Sơn La một thập kỷ leo đồi: [Bài cuối] Khát vọng xanh và những bài học lớn

Hoàng Anh - Tùng Đinh - Quang Dũng (thực hiện) - Thứ Ba, 23/07/2024 , 06:00 (GMT+7)

‘Tỉnh Sơn La sẽ phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ sâu cho chế biến, mục tiêu đến năm 2025 ổn định 100.000ha cây ăn quả’, ông Hà Như Huệ. 

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La. Ảnh: Tùng Đinh. 

Bài liên quan

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La cho biết: Ngành NN-PTNT tỉnh Sơn La có xuất phát điểm thấp, ngày trước còn lạc hậu, chủ yếu là quảng canh, phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, sản xuất tự cung tự cấp. Qua năm tháng, chính quyền và nhân dân tích cực khai hoang, mở rộng diện tích, tập trung phát triển các cây lương thực dẫn đến diện tích gieo trồng tăng hằng năm, nhất là nhóm cây lương thực như lúa, ngô, sắn... Thực hiện tái cơ cấu và thay đổi tư duy từ sản xuất sang kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp Sơn La từng bước chuyển biến mạnh mẽ, là một trụ cột kinh tế của miền đất dốc.

“Nông nghiệp Sơn La đang từng bước chuyển dịch mạnh mẽ với khát vọng xanh, nhanh và theo hướng tổ chức sản xuất sạch, áp dụng công nghệ cao với mục tiêu lớn nhất là đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường”, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La khẳng định.

Mục tiêu 100.000ha cây ăn quả và trung tâm chế biến nông sản miền Bắc

Thưa ông, nhìn lại công cuộc chuyển mình của nông nghiệp Sơn La từ thủ phủ ngô nghèo khó ngày trước trở thành vùng cây ăn quả trọng điểm của miền núi phía Bắc, vùng cà phê chè Arabica lớn nhất cả nước, vùng chè, vùng mía… Nhiều người gọi nông nghiệp Sơn La là hiện tượng, vậy theo ông điều gì đã làm nên hiện tượng đó?

Nhìn tổng thể bức tranh nông nghiệp Sơn La hôm nay có thể nói đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Tôi cho rằng đó là kết quả xuyên suốt từ những giải pháp đồng bộ, những quyết sách của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sơn La, quyết tâm của ngành nông nghiệp, các địa phương và đặc biệt là nỗ lực, sáng tạo không ngừng nghỉ của bà con nông dân.

Giai đoạn 2010 - 2023 tỉnh Sơn La đã triển khai các chính sách hỗ trợ các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản và chế biến, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn nhằm phát huy, khai thác tiềm năng về đất đai, lao động, khí hậu; gắn phát triển sản xuất nông nghiệp áp dụng VietGAP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao với giải quyết những vấn đề xã hội còn bức xúc như thiếu đất sản xuất, việc làm, thu nhập, giảm nghèo, thiên tai, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo môi trường sinh thái và phát triển bền vững. Chỉ trong vòng 3 năm từ 2020 - 2023 đã có 7 chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sử dụng ngân sách tỉnh do HĐND, UBND tỉnh Sơn La ban hành với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 123,5 tỷ đồng.

Vùng na Mai Sơn Sơn La. Ảnh: Tùng Đinh

Nông nghiệp Sơn La đã đạt được những thành tựu. Tăng trưởng GRDP toàn ngành nông lâm nghiệp thủy sản giai đoạn 2020 - 2023 bình quân đạt 5,1%/năm. Tổng diện tích gieo trồng hàng năm 212.602ha, trong đó diện tích cây ăn quả tính đến hết năm 2023 là 84.160ha… Sản lượng lúa 206.037 tấn, ngô 337.162 tấn, sắn 526.706 tấn, mía 652.012 tấn, cao su 3.800 tấn, chè búp tươi 54.296 tấn, cà phê nhân 34.345 tấn…

Tính đến thời điểm hiện tại Sơn La đã có 5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận, bao gồm: Vùng chè ứng dụng công nghệ cao Vinatea Mộc Châu với quy mô 329,64ha; Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa Mộc Châu quy mô 279 hộ gia đình, 2 cơ sở liên kết sản xuất chăn nuôi bò sữa 16.414 con/năm với Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu; Vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao tại xã Chiềng Chung, xã Chiềng Ban (huyện Mai Sơn) quy mô 684 hộ gia đình liên kết sản xuất 368,1ha cà phê; Vùng na ứng dụng công nghệ cao tại thị trấn Hát Lót, xã Cò Nòi, Nà Bó, Chiềng Lương (huyện Mai Sơn) quy mô 166 hộ gia đình, cá nhân liên kết sản xuất 334,2ha na với Hợp tác xã Anh Trang, Hợp tác xã Mé Lếch, Hợp tác xã OHAYO…

Cùng với đó là 12 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trong đó có 11 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Vùng nhãn Sông Mã rộng gần 8.000ha, gần gấp đôi diện tích nhãn tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Tùng Đinh.

