TS Mai Văn Trịnh – chuyên gia MRV và TS Trần Công Thắng – chuyên gia kinh tế nông nghiệp, trao đổi, hướng dẫn thực hiện MRV (quy trình đo đạc, báo cáo và xác nhận) trong sản xuất lúa giảm phát thải.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức để phát triển bền vững.
Năm 2023, Chính phủ Việt Nam đã chính thức phê duyệt “Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh ĐBSCL”. Đề án không chỉ thể hiện cam kết mạnh mẽ của toàn ngành lúa gạo với trách nhiệm môi trường và xã hội, mà còn mở ra cơ hội để ngành lúa gạo Việt Nam tham gia vào thị trường carbon quốc tế. Một trong những công cụ quan trọng để đạt được mục tiêu này là quy trình MRV, viết tắt của ‘đo đạc, báo cáo và xác nhận’.
Vậy, quy trình MRV là gì và nó được áp dụng như thế nào trong sản xuất lúa gạo?
Quy trình MRV bao gồm ba bước chính:
Đo đạc: Xác định lượng khí nhà kính phát thải từ các hoạt động canh tác lúa, sử dụng các công cụ và phương pháp khoa học hiện đại.
Báo cáo: Tổng hợp và báo cáo dữ liệu phát thải một cách minh bạch và chính xác.
Xác nhận: Kiểm tra và xác nhận tính chính xác của các báo cáo phát thải, đảm bảo dữ liệu đáng tin cậy.
Việc thực hiện quy trình MRV giúp ngành lúa gạo Việt Nam đảm bảo tính minh bạch và đáng tin cậy của dữ liệu giảm phát thải. Đây là cơ sở để tạo ra những tín chỉ carbon có giá trị thực sự, mở ra cánh cửa cho VN tham gia sâu hơn vào thị trường carbon quốc tế.
Tuy nhiên, để đạt được những cơ hội này, ngành lúa gạo Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Kế hoạch giảm thiểu carbon chất lượng cao cần khép kín, chặt chẽ trong từng khâu, tức là giảm lượng khí thải trên toàn chuỗi sản xuất.
Để hiện thực hóa điều này, cần chuẩn hóa MRV liên quan đến môi trường và các chỉ số bền vững. Hệ thống MRV khi vận hành ổn định sẽ làm tăng độ tin cậy giữa người bán - người mua carbon, mang lại lợi ích nhiều hơn cho nông dân.