Lâm Đen ký sự: [Bài 1] Nhớ mãi... ngày xưa

Võ Thanh Kỳ - Thứ Tư, 12/06/2024 , 11:00 (GMT+7)

Cả xóm bè rớ treo đèn sáng rực, lấp lóa trên mặt đầm. Cá mơ màng dưới ánh đèn chợt quẫy tung tóe, lấp lánh vảy bạc khi lưới được kéo lên khỏi mặt nước.

Khung cảnh thanh bình nơi làng quê xưa.

Vùng đất phía nam tỉnh Quảng Ngãi có bốn con sông hòa chung dòng nước đổ ra biển qua cửa Mỹ Á. Sông Thoa, Trà Câu, Lò Bó và sông Trường nối với đầm Lâm Bình (thuở trước gọi là Lâm Đen) như dòng Mekong hùng vĩ nối với Biển Hồ trên đất nước Chùa Tháp bao la.

Mùa lũ, nước dâng lên ngập cả những cánh đồng nằm bên cạnh. Đầm nước mênh mông. Cá tôm tụ hội. Cư dân quanh vùng chèo thuyền giăng lưới, mắc đăng nò đánh bắt cá tôm trong giá lạnh. Bóng người mờ ảo giữa làn mưa giăng kín đất trời. Bơi lượn trong làn nước từ đầm rộng đến sông dài nên cá tôm nơi đây thịt khá săn chắc và thơm ngon khi chế biến món ăn.

Tôm cá tươi rói được vớt lên từ đầm hiện diện trong bữa cơm của người dân quê và chuyển đến những phiên chợ làng xa. Nhiều người mua mớ cá tươi gói ghém cẩn thận rồi gửi biếu người thân sinh sống phương xa cho vơi nỗi nhớ quê nhà.

Khi đầm đầy nước, khung cảnh khá thơ mộng và yên bình với làng quê, ruộng đồng bao quanh. Phía đông là dãy núi Dâu như tòa thành án ngữ ngăn những trận cuồng phong từ biển, phía tây là dãy núi Làng che chắn bão dông. Nắng ban mai trườn qua khỏi đỉnh núi Dâu rọi xuống đầm phản chiếu mặt nước lấp lánh.

Cư dân ở những xóm làng ven đầm hứng làn gió mát lành giữa trưa nắng oi ả, xua đi bao mệt nhọc. Chiều phai nắng, sóng lăn tăn làm cho những ngọn cỏ dập dềnh như đùa vui trên mặt nước. Những đám cỏ năn xanh non tơ phất phơ trước gió chiều. Từng đàn cỏ trắng thong dong tìm mồi ven bờ đầm tạo nên khung cảnh yên bình nơi đồng quê. Những con chim nước cần mẫn kiếm ăn gợi lên hình ảnh người dân quê chịu thương chịu khó lặn lội mưu sinh trên đồng. Xa xa, nhiều ngư dân chèo ghe giăng lưới bắt cá trên mặt đầm.

Những âm thanh nhịp nhàng, dồn dập phát ra từ thanh gỗ gõ vào mạn ghe vang vọng trên đầm nước mênh mông. Khi những tia nắng cuối cùng tắt sau ngọn núi Làng, hoàng hôn bao phủ mặt đầm làm cho cảnh vật mờ ảo, lãng đãng khói sương.

Chim nước kiếm mồi trên đầm nước.

Cậu tôi về quê sau bao năm mưu sinh giữa Sài Gòn hoa lệ, lòng bồi hồi khi thưởng thức món cá chép um trong bữa cơm gia đình. Món ăn dân dã gợi nhớ ngày giải phóng quê hương gần nửa thế kỷ trước. Ngày ấy, cậu cùng đồng đội trở về sau bao năm xông pha nơi lửa đạn. Người người ùa ra đường reo hò, nhảy múa như trẻ thơ khi quê hương im tiếng súng. Vòng tay ôm chặt, lệ tuôn rơi trên đôi má hằn sâu vết chân chim vì xiết đỗi mừng vui.

