Ký ức biệt động Sài Gòn trong câu chuyện kết nối thế hệ

Phạm Tuấn - Thứ Bảy, 08/02/2025 , 10:53 (GMT+7)

Ký ức biệt động Sài Gòn từng được đưa lên màn ảnh, bây giờ lại tái hiện trong truyện dài ‘Nụ hôn dưới vòm cây’ của tác giả Nguyễn Khắc Cường.

Tác giả Nguyễn Khắc Cường.

Ký ức biệt động Sài Gòn trong “Nụ hôn dưới vòm cây” không chỉ là câu chuyện lịch sử mà còn mang tính kết nối thế hệ. Tác giả Nguyễn Khắc Cường từng được trao giải thưởng Sách Quốc gia năm 2023 với tác phẩm “Joni mặt tịt và đồng bọn tinh nghịch”. Bây giờ, với “Nụ hôn dưới vòm cây, tác giả Nguyễn Khắc Cường tiếp tục phát huy lối kể giản dị mà ấm áp để nhắc nhở một quá khứ hào hùng.

Truyện dài “Nụ hôn dưới vòm cây” là hành trình một đôi bạn trẻ ngược dòng thời gian để tìm lại ngày xưa của ông bà mình, ngày xưa đẹp đẽ của những thanh niên đã tham gia lực lượng Biệt động Sài Gòn, đấu tranh bảo vệ đất nước. Sau khi khám phá dĩ vãng, họ dùng ngòi bút và sức trẻ của mình để lan tỏa thông điệp đó đến với những người trẻ khác, nhắc nhở mọi người cùng quý trọng hòa bình và biết ơn sự hy sinh của cha ông.

Nhân vật chính của “Nụ hôn dưới vòm cây” là Hải Đường, một chàng trai nhiệt huyết đang làm phóng viên một tờ báo dành cho bạn đọc tuổi teen. Khi bà ngoại mất, anh tình cờ phát hiện cuốn sổ bà dùng để ghi chép số điện thoại người quen, và anh quyết định thử liên hệ với những người bạn đó.

Cuốn sổ nhỏ bằng nửa bàn tay, trang bìa đã bạc màu in hình ca sĩ Đan Trường tóc hai mái. Nhét cất dưới nệm. Trên nền giấy ca rô vàng ố là chi chít con số. Ngoài vài ba cái tên có họ hàng với gia đình mà anh biết, còn lại là những danh xưng lạ hoắc, thậm chí có cả những ký hiệu như Z8, B8, R2…

Sự tình cờ đã đưa Hải Đường gặp những người bạn cũ, cũng là đồng đội của bà Năm Thường trong lực lượng biệt động Sài Gòn - những người đã sống, đã yêu thương và dành những năm tháng thanh xuân rực rỡ để tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Cả thảy có mười bốn cụ, trong đó vài cụ mặc quân phục, ngực áo đeo đầy huân chương. Những chiếc huân chương gợi nhắc một thời lẫy lừng, vào sinh ra tử, dù bây giờ các cụ đã hom hem. Có cụ ngồi ghế vẫn chống gậy, mắt lim dim, tai không biết còn nghe được không nhưng miệng nói không rõ tiếng nữa. Vậy mà người nhà cho biết cụ nôn nao tới buổi họp mặt này cả tháng nay. Bộ quân phục gắn huân chương được ủi phẳng phiu, treo sẵn ở đầu giường từ hai tuần trước.

Hành trình này cũng giúp Hải Đường gặp được Sương Mai, một cô bé tuổi teen dạn dĩ, nghịch ngợm và táo bạo - là cháu của ông Trầm Tú, người đồng đội cũ của bà Năm Thường. Nhận thấy tài năng và sự lanh lợi của cô bé, Hải Đường đã rủ Sương Mai viết báo, và tờ báo của anh có thêm một phóng viên tập sự lém lỉnh, đáng yêu. Cùng nhau, Hải Đường và Sương Mai đã lắng nghe những chuyện kể của ông Trầm Tú và bà Huỳnh Mai, chắp nối từng mảnh ghép và đưa câu chuyện của ông bà lên trang báo.

