Lâm Đen ký sự: [Bài 2] Thấp thỏm con nước đầy vơi

Võ Thanh Kỳ - Thứ Năm, 13/06/2024 , 09:52 (GMT+7)

Đoàn người úp nơm lùa cá vào bờ giữa đêm trăng vằng vặc. Chúng hoảng loạn chạy nháo nhào tìm cách thoát thân, đâm cả vào chân, chợt có tiếng la to...

Ruộng bên cạnh đầm khô hạn vì không còn nước bơm tưới.

Chừng hai giờ sáng, anh Nguyễn Văn Thuần, công tác tại UBND xã Phổ Cường (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi), lôi tôi rời khỏi chăn trong đêm lạnh. Vừa bước ra khỏi cửa đã thấy mẹ anh cùng đôi quang gánh, rổ, rá chờ ngoài sân. Bà cụ cùng chúng tôi vội vã cuốc bộ hơn cây số thì đã thấy những ánh đèn pin lấp lóa trên mặt đầm Lâm Bình. Tôi phụ anh đẩy chiếc ghe nhỏ xuống đầm, chân giật thót như chạm phải điện khi lội vào làn nước lạnh buốt. Anh ái ngại: “Hay là chú ngồi trên bờ, trùm áo mưa cho đỡ lạnh. Chú đi theo mẹ con tôi dễ bị bệnh lắm đấy”. Nhưng tôi nhất quyết bước lên ghe để được trải nghiệm việc bắt cá, tôm bằng đăng nò trong đêm đông buốt giá.

Bài liên quan

Tiếng gõ nhịp vào mạn thuyền của những người chài lưới làm lay động mặt đầm mênh mông giữa đêm tối. Đây đó tiếng í ới gọi nhau “sao hôm nay đi trễ thế?” cùng những lời đối đáp trong màn đêm. Lặng nghe trong gió có tiếng chim vỗ cánh trên mặt đầm.

Sau khoảng hai mươi phút chèo thuyền, anh Thuần vội rời ghe xuống nước, kiểm tra giàn đăng nò đầu tiên. Chỉ có ít cá nhỏ giãy giụa tìm cách thoát thân khi bị đổ ra rổ tre đặt trên ghe. Mớ tôm đất búng tí tách dưới ánh đèn pin đội trên đầu. Những con cua bò lổm ngổm tìm cách ra khỏi rổ để trở về đầm nước. Mẹ anh nhanh tay phân riêng từng loại tôm, cua và cá “để chúng còn tươi rói khi đến tay người mua”. Anh Thuần lội nước, kéo chiếc ghe sang kiểm tra trái nò bên kia giàn đăng lưới. “Vẫn chỉ có thế”, anh thở dài.

Làn gió đêm mang hơi nước lạnh buốt khiến hai hàm răng va vào nhau dù đã choàng mũ len với vài lớp quần, áo và cả chiếc áo mưa dày cộp. Máy ảnh trên tay tôi rung lên từng hồi. Anh Thuần vẫn dầm mình trong làn nước với mức trên đầu gối đến bụng đổ từng trái nò. “Bữa nay đỡ lạnh hơn nhiều rồi đấy! Nhiều hôm lạnh thấu xương nên không dám cho chú đi theo vì sợ chịu không nổi. Có đêm gặp sương mù, không thể xác định phương hướng đành ngồi co ro trên ghe chờ trời sáng”, anh cho biết.

Sau hơn hai giờ đồng hồ, trên ghe có khoảng hai ký cua, vài lạng tôm đất cùng mớ cá nhỏ. Bỗng tiếng cá quẫy mạnh vơi đi phần nào cơn rét lạnh tái tê. Con cá mè nặng hơn một cân nằm trong lòng ghe lấp lánh vảy bạc. “Nhiều người cho rằng, đánh bắt theo kiểu đăng nò sẽ tận diệt nguồn thủy sản. Thực ra, không phải vậy. Cá chui vào nò toàn những loại nhỏ: cá ngạnh, mại trắng, đỗ dạ, tôm đất và cua. Hiếm lắm mới được cá mè vào nò. Chắc cháu nhẹ vía nên hôm nay mới gặp may như thế”, mẹ anh nói.

Anh Thuần vội chèo ghe vào bờ thì trời vừa hửng sáng. Cả ba trở về nhà khi hừng đông ló dạng phía trời xa. Anh ăn vội bữa sáng rồi đến làm việc tại trụ sở UBND xã Phổ Cường. Mặc cho tôi cố từ chối, mẹ anh vẫn nài ép nhận con cá mè duy nhất bắt được trong đêm. Bà thẳng thừng: “Đây là phần về nấu canh chua cho các cháu ở nhà. Không nhận là bác giận đấy”. Tôi không dám chối từ tấm lòng thơm thảo ấy.