Quê hương điêu tàn vì bom đạn nên mọi người chung tay hàn gắn vết thương chiến tranh. Người làng dựng lại mái nhà tranh bị quân thù đốt cháy trước đó. Hàng ngày, cậu cùng đồng đội và nhân dân tu sửa đường sá để đi lại, san lấp hố bom trên ruộng đồng để cấy cày. Đến bữa, những mẹ già bưng nồi cá chép um đến tận nơi đóng quân với giọng nói ân cần: "Cá bắt ở đầm Lâm Bình ngon lắm nghen chưa! Tụi bay ăn đi! Không ăn là bà con giận đấy!". Những người lính dạn dày sương gió rớm lệ đón nhận tấm chân tình của người dân quê nghèo. "Khi ấy cuộc sống của bà con khó khăn nhưng vẫn bưng cả nồi cá đến cho, cảm động lắm. Tấm lòng thơm thảo ấy thật quý giá vô cùng...", cậu tôi hồi tưởng.

Hơn ba mươi năm về trước, tôi cùng bạn chung xóm thường lùa bò ra những cánh đồng ven đầm Lâm Bình chăn thả sau giờ đến lớp. Mặt đầm tựa tấm gương soi khổng lồ in nền trời xanh lơ lửng vầng mây trắng bay. Trời nắng chang chang, cả bọn cởi áo chạy ào xuống nước, bơi lội thỏa thuê. Tiếng cười đùa, reo vui làm náo động góc đầm khiến những con cò trắng, chim nước đang tìm mồi giật mình vỗ cánh bay cao.

Tắm táp chán chê, cả nhóm chia nhau khoảng cách dăm bảy bước chân rồi mò bắt những con trai, dộp trong lớp bùn non dưới làn nước. Hai mảnh vỏ trai, dộp như đôi bàn tay be bé khum khum úp vào nhau. Những loài này di chuyển rất chậm nên bị tóm gọn trước khi rửa sạch bùn đất và cho vào giỏ lưới đeo bên hông. Đứa nào bắt được con trai lớn gần bằng bàn tay liền giơ lên cao khỏi đầu khoe cùng bạn, gương mặt rạng ngời niềm vui.

Tôi và nhóm bạn lên bờ khi giỏ lưới bên hông nằng nặng giữa chiều phai nắng. Làn da xanh tái, nhăn nheo vì ngâm nhiều giờ trong làn nước mát lạnh. Cả bọn dạo quanh bờ đầm nhặt củi để nhóm lửa nướng trai, dộp và sưởi ấm cơ thể. Bếp nướng là miếng thép mỏng được đặt trên hai hòn đá, lau sậy khô cháy nổ tí tách reo vui. Khói lam vờn bay trên cánh đồng mênh mông.

Chúng tôi lấy trai, dộp trong giỏ đặt trên miếng thép trước những ánh mắt đợi chờ. Bếp lửa tỏa hơi nóng xua khí trời lành lạnh khi những tia nắng dần tắt lịm trên đỉnh núi Làng. Giây lát, hai mảnh vỏ trai, dộp nở bung vì hơi nóng củi lửa bập bùng. Thịt trai, dộp nướng chín bên trong lớp vỏ mỏng tỏa hương thơm trong gió chiều kích thích vị giác. Dùng hai cành cây thay đũa gắp ra khỏi bếp rồi gỡ phần thịt chấm vào muối ớt mang theo từ nhà ăn ngon lành. Thịt dai, ngọt hòa cùng vị mặn của muối quyện với cay của ớt, ngon khó gì sánh bằng. Có đứa xuýt xoa vì cay nhưng vẫn lúi húi nướng rồi gỡ thịt chấm muối ớt. Bữa tiệc giữa đồng quê bên đầm với nụ cười hồn nhiên in đậm trong ký ức tuổi thơ.   

Những bậc cao niên kể lại câu chuyện thấm đẫm tính nhân văn. Thuở trước, nhiều người ở nơi khác đến đây mưu sinh bằng nghề bè rớ đánh bắt cá, tôm trên đầm nước Lâm Đen. Họ mua những cây tre còn tươi, dùng rựa trảy sạch mắt rồi xếp sát vào nhau. Sau đó, họ đặt 4 – 5 đà ngang rồi dùng dây mây rừng buộc chặt từng cây tre vào đà với chiều rộng từ 3 – 4m.

Những chiếc bè vững chãi, đủ sức ngâm mình trong nước, dãi dầu mưa nắng hàng chục năm được kết nối từ 4 – 5 lớp tre như thế xếp chồng lên nhau. Phía đằng sau, họ làm một khoang như khoang thuyền là nơi trú ngụ và sinh hoạt cho cả gia đình. Trước mũi bè là giàn rớ khá chắc chắn để đánh bắt cá, tôm. Đêm tối, cả xóm bè rớ treo đèn sáng rực, lấp lóa trên mặt đầm để dẫn dụ cá vào tấm lưới khá lớn cột vào bốn thân tre dài. Mỗi lần hạ và cất rớ bắt cá, tôm kéo dài khoảng mươi phút với sự tham gia của nhiều thành viên trong gia đình nên khung cảnh rất nhộn nhịp. Cá mơ màng dưới ánh đèn chợt quẫy tung tóe, lấp lánh vảy bạc khi tấm lưới được kéo lên khỏi mặt nước.

Người dân thả lưới mưu sinh trên đầm Lâm Bình.

Thuở ban đầu, dân xóm bè rớ mưu sinh và cư ngụ ngay trên bè neo đậu trong đầm. Họ chỉ lên bờ bán cá, tôm và mua những vật dụng cần thiết cho cuộc sống thường ngày. Lâu dần, tình cảm giữa họ với người dân trên bờ gắn bó mật thiết như anh em họ hàng. Họ chia sẻ mớ cá, tôm tươi rói vừa vớt lên khỏi mặt nước và nhận lại thúng lúa vừa gặt, rổ khoai vừa đào trên vùng đất gò đồi.

Thương cảm kiếp sống lênh đênh trên đầm nước, quan lại và cư dân bản địa nhường cho họ khu đất khá rộng để lập làng và sẻ chia ruộng lúa nước, đất gò đồi để họ làm kế sinh nhai. Làng Lâm Bình hình thành từ đó. Đời nối tiếp đời, họ an cư trên vùng quê nặng nghĩa ân tình. Xóm bè rớ thuở trước chìm dần vào dĩ vãng. Hậu duệ của họ giờ đã quần tụ bên bờ đầm thành xóm làng trù phú yên vui, sống chan hòa với cư dân quanh vùng. Sớm mai, con trẻ tung tăng cắp sách đến trường thay cho những bé thơ quẩn quanh trên chiếc bè thuở trước. Nhiều người đỗ cử nhân, tiến sỹ, góp sức xây dựng quê hương, đất nước, sống phương xa nhưng lòng luôn hướng về quê nhà.

Lâm Bình là đầm nước ngọt với diện tích hơn 200ha, nằm ở xã Phổ Cường (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi). Chức năng của đầm là bảo vệ nguồn nước và điều hòa khí hậu. Đầm đổ nước vào sông Trường rồi hợp lưu với sông Lò Bó và hòa nước cùng sông Thoa trước khi đổ ra biển đông qua cửa Mỹ Á. UBND tỉnh Quảng Ngãi đưa đầm Lâm Bình vào danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp vào đầu năm 2023.

Võ Thanh Kỳ
Tin khác
Giải thưởng Trần Văn Giàu trao cho công trình nghiên cứu đô thị
Giải thưởng Trần Văn Giàu trao cho công trình nghiên cứu đô thị

Giải thưởng Trần Văn Giàu năm 2024 trao cho công trình nghiên cứu ‘Đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ’, vào sáng 28/9 tại TP.HCM.

Ra mắt sổ tay xây dựng Dự án phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm
Ra mắt sổ tay xây dựng Dự án phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm

CẦN THƠ Bộ NN-PTNT ban hành sổ tay hướng dẫn xây dựng Dự án phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm đảm bảo đủ dinh dưỡng để các địa phương tham khảo, áp dụng phù hợp.