Bài báo “Dưới vòm cây Sài Gòn” đến với bạn đọc teen như một hồ sơ đặc biệt kỷ niệm ngày Truyền thống Học sinh sinh viên, giúp các bạn trẻ biết được ký ức biệt động Sài Gòn với những lãng mạn giữa đạn bom, những bao dung giữa gian khó.

Tác phẩm “Nụ hôn dưới vòm cây” dĩ nhiên là hư cấu, nhưng tác giả Nguyễn Khắc Cường đã tham khảo các tư liệu thực tế, trong đó có cuốn sách “Đội thanh niên cận vệ Sài Gòn” (NXB Trẻ, 2012) để lấy chất liệu xây dựng những nhân vật một thời: ông Tú, bà Mai, bà Năm Thường. Tác giả cũng sử dụng chính những trải nghiệm trong công việc làm báo của mình làm cảm hứng cho những sự kiện mà Hải Đường và Sương Mai gặp phải.

Chất liệu từ cuộc sống đã làm sống lại ký ức biệt động Sài Gòn. Đặc biệt, những cảnh chiến đấu được mô tả rất rõ rệt, chi tiết, dễ dàng khiến ta cũng hồi hộp đến nghẹt thở theo những tiếng đạn rơi, bom nổ.

Với nhóm biệt động thành như Tú, cây súng là tài sản lớn. Tài sản đó không tính bằng tiền mà bằng sự mưu trí, quả cảm của các chị, các dì, các má. Họ bất chấp hiểm nguy, vượt qua bao nhiêu vòng vây kẽm gai dày đặt xét hỏi của địch để vận chuyển vũ khí từ trong căn cứ ở Củ Chi vô nội thành cho các anh hoạt động. Súng ống, chất nổ, lựu đạn… được ngụy trang khéo léo trong thúng rau, cây đàn guitar, cần xé trái cây, giỏ đi chợ…

Tác phẩm khơi dật ký ức biệt động Sài Gòn thời chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Giới trẻ nếu hững hờ thì không thể hình dung nổi những con đường, con hẻm trong lòng thành phố mà họ qua lại mỗi ngày lại từng có những cuộc rượt đuổi, nồng mùi thuốc súng, cảnh đốt xe, bắt bớ, đánh đập và hy sinh. Những cuộc chiến không cân sức chút nào. Một bên là chính quyền với quân đội, cảnh sát hùng hậu, vũ khí tối tân, không thiếu thứ gì. Bên kia là những người dân yêu nước, từ người lao động buôn gánh bán bưng như dì Sáu cho đến sinh viên học sinh như Tú và Huỳnh Mai. Họ chỉ đánh lén, đánh bí mật để cảnh cáo quân thù, chờ thời cơ cùng đồng đội làm cuộc đại chiến.

Mong muốn kết nối các thế hệ là một nguồn cảm hứng trong nhiều tác phẩm của tác giả Nguyễn Khắc Cường, như anh chia sẻ: “Tôi thích cách đặt vấn đề ‘Nếu người trẻ trân trọng quá khứ…’ hơn là ‘Nếu những hy sinh của cha ông mình bị lãng quên”.

“Nụ hôn dưới vòm cây” kết nối bạn trẻ ngày nay với thế hệ đã dành tuổi xuân chiến đấu vì độc lập cho dân tộc. Qua đó, tác giả Nguyễn Khắc Cường khẳng định sức mạnh của ý chí và khát vọng tuổi trẻ, đồng thời gửi gắm niềm tin đến bạn trẻ ngày nay, mong muốn các bạn biết trân trọng thành quả của người đi trước, và có một tuổi xuân cũng thật ý nghĩa trong thời đại mới.

Phạm Tuấn
Tin khác
Châu Thành không chỉ một địa danh phổ biến miền Tây Nam bộ
Châu Thành không chỉ một địa danh phổ biến miền Tây Nam bộ

Châu Thành được đặt tên cho vùng đất nằm cạnh tỉnh lỵ, áp dụng hầu hết miền Tây Nam bộ, như một thói quen ngày xưa, như một kỷ niệm hôm nay.

