải được quy định.
Ông Mai Văn Trịnh đánh giá, cơ sở hạ tầng thủy lợi tại các mô hình đang gặp nhiều khó khăn. Mật độ kênh tiêu trên đồng ruộng còn thấp cũng như khoảng cách giữa kênh tưới và kênh tiêu vẫn còn xa, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nước. Thêm vào đó, chưa có số liệu tham chiếu về công nghệ và tiêu vùng sinh thái, khiến việc áp dụng giải pháp trở nên khó khăn. Các lần rút nước phụ thuộc nhiều vào thời tiết, điều kiện và địa hình của từng khu vực mô hình.
Một trong những biện pháp hiệu quả là sử dụng giống ngắn ngày, giúp cây trồng có thời gian ngập ngắn hơn. Triển khai chế độ nước trước, trong vụ cũng rất quan trọng, với phương pháp rút nước giữa vụ một lần hoặc tưới khô ướt xen kẽ. Theo nguyên tắc MRV, chỉ khi mực nước rút xuống -15cm thì mới được tưới lại.
Về giải pháp xử lý rơm rạ và bón phân hữu cơ, ông Mai Văn Trịnh khuyến cáo, nông dân nên áp dụng phương pháp vùi ngấu (trên 30 ngày trước khi vào vụ mới) để rơm có thời gian phân hủy và cải thiện chất lượng đất.
Nông dân cũng cần lưu ý rằng việc bón đạm nhiều hơn sẽ làm tăng phát thải N2O, trong khi sử dụng công nghệ làm phẳng ruộng bằng laser có thể tăng CO2, dẫn đến có thể bị trừ điểm trong quá trình đánh giá. Bên cạnh đó, mỗi mô hình sẽ được mã hóa thành một đơn vị (1 spot), có mã số riêng để theo dõi. Khi cần thăm ruộng, người dùng chỉ cần kích vào mã số, và hệ thống GPS sẽ dẫn đến vị trí đó, giúp việc quản lý và giám sát trở nên hiệu quả hơn.
Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp nhấn mạnh rằng để đạt được mục tiêu phát thải, cần cần tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc canh tác và hoạt động đo đạc. Trước hết, việc bón đạm cần được kiểm soát chặt chẽ, không được vượt quá mức quy định trong quy trình, nhằm tránh tác động xấu đến môi trường và sức khỏe cây trồng. Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý không nên sử dụng quá nhiều máy móc, hạn chế tối đa lượng CO2 phát thải.
Đặc biệt, đảm bảo trên hai lần rút nước thành công cũng là yếu tố quan trọng. Ông Mai Văn Trịnh khuyết khích rằng, nên đảm bảo rút nước tối thiểu 3 lần để đạt được hiệu quả cao trong quản lý nước. Ngoài ra, hạn chế vùi rơm rạ tươi và thay vào đó, thu gom và ủ phân bón ngay tại ruộng, nhằm tối ưu hóa chất dinh dưỡng cho đất. Cuối cùng, cần kiểm soát thủy triều, không để nước dẫn vào ruộng trong quá trình giảm sử dụng nước, nhằm bảo vệ mùa màng khỏi những tác động tiêu cực.