Chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Tajikistan
Tajikistan là quốc gia Trung Á với lợi thế về sản xuất nông nghiệp. Khoảng 70% dân số nước này sống ở nông thôn, với nông dân chiếm 60% lực lượng lao động và đóng góp 20% vào GDP quốc gia. Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Tajikistan bao gồm khoai tây và lúa mì, cùng với xu hướng làm vườn phát triển mạnh tại các vùng cao nguyên.
Việc chuyển đổi sang phương thức thanh toán mới không chỉ giúp nâng cao sự an toàn, minh bạch mà còn mang lại nhiều lợi ích thực tiễn, hỗ trợ đáng kể cho đời sống và sản xuất của người nông dân.
Ông Hasan, một nông dân từ vùng nông thôn Kulob, đã tiếp cận ứng dụng thanh toán phí tưới tiêu nhờ vào Dự án "Cải thiện quản lý nguồn nước tại khu vực Khatlon," được hỗ trợ bởi Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Ngân hàng Phát triển Hồi giáo.
Gia đình ông Hasan, nổi tiếng với các diện tích trồng lúa mì, rau củ và bông đã phát triển qua hơn một thập kỷ. Dù có nhiều kinh nghiệm trong nông nghiệp, Hasan cùng các thành viên trong gia đình vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức để hướng tới sản xuất bền vững. Trước khi áp dụng hệ thống quản lý tưới tiêu mới, họ đã gặp phải nhiều khó khăn với hệ thống cũ, bao gồm thanh toán bằng hiện vật, dữ liệu quản lý không hiệu quả và thiếu minh bạch. Thanh toán tiền mặt cho hệ thống tưới tiêu cũng từng là một trở ngại lớn đối với các nông dân nơi đây.
Hasan đại diện cho nông dân vùng Khatlon chia sẻ về những khó khăn mà họ gặp phải. Ông nói: “Hệ thống thanh toán trước đây quá lạc hậu với các thủ tục rườm rà và thiếu minh bạch. Đôi khi, chúng tôi không biết ai đã trả bao nhiêu, hoặc có khoản thanh toán bị thất lạc do thiếu sự kiểm soát chặt chẽ. Điều này khiến chúng tôi mất rất nhiều thời gian để xử lý lại".
Năm 2022, Chương trình "Cải thiện Quản lý Nguồn nước Tưới tiêu tại vùng Khatlon" được triển khai, mang đến hy vọng lớn cho chính quyền địa phương và nông dân nơi đây. Đối với họ, đây là một dự án mang tính đột phá, cải tiến phương thức thanh toán dịch vụ tưới tiêu và mang lại thay đổi tích cực cho trang trại của ông Hasan. Hệ thống mới cho phép nông dân thanh toán phí nước tưới thông qua ví điện tử. Ứng dụng ví điện tử này có thể được cài đặt trên điện thoại thông minh của nông dân, hoặc họ có thể thanh toán tại cây ATM của ngân hàng địa phương. Nhờ có ứng dụng thông minh này, việc thanh toán chi phí sản xuất nông nghiệp trở nên đơn giản và thuận tiện hơn.
Việc thanh toán không sử dụng tiền mặt đã giải quyết triệt để những hạn chế trong quản lý tài chính, đặc biệt là về tính minh bạch. Dữ liệu về công nợ và lượng nước tưới sử dụng của từng hộ dân được cập nhật rõ ràng, minh bạch và chính xác. Ví dụ, diện tích trang trại và số lượng cây trồng trên diện tích đó được ghi nhận, từ đó hệ thống có thể tính toán lượng nước tưới cần thiết. Dựa trên dữ liệu này, hóa đơn chính xác sẽ được gửi đến nông dân, và họ chỉ cần dùng ví điện tử để thanh toán. Quy trình này diễn ra nhanh chóng, chính xác và tiện lợi hơn rất nhiều so với việc thanh toán bằng tiền mặt trước đây.
