Tách chiết silk protein từ vỏ kén
Ngỡ ngàng hơn khi biết nhiều sản phẩm khác như xà phòng, kem dưỡng da được sản xuất ngay tại Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương, còn ở Hàn Quốc người ta đã chế ra chỉ khâu phẫu thuật, xương nhân tạo và vô số vật tư y tế khác từ tơ tằm, bán giá rất đắt.
TS Lê Hồng Vân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương dẫn tôi thăm xưởng sản xuất, khu trưng bày sản phẩm của đơn vị phối hợp với Trung tâm KOPIA (Chương trình nông nghiệp quốc tế Hàn Quốc) Việt Nam để nói về sản xuất dâu tằm theo hướng đa giá trị, ngoài tơ lụa làm quần áo, nhộng làm thực phẩm, còn làm mỹ phẩm, dược phẩm.
“Phát triển công nghệ tách chiết các chất quý từ tơ tằm, cạnh tranh với các loại mỹ phẩm khác, từ hóa học đến tự nhiên nên mọi việc không hề đơn giản. Những kỹ thuật này đòi hỏi cao, đầu tư lớn, có lẽ không dành cho nông dân mà hướng tới doanh nghiệp. Bắt đầu từ 2019, Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương đã đề xuất với KOPIA hỗ trợ nghiên cứu phát triển giống tằm mới, đồng thời phát triển giá trị gia tăng cho ngành dâu tằm." TS Vân chia sẻ.
Dự án có hai nội dung, chọn tạo giống tằm lưỡng hệ kén trắng mà mục tiêu là cạnh tranh được với giống của Trung Quốc đang chiếm khoảng 90% thị trường Việt Nam và mục tiêu nữa là phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng, tách chiết silk protein từ vỏ kén. Cả hai nhiệm vụ trên đã hoàn thành và kết thúc vào năm 2022.
Giống tằm mới VH2020 đã được công nhận tiến bộ kỹ thuật vào tháng 3/2023 và đang cố gắng mở rộng ra sản xuất. Còn mục tiêu thứ hai, Trung tâm có cử cán bộ đi học tập ở trong nước và cả Hàn Quốc. Đến nay, Trung tâm đã tách chiết được silk protein bằng phương pháp thủy phân trong áp suất cao, không sử dụng hóa chất, tạo nguyên liệu an toàn để sản xuất kem đánh răng, xà phòng, kem dưỡng da, sau đó sẽ là nước tẩy trang thân thiện với làn da con người.
Toàn bộ máy móc sản xuất do Hàn Quốc tài trợ, tuy nhiên để thương mại hóa các loại mỹ phẩm làm ra từ tơ tằm là cả một vấn đề bởi thị trường rất cạnh tranh. Hướng tới của chúng tôi là phân phối ở trong hệ thống của mình và sẽ hình thành điểm du lịch dâu tằm ngay tại đây để khách đến trải nghiệm và mua hàng.
"Hiện, chúng tôi bán những set quà tặng giá 350.000 đồng, gồm 2 hộp kem đánh răng và 4 bánh xà phòng. 2023 là năm đầu tiên bán chừng 600-800 set như vậy, chưa được nhiều. Bên cạnh đó hàng tuần cũng có doanh nghiệp du lịch dẫn các học sinh đến trải nghiệm các công việc của nghề dâu tằm ở đây để thế hệ trẻ biết về nghề truyền thống”, TS Vân cho biết.
Là người gắn bó cả đời với trồng dâu nuôi tằm nên ông Vân hiểu rõ những thăng trầm của cái nghề từng có một thời phát triển rực rỡ, nổi lên như một ngôi sao sáng nhất của nền nông nghiệp Việt Nam.
Cao điểm nhất về sản xuất dâu tằm là năm 1991, khi đó Việt Nam có 38.000ha dâu nhưng do năng suất kém, chỉ 500kg kén/ha nên sản lượng chỉ khoảng xấp xỉ 20.000 tấn kén.
Diện tích trồng dâu sau đó cứ giảm dần, có nhiều nguyên nhân nhưng sâu xa là do ngành dâu tằm bị lạc hậu về mọi mặt. Trong đó, tổ chức sản xuất không có hệ thống nuôi tằm con riêng mà dân toàn tự nuôi tằm từ trứng, hơn thế do nuôi chung trong nhà ở nên dịch bệnh rất nhiều.
Công nghệ nuôi như cổ xưa, mỗi nhà có một vài cái đũi, mấy cái nong, tận dụng thời gian và công sức để kiếm thêm được đồng nào thì kiếm. Về giống năng suất thấp, phòng bệnh kém… đã làm cho hiệu quả kinh tế của nghề dâu tằm tơ không cao.
Nguyên nhân trực tiếp là do Liên Xô cùng các nước Đông Âu, thị trường chính trước đây của tơ Việt Nam bị tan rã. Việc xuất khẩu theo kiểu hiệp định đổi hàng lấy hàng, không đúng nghĩa thị trường, tuy nhiên đó là nguồn sống chính của ngành dâu tằm tơ lúc đó cũng bị đóng theo.
