| Hotline: 0983.970.780

Người đào tạo các học viên sang châu Phi nuôi tằm làm thực phẩm

Thứ Ba 05/12/2023 , 14:33 (GMT+7)

Buổi tối hôm đó, tôi được ăn thử món tằm sắn. Những con tằm khi luộc lên phình to ra như những khấu đuôi lợn, ăn ngọt và đậm đà rất khó tả.

Lễ tốt nghiệp trong vui vẻ của các học viên sang châu Phi nuôi tằm. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Lễ tốt nghiệp trong vui vẻ của các học viên sang châu Phi nuôi tằm. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Lớp học của anh nông dân có bằng khen Thủ tướng

Sáng hôm sau, trong ngôi nhà mới xây sang trọng và lộng lẫy trị giá đến 4 tỉ đồng, anh Nguyễn Quang Thắng ở khu Vạn Thắng, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, thủng thẳng kể: “Không chỉ người Việt chúng ta có thói quen dùng tằm làm thực phẩm mà ngay cả thế giới cũng có một số nước có xu hướng này. Vừa rồi, có một ông chủ người Việt, đã sang làm ăn ở nước Zambia tại châu Phi mấy năm, muốn phát triển mô hình nông nghiệp tại đó nên đưa 4 học viên về đây để xin tôi đào tạo nghề sản xuất giống tằm sắn và nuôi tằm sắn.

4 người đó đã được tôi dạy trong suốt 1 tháng, vừa học lý thuyết, vừa thực hành theo kiểu cầm tay chỉ việc. Giờ họ đã tốt nghiệp, quay trở lại Zambia. Dự án sẽ bắt đầu từ năm 2024 đến năm 2025. Châu Phi nghèo, người dân chủ yếu ăn ngô, ăn sắn mà thôi. Những học viên của tôi vụ tới sẽ mang giống sắn ở Việt Nam sang trồng, còn sắn bản địa của châu Phi năng suất lá và củ không cao.

Muốn phát triển chăn nuôi phải có nguồn thức ăn và xây dựng trang trại đã. Bây giờ người Việt mới sang khai phá châu Phi, làm nông nghiệp như đào ao thả cá, trồng lúa, trồng ngô, trồng đậu và trồng sắn. Việc trồng sắn có hai mục đích, củ để làm lương thực, còn lá thì để nuôi tằm. Tằm lại có hai mục đích, vừa làm thức ăn chăn nuôi cá nước ngọt, vừa làm thực phẩm cho người. Điều thuận lợi là người dân Zambia vốn có thói quen ăn một số loại côn trùng, tuy nhiên họ lại chưa biết ăn tằm sắn bởi chưa có ai đưa sang, chưa được tiếp cận bao giờ”...

Tôi ngắm những bức ảnh các học viên của những lễ tốt nghiệp khóa đào tạo và chuyển giao công nghệ kỹ thuật sản xuất trứng tằm và nuôi tằm bền vững đứng ôm lấy cái “bằng đỏ” (là một kẹp tài liệu kỹ thuật có bìa màu đỏ do thầy Thắng - chủ cơ sở sản xuất trứng tằm lá sắn Thắng Nga trao cho) mà cảm động. Người thầy ấy đã được nhận đủ thứ bằng khen, trong đó có của Thủ tướng Chính phủ và của Hội Nông dân Việt Nam công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương.

Nghề nuôi tằm sắn ở Đồng Lương. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nghề nuôi tằm sắn ở Đồng Lương. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thấm thoắt mà cái nghề sản xuất giống tằm sắn chuyên nghiệp đã gắn bó với anh Thắng ngót 30 năm trời. Trước đó cả thế kỷ, bà con ở trong làng đã biết nuôi tằm sắn làm thực phẩm rồi nhưng họ toàn tự để giống theo kinh nghiệm bằng cách chọn ra những con khỏe, đẹp chứ không có thói quen mua giống. Bố mẹ anh cũng vậy nên từ rất sớm anh đã quan sát tập tính của con tằm, tuổi nhỏ được nuôi trên mẹt, tuổi lớn được nuôi trên nong, vòng đời 45 ngày mỗi lứa, mỗi năm nuôi vài lứa là hết vụ.

