| Hotline: 0983.970.780

Biến phụ phẩm nông nghiệp thành nguồn thức ăn chăn nuôi chính

Thứ Hai 22/04/2024 , 08:25 (GMT+7)

Thay đổi thói quen canh tác, nhiều nông dân ở huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã biến những phế phẩm nông nghiệp sau thu hoạch thành thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả cao.

Anh Nguyễn Văn Trực cho gà ăn trùn quế và sâu canxi. Ảnh: Đăng Lâm. 

Anh Nguyễn Văn Trực cho gà ăn trùn quế và sâu canxi. Ảnh: Đăng Lâm. 

Thay đổi thói quen

Mô hình vườn - ao - chuồng rộng 1ha của gia đình ông Nguyễn Văn Cường (ở thôn Thanh Trang, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện) gồm nuôi bò, gà, vịt, ao thả cá và trồng cỏ. Ngày trước, lượng phân bón từ chăn nuôi bò, gà, vịt ông đều dùng bón cho hơn 2 sào cỏ, còn lại ông thả trực tiếp xuống ao cho cá ăn.

Đầu năm 2023, sau khi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp kết hợp chăn nuôi, gia đình ông đã thay đổi cách làm. Đàn bò, gà của ông không chăn thả rông nữa mà thay vào đó, ông đã xây dựng chuồng trại để nuôi nhốt.

Từ đó, lượng phân thải ra từ chăn nuôi nhiều hơn trông thấy so với trước đây. Số phân thu được từ chăn nuôi, ông không bón hoặc thả trực tiếp xuống vườn cỏ, ao cá nữa mà thay vào đó, ông dùng để nuôi trùn quế.

“Nuôi trùn quế vừa hạn chế ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi, vừa tạo ra nguồn thức ăn chất lượng cho vật nuôi”, ông Nguyễn Văn Cường cho biết.

Với gia đình ông Nguyễn Văn Trực ở tổ dân phố 8, thị trấn Phú Thiện, việc thay đổi thói quen trong sản xuất nông nghiệp cũng bắt đầu từ những lớp tập huấn như trên. Gia đình ông Trực có 1 sào đất trồng các loại rau (1 sào Tây Nguyên = 1.000m2).

Trước đây, cứ sau mỗi lần thu hoạch, có đến 2- 3 tạ rau già hoặc hư hỏng, ông làm thức ăn cho đàn gà 50 con mỗi lứa nhưng vẫn không hết, đành phải bỏ đi. Đầu năm 2024, sau khi tham gia các buổi tập huấn nuôi sâu canxi và nuôi trùn quế, ông bắt tay vào việc xây chuồng trại với diện tích 40 m2 được chia làm 6 ô. Lượng rau thừa nói trên ông dùng làm nguyên liệu để nuôi sâu canxi và nuôi trùn quế.

Còn gia đình bà Lê Thị Tuyết (thôn Nam Hà, xã Ia Ke) có thói quen là sau khi thu hoạch lúa, rơm ra được đốt bỏ ngay tại ruộng. Tuy nhiên hai năm trở lại đây, sau khi tham gia lớp tập huấn do Hội Nông dân huyện tổ chức thì thay vì đốt ngay tại ruộng, lượng rơm rạ sau thu hoạch lúa được bà tận dụng làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà.

“Đốt rơm rạ không tái tạo được nhiều cho độ phì nhiêu trong đất, ngược lại còn gây lãng phí nguồn phụ phẩm này. Lượng rơm rạ sau thu hoạch lúa, tôi dùng ủ với men sinh học EM để làm đệm lót sinh học cho đàn gà. Ngoài ra, tôi còn tận dụng lượng rau già cỗi trong vườn để nuôi sâu canxi dùng làm thức ăn cho gà”, bà Tuyết cho biết.