Cánh đồng cạnh đầm Lâm Bình khô khốc vì thiếu nước tưới.

Ngày trước, đầm Lâm Bình lắm cá nhiều tôm cùng nhiều kiểu đánh bắt được người dân trong vùng áp dụng. Trong đó, úp nơm bắt cá là những đêm hội vui khiến nhiều người hào hứng mỗi khi nhắc lại chuyện xưa. Dụng cụ là hai chiếc nơm bện bằng những thanh tre vót nhỏ cùng mây rừng bứt từ chốn non cao. Chiếc giỏ đựng cá cũng được đan bằng tre trông thật xinh xắn. Chớm hạ, đầm dần cạn nước. Mùa úp nơm bắt đầu. Ban ngày, người làng cặm cụi chăm bón lúa ở ruộng đồng hay vun xới hoa màu trên gò đồi. Sau bữa cơm tối, cánh đàn ông í ới gọi nhau mang nơm ra đầm làm xao động làng quê. Những đêm trăng sáng, người tham gia úp nơm đông gấp bội. Mọi người tụ tập đầu làng rồi mang nơm cuốc bộ băng qua ruộng đồng ra bờ đầm.

Tới nơi, họ nhẹ bước xuống nước, hướng ra xa bờ. Gió đêm mát rượi lùa vào da thịt. Đến nơi đã định, họ dàn hàng ngang quay mặt vào bờ. Cả đội hình như đoàn quân xung trận với chân bước bì bõm, hai tay cầm đôi nơm liên tiếp úp mạnh xuống nước. Lũ cá cuống cuồng tháo chạy. Ánh trăng vằng vặc soi tỏ mặc nước lay động bởi chân bước cùng những chiếc nơm úp dồn, cá bơi loạn xạ. Khi lũ cá bị nơm dồn đuổi vào gần bờ, chúng nháo nhào tìm cách thoát thân, đâm cả vào chân người. Chợt có tiếng la to khiến ai cũng phải ngoái nhìn. Một người đang gắng sức đè chặt chiếc nơm, vui vẻ nói cười như lượm được vàng.

Cảm giác bắt cá trong nơm khó có gì vui sướng bằng. Tay sờ đụng cá đang vùng vẫy tìm cách thoát ra ngoài khiến tâm trạng hồi hộp nhưng vô cùng hào hứng. Cá lớn quẫy mạnh làm nước tung tóe vô cùng thích thú. Có con lượn vòng quanh tìm khe hở để thoát ra ngoài. Lắm lúc, cá tông mạnh vào thành nơm trong cơn hoảng loạn. Người bắt cá thấp thỏm, tim như ngừng đập trong phút giây nào đó. Và, đến khi bắt được cá to cho vào giỏ tre đeo bên hông thì vỡ òa vui sướng, hể hả nói cười. Giữa khung cảnh náo nhiệt, chợt có tiếng xuýt xoa tiếc rẻ vì sẩy con cá lớn.

Mọi người lên bờ khi đêm đã khuya, chiếc giỏ tre đeo bên hông trĩu nặng. Họ nghỉ ngơi trong giây lát, chuyện trò dăm câu, mời nhau điếu thuốc lá cho vơi giá lạnh sau những giờ ngâm mình trong nước. Rồi họ cuốc bộ về làng với tiếng chó sủa trong đêm khuya thanh vắng. Người mẹ hay vợ bưng đèn dầu lựa những con cá tràu còn sống rộng trong lu nước.

Sau đó, sơ chế mớ cá chép rồi kho hay muối mặn dành để ăn dần. Những con cá tươi ngon bắt từ đầm Lâm Bình là món quà biếu cho bà con họ hàng hay xóm giềng cho tình người thêm gắn bó. Cá bắt từ đầm còn được bày bán ở những chợ quê trong vùng cho bữa cơm gia đình thêm đậm đà hương vị.

Cụ Trần Mươi nhớ về thuở úp nơm bắt cá trên đầm Lâm Bình.

