Chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam về vai trò của khuyến nông cộng đồng, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: Sơn La đã và đang tập trung thực hiện các Nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương và địa phương nhằm mục tiêu xây dựng ngành nông nghiệp phát triển nông nghiệp xanh, nhanh và theo hướng tổ chức sản xuất sạch, hữu cơ, thông minh, đáp ứng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn khác của thị trường. Đồng thời, nông nghiệp Sơn La đã và đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để chuyển từ sản xuất thông thường sang nông nghiệp hàng hóa, từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Để hiện thực mục tiêu đó, Sơn La đang tập trung xây dựng các vùng sản xuất lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi, gắn liền giữa sản xuất với chế biến, thị trường. Thời gian qua Sơn La đã chuyển đổi mạnh mẽ diện tích cây ăn quả trên địa bàn, tính đến hết năm 2023 là 84.160ha. Tiếp tục phát huy thế mạnh của các loại cây công nghiệp như chè (6.058ha), cà phê (20.865ha), mía đường (10.660ha), sắn (41.994ha), cao su (5.262ha)… Đẩy mạnh sản xuất chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi đại gia súc.
Xác định tổ chức sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu rộng lớn gắn liền với chế biến, thị trường, tỉnh Sơn La đề cao vai trò của công tác khuyến nông và xác định việc đẩy mạnh hoạt động của tổ chức Khuyến nông cộng đồng là cần thiết.
Bởi vì, muốn tổ chức sản xuất lớn, áp dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh sản xuất ở những vùng đặc biệt khó khăn, biên giới gắn với tổ chức phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới… đòi hỏi có những hoạt động của đội ngũ khuyến nông cộng đồng để tiếp cận các mô hình sản xuất, hướng dẫn bà con nhân dân, tổ sản xuất, hợp tác xã sản xuất theo đúng quy trình và tham gia vào chuỗi liên kết.
Sơn La cũng đang hút rất mạnh mẽ các nhà đầu tư nhằm xây dựng các nhà máy chế biến lớn như Nhà máy bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn ICFood Hàn Quốc tại huyện Vân Hồ; Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ của Tập đoàn TH; Nhà máy chế biến nông sản của Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc; Trung tâm chế biến rau quả, thực phẩm Doveco Sơn La… Các nhà máy chế biến cà phê như Phúc Sinh, Minh Tiến, Cát Quế; Nhà máy chế biến đường lỏng Glucose BHL Sơn La…
Khi các nhà máy chế biến lớn trong lĩnh vực nông nghiệp hình thành, đòi hỏi cần phải có vai trò của khuyến nông cộng đồng để giúp bà con nhân dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã tổ chức sản xuất theo chuỗi sản xuất, đáp ứng nguyên liệu bảo đảm để phục vụ các nhà máy chế biến. Điển hình như Trung tâm chế biến rau quả, thực phẩm Doveco Sơn La. Hiện nay đã có chuỗi sản xuất các sản phẩm rau quả như ngô ngọt, đậu tương rau, rau chân vịt, xoài, nhãn… Khi những chuỗi sản xuất này hình thành sẽ quay trở lại giúp ổn định đầu vào của các nhà máy chế biến.
Trong bối cảnh hiện nay chúng ta cũng thấy vấn đề an toàn dịch bệnh cho đàn đại gia súc, các vấn đề của cây trồng đang đòi hỏi cần phải có hệ thống khuyến nông cơ sở để hỗ trợ, giúp đỡ bà con. Đặc biệt, thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia như xây dựng nông thôn mới đã đặt ra tiêu chí cụ thể cần phải có mô hình tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả.
Từ thực tiễn đó, tỉnh Sơn La là một trong số 13 tỉnh thành thực hiện Đề án thí điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng” do Bộ NN – PTNT ban hành. Sau hai năm thực hiện, từ hai tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm tại huyện Mai Sơn và Thuận Châu, đến nay Sơn La đã có 98 tổ khuyến nông cộng đồng với 685 thành viên ở khắp các địa phương.
Kể từ khi có tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động, đội ngũ khuyến nông cơ sở đã cầm tay chỉ việc giúp đỡ, hỗ trợ bà con nông dân tổ chức sản xuất theo đúng chuỗi sản xuất đã đề ra và đảm bảo các quy trình sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để từ đó làm ra những sản phẩm nông nghiệp tốt nhất cho tỉnh Sơn La. Đồng thời, hoạt động của Tổ Khuyến nông cộng đồng đã góp phần hỗ trợ địa phương hoạch định chính sách, có những bước đi đúng đắn nhằm mục tiêu phát triển, nâng cao giá trị nông nghiệp, xây dựng chuỗi sản xuất ngày càng bền vững hơn.
Tỉnh Sơn La xác định, mô hình tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động tốt sẽ là cầu nối giữa người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Là hạt nhân để hỗ trợ bà con trong các vấn đề kỹ thuật sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết chuỗi sản xuất, thông tin thị trường…, góp phần xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Sơn La theo mục tiêu đặt ra.
Đó là hướng đi cụ thể và tỉnh Sơn La đang tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng. Nhận thấy cần phải có chế độ, chính sách cho đội ngũ khuyến nông cộng đồng nói riêng và cán bộ không chuyên trách ở cơ sở nói chung, Hội đồng Nhân dân tỉnh Sơn La đã ban hành Nghị quyết số 78 quy định chức danh, mức phụ cấp, chế độ kiêm nhiệm của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, mức khoán kinh phí hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt nam và tổ chức chính trị xã hội ở cấp xã trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Thực hiện Nghị quyết số 78, lực lượng khuyến nông cộng đồng ở tỉnh Sơn La được hưởng mức phụ cấp 1,4 nhằm phần nào đó giúp cho thành viên có thêm thu nhập để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình. Về lâu dài, tỉnh Sơn La kiến nghị: Để nâng cao hơn nữa vai trò của Khuyến nông cộng đồng cần phải có nguồn lực, chính sách hỗ trợ, đào tạo, tập huấn nâng cao vai trò trách nhiệm của Khuyến nông cộng đồng. Đưa lực lượng Khuyến nông trực tiếp tham gia vào chuỗi sản xuất, tham gia vào các đề án lớn của địa phương, các chương trình hợp tác quốc tế, từ đó khẳng định vai trò rất quan trọng của khuyến nông nói chung và Khuyến nông cộng đồng nói riêng.
Tỉnh Sơn La mong muốn các cơ quan Trung ương, trực tiếp là Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Bộ NN-PTNT báo cáo với Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan liên quan rà soát, củng cố hệ thống khuyến nông cơ sở từ trung ương đến địa phương, trong đó đặc biệt là tổ khuyến nông cộng đồng. Bài học thực tiễn ở Sơn La cho thấy, với diện tích tự nhiên đứng thứ ba cả nước, diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp và các loại cây trồng khác rất lớn, đàn đại gia súc ngày càng phát triển, đòi hỏi phải có một hệ thống khuyến nông nói chung và khuyến nông cộng đồng đầy đủ, bài bản. Sơn La có 204 xã, phường, thị trấn và 2.303 bản, tiểu khu, nếu có đội ngũ khuyến nông cộng đồng hoạt động đến tận từng bản, từng tiểu khu chắc chắn sẽ góp phần rất lớn tổ chức sản xuất, phát triển chuỗi sản xuất, góp phần phát triển kinh tế xã hội.
Từ thực tiễn sau hai năm triển khai đề án, Sơn La chắc chắn sẽ tiếp tục củng cố mô hình tổ khuyến nông cộng đồng với mục tiêu hỗ trợ, giúp đỡ bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất theo quy trình, xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn của các nhà máy chế biến lớn và đặc biệt là áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm bảo đảm các tiêu chuẩn thị trường