Thị trường 1,4 tỷ dân 'chờ' dừa tươi Việt Nam
Thị trường 1,4 tỷ dân 'chờ' dừa tươi Việt Nam

Ký kết bản ghi nhớ với các tổ chức, hiệp hội đầu ngành Trung Quốc là bước đi quan trọng để ngành dừa Việt Nam từng bước thâm nhập sâu vào thị trường 1,4 tỷ dân.

Bộ Nông nghiệp và PTNT kêu gọi thêm hơn 300 tấn giống, phân bón cho Bắc Giang
Bộ Nông nghiệp và PTNT kêu gọi thêm hơn 300 tấn giống, phân bón cho Bắc Giang

Sáng 27/9, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hoàng Trung chủ trì buổi bàn giao hơn 300 tấn giống, phân bón của các doanh nghiệp, hiệp hội trong ngành cho tỉnh Bắc Giang.

Khơi rãnh, tỉa cành cứu dâu tằm bị ngập úng
Khơi rãnh, tỉa cành cứu dâu tằm bị ngập úng

Yên Bái Nhờ khả năng chịu ngập úng tốt nên diện tích dâu tằm có thể phục hồi được của huyện Trấn Yên khoảng 90%. Khoảng 10% diện tích không có khả năng phục hồi (gần 100ha).

Người lính già cầm trăng đợi chờ vì sợ đêm đi mất
Người lính già cầm trăng đợi chờ vì sợ đêm đi mất

Người lính già là cách nhà thơ Nguyễn Văn Hiếu tự nhận ở tuổi 80, khi ông giới thiệu tuyển thơ chắt chiu đời mình với bạn đọc, vào sáng 27/9 tại TP.HCM.

Chỉnh sửa gen chọn tạo giống cây trồng, 'điều có thể' ở Việt Nam
Chỉnh sửa gen chọn tạo giống cây trồng, 'điều có thể' ở Việt Nam

GS.TS Lê Huy Hàm - nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp khẳng định như vậy trong buổi trò chuyện với Báo Nông nghiệp Việt Nam.

1.001 nghề tạo sinh kế cho nông dân
1.001 nghề tạo sinh kế cho nông dân

Thật vui khi thấy nông thôn mình chuyển biến quá nhanh. Rất nhiều nơi làng xã chả khác gì thành phố…

Sẵn sàng hỗ trợ giống từ nguồn dự trữ quốc gia cho Yên Bái và các tỉnh
Sẵn sàng hỗ trợ giống từ nguồn dự trữ quốc gia cho Yên Bái và các tỉnh

Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết, ngoài vật tư của các đơn vị ủng hộ, Bộ NN-PTNT sẵn sàng hỗ trợ Yên Bái và các tỉnh về giống từ nguồn dự trữ quốc gia.

Tajikistan khuyến khích nông dân thanh toán nước tưới tiêu trên nền tảng số
Tajikistan khuyến khích nông dân thanh toán nước tưới tiêu trên nền tảng số

Nông dân Tajikistan đã có thể thanh toán chi phí dịch vụ tưới tiêu trực tuyến, thay thế cho hình thức thanh toán tiền mặt vốn đã lỗi thời và kém hiệu quả.

Giới khoa học muốn thay đổi hàng trăm danh pháp thực vật mang tính nhạy cảm
Giới khoa học muốn thay đổi hàng trăm danh pháp thực vật mang tính nhạy cảm

Lần đầu tiên, các nhà thực vật học đang cân nhắc việc loại bỏ hoàn toàn những tên loài thực vật mang tính xúc phạm các cộng đồng người dân bản địa.

Trao hạt giống tại các tỉnh trọng điểm rau miền Bắc
Trao hạt giống tại các tỉnh trọng điểm rau miền Bắc

Trong chuỗi hoạt động của chương trình hỗ trợ tái thiết sản xuất do Bộ NN-PTNT phát động, ngày 25/9, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam đã trao tặng giống rau cho các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng khôi phục sản xuất.