Thuở trước, cư dân ven đầm và quan lại đề ra hương ước quy định việc quản lý, đánh bắt, bảo vệ cá tôm trong đầm khá hiệu quả. Theo đó, mọi người không được giăng lưới mắt nhỏ để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tránh tình trạng đánh bắt theo kiểu tận diệt. Mùa lũ, cá từ sông vào đầm rồi ngược lên đồng tìm kiếm thức ăn và đẻ trứng. Người dân không được gõ vào ghe gây tiếng vang hay đập sào tre xuống nước xua cá vào lưới, tạo điều kiện thuận lợi cho cá sinh sôi.

Họ cùng nhau đắp đập bổi để giữ nước trong đầm cho tôm cá trú ngụ, tưới tắm cho ruộng lúa ven bờ. Tháng 9 - 10 âm lịch, nước mặn từ cửa biển Mỹ Á ngược sông Thoa, rẽ vào sông Trường hướng đến thượng nguồn. Họ tháo đập bổi cho nước mặn tràn vào đầm mang theo ấu trùng cá tôm khiến bao người khấp khởi mừng vui. Rồi sau đó, cá dính lưới nhiều vô kể đem lại ấm no cho cư dân trong vùng. "Sau mỗi lần tháo nước mặn vào đầm thì tôm đất nhiều lắm. Cả đêm bắt bằng đăng nò, mỗi người ít nhất cũng được mười ký trở lên. Tôm đất chế biến thành nhiều món ăn ngon lắm. Bây giờ mà có được mươi ký tôm đất thì bán được khá nhiều tiền", cụ Trần Mươi (81 tuổi, người gần trọn đời gắn bó với đầm Lâm Bình) cho biết.

Mùa nắng, nước cạn dần, dân làng be bờ rồi bừa thu dọn rong rêu, sục bùn và san phẳng nền ruộng trước khi cấy lúa. Vùng quá trũng thấp, họ cấy giống lúa Tàu đỏ ngập dưới mực nước đến đầu gồi. Trung tuần tháng năm âm lịch, nông dân bừa để cào xới rong rêu nổi lên mặt nước cho gió thổi trôi dạt ra sông.

Mọi người dàn hàng ngang ngồi chồm hỗm, nước sâu đến cằm, mò mẫm cắm những cây mạ non xuống bùn nhão. Dẫu ngập sâu trong nước nhưng giống lúa Tàu đỏ không bị hư thối, vươn lên cao, xanh mướt dưới nắng hè. Cứ thế, việc canh tác lúa và đánh bắt cá tôm tiếp diễn ở đầm Lâm Bình qua bao thế hệ. Người dân quê nhất mực tuân thủ lệ làng về thời gian ngưng nghỉ đánh bắt, cấy trồng cho tôm cá sinh sôi, lúa đầm tươi tốt. Diện tích cấy lúa cũng giới hạn trong chừng mực nhất định để đầm còn chứa nước cho cá bơi lượn và tắm mát ruộng đồng.

Thế rồi, giữa năm 2019, UBND xã Phổ Cường đầu tư hơn 2 tỷ đồng nạo vét hệ thống kênh tại đầm Lâm Bình với tổng chiều dài 5,2km, chiều rộng đáy từ 3 - 15m, sâu 1,8m. Trong đó, kênh chính dài chừng 2km, phần còn lại là các tuyến kênh nhánh dùng để chứa nước bơm tưới cho ruộng lúa ở thôn Thủy Thạch. Nạo vét kênh hoàn thành, nhiều người tự ý thuê máy múc đắp bờ cao thành những khu ruộng khá lớn để sản xuất lúa.

Hành vi lấn chiếm ấy khiến diện tích đầm còn lại khá hẹp, cá tôm thoi thóp trong những vũng nước hẹp dưới lòng kênh. Việc canh tác lúa của những hộ dân có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vậy nên họ rất bức xúc, kiến nghị cấp, ngành chức năng giải quyết tại những đợt tiếp xúc cử tri đại biểu HĐND các cấp. "Chúng tôi sẽ mời những hộ dân tự ý đắp bờ sản xuất lúa đến trụ sở xã làm việc. Qua đó, yêu cầu họ gieo sạ sau diện tích ruộng bên trong để tránh tình trạng ngập úng khi mưa lớn...", ông Bùi Thế Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Cường cho biết.

 Gió nóng ngày hè tràn vào xóm làng bởi đầm Lâm Bình không còn ăm ắp nước, đánh mất chức năng bảo vệ nguồn nước và điều hòa khí hậu. Nhiều bậc cao niên xót xa: "Bao giờ trở lại ngày xưa?".

