Lan man miền Tây, tùy bút đặc sắc của nhà văn Nguyên Ngọc [kỳ 1]

. - Thứ Ba, 12/07/2022 , 06:34 (GMT+7)

Tôi đi tìm họ, hàng ngàn cây số, cả trên đất lẫn trên biển, hỏi họ, nghe họ… nhưng kỳ thực là tôi đi tìm chính tôi, tôi chong tai lắng nghe chính tôi...

LTS: "Dọc đường" là tập ghi chép vừa mới ra mắt của nhà văn Nguyên Ngọc (Nhã Nam và NXB Phụ nữ Việt Nam liên kết phát hành); tập hợp những ghi chép, suy tư về văn chương, giáo dục, đất nước. Được sự đồng ý của Công ty CP Truyền thông Nhã Nam và tác giả, báo NNVN xin trích đăng một phần cuốn sách này để gửi đến bạn đọc.

Nhà văn Nguyên Ngọc. Ảnh: Thái Hạo.

Nhà văn Nguyên Ngọc. Ảnh: Thái Hạo.

Dạ Ngân đến nay vẫn thường đùa:

- Hồi đó chú Ngọc vô cư trú chính trị ở miền Tây Nam Bộ!

(Cô khăng khăng một mực gọi tôi bằng “chú”, trong khi Nguyễn Khải già hơn hai tuổi lại được gọi “anh” ngon lành).

Tôi hỏi:

- Sao thế?

Cô cười:

- Chiến thuật phòng ngự từ xa mà, chú!

Bài liên quan

Sau vụ Đề dẫn năm 1979, đến Đại hội Nhà văn năm 1983 tôi lại được bầu ban chấp hành, nhưng không nhận công việc cụ thể gì ở Hội. Đúng là hồi đó, với tôi, sống Hà Nội buồn và ngột ngạt thế nào ấy, tôi bỏ đi vào Nam, lang thang mấy năm gần khắp miền Tây: Long An, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc, Bến Tre, Rạch Giá, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hà Tiên, Kiên Hải, Phú Quốc… Đi cho khuây khỏa và hình như cũng để lấy sức cho một “cuộc” mới mà tôi linh cảm chắc thế nào rồi cũng sẽ đến, khó tránh.

Bắt đầu cũng là do Nguyễn Trọng Oánh.

Sau Đại hội Nhà văn lần thứ Ba mà cụ Nguyễn Tuân bảo là chưa thấy cái nào “tợn” bằng ấy, chắc là sợ tôi buồn, gần như ngày nào Oánh cũng tạt qua nhà tôi. Vẫn ít nói, hay thở dài, nhưng lần nào cũng giục:

- Đi đi, đi mà viết!

- Đi đâu? - Tôi hỏi.

- Đi với mình.

Anh rủ tôi đi lữ đoàn 125 hải quân, bấy giờ đóng bên kia phà Bính, Hải Phòng. Trong chiến tranh chống Mỹ, hải quân ta còn nhỏ, thực sự chỉ có hai đơn vị trực tiếp tham gia đánh nhau nhiều: lữ 126 đặc công nước, và lữ 125 chuyên làm công việc bí mật và nguy hiểm vận tải vũ khí từ Bắc vào Nam, trên con đường được gọi là “Đường mòn Hồ Chí Minh trên Biển Đông”, bằng những chiếc tàu ngụy trang gọi là “tàu không số”.

- Ừ, thì đi…

Đến 125, gặp Phong lữ đoàn phó, hóa ra là người quen cũ. Hồi chín năm Tây Nguyên anh ở một đội vũ trang tuyên truyền thường hoạt động song song với đội tuyên truyền công tác của tôi suốt dọc hành lang từ tây Phú Yên, băng qua cao nguyên Đắk Lắk, lên giáp biên giới Miên. Phong đang chuẩn bị đi học Liên Xô, anh đưa cho tôi một lô tài liệu mật và hiếm: Dự thảo lịch sử chiến đấu của lữ đoàn, hồ sơ các con tàu bí mật, sổ tay ghi chép của các cán bộ chỉ huy… “Nhờ cậu xem được thì tiểu thuyết hóa nó ra, đã đến lúc công khai được rồi đấy”.

Đọc, rất li kỳ. Nhưng viết một cái gì sao vẫn thấy uể oải thế nào ấy.

Những chiến công lừng lẫy, những anh hùng, những kỳ tích, tôi không phản đối tiếp tục viết anh hùng, kỳ tích. Thậm chí nhiều đồng nghiệp còn bảo: cái này hợp “tạng” cậu đấy, tùy bút anh hùng ca mà! Nhưng lúc này tôi lại đang vật vã cố tìm cách thay đổi chính cái “tạng” ấy. Bao nhiêu năm tôi đã say mê sống, say mê viết cái phi thường, cái lịch sử, to tát, hùng vỹ. Nay đang cố tìm cách trở lại với cái đời thường, cái hằng ngày, hạnh phúc nhỏ, đau khổ nhỏ, cuộc đời nhỏ… Ai tiếp tục anh hùng ca, sử thi, tôi chẳng chê. Nhưng tôi, tôi muốn thử tìm một con đường khác.

Vậy mà đến 125, tôi lại gặp… Lịch Sử viết hoa.

Nhưng thôi cứ đi tiếp xem sao, biết đâu.

Tôi tìm đến Đặng Văn Thanh, nguyên là chính trị viên chiếc tàu bí mật đã chuyển một chuyến vũ khí rất li kỳ, dũng cảm, táo bạo từ Hải Phòng vào tận cửa sông Ray, Bà Rịa, vì chuyến ấy mà đã được tuyên dương anh hùng quân đội. Thanh vốn dân Cà Ná, nay lấy một chị cán bộ phụ nữ xã là vợ liệt sĩ; về hưu, anh sống ở quê vợ vùng Thủy Nguyên ngoại ô Hải Phòng. Ở với Thanh mấy hôm, nghe anh kể chuyện, tôi bỗng hiểu thêm một điều: tham gia vào cái chiến công do đó Thanh đã trở thành “anh hùng”, hóa ra còn vô số những người vô danh mà chính Thanh, cho đến tận bây giờ, không hề hay biết, chắc sẽ mãi mãi không thể biết. “Dự thảo lịch sử chiến đấu lữ đoàn” không hề ghi. Hồ sơ, sổ tay nhật ký công tác của các vị chỉ huy không hề nhắc tới. Nguyên nhân rất đơn giản: không ai biết, không ai có thể biết.

Vậy là “hay” rồi. Tôi muốn đi tìm họ, những người vô danh. Họ là ai? Trong chiến tranh họ đã làm gì? Số phận bây giờ ra sao?

Chuyến đi vào Nam của tôi sau “vụ Đề dẫn” và Đại hội Nhà văn lần thứ Ba là vậy.

Tôi biết, tìm “họ”, chẳng có thể đi theo những con đường chính thống. Chẳng có hồ sơ chính thức của bất cứ cơ quan nhà nước nào ghi chép tên tuổi họ, nhắc đến họ. Họ bao giờ cũng ở bên rìa của lịch sử chính thống. Và một cuộc đi tìm như vậy chỉ có thể là một cuộc lang thang, rất bất định. Cũng rất có thể là một cuộc đi sẽ dẫn anh đến xa dần, đến lạc hẳn những dự tính ban đầu. Một cuộc phiêu lưu thật sự.

Tôi lên đường như vậy.

Vợ tôi bảo:

- Anh cứ đi đi. Công việc ở nhà, em lo được.

Cô ấy sợ tôi căng thẳng và buồn, muốn tôi được khuây khỏa. Thật tội nghiệp cho những người vợ quá tốt của những anh chàng nhà văn đang lúng túng và bất tài như tôi!

- Anh sẽ cố gắng đi ngắn, về sớm - Tôi hứa bừa.

Lời hẹn “về sớm” ấy hóa ra vợ tôi phải chờ mất gần ba năm.

Cảm ơn vô cùng và cũng xin lỗi vô cùng những người tôi đã gặp, đã tiếp tôi ân cần, đã để công kể cho tôi nghe bao nhiêu chuyện liên quan đến công cuộc li kỳ vận chuyển vũ khí Bắc Nam trên Biển Đông thời chống Mỹ: anh Dương Quang Đông ở Thành phố Hồ Chí Minh, bà má Mười Rìu và anh Hà ở Phước Hải, anh Thanh ở Bà Rịa, anh Tư Mau và anh Bảy ở Rạch Giá, anh chị Tư Thắng ở Cần Thơ, anh Bảy Nam ở Rạch Giá đã đưa tôi đi khắp gần một trăm hòn đảo có người và không người ở huyện đảo Kiên Hải, Kiên Giang, anh Hai Phốc và các anh chị ở Rạch Gốc Cà Mau, anh Năm Sao và con gái anh ở Trà Vinh, anh Ba Thắng cũng ở Trà Vinh nhưng tận huyện Duyên Hải xa lơ xa lắc và chị vợ cũng thật anh hùng mà rất lầm lũi của anh… Các anh chị, các má, các cụ đã kể cho tôi nghe bao nhiêu chuyện lạ lùng, tôi ghi chép dày cộp hàng chục cuốn sổ tay, rồi hứa nữa chứ… Nhưng tôi đã thất hứa, mãi vẫn chưa viết chưa in được một chút gì về họ, buồn thay, trước khi họ mất. (Tôi cũng đã có viết những hơn ba trăm trang đánh máy, nhưng rồi bỏ dở dang, vứt đó. Mãi đến năm 1995 tôi mới viết thành một cái kịch bản cho hãng phim Quân đội, sau rồi theo lời khuyên của nhiều người mới sửa lại chút ít để thành một bút ký và in thành sách, thật tình tự tôi thấy là cũng chưa đến đâu).

Bào chữa thế nào với họ đây? Thật ra chẳng có gì để bào chữa cả. Chỉ là thú nhận thôi. Tôi thú nhận tôi nghe họ kể, họ tâm sự, tôi cặm cụi ghi ghi chép chép, nhưng tâm trí tôi lại đang để tận đâu đâu. Tôi đi tìm họ, hàng ngàn cây số, cả trên đất lẫn trên biển, đến tận những góc đất góc biển xa xôi tìm họ, hỏi họ, nghe họ… nhưng kỳ thực là tôi đi tìm chính tôi, tôi chong tai lắng nghe chính tôi, những gì đang còn, đang mất đi, đang dày vò, đang trằn trọc, đang chuyển đổi và nảy sinh trong chính tôi.

Tôi vẫn là cái anh chàng nhà văn chẳng còn gì chẳng có gì để nói ra cả, un écrivain qui n’a rien à dire, như cái ông nhà phê bình Blanchot bên Tây kia từng viết thâm thúy thế.[1] “Tư liệu” đầy ra đấy, nhưng anh lại chẳng có gì để nói cả. Tất cả đều còn mơ hồ, bàng bạc, có lúc tưởng đã nắm lấy được trong tay rồi, mừng quýnh lên, muốn ngồi ngay vào bàn, cầm ngay lấy bút, nhưng hóa ra là nhầm. Chưa có gì rõ rệt cả. Ngay cả cái sự lờ mờ, mơ hồ ấy cũng không rõ nét nốt. Ôi giá như đừng có lỡ mang tiếng nhà văn, đừng có liều lĩnh, rồ dại trót bước vào cái nghiệp chướng này. Giá như được làm một anh kỹ sư, một anh thợ xây, xây một cái nhà, làm một chiếc cầu, làm phu khuân vác vác một tải gạo, cụ thể, rõ ràng, hữu ích hơn bao nhiêu. Khổ nhất trên đời này là cái anh nhà văn đi nói dối, tức là viết những điều tự anh không hề có thật trong sâu nhất của anh. Khổ và nhục.

… Tôi đi lang thang như vậy, chăm chỉ và lười nhác, hăng hái và uể oải, hy vọng và tuyệt vọng, hớn hở và buồn nản.

Nhà văn Dạ Ngân (ngoài cùng bên trái), nhà văn Nguyên Ngọc (thứ tư từ trái qua) cùng các thầy cô ở Khoa Văn - Đại học Cần Thơ chụp ảnh kỷ niệm năm hai nhà văn gặp nhau ở Cần Thơ. Ảnh tư liệu của nhà văn Dạ Ngân.

Nhà văn Dạ Ngân (ngoài cùng bên trái), nhà văn Nguyên Ngọc (thứ tư từ trái qua) cùng các thầy cô ở Khoa Văn - Đại học Cần Thơ chụp ảnh kỷ niệm năm hai nhà văn gặp nhau ở Cần Thơ. Ảnh tư liệu của nhà văn Dạ Ngân.

Ở Cần Thơ tôi gặp Dạ Ngân, có quen ở trại sáng tác Vũng Tàu mấy năm trước, hồi tôi còn làm đảng đoàn. Ở Vũng Tàu, Ngân xa lạ với tôi, hình như cô đoán tôi cũng loại cứng, cũ như một vài anh lãnh đạo ở trại. Về sau có lẽ cô có nghe phong thanh chuyện “vụ Đề dẫn” và bây giờ thì coi như là tôi đang đi “cư trú” ở miền Tây.

- Chú cứ xuống đây cư trú, bọn cháu nuôi.

Cô mang tôi về “nuôi” thật. Dạ Ngân sống một mình, với hai đứa con, cháu Uyên và cháu Vinh.

Ngân giới thiệu:

- Ông Ngọc là đại tá quân đội đấy.

Cháu Vinh nhất định không tin:

- Má giỡn hoài. Đại tá gì mà nhỏ xíu, lùn tịt vậy. Con đứng cao gần bằng ông Ngọc rồi nè!

Bấy giờ Dạ Ngân đang làm báo Văn nghệ Hậu Giang. Ba mẹ con sống ở cái phòng ngoài trên gác trụ sở báo, tôi ở phòng bên kia cách một chiếu nghỉ. Hằng sáng, cô đi chợ, có hôm cho tôi cùng đi theo, đi bằng xe lôi, về nấu cơm cho tôi ăn. Ấm cúng, thân tình, và tôn trọng nhau, quý nhau thật sự. Dạ Ngân cho tôi đọc những truyện ngắn đầu tay của cô. Tôi rất ngạc nhiên. Ở cô gái Nam Bộ này tôi nhận ra một điều không dễ tìm thấy: một sự phá vỡ mãnh liệt, cả táo tợn nữa, giấu sau cái đằm thắm tinh tế và nồng hậu; hết sức Nam Bộ, nhưng không phải là cái kiểu Nam Bộ Đoàn Giỏi, thậm chí cả Nguyễn Quang Sáng. Đoàn Giỏi, cả Nguyễn Quang Sáng nữa, vẫn còn phần nào cố ý Nam Bộ. Dạ Ngân cứ thế mà Nam Bộ, trong ý, trong văn, trong mắt, trong giọng, trong máu. Nhưng văn Dạ Ngân lại đã thoát được cái sần sùi quá “mộc” kiểu địa phương. Thậm chí còn có phần Bắc Hà. Có lẽ chính vì thế mà vài năm sau, những truyện ngắn của Dạ Ngân đã nhập được vào cái giọng văn học chung cả nước. Ai cũng biết, cũng thấy, cũng thích cô rất Nam Bộ, mang đến cho dòng sông chung một ít phù sa rất Cửu Long trộn hòa trong cuồn cuộn sông Hồng của văn chương ta. Dạ Ngân “học” được ở đâu tất cả những điều đó?

Ở Cần Thơ ít lâu, được Dạ Ngân nuôi, đi đâu, Long Xuyên, Cà Mau, Rạch Giá… thỉnh thoảng lại ghé về đó, nói chuyện, tâm sự, đọc - Dạ Ngân cho tôi đọc ngay trong bản thảo cả những cái cô viết còn dở dang - tôi dần dần hiểu ra: hình như ở mảnh đất này, Nam Bộ, do những điều kiện lịch sử, địa lý, chính trị, xã hội nào đó, khát vọng khẳng định của con người như một nhân cách, một cá nhân, một cá tính độc lập, có tư cách, có quyền sống, tồn tại và phát triển của chính mình, mạnh mẽ và quyết liệt hơn ở nhiều nơi khác. Và có điều lạ: ở các cây bút nữ rõ hơn, nhiều hơn. Dạ Ngân là một trường hợp hơi nổi bật lên. Tôi thật tình hy vọng ở cô.