Tính ưu việt của hệ thống này còn thể hiện ở chỗ sau khi hoàn tất thanh toán, ông Hasan nhận được báo cáo chi tiết, giúp ông an tâm hơn về tính minh bạch. Nhờ ứng dụng chuyển đổi số cài đặt trên điện thoại thông minh mà ông sử dụng hàng ngày, hiệu quả quản lý trang trại của ông đã được cải thiện rõ rệt.
Ông Hasan chia sẻ: "Từ khi ứng dụng thanh toán phí tưới tiêu mới được đưa vào sử dụng, công việc quản lý trang trại của tôi trở nên dễ dàng hơn. Tôi có thể theo dõi chính xác các khoản phí nợ và không còn phải lo lắng về việc thanh toán nữa, cũng không phải đi lại để nộp tiền. Mọi thứ bây giờ trở nên đơn giản hơn, chỉ cần có internet là tôi có thể thanh toán từ bất cứ đâu".
Hệ thống nông nghiệp - ngân hàng gắn kết, đồng bộ
Bằng việc kết nối nông dân với nhau, Hiệp hội Người sử dụng Nước, Sở Cải tạo Đất cấp huyện, Sở Thủy lợi, Cơ quan Cải tạo Đất và Thủy lợi thuộc Chính phủ Cộng hòa Tajikistan, cùng với Bộ Tài chính và Ngân hàng Tiết kiệm Nhà nước “Amonatbonk” của Tajikistan, hệ thống thanh toán đã cải thiện đáng kể việc thu phí thủy lợi, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước.
Việc triển khai hệ thống thanh toán này được thực hiện theo Sắc lệnh số 586 của Tổng thống Cộng hòa Tajikistan ban hành ngày 22/6/2023, về việc “Mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt cho các dịch vụ công”. Theo đó, tất cả các dịch vụ công phải được thanh toán qua hình thức phi tiền mặt.
Dự án "Cải thiện Quản lý Nguồn Nước tại vùng Khatlon" còn cung cấp thiết bị máy tính và các công cụ đo lường nước cho 35 Hiệp hội Người sử dụng Nước, cùng với các Sở Thủy lợi và Khai hoang Đất đai tại các quận Danghara, Vose, Farkhor, Hamadoni, Temurmalik, Khovaling, Muminobod và Kulob.
Ngoài ra, dự án còn tiến hành khảo sát mạng lưới thủy lợi và lập bản đồ khu vực dịch vụ cho các huyện thuộc tỉnh Khatlon. Sáng kiến này đã giúp tăng cường đáng kể năng lực quản lý và quy trình lưu trữ hồ sơ của các tổ chức địa phương, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong các giao dịch tài chính cũng như quản lý nguồn nước.
Ông Hasan chia sẻ: "Tôi thực sự biết ơn khi dự án đã mang lại cho tôi cơ hội thay đổi, giúp việc quản lý trang trại trở nên hiệu quả hơn. Không chỉ tiếp cận với những tiến bộ khoa học, chúng tôi còn có cơ hội gia tăng lợi nhuận. Nhờ ứng dụng thanh toán thông minh, giờ đây tôi và hơn 12.000 nông dân ở vùng Khatlon có thể canh tác hiệu quả hơn rất nhiều."
Hơn 50% các trang trại ở Dehkan, Tajikistan hiện do phụ nữ quản lý và điều hành, phần lớn vì lực lượng lao động nam đã rời nông thôn để tìm việc tại thành phố. Vì vậy, phụ nữ đã trở thành lực lượng chủ chốt trong phát triển nông nghiệp nông thôn. Hệ thống quản lý tưới tiêu với dữ liệu minh bạch sẽ giúp các nữ nông dân dễ dàng tiếp cận và vận hành hơn, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, đồng thời giúp họ thích ứng tốt hơn với những tác động của biến đổi khí hậu.
Điều này là minh chứng rõ ràng cho tác động tích cực mà một hệ thống quản lý nước minh bạch, có tổ chức mang lại, giúp cải thiện cuộc sống của nông dân ở vùng nông thôn, nâng cao khả năng phục hồi và phát triển thịnh vượng trong bối cảnh biến đổi khí hậu.