Võ Thanh Kỳ
Tin khác
Giải thưởng Trần Văn Giàu trao cho công trình nghiên cứu đô thị
Giải thưởng Trần Văn Giàu trao cho công trình nghiên cứu đô thị

Giải thưởng Trần Văn Giàu năm 2024 trao cho công trình nghiên cứu ‘Đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ’, vào sáng 28/9 tại TP.HCM.

Ra mắt sổ tay xây dựng Dự án phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm
Ra mắt sổ tay xây dựng Dự án phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm

CẦN THƠ Bộ NN-PTNT ban hành sổ tay hướng dẫn xây dựng Dự án phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm đảm bảo đủ dinh dưỡng để các địa phương tham khảo, áp dụng phù hợp.

Thị trường 1,4 tỷ dân 'chờ' dừa tươi Việt Nam
Thị trường 1,4 tỷ dân 'chờ' dừa tươi Việt Nam

Ký kết bản ghi nhớ với các tổ chức, hiệp hội đầu ngành Trung Quốc là bước đi quan trọng để ngành dừa Việt Nam từng bước thâm nhập sâu vào thị trường 1,4 tỷ dân.

Bộ Nông nghiệp và PTNT kêu gọi thêm hơn 300 tấn giống, phân bón cho Bắc Giang
Bộ Nông nghiệp và PTNT kêu gọi thêm hơn 300 tấn giống, phân bón cho Bắc Giang

Sáng 27/9, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hoàng Trung chủ trì buổi bàn giao hơn 300 tấn giống, phân bón của các doanh nghiệp, hiệp hội trong ngành cho tỉnh Bắc Giang.

Khơi rãnh, tỉa cành cứu dâu tằm bị ngập úng
Khơi rãnh, tỉa cành cứu dâu tằm bị ngập úng

Yên Bái Nhờ khả năng chịu ngập úng tốt nên diện tích dâu tằm có thể phục hồi được của huyện Trấn Yên khoảng 90%. Khoảng 10% diện tích không có khả năng phục hồi (gần 100ha).

Người lính già cầm trăng đợi chờ vì sợ đêm đi mất
Người lính già cầm trăng đợi chờ vì sợ đêm đi mất

Người lính già là cách nhà thơ Nguyễn Văn Hiếu tự nhận ở tuổi 80, khi ông giới thiệu tuyển thơ chắt chiu đời mình với bạn đọc, vào sáng 27/9 tại TP.HCM.

Chỉnh sửa gen chọn tạo giống cây trồng, 'điều có thể' ở Việt Nam
Chỉnh sửa gen chọn tạo giống cây trồng, 'điều có thể' ở Việt Nam

GS.TS Lê Huy Hàm - nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp khẳng định như vậy trong buổi trò chuyện với Báo Nông nghiệp Việt Nam.

1.001 nghề tạo sinh kế cho nông dân
1.001 nghề tạo sinh kế cho nông dân

Thật vui khi thấy nông thôn mình chuyển biến quá nhanh. Rất nhiều nơi làng xã chả khác gì thành phố…

Sẵn sàng hỗ trợ giống từ nguồn dự trữ quốc gia cho Yên Bái và các tỉnh
Sẵn sàng hỗ trợ giống từ nguồn dự trữ quốc gia cho Yên Bái và các tỉnh

Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết, ngoài vật tư của các đơn vị ủng hộ, Bộ NN-PTNT sẵn sàng hỗ trợ Yên Bái và các tỉnh về giống từ nguồn dự trữ quốc gia.

Tajikistan khuyến khích nông dân thanh toán nước tưới tiêu trên nền tảng số
Tajikistan khuyến khích nông dân thanh toán nước tưới tiêu trên nền tảng số

Nông dân Tajikistan đã có thể thanh toán chi phí dịch vụ tưới tiêu trực tuyến, thay thế cho hình thức thanh toán tiền mặt vốn đã lỗi thời và kém hiệu quả.

Giới khoa học muốn thay đổi hàng trăm danh pháp thực vật mang tính nhạy cảm
Giới khoa học muốn thay đổi hàng trăm danh pháp thực vật mang tính nhạy cảm

Lần đầu tiên, các nhà thực vật học đang cân nhắc việc loại bỏ hoàn toàn những tên loài thực vật mang tính xúc phạm các cộng đồng người dân bản địa.

Trao hạt giống tại các tỉnh trọng điểm rau miền Bắc
Trao hạt giống tại các tỉnh trọng điểm rau miền Bắc

Trong chuỗi hoạt động của chương trình hỗ trợ tái thiết sản xuất do Bộ NN-PTNT phát động, ngày 25/9, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam đã trao tặng giống rau cho các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng khôi phục sản xuất.