Hiệu quả trông thấy

Từ khi thay đổi cách làm, mô hình vườn - ao - chuồng kết hợp nuôi trùn quế của gia đình ông Nguyên Văn Cường (thôn Thanh Trang, xã Ia Peng) đã cho hiệu quả khả quan. Ông Cường chia sẻ, với diện tích chuồng nuôi trùn quế hơn 30m2, mỗi đợt nuôi thu được trên 200kg trùn quế, mỗi năm thu 4- 5 đợt được khoảng 1 tấn phân trùn quế, đảm bảo lượng thức ăn trong chăn nuôi.

Theo đó, đã giảm đáng kể chi phí trong việc mua thức ăn chăn nuôi, đồng thời gà, vịt và cá cho chất lượng thịt cao hơn trước rất nhiều, môi trường lại không bị ảnh hưởng do lượng phân thải ra từ chăn nuôi ga súc...

Còn với mô hình nuôi sâu canxi và nuôi trùn quế của gia đình ông Nguyễn Văn Trực (tổ dân phố 8, thị trấn Phú Thiện), hiệu quả mang lại cũng hết sức thiết thực. Ông Trực cho biết, cứ sau mỗi đợt thu hoạch, ông chỉ sử dụng một ít rau bỏ đi cho gà ăn để tạo chất xơ, phần còn lại ông dùng làm thức ăn cho sâu canxi và trùn quế, sau đó ông thu thu hoạch sản phẩm là trùn quế và sâu canxi làm thức ăn cho gà.

Đàn gà của gia đình bà Tuyết được nuôi trên nền đệm lót sinh học. Ảnh: Đăng Lâm.

Đàn gà của gia đình bà Tuyết được nuôi trên nền đệm lót sinh học. Ảnh: Đăng Lâm.

“Với hình thức này, sau môi đợt nuôi, gia đình tôi đã tiết kiệm được khoảng một nửa chi phí trong việc mua thức ăn cho bầy gà. Không những vậy mà gà ăn sâu canxi rất nhanh lớn, chất lượng thịt gà cũng thơm ngon hơn nhiều. Từ khi nuôi gà bằng hình thức này, tôi không còn phải lo đầu ra bởi thương lái tìm đến tận nhà để mua, thậm chí nhiều người còn đặt cọc tiền trước”, ông Trực cho biết.

Từ khi không đốt tại ruộng sau thu hoạch, bà Lê Thị Tuyết (thôn Nam Hà, xã Ia Ke) sử dụng rơm rạ làm đệm lót sinh học cho gà. Đàn gà của gia đình bà... vui lên trông thấy. Bà Tuyết cho biết, mỗi năm, gia đình bà nuôi 2 lứa gà, mỗi lứa 50 con Từ khi có đệm lót sinh học được làm từ rơm rạ, chuồng gà không còn mùi hôi thối như trước đây, theo đó bà Tuyết cũng không mất nhiều thời gian cho việc làm vệ sinh chuồng trại. Đặc biệt là từ khi sử dụng đệm lót sinh học, đàn gà nhà bà ít bị dịch bệnh hơn trước, ngược lại còn phát triển khỏe hơn.

“Thời gian tới, gia đình tôi sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi, xây thêm chuồng trại. Lượng rơm rạ sau khi thu hoạch lúa, tôi sẽ tận dụng tối đa để ủ với men sinh học, làm đệm lót sinh học cho đàn gà. Bên cạnh đó, tôi cũng sẽ tăng thêm quy mô nuôi sâu canxi để làm thức ăn cho gà, từ đó nhân rộng đàn gà để tăng thu nhập cho gia đình”, bà Tuyết chia sẻ.

Ở huyện Phú Thiện, ngoài những mô hình như gia đình ông Cường, ông Trực hay bà Tuyết, còn có không ít hộ nông dân đã thay đổi cách làm, tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để phục vụ chăn nuôi hoặc xử lý chất thải. Các mô hình nuôi trùn quế, nuôi sâu canxi làm thức ăn chăn nuôi đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Từ đó, ngoài tiết kiệm chi phí trong chăn nuôi, tăng thu nhập cho gia đình, còn góp phần tích cực trong việc bảo vệ môi trường.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.