Toàn tỉnh Sơn La hiện có 560 nhà máy, cơ sở chế biến nông sản, thu hút các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến sản phẩm rau, quả gồm: Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu của Tập đoàn Nafoods tại huyện Mộc Châu; Nhà máy Bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn ICFood Hàn Quốc tại huyện Vân Hồ; Nhà máy Chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ của Tập đoàn TH tại huyện Vân Hồ; Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Sơn La.

Thực tế Sơn La đã trở thành thủ phủ cây ăn quả lớn nhất của cả nước, hình thành các vùng nguyên liệu lớn phục vụ sản xuất, tuy nhiên nút thắt lớn nhất của nông nghiệp hàng hóa Sơn La vẫn là khâu chế biến, tỉnh Sơn La đã giải quyết bài toán đó như thế nào, thưa ông?

Với mục tiêu hình thành các vùng nguyên liệu đủ lớn để thu hút đầu tư, đến nay tỉnh Sơn La đã có vùng nguyên liệu cà phê Arabica với diện tích 20.782ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là 17.717ha, sản lượng cà phê nhân đạt 1.300 tấn. Diện tích cà phê được các tổ chức cấp chứng nhận bền vững và tương đương đến thời điểm hiện tại là 19.270,9 lượt ha. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 9 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp. 6 tháng đầu năm 2024 tỉnh Sơn La xuất khẩu được 16.900 tấn cà phê, thu về 53,9 triệu USD.

Vùng nguyên liệu chè ước đạt 5.857ha, sản lượng chè búp tươi thu hoạch đến thời điểm hiện tại là 15.722 tấn, xuất khẩu 10,2 triệu USD. Vùng nguyên liệu mía đường 10.136ha, sản lượng 654.742 tấn. Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La triển khai đầu tư nâng công suất dây chuyền chế biến đường ổn định 5.000 tấn mía/ngày, đồng thời tận dụng nguồn bã mía trong quá trình sản xuất đường làm nguyên liệu cho nhà máy điện sinh khối với công suất 9MW.

Vùng nguyên liệu sắn 42.093ha, vùng nguyên liệu loại rau, quả cung cấp cho Trung tâm chế biến rau, quả xuất khẩu DOVECO tại huyện Mai Sơn với quy mô công suất 100.000 tấn sản phẩm các loại/năm. Vùng nguyên liệu cung cấp cho Công ty TNHH IC FOOD Sơn La đang duy trì hoạt động chế biến các sản phẩm bắp cải, cải ngọt, cà rốt, cải thảo ngâm muối. Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ thuộc Tập đoàn TH, Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc…

Liên kết xây dựng vùng nguyên liệu với Doveco. Ảnh: Hoàng Anh. 

Ngoài ra là vùng nguyên liệu chăn nuôi, thủy sản. Đơn cử như đàn bò sữa hiện nay của Sơn La đạt 26.852 con, sản xuất 48.118 tấn sữa tươi, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2023…

Nút thắt của nông nghiệp Sơn La là chế biến và tỉnh Sơn La cam kết tạo mọi điều kiện thu hút đầu tư vào nông nghiệp nói chung và lĩnh vực chế biến nói riêng.

Thực tiễn cho thấy, khi thu hút được các nhà máy chế biến nông sản vào đầu tư thì giá trị gia tăng của nông nghiệp Sơn La tăng lên rất rõ, các nhà máy chế biến còn góp phần giải quyết bài toán lao động địa phương, tạo công ăn việc làm góp phần bảo đảm an sinh xã hội…

Điển hình như dự án của Doveco, một trung tâm chế biến rau quả rất lớn hiện đang liên kết sản xuất chế biến các sản phẩm đậu tương rau, rau chân vịt, ngô ngọt, xoài IQF, nhãn, mận, chanh leo, dứa… Đến nay, vùng nguyên liệu cung cấp cho nhà máy đã lên đến 728,3ha.