Thị trường giảm dần, ngành dâu tằm sa sút đến mức năm 2005 chỉ còn khoảng 7.700ha. Con tằm Việt thực sự đã bị “ngủ đông” một thời gian dài đằng đẵng, tưởng chừng như không ngóc đầu dậy nổi.
Công của cố Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn
Đến năm 2000, những nhược điểm đó của ngành dâu tằm tơ được nhìn thấy rõ và có những chuyển biến, thay đổi. Bộ NN-PTNT cùng với các cơ quan nghiên cứu bên dưới bắt đầu xây dựng những cơ sở nuôi tằm con tập trung ở tỉnh Yên Bái, Lâm Đồng. Sau vài năm, việc làm này đã chứng minh được hiệu quả bởi giai đoạn tằm con yêu cầu kỹ thuật rất cao, đòi hỏi phải có cơ sở nuôi riêng cũng như cách chăm sóc, phòng bệnh đúng khoa học.
Ở 2 tỉnh này đã hình thành những HTX, nhóm hộ nuôi tằm con tập trung sau đó bán cho nông dân nuôi từ tuổi 4 trở đi, giúp cho thời gian chăm sóc ngắn đi một nửa, 1 tháng thay vì chỉ nuôi được 1 lứa thì nuôi được 2, 3 lứa, hệ số quay vòng nhanh.
Chất lượng tằm con tốt nên năng suất của tằm lớn cao, tổn thất ít. Trên cơ sở đó, mở rộng đến nay khoảng trên 80% nông dân ở trên khắp Việt Nam đã mua tằm con nuôi về vì nó giảm được 1/2 công sức lại chắc ăn hơn. Đó là sự thay đổi lớn về tổ chức sản xuất.
Về công nghệ, trước nuôi tằm trên nong giờ nuôi trên nền nhà. Đó không phải là điều mới mẻ gì bởi trên thế giới cũng đã có nơi làm từ lâu nhưng khí hậu nồm ẩm đã làm chùn bước những người nuôi tằm ở Việt Nam. Mãi đến đầu thế kỷ 21, dưới áp lực của công nghiệp hóa, để tiết giảm nhân công, nuôi tằm trên nền nhà thực chất là đơn giản hóa các thao tác mới được cán bộ trong ngành nhận thức một cách đầy đủ.
Năm 2004, chính cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn là người đích thân chỉ đạo việc chuyển đổi này. Ông vốn học ở Trung Quốc nhiều năm, thấy công nghệ nông nghiệp của nước người phát triển như vũ bão mà sốt ruột cho nền nông nghiệp ì ạch của nước mình liền thành lập Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nông nghiệp.
Cùng với ông Trần Trung Nhật, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang, ông Tạn đã triển khai 3 mô hình thí điểm nuôi tằm trên nền nhà ở xã Việt Thành huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái; xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam và xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Thậm chí, ông còn mời các chuyên gia Trung Quốc sang cùng giám sát những lứa nuôi đầu.
Bà Nguyễn Thị Len, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương ngày nay chính là một trong những người trực tiếp tham gia chỉ đạo mô hình hồi đó, vẫn còn nhớ những cảm xúc sôi nổi của một thời tuổi trẻ.
Nếu như nuôi tằm trên nong kiểu truyền thống ngày nào cũng phải thay phân do giới hạn của nong khi tằm lớn lên, chật phải san ra, rất tốn công thì nuôi tằm trên nền nhà không phải san vì tự chúng mở rộng. Lúc đầu, người nuôi rải tằm theo từng dãy nhỏ, dâu rắc đến đâu thì tằm mở rộng ra đến đấy. Nuôi tằm kiểu này không phải thay phân hàng ngày, từ tuổi 4 đến lúc chín chỉ phải dọn phân 2 lần, giảm đến 1/2 công.
Thông qua việc nuôi tằm con tập trung rồi chia cho các hộ nuôi tằm lớn và áp dụng công nghệ nuôi trên nền nhà nên nghề tằm đã tiết giảm nhân công, chỉ còn 25% so với trước và người nuôi tằm không phải vất vả “ăn cơm đứng” như xưa nữa. Hơn thế, nuôi trên nền nhà do không phải thay phân, di chuyển tằm hàng ngày, tránh được tình trạng xây xát da, tằm chỉ việc ăn và lớn nên ít chết và khỏe. Bởi vậy, chúng cho kén rất dày cùi, tơ dài, không đứt, 1 con kén cho tới trên dưới 1.000m tơ, kén loại 1 tăng thêm được 7-8% so với nuôi trên nong.
Trước năm 1985, ở Việt Nam có Cục Dâu tằm, bên dưới có các Chi cục Dâu tằm của những tỉnh có diện tích lớn, bên dưới nữa có các trại giống, nhà máy ươm tơ. Đến năm 1985, người ta giải tán Cục Dâu tằm, tách phần quản lý nhà nước về Bộ NN-PTNT, phần sản xuất thành lập Liên hiệp các xí nghiệp dâu tằm tơ rồi chuyển vào Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng nơi có khí hậu mát mẻ phù hợp với nuôi tằm kén trắng chất lượng cao. Sau này, Liên hiệp các xí nghiệp dâu tằm tơ đổi tên thành Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam.