| Hotline: 0983.970.780

Tiêu thụ chè trong nước bằng 1/3 lượng xuất khẩu nhưng mang lại giá trị cao hơn

Thứ Ba 05/11/2024 , 10:30 (GMT+7)

Thực trạng cho thấy, lượng chè tiêu thụ trong nước chỉ bằng 1/3 so với khối lượng chè xuất khẩu, tuy nhiên giá trị tiêu thụ trong nước cao hơn.

Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng, Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT. Ảnh: Quỳnh Chi. 

Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng, Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT. Ảnh: Quỳnh Chi. 

Cây chè là một trong những giống cây nội địa, được phát triển thành cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam, chính vì vậy, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng, Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT cho rằng, việc phát triển cây chè là trách nhiệm, nghĩa vụ của ngành nông nghiệp, để ngành chè phát huy tương xứng với “cái nôi” của nó.

Ông Mạnh cho biết, sản lượng chè trong giai đoạn này có xu hướng tăng do diện tích giảm nhẹ nhưng năng suất tăng. Cụ thể, sản lượng chè đạt 1 triệu tấn năm 2015 tăng lên 1,125 triệu tấn năm 2023. Theo phân vùng sản xuất, sản lượng chè của Việt Nam tập trung chính tại hai vùng là vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên với tỉ lệ lần lượt là 74,7% và 10,94%.

"Trong tổng số 194 nghìn tấn chè sản xuất trong năm 2022, xuất khẩu chè ước đạt 146 nghìn tấn, trị giá 237 triệu USD; Chè tiêu thụ trong nước khoảng 48 nghìn tấn, trị giá khoảng 7.500 tỷ đồng - tương đương với 325 triệu USD. Như vậy, lượng chè tiêu thụ trong nước chỉ bằng 1/3 so với khối lượng chè xuất khẩu, tuy nhiên giá trị tiêu thụ trong nước cao hơn. Như vậy, làm thế nào để nâng cao giá trị xuất khẩu là thách thức với ngành chè Việt Nam trong thời gian tới”, ông Mạnh cho biết.

Dự báo trong thời gian tới, sản phẩm chè chất lượng cao, đặc biệt là sản phẩm chè xanh chất lượng cao, an toàn sẽ được người tiêu dùng trong nước tiêu thụ nhiều hơn. Tiêu thụ trong nước dự báo đạt khoảng 60 nghìn tấn/năm; chiếm khoảng 25% tổng sản lượng chè sản xuất trong nước. Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu chè của Việt Nam đến năm 2030 dự kiến đạt 136,5 nghìn tấn, tăng trung bình 0,82%/năm, chiếm khoảng 80% sản lượng chè sản xuất ra.

Tuy số lượng dự kiến tiêu thụ và xuất khẩu lớn, ông Mạnh cho biết, mô hình sản xuất chè phổ biến vẫn là mô hình sản xuất nhỏ, với khoảng 600 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chè vừa và nhỏ. Ngoài ra còn khoảng hơn 1 vạn hộ gia đình tham gia sản xuất chè xanh với các thiết bị chế biến thủ công và bán thủ công. Năng lực chế biến của các lò thủ công chiếm tới 50% tổng sản lượng chè xanh.

“Kết quả đánh giá trình độ công nghệ chế biến chè Việt Nam đang ở mức độ trung bình, do vậy đang còn rất nhiều dư địa và tiềm năng để nâng cao trình độ công nghệ và đầu tư phát triển”, đại diện Cục Trồng trọt cho biết.

Giá trị thành phẩm chè chỉ bằng 70-75% so với sản phẩm cùng loại của thế giới

Cho đến nay, Việt Nam đã chế biến được khoảng 15 loại chè khác nhau với sản phẩm chè chủ yếu là chè đen và chè xanh. Tuy nhiên, giá trị thành phẩm chè của Việt Nam vẫn thấp, chỉ bằng 70-75% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường thế giới.

Để phát triển sản xuất chè an toàn, chất lượng cao, từ Trung ương, Bộ NN-PTNT đến các tỉnh chè như Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang đã ban hành nhiều chính sách và hướng dẫn.

Đại diện Cục Trồng trọt cho rằng, để phát triển vùng sản xuất và nâng cao chất lượng chè, cần chú trọng xây dựng vùng chè an toàn, kết hợp với cơ cấu giống phù hợp, định hướng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và quy hoạch các nhà máy chế biến nhằm gia tăng giá trị. Các khu vực dưới 500m nên tập trung sản xuất chè năng suất cao, an toàn để chế biến chè đen; vùng từ 500-800m là nơi sản xuất chè chất lượng cao, phù hợp cho cả chè xanh và chè đen cao cấp; trên 800m là vùng chè xanh đặc sản, chè Oolong và chè hữu cơ. Liên kết các vùng chè đặc sản với chương trình OCOP và phát triển du lịch.

Theo Đề án phát triển cây trồng chủ lực, đến năm 2030, diện tích trồng chè cả nước đạt khoảng 120 - 125 nghìn ha nghìn ha, năng suất đạt 110 - 115 tạ/ha; sản lượng đạt khoảng 1,2 - 1,4 triệu tấn chè búp tươi. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo Đề án phát triển cây trồng chủ lực, đến năm 2030, diện tích trồng chè cả nước đạt khoảng 120 - 125 nghìn ha nghìn ha, năng suất đạt 110 - 115 tạ/ha; sản lượng đạt khoảng 1,2 - 1,4 triệu tấn chè búp tươi. Ảnh: Tùng Đinh.

Bên cạnh đó, việc tổ chức sản xuất chè an toàn và liên kết tiêu thụ cần được đẩy mạnh, cùng với nâng cao năng lực cán bộ khuyến nông và khuyến khích sự tham gia của các tổ chức chứng nhận chất lượng như Utz Certified, RFA.

Ngoài ra, các địa phương cần liên kết giữa nông dân và nhà máy chế biến, đồng thời tăng cường kiểm tra sản xuất và chế biến để đảm bảo an toàn và chất lượng chè. Nâng cao năng lực chế biến cũng là một giải pháp thiết yếu, bao gồm rà soát và hiện đại hóa thiết bị, công nghệ, đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và xuất xứ hàng hóa.

Về khoa học kỹ thuật, cần đầu tư công nghệ hiện đại, ứng dụng quy trình kỹ thuật phù hợp với từng loại đất, phát triển các sản phẩm chè đa dạng như chè Oolong, matcha và nước uống đóng chai từ chè. Các kỹ thuật trồng trọt an toàn, sử dụng phân hữu cơ và phương pháp phòng trừ sâu bệnh IPM cũng cần được triển khai rộng rãi.

Trong lĩnh vực thị trường và xúc tiến thương mại, ông Mạnh đề xuất đẩy mạnh thương mại điện tử và ứng dụng các công cụ kinh tế số như ngân hàng xanh, tín dụng xanh là cần thiết. Các hoạt động kết nối cung cầu, liên kết vùng sản xuất với hệ thống phân phối và tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EVFTA sẽ giúp mở rộng thị trường trong và ngoài nước, từ đó nâng cao giá trị ngành chè.

Theo đề án cây công nghiệp chủ lực đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt tại Quyết định số 431. Đến năm 2030, diện tích trồng chè cả nước đạt khoảng 120 - 125 nghìn ha, năng suất đạt 110 - 115 tạ/ha; sản lượng đạt khoảng 1,2 - 1,4 triệu tấn chè búp tươi. Trong đó diện tích chè ứng dụng IPM/IPHM đạt 90%; diện tích chè được áp dụng quy trình sản xuất tốt, an toàn (GlobalGAP, VietGAP, hữu cơ và tương đương,...) chiếm trên 70%; tỷ lệ diện tích chè được cấp mã số vùng trồng gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm đạt trên 70%.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.