Hàng xóm nhà anh lúc đó có người từng làm ở Công ty Giống tằm Mai Lĩnh của tỉnh Hà Tây cũ chuyên về con tằm dâu nhưng trở lại quê thuê một ngôi nhà hoang để thử nghiệm sản xuất giống tằm sắn vì thấy ở đây có bạt ngàn những vạt đồi sắn, có nghề nuôi tằm sắn truyền thống. Ông nhân giống tằm sắn ra rồi bán chịu cho dân. Khi dân thu hoạch, mỗi gói trứng tằm sẽ trả lại cho ông ba lạng tơ. Làm được 2 năm như thế thì ông truyền nghề cho người con rồi giải nghệ.

Kế nghiệp bố, người con không bán chịu trứng tằm rồi cuối vụ đổi tơ nữa mà tự mình đạp xe đến các xã, các huyện rao bán để lấy “tiền tươi, thóc thật”. Anh Thắng khi đó mới 16-17 tuổi, thường tò mò sang xem, thấy hay liền xin được truyền nghề rồi lại đạp xe đi các xã, các huyện xa hơn như Thanh Sơn, Yên Lập của tỉnh Phú Thọ để bán trứng tằm, mỗi ngày cũng được 5-7 lạng. Đó là quãng năm 1995.

Cận cảnh con tằm sắn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cận cảnh con tằm sắn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Xưa, nuôi tằm sắn chúng bị bệnh gì người dân cũng không biết mà chỉ bảo do nước sông Thao lên là tằm bị “đẹn” mà chết, tức năm đó có mưa nhiều; Thời tiết mùa cuối năm tằm chết như ngả rạ thì bảo chúng bị sương độc. Sau này, khi nhiều lần nếm trải thất bại, anh Thắng đã thay đổi cách làm giống bằng cách loại ngay từ đầu những con tằm mắc các bệnh như bủng, gai nên việc tằm chui ngài tốt hơn, đẻ trứng khỏe hơn, tỷ lệ nuôi thành phẩm đạt hơn.

Bà con mua trứng của anh về nuôi đỡ công tự nhân giống, tằm lại khỏe, đẹp, nuôi được liên tiếp nhiều lứa. Còn những người tự để giống, tằm không chui ngài mấy, hiệu quả sản xuất không có nên mới tò mò mua thử để nuôi rồi so sánh. Cứ thế, nhà nọ nhìn nhà kia mà mua theo. Dần dần cả làng, cả xã đều hình thành thói quen chỉ mua giống chứ không tự để nữa.

Sau bán giống, anh Thắng còn tận tình chăm sóc khách hàng bằng việc hướng dẫn họ cách nuôi sao cho mùa mưa không bị “đẹn nước sông Thao”, mùa đông không bị sương độc, chết như ngả rạ. Nhờ đó, năm đầu anh sản xuất được 7kg trứng, năm thứ hai sản xuất được 20kg rồi cứ thế tăng dần. Thị trường từ bán lẻ đến bán buôn, lúc đầu vài xã trong huyện, đến vài huyện trong tỉnh rồi xuyên Bắc Trung Nam. Năm 2005, khi tìm được đầu ra cho đám kén phế liệu sau khai thác con tằm sắn làm thực phẩm thì nuôi tằm thực sự trở thành nghề của cả trăm hộ dân ở xã Đồng Lương.

Giống tằm tương truyền lai với con sâu

Không bằng lòng với con tằm sắn bản địa của quê mình, một dịp nghe có người mách đồng bào ở tỉnh Sơn La có giống tằm lai giữa con sâu với con tằm sắn vì nhà họ sống ở gần rừng, bướm trong rừng bay đến giao phối lung tung, anh Thắng đã 3 lần đi xe máy lên trên đó để tìm hiểu.

Nếu như giống tằm sắn ta quê anh con nhỏ, màu vàng sậm, trọng lượng khi trưởng thành phải 280-300 con/kg thì giống tằm lai to hơn hẳn, chỉ 180-200 con/kg, tơ dày và kén đẹp. Đã thế, chúng lại ăn rất khỏe, cả cẫng lá, gân lá, xương lá sắn cũng ngốn hết.

Anh Thắng bên một dây kén giống. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Thắng bên một dây kén giống. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh liền bỏ tiền ra mua 20kg tằm lai đó mang về Đồng Lương nuôi thử. Bà con hay tin kéo đến xem đông nghịt. Thấy tằm lai không chỉ to khổng lồ mà còn có màu xanh lè chứ không vàng sậm như giống tằm mình đang nuôi, họ bảo: “Mày đưa con gì như con bọ sòi về nuôi thế?”. Anh cười, trả lời rằng: “Đây là giống tằm sắn lai của đồng bào trên tỉnh Sơn La”. Nhưng chẳng mấy ai tin cái con “bọ sòi” lạ lẫm ấy lại là con tằm cả. Tuy nhiên, chỉ qua 1-2 vụ nuôi, nhờ có năng suất vượt trội 30-40% mà giờ người ta hầu như chỉ nuôi tằm sắn lai chứ không nuôi tằm sắn ta nữa.