Dạ Ngân rất ít nói với tôi về cuộc đời riêng của cô. Tôi cũng không tiện hỏi. Chỉ biết loáng thoáng cô hoàn toàn là người kháng chiến: sinh ra trong bưng, đi học trường kháng chiến trong bưng, hoạt động trong bưng, cũng có khi vào hoạt động hợp pháp cả trong thành phố thời Mỹ chiếm. Có làm báo, rồi từ báo mà tập tò viết văn. Thời tôi gặp Dạ Ngân cũng là lúc Dạ Ngân bắt đầu đi vào nghề văn. Mãi một hôm, đi cùng xe hình như từ Long Xuyên về Cần Thơ thì phải, có anh Sáu Nghệ, Chủ tịch Hội Văn nghệ An Giang, Dạ Ngân và tôi, Sáu Nghệ đột ngột hỏi:

- Nè, ông Ngọc có biết chuyện ông già con nhỏ này chưa? Ông già nó là Lê Lai liều mình cứu chúa đó. Để chú kể cho ông Ngọc nghe, được không, Dạ Ngân?

Dạ Ngân không nói gì.

Ra đó là một câu chuyện lạ lùng của cuộc đời Dạ Ngân, tôi quen cô mấy năm mà vô tình tôi chẳng hề biết.

Ba Dạ Ngân tên là Lê Văn Triêm, tthường gọi là Ba Triêm, Tỉnh ủy viên Rạch Giá, phụ trách Kinh tài, hay lên Sài Gòn kết nối cơ sở. Một ngày năm 1956, ông đi ô tô con cùng Bí thư Rạch Giá là ông Lâm Văn Thê, bí danh là Ba Hương, từ Sài Gòn về huyện nhà. Xe bị chỉ điểm, cảnh sát phục ở Rạch Gòi tuýt còi, xộc lên gọi “Ai là Ba Hương bước xuống”. Ba Dạ Ngân bình tĩnh đứng lên, bước xuống, tài xế cũng là người mình cho xe vù đi. Về đến Cần Thơ bọn chỉ điểm nhận diện mới biết đã bị Lê Lai thay. Nhưng chúng chép miệng “Không có Ba Hương thì Ba Triêm cũng được”. Ba Dạ Ngân bị đưa ra xử ở tòa, án tù chính trị hai mươi năm khổ sai Côn Đảo. Thụ án mới sáu năm, ông hoạt động trong tù bị lộ, bị tra tấn, chết trong xà lim cấm cố tháng Bảy âm lịch năm 1962. Ba Triêm là con một, ông nội Dạ Ngân buồn, uống thuốc ngủ chết theo luôn sáu tháng sau đó. Một lần anh trai Dạ Ngân ra đảo tìm mộ ba không thấy, chỉ có bia đề là Lê Văn Thêm. Đến năm 1997, cả nhà thuê nguyên chiếc trực thăng từ Vũng Tàu đi, chính Dạ Ngân xộc vào Ban Di tích và họ lục sổ sách mộ chí thì tìm ra tên Lê Văn Triêm. Hay là linh hồn ba đã khiến vào đứa con giỏi Văn nhất nhà. Bia nhà nước khắc sai bét ra, nhưng bia đá nhỏ cũ khuất trong cỏ dưới chân mộ thấp thì ghi rõ ràng là Lê Văn Triêm, số tù, tên cha mẹ tù nhân, quê quán nữa, không nghi ngờ gì cả, do bạn tù ngày trước khắc cho nhau. Má Dạ Ngân đi gặp được chồng, về ngồi xe lăn luôn, ba năm sau thì mất, mãn nguyện…

Đến một lúc nào đó, trong một truyện ngắn của mình, Dạ Ngân có sẽ viết lại câu chuyện này không? Tôi không dám hỏi Ngân…

[1] Maurice Blanchot (1907-2003), nhà văn, nhà phê bình và nhà triết học Pháp. Trong tiểu luận Không gian văn học (L’espace littéraire), ông viết một câu rất lạ: “Dấu hiệu chỉ rõ tầm quan trọng của nhà văn là anh ta chẳng có gì để nói cả” (Le signe de son importance, c’est que l’écrivain n’a rien à dire).

(Còn nữa)

Nguyên Ngọc

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt là chuyên mục mới trên báo Nông nghiệp Việt Nam, được đặt theo tên một cuốn sách của Giáo sư Cao Xuân Hạo, nhà ngữ học và là một trí thức tinh hoa của đất nước.

Tên chuyên mục cũng nói hộ sự kỳ vọng kiến tạo và chấn hưng những giá trị đang bị xô lệch bởi cơn bão thời đại vốn lẫn nhiều gió độc. Ở đây, các nhà nghiên cứu và người Việt nói chung quan tâm đến