Hồ Chí Minh và vẻ đẹp vĩ nhân luôn tin ở con người
Hồ Chí Minh và vẻ đẹp vĩ nhân luôn tin ở con người

‘Hồ Chí Minh - Người tin ở con người’ là tuyển thơ của tác giả Hải Như, được ấn hành nhân kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tương truyền dấu chữ người thơ xưa & bước chân Đầu Đà người tu nay
Tương truyền dấu chữ người thơ xưa & bước chân Đầu Đà người tu nay

Thơ Hồ Xuân Hương có sức ảnh hưởng to lớn đến mức ngoài phần thơ 'chính hiệu', còn trên trăm bài phổ biến trong dân gian cũng được 'tương truyền' là do bà sáng tác.

‘Đóa hoa sương núi’ ẩn hiện ước mơ những đứa trẻ Raglai
‘Đóa hoa sương núi’ ẩn hiện ước mơ những đứa trẻ Raglai

‘Đóa hoa sương núi’ của tác giả Tâm An được ra mắt sáng mồng ba Tết Ất Tỵ tại lễ hội Đường sách TP.HCM, chia sẻ cuộc sống những đứa trẻ dân tộc Raglai.

'Tắt lửa lòng' của Nguyễn Công Hoan được thắp lại trên sân khấu
'Tắt lửa lòng' của Nguyễn Công Hoan được thắp lại trên sân khấu

‘Tắt lửa lòng’ của nhà văn Nguyễn Công Hoan sau 90 năm xuất hiện trên sân khấu cải lương lại được đưa lên sân khấu kịch nói vào dịp Tết Ất Tỵ.

Đánh đáo - trò chơi dân gian của trẻ con dịp Tết
Đánh đáo - trò chơi dân gian của trẻ con dịp Tết

Khắp các khoảnh đất, dưới các bụi tre, bên đình đều có xới đáo của bọn trẻ con. Quần áo mới, túi rủng rẻng, mồ hôi, mồ kê bết tóc, hăng say và cay cú.

Bầy rắn của nhà thơ Hữu Loan
Bầy rắn của nhà thơ Hữu Loan

Nhớ năm 1988, Hữu Loan trở lại Hà Nội sau bao năm biền biệt. Đưa cụ Hữu Loan cùng đám bạn bám theo về khu tập thể, chợt tôi lóe ra một quyết định.

Truyện ngắn của nhà văn Phạm Lưu Vũ: Đạo dụ tân kinh
Truyện ngắn của nhà văn Phạm Lưu Vũ: Đạo dụ tân kinh

Có câu rằng: “Số thầy thì để cho ruồi nó bâu”.

Lễ nghi Tết chốn cung đình
Lễ nghi Tết chốn cung đình

Huế đẹp không chỉ từ Quần thể di tích Cố đô mà đẹp từ trong ý thức của mỗi người về văn hóa lễ hội.

Đình nguyên Hoàng giáp Bùi Sĩ Tiêm: 'Còn một lòng âu việc nước'
Đình nguyên Hoàng giáp Bùi Sĩ Tiêm: 'Còn một lòng âu việc nước'

Cuộc đời làm quan của Bùi Sĩ Tiêm sẽ còn thăng tiến nếu ông không nói lời ngay thẳng để vạch ra những nguyên nhân khiến xã hội lúc đó rối ren, hỗn loạn.

Truyện ngắn của nhà văn Phạm Ngọc Tiến: Thăm thẳm vòng đời
Truyện ngắn của nhà văn Phạm Ngọc Tiến: Thăm thẳm vòng đời

Non tháng nữa là Tết nhưng nắng cứ vàng rờ rỡ cả ngày, còn may trời vẫn se se lạnh lúc cuối chiều nên cữ đạp xe thể thao thường nhật của ông Cả Ngưỡng xem ra nhàn nhã khác hẳn ngày hè nóng nực hay tiết thu thất thường khi oi nồng lúc mát mẻ.

Sự kiện