Hiện nhà xưởng của anh trung bình sản xuất được 600-650kg trứng tằm mỗi năm, thu lãi 400-500 triệu đồng/năm đồng thời tạo công ăn việc làm cho 15 lao động với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Làng nghề tằm sắn Đồng Lương ngoài anh còn có 2 người em cậu và em chú. Họ bán hàng không qua thương hiệu mà là nhân hiệu - tức uy tín cá nhân của mình nên từ năm ngoái tới năm nay đã có 2 hộ trong làng phải bỏ nghề nhưng ba anh em vẫn kiên cường bám trụ và thu lãi khá.

Anh Thắng (áo trắng) bên các học viên của một khóa vừa tốt nghiệp. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Anh Thắng (áo trắng) bên các học viên của một khóa vừa tốt nghiệp. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tôi hỏi tại sao món ăn từ tằm sắn không lan được tới thành phố lớn mà chỉ có ở trung du, miền núi? Anh Trương Văn Chí - một hộ sản xuất giống tằm sắn lớn nhất nhì làng gắp con tằm rang lên miệng, nhẩn nha nhai rồi trả lời: “Bởi dân thành phố các anh nhìn con tằm đã thấy sợ rồi chứ không hề biết nó có rất nhiều dinh dưỡng, rất sạch, trừ người dị ứng chứ ai cũng ăn được. Tằm chế biến được nhiều món ngon lắm. Sau 3 - 5 ngày cắt kén ra, khi nào thấy chúng lột bỏ vỏ, chuyển từ tằm thành nhộng non có màu trắng hơi vàng, chứa đầy sữa, chỉ trong khoảng 10-15 phút ấy là phải bỏ ngay vào chậu nước. Lúc đó luộc với lá chanh lên, chấm muối ớt là ăn ngon nhất. Loại nhộng ấy bán với giá 250.000 đ/kg. Một loại khác, tằm sau khi chín khoảng 2-3 tiếng, đợi đái hết nước trong bụng rồi đem luộc với lá chanh ăn hay rang với thịt ba chỉ ăn cũng rất ngon.

Lại có người thích con tằm lúc chuẩn bị chín, thân trong rồi nhưng sờ vào chưa “sộp” do chưa đi đái. Dù trong thân nó phân đã hết, nhưng vẫn còn đoạn ruột chứa dinh dưỡng như bắt phèo con lợn ấy, mang luộc lên rất ngọt, có thể ăn vã cả nửa cân. Có những nhà tằm chín không bán được mấy mà để ăn cả yến luôn vì rủ nhau uống rượu. Có những xã không có món tằm còn xanh khi đám cưới là cỗ không sang. Điều độc đáo, ở trong bụng tằm chỉ là ruột với nước nhưng ra khỏi miệng tằm là dệt thành tơ trắng tinh, không thể ăn được nữa”.

Người ta vận chuyển tằm sắn làm thực phẩm bằng các túi lưới, mỗi túi đựng chừng 25kg, khi buộc chúng tự bò dàn đều ra nên có thể xếp chồng lên nhau 2-3 lớp. Trời nóng tằm rất dễ chết nhưng nếu mua về bỏ trong ngăn mát của tủ lạnh chúng sẽ rơi vào trạng thái ngủ đông, để cả tuần sau bỏ ra lại bò ngoe nguẩy như thường.

Xem thêm
Hơn 220 đại biểu dự Đại hội các dân tộc tỉnh Yên Bái

YÊN BÁI Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh mong muốn các dân tộc tỉnh Yên Bái đoàn kết giữ gìn bản sắc văn hóa, bài trừ các hủ tục lạc hậu.

Ngành NN-PTNT khu vực ĐBSCL đạt và vượt nhiều chỉ tiêu

ĐBSCL Ngày 14/11, tại cảng Du thuyền TP Mỹ Tho diễn ra hội nghị tổng kết thi đua các khối Sở NN-PTNT vùng ĐBSCL lần thứ VIII năm 2024.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Vùng hoang vu Quảng Trị: [Bài 5]: Tuyên truyền, vận động: Chưa đủ!

Chưa thể ngăn chặn triệt để, nạn tảo hôn vẫn diễn biến phức tạp trong sự bất lực của các cấp chính quyền và ngành chức năng tỉnh Quảng Trị.