Ngày 2/8, tại TP Pleiku, Bộ NN- PTNT phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức “Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng”.
Ngày càng phát triển sâu rộng
Ngày 25/3/2022, Bộ NN-PTNT đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án thí điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng”. Đề án được triển khai tại 13 tỉnh thuộc 5 vùng nguyên liệu nông, lâm, thủy sản chủ lực với mục tiêu nhằm củng cố, kiện toàn hệ thống khuyến nông cơ sở theo mô hình tổ khuyến nông cộng đồng.
Sau 2 năm thí điểm, mô hình tổ khuyến nông cộng đồng đã có những tín hiệu tích cực, nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và bà con nông dân. Đến nay, ngoài 26 tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm tại 13 tỉnh tham với 156 thành viên, Đề án đã thành lập thêm 1.000 tổ khuyến nông cộng đồng mở rộng với hơn 9.600 thành viên.
Đồng thời, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trên cả nước đã có thêm 44 tỉnh, thành phố đã thành lập các tổ khuyến nông cộng đồng với tổng số khoảng hơn 4.000 tổ với hơn 37.300 thành viên hoạt động phục vụ phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Trong quá trình triển khai Đề án, hệ thống lực lượng khuyến nông cộng đồng đã xác định được vai trò nòng cốt trong quá trình thực hiện, đó là hành cùng nông dân, giúp tổ chức lại sản xuất, đào tạo nâng cao năng lực và trở thành cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp.
Thành phố Hải Phòng là một trong những địa phương có mô hình khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả nhất. Hiện thành phố có 139 tổ khuyến nông cộng đồng với hơn 1.000 thành viên tham gia.
Ông Nguyễn Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT thành phố Hải Phòng cho biết, trong 3 năm hoạt động, toàn bộ các xã trên địa bàn đã có tổ khuyến nông cộng đồng. Các tổ khuyến nông bước đầu đã tham gia thực hiện tư vấn và hướng dẫn cho các HTX về cơ chế chính sách của Trung ương và thành phố. Các tổ khuyến nông cộng đồng cũng tư vấn quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, liên kết sản xuất, kết nối thị trường đạt hiệu quả cao.
Về phía doanh nghiệp, tổ khuyến nông cộng đồng đã có những đồng hành, đôi bên cùng có lợi. Ông Phan Văn Tâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền cho biết, kể từ khi Bộ NN-PTNT phát triển lực lượng khuyến nông cộng đồng để triển khai những tiến bộ kỹ thuật cũng như kết nối người dân với doanh nghiệp lại với nhau.
“Lực lượng khuyến nông công động đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp rất nhiều cũng như tạo cầu nối tiếp cận với người dân để xây dụng vùng nguyên liệu bền vững. Thông qua đó, cũng sẽ giúp doanh nghiệp kết nối được với người dân để triển khai những tiến bộ kỹ thuật, sản phẩm mới theo định hướng của ngành nông nghiệp đã đề ra”, ông Tâm chia sẻ.
Cùng góp ý để kiện toàn hơn
Bên cạnh những mặt thuận lợi, rất nhiều địa phương cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn mà hệ thống khuyến nông cộng đồng đang gặp phải. Ông Nguyễn Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT thành phố Hải Phòng cho biết, tổ khuyến nông cộng đồng là mô hình mới nên gặp nhiều khó khăn trong nhận thức cũng như hành động cua một số cấp chính quyền cơ sở, trang thiết bị còn thiếu thốn. Bên cạnh đó, sự không ổn định trong sản xuất nông nghiệp, chuỗi cung ứng bị đứt gãy đã gây không ít khó khăn cho công tác khuyến nông.
Đặc biệt, Bộ NN-PTNT chưa tổng kết Đề án nên chưa có tiêu chí thống nhất cũng như thông điệp mạnh mẽ để các địa phương ban hành chính sách riêng cho tổ khuyến nông cộng đồng.
“Đề nghị Bộ NN-PTNT có hướng dẫn chung về quy định, chức năng nhiệm vụ, cơ chế chính sách và định mức kinh tế kỹ thuật cho tổ khuyến nông cộng đồng để địa phương có cơ sở thực hiện. Bên cạnh đố thành phố Hải Phòng cần ban hành chính sách mạnh mẽ để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó có chính sách cho hoạt động tổ khuyến nông cộng đồng”, ông Tuất đề xuất.
Là người trực tiếp đi thực tế ở cơ sở, anh Đới Văn Cương, Tổ trưởng Tổ khuyến nông cộng đồng xã Hà Mòn (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) cho biết, các tổ khuyến nông cộng đồng đang gặp phải những khó khăn như thiếu kiến thức, kỹ năng trong hoạt động khuyến nông và các hoạt động tư vấn dịch vụ khác. Mặt khác, một số thành viên của tổ còn kiêm nhiệm, chưa dành nhiều thời gian cho các hoạt động của khuyến nông. Tổ khuyến nông cộng đồng không có dấu pháp nhân nên không thể ký kết hợp đồng tư vấn, thuê dịch vụ của doanh nghiệp, HTX còn ít, nguồn thu từ các hoạt động chưa nhiều.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, khuyến nông cộng đồng đã trở thành vấn đề mang tính thời sự và được cả xã hội quan tâm. Đề án đã nhận được sự quan tâm ủng hộ, sự vào cuộc tham gia rất tích cực của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương.
Sau 2 năm triển khai, Đề án đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, từ 26 tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm, đến nay cả nước đã có 57 tỉnh thành lập được trên 5.000 tổ khuyến nông cộng đồng với hơn 45.500 thành viên tham gia. Đây sẽ là lực lượng chủ lực, nòng cốt ở các địa phương để hướng dẫn nông dân tổ chức lại sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng và yêu cầu thị trường, liên kết nông dân với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.
“Cán bộ khuyến nông cộng đồng hiện nay là tích hợp đa giá trị, không chỉ hướng dẫn về mặt nông nghiệp mà còn vấn đề thị trường, kết nối người dân với doanh nghiệp và thực hiện công tác xây dựng nông thôn mới”, Thứ trường Trần Thanh Nam chia sẻ.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẩn trương hoàn thiện bộ quy chế mẫu về hoạt động tổ khuyến nông cộng đồng và xây dựng các văn bản hướng dẫn các tỉnh, thành phố nhân rộng mô hình.
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các bộ tài liệu phục vụ hoạt động khuyến nông cộng đồng, ưu tiên các tài liệu triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Thứ trưởng cũng đề nghị các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo thành lập, kiện toàn các tổ khuyến nông cộng đồng, tạo điều kiện về môi trường làm việc trang thiết bị để hoạt động. Trong khi đó, các HTX, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với khuyến nông cộng đồng trong việc xây dựng vùng nguyên liệu, áp dụng công nghệ mới, sản xuất theo tiêu chuẩn, liên kết chuỗi giá trị.
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, mặc dù chung ta đang có lực lượng khuyến nông cộng đồng hùng hậu nhưng cũng cần phải ra soát lại các tiêu chí để đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời, tiếp tục truyền thông mạnh hơn nữa nhằm tạo sự đồng thuận giữa người dân, HTX, doanh nghiệp và chính quyền. Về cơ chế chính sách, các địa phương cũng cần tạo điều kiện về hỗ trợ kinh phí để tổ khuyến nông cộng đồng yên tâm hoạt động.
“Quan trọng nhất, khuyến nông cộng đồng cần phải tăng cường năng lực, không chỉ kỹ thuật mà phải có kiến thức về cộng đồng, phát triển kinh tế cũng như chuyển đổi số… thì mới giúp được người dân tri thức hóa”, ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh.