Bỏ tư duy "dễ mua, dễ bán"
Năm 2023, xuất khẩu chè đạt 121.000 tấn, mang về nguồn ngoại tệ trị giá 211 triệu USD. Tuy nhiên, theo Tổng cục Hải quan, đây lại là năm có sản lượng xuất khẩu chè thấp nhất trong 7 năm qua. Mặt khác, giá xuất khẩu chè năm ngoái cũng chỉ bằng 67% so với giá chè xuất khẩu bình quân của thế giới.
Việc bán chè giá rẻ không chỉ làm giảm giá trị kinh tế mà còn khiến ngành chè khó vươn tới những thị trường cao cấp. Để vượt qua "bẫy giá rẻ", ngành chè Việt Nam cần có chiến lược dài hạn và đồng bộ trong sản xuất, chế biến và tiếp cận thị trường.
Theo Bộ NN-PTNT, có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, đó là các quy định ngày càng khắt khe tại các thị trường và chè Việt Nam hiện mới chỉ xuất khẩu thô, hàm lượng chế biến sâu còn thấp.
Một phần nguyên nhân khiến giá chè xuất khẩu của Việt Nam thấp là do phần lớn sản phẩm xuất khẩu thô, giá trị gia tăng thấp. Đồng thời, Việt Nam bị gắn mác là "thị trường giá rẻ", dẫn đến việc chè không được đánh giá cao về mặt thương mại. Bên cạnh đó, các rào cản kỹ thuật khắt khe như tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và yêu cầu chất lượng từ các thị trường khó tính cũng khiến sản phẩm chè Việt khó tiếp cận những phân khúc cao cấp.
Theo ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, thế giới đang nhìn vào Việt Nam là thị trường giá rẻ và họ muốn đến Việt Nam để tìm kiếm lợi nhuận từ chè. Những người làm chè xuất khẩu trong nước lại đang trong tâm thế "dễ mua, dễ bán", miễn là làm ra bán được là bán, dẫn đến tình trạng chúng ta đang rơi vào “bẫy giá rẻ” của thế giới.
Ông Đoàn Anh Tuân, Giám đốc Công ty TNHH Thế Hệ Mới bày tỏ, dù giữ vị thế xuất khẩu chè lớn nhất Việt Nam, nhưng doanh nghiệp nhận thấy mình đang "bán sức lao động, đang bán tài nguyên đất nước một cách rẻ mạt".
Việt Nam hiện sở hữu hơn 300 giống chè, trong đó nhiều giống có chất lượng tốt như Hương Bắc Sơn, Tri 5.0. Tuy nhiên, để cạnh tranh trên thị trường quốc tế, cần tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng các giống chè mới, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Theo ông Tuân, thay vì tập trung vào xuất khẩu chè thô, ngành chè cần chuyển hướng sang chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm đặc thù như trà túi lọc, trà hương vị, hoặc trà cao cấp. Đây là chiến lược được nhiều doanh nghiệp lớn áp dụng thành công. "Chúng tôi đang giảm lượng xuất khẩu thô, tập trung đầu tư công nghệ hiện đại để nâng cao giá trị gia tăng. Chỉ có như vậy, ngành chè mới phát triển bền vững", ông Đoàn Anh Tuân nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, PGS Nguyễn Văn Toàn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Miền núi phía Bắc, cũng cho rằng, "để chè Việt Nam tăng sức cạnh tranh, cần tập trung phát triển giống chè chất lượng cao gắn liền với quy trình sản xuất hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế".
Đẩy mạnh marketing và xây dựng thương hiệu
Marketing và xây dựng thương hiệu là yếu tố then chốt để nâng tầm chè Việt Nam. Học hỏi từ thành công của các thương hiệu chè nổi tiếng như Đại Hồng Bào (Trung Quốc), chè Việt Nam cần xây dựng câu chuyện văn hóa, lịch sử độc đáo gắn liền với sản phẩm.
Chẳng hạn, trà sen Tây Hồ hay chè Tà Xùa có tiềm năng trở thành biểu tượng văn hóa nếu được quảng bá hiệu quả. Ông Tuân chia sẻ: "Chúng ta có thể biến chè Việt Nam thành 'quốc bảo', nhưng cần sự hỗ trợ từ nhà nước trong việc quảng bá và lăng xê sản phẩm".
Để làm được điều đó, chuỗi liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp là yếu tố sống còn. Thay vì sản xuất nhỏ lẻ, nông dân cần tham gia vào các hợp tác xã, giúp tập trung nguồn lực và áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến.
Doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt, hỗ trợ nông dân tiếp cận công nghệ và thị trường. Các chính sách từ nhà nước như hỗ trợ tích tụ đất đai, giảm thuế nông nghiệp, cũng là điều kiện cần để thúc đẩy chuỗi giá trị chè phát triển.
Bên cạnh đó, ngành chè Việt Nam cần xác định nhất quán mục tiêu chuyển hướng mạnh mẽ sang các thị trường cao cấp như EU, Mỹ, Nhật Bản. Để làm được điều này, việc đảm bảo chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế như VietGAP, GlobalGAP là yêu cầu bắt buộc.
Ngành chè Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn, nhưng cũng có cơ hội để bứt phá. Bằng việc nâng cao giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu mạnh, và liên kết chuỗi giá trị hiệu quả, Việt Nam có thể đưa chè trở thành một biểu tượng văn hóa và kinh tế, khẳng định vị thế trên bản đồ thế giới.
Việc thoát khỏi "bẫy giá rẻ" không chỉ là bài toán kinh tế mà còn là sự khẳng định giá trị thương hiệu chè Việt Nam, một niềm tự hào trong mắt bạn bè quốc tế.