Bên cạnh đó tỉnh cũng tập trung trung phát triển vùng nguyên liệu cung cấp cho nhà máy chế biến của Công ty TNHH ICFOOD Vân Hồ. Hiện nhà máy đang duy trì hoạt động chế biến các sản phẩm bắp cải, cải ngọt, cà rốt, cải thảo ngâm muối. Trong 6 tháng đầu năm 2024 số lượng nguyên liệu đưa vào chế biến 1.094 tấn rau các loại. Vùng nguyên liệu cung cấp cho Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc, hiện bắt đầu hoạt động chế biến chanh leo niên vụ năm 2024, số lượng nguyên liệu chanh leo công ty thu mua từ đầu năm đạt trên 300 tấn.

Điều hết sức quan trọng để tháo gỡ nút thắt là tạo ra chuỗi sản xuất, người dân ký hợp đồng với hợp tác xã, hợp tác xã ký hợp đồng với các doanh nghiệp, từ đó chuỗi liên kết sản xuất được khép kín, hoàn thiện.

Giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh Sơn La cấp chủ trương đầu tư mới 6 dự án gồm: Trung tâm chế biến rau, quả thực phẩm Doveco; Nhà máy chế biến đường lỏng Glucose BHL Sơn La; nhà máy chế biến nông sản, Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc; Dự án đầu tư chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp Mộc Châu của Công ty Thương mại Tây Bắc; Dự án tổ hợp trang trại sinh thái và trang trại bò sữa công nghệ cao Mộc Châu của Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu; Nhà máy chế biến cà phê của Công ty Cổ phần chế biến cà phê Sơn La.

Thu hút đầu tư tháo gỡ nút thắt chế biến. Ảnh: Hoàng Anh. 

Bài học từ thị trường

Sơn La cũng là tỉnh rất nỗ lực tìm kiếm thị trường cho nông sản, ông chia sẻ gì về chiến lược và những bài học của thị trường nông sản Sơn La?

Trong những năm qua, song song với phát triển vùng nguyên liệu, phát triển nông nghiệp công nghệ cao thì vấn đề quảng bá, xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm nông lâm sản liên tục nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị tỉnh Sơn La.

Từ lãnh đạo tỉnh, các cơ quan ban ngành đến các hợp tác xã, người nông dân liên tục tham gia các sự kiện như: Tuần hàng trái cây, nông sản an toàn, Hội chợ Thương mại nông sản vùng Tây Bắc, Lễ hội hái mận Mộc Châu, Ngày hội xoài Yên Châu, Ngày hội nhãn Sông Mã, Lễ hội cà phê Sơn La....

Tỉnh Sơn La cũng có chính sách, cơ chế hỗ trợ nhằm khuyến khích doanh nghiệp liên kết với các hợp tác xã để kiểm soát các hộ gia đình thực hiện quy trình sản xuất các loại quả xuất khẩu và liên kết với các doanh nghiệp có đủ điều kiện xuất khẩu. Tổ chức và hỗ trợ các hợp tác xã tham gia tuần hàng giới thiệu và bán nông sản tại các siêu thị và trung tâm thương mại (Tổng Công ty thương mại Hà Nội Hapro, Tập đoàn bán lẻ Big C, Vingroup, Công ty TNHH AEON Việt Nam, Siêu thị Lotte…). Triển khai nhân rộng mô hình Trung tâm giới thiệu, bán và kết nối tiêu thụ nông sản hàng ngày theo Chương trình OCOP.

Nhờ đó hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Sơn La đạt tốc độ tăng trưởng cao. Năm 2023 giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu đạt 186,8 triệu USD, trong đó giá trị hàng hóa nông sản tham gia xuất khẩu đạt 177,8 triệu USD, tăng 8,99% so với năm 2022, sản lượng nông sản tham gia xuất khẩu đạt 173.033 tấn.

Trên địa bàn tỉnh Sơn La ngày càng xuất hiện nhiều mô hình doanh nghiệp liên kết hợp tác xã và các hộ nông dân, sản xuất gắn với nhà máy chế biến nông sản. Điển hình như Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ mía với gần 10.000 hộ dân. Các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết với sản xuất, tiêu thụ cà phê với 12.000 hộ. Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu liên kết với gần 469 hộ chăn nuôi và hàng trăm hộ nông dân trồng ngô để phục vụ cho Nhà máy TMR...

Tỉnh Sơn La đang hỗ trợ duy trì, phát triển 285 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn, gồm 38 chuỗi rau an toàn với diện tích 318ha, sản lượng 12.646 tấn/năm; 178 chuỗi quả an toàn các sản phẩm xoài, nhãn, mận, chanh leo, bơ, cam, bưởi, dâu tây, thanh long... với diện tích 4.298ha, sản lượng 49.519 tấn/năm; 5 chuỗi cà phê với diện tích 2.160ha, sản lượng 4.518 tấn/năm; 10 chuỗi chè diện tích 544ha, sản lượng 7.535 tấn/năm…

Nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Mộc Châu. Ảnh: Tùng Đinh. 

Xác định tiêu chuẩn, quy chuẩn là giá trị gia tăng, “hộ chiếu” để bán hàng nông sản, tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt như: Ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển mạnh từ xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng. Gắn kết các tác nhân trong chuỗi theo nguyên tắc minh bạch, trách nhiệm, cùng chia sẻ lợi ích theo mức độ đóng góp giá trị. Tăng cường liên kết 6 nhà với nòng cốt là liên kết nhà nông - nhà doanh nghiệp. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển mối liên kết giữa các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp, hợp tác xã với các doanh nghiệp lớn trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, sơ chế, chế biến quả.

Toàn tỉnh có 101 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP còn hiệu lực. 28 sản phẩm nông sản của tỉnh Sơn La được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. 300 mã số vùng trồng với diện tích hơn 4.608ha phục vụ xuất khẩu, 151 sản phẩm OCOP…

Xuyên suốt quá trình tìm kiếm, mở rộng thị trường, chúng tôi xác định giữ gìn hình ảnh, thương hiệu, chất lượng của nông sản Sơn La là giá trị cốt lõi cần tiếp tục đẩy mạnh vấn đề xây dựng và gìn giữ.

“Ở Sơn La hiện nay, khu vực kinh tế tập thể cơ bản đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh trật tự, an toàn xã hội, từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng trong nền kinh tế quốc dân… Điều này được thể hiện rõ số lượng các hợp tác xã nông nghiệp ngày càng tăng trên địa bàn tỉnh Sơn La, với 864 hợp tác xã, trong đó trên 30% hợp tác xã có ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, nhà lưới, nhà kính, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt”, ông Hà Như Huệ.

Lời giải của bài toán lớn nhất

Thưa ông, bài toán lớn nhất của nông nghiệp Sơn La hiện nay là gì?

Mặc dù thời gian qua nông nghiệp Sơn La phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên vẫn còn đó những nút thắt, rào cản hay có thể gọi là những bài toán đang cần lời giải.

Đó là đầu tư chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thời gian qua đã tăng, tuy nhiên vẫn thấp hơn nhiều so với vị trí, tiềm năng và nhu cầu phát triển nông nghiệp nói chung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ nói riêng.

Việc huy động các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác vào phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực của Sơn La còn rất hạn chế đặc biệt là các nguồn vốn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và tư nhân. Công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ chưa tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị tăng thêm cho sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế.

Các hình thức tổ chức sản xuất đã bước đầu đổi mới như hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại..., tuy nhiên chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Sơn La. Kinh tế hộ vẫn là đơn vị sản xuất kinh doanh chủ lực ở nông thôn, với quy mô sản xuất nhỏ và sự liên kết, hợp tác với nhau còn nhiều hạn chế.

Nông dân Sơn La ứng dụng KHCN vào sản xuất. Ảnh: Quang Dũng. 

Lời giải như thế nào, thưa ông?

Sơn La sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào nông nghiệp, hỗ trợ và khuyến khích đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp, tiếp cận thông tin khoa học, kỹ thuật, thị trường, nghiên cứu chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, đất đai, tín dụng, phát triển nguồn nhân lực...

Đặc biệt tỉnh Sơn La chuyển mạnh từ xây dựng các “chuỗi cung ứng nông sản” sang phát triển các “chuỗi giá trị ngành hàng”. Xây dựng và phát triển hiệu quả các vùng nguyên liệu tập trung, cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu chuẩn chất lượng và mã vùng nguyên liệu. Cùng với đó là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi.

Sơn La một thập kỷ leo đồi. Ảnh: Tùng Đinh.

Tăng cường đầu tư, ứng dụng cơ giới hóa trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị sản xuất, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, từng loại cây trồng, vật nuôi. Phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản, khuyến khích phát triển chế biến sâu, chế biến tinh, công nghệ cao. Chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ và dịch vụ hỗ trợ để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của nông sản, hình thành hệ thống logistics nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, thương mại của nông sản.

Giải pháp nữa là nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả. Đẩy mạnh liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Trong đó doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo, nòng cốt, dẫn dắt. Đổi mới và phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác, phát triển kinh tế tư nhân theo hướng tổ chức liên kết giữa nông dân, tổ chức hợp tác của nông dân với doanh nghiệp và các đối tác kinh tế khác trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản…

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Anh - Tùng Đinh - Quang Dũng (thực hiện)
Tin khác
Thiên nhiên vẫy gọi phía sau lưng người thăm thẳm
Thiên nhiên vẫy gọi phía sau lưng người thăm thẳm

Thiên nhiên vẫy gọi mỗi cá nhân phải có hành động tích cực để bảo vệ môi trường sống, đó là thông điệp chủ yếu trong tập truyện ‘Lưng người thăm thẳm’.

Du lịch xanh - đòn bẩy phát triển kinh tế xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero
Du lịch xanh - đòn bẩy phát triển kinh tế xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero

TP.HCM Những năm gần đây, du lịch xanh ngày càng được quan tâm và trở thành hướng phát triển quan trọng của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Bác sĩ Hoàng Thạch hoài niệm chiều một lời ru rất xa
Bác sĩ Hoàng Thạch hoài niệm chiều một lời ru rất xa

Bác sĩ Hoàng Thạch gửi gắm nhiều tâm sự với cố hương trong tập thơ ‘Hoài niệm chiều’ giăng mắc buồn thương xa vắng của một thân phận tha phương.

Thư viện của 230 đứa trẻ tự giác và ông giáo già Phạm Hữu Lợi
Thư viện của 230 đứa trẻ tự giác và ông giáo già Phạm Hữu Lợi1

Đó là một khuôn viên 2 tầng khung cột sắt, tường kính trong suốt có ba cửa ra vào. Dòng chữ in ngoài không quá to nhưng ai cũng nhìn rõ: 'Thư viện tự giác'.

Đại sứ văn hóa đọc và những bất ngờ sau trang sách
Đại sứ văn hóa đọc và những bất ngờ sau trang sách

Đại sứ văn hóa đọc có nhiều con đường khác nhau để bước vào thế giới sách, và cách họ ứng xử với sách cũng góp phần hình thành thói quen đọc sách.

Việt Nam thiếu 150.000 nhân lực cho thị trường carbon
Việt Nam thiếu 150.000 nhân lực cho thị trường carbon

Bên cạnh nhân lực, phương pháp, tài chính và thiết bị, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần bổ sung thêm những hướng dẫn, quy định cụ thể khi vận hành thị trường.

Thư viện Dương Liễu: Một thập kỷ gieo mầm tri thức
Thư viện Dương Liễu: Một thập kỷ gieo mầm tri thức

Nhiều bạn đọc 'nhí' trưởng thành từ thư viện đã trở về Dương Liễu làm tình nguyện viên, tiếp tục nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho nhiều trẻ em.

Thư viện 10.000 đầu sách trên đất lành làng Cò
Thư viện 10.000 đầu sách trên đất lành làng Cò

Hàng ngàn cò, vạc chọn ao đình làm nơi trú ở khiến làng cũng được gọi thành làng Cò. Trên mảnh đất ấy, một thư viện làng cũng có tên gọi: Thư viện làng Cò.

Những đứa trẻ vùng cao 'khát' sách
Những đứa trẻ vùng cao 'khát' sách

Đầu năm học mới, nhiều đứa trẻ vùng cao vẫn chưa có sách vở đến trường. Chúng mặc cảm, tự ti với phận mình nên chẳng dám đòi hỏi gì.

Vua tiêu Việt trên hành trình nông sản và hành trình trang sách
Vua tiêu Việt trên hành trình nông sản và hành trình trang sách

Vua tiêu Việt là sự xưng tụng xứng đáng dành cho doanh nhân Phan Minh Thông trên con đường lập nghiệp gắn bó giữa thương hiệu nông sản và giá trị trang sách.

Ước mơ 5.000 đầu sách để 'khuyến đọc' của thầy giáo Tuấn
Ước mơ 5.000 đầu sách để 'khuyến đọc' của thầy giáo Tuấn

Không chỉ mê sách, tràn đầy nhiệt huyết trong việc lan tỏa đam mê đọc cho các em học sinh, thầy giáo này còn có gia tài 'khủng' là tủ sách quý gần 2.000 cuốn.

Lời giải nào cho khủng hoảng nguồn nước sông Ba?
Lời giải nào cho khủng hoảng nguồn nước sông Ba?

Phản ánh thông tin về tình trạng kêu cứu ở mức báo động 'SOS' của sông Ba đúng là rất đáng quan ngại... nhưng phải chăng có trường hợp 'lạc đà chui lọt lỗ kim'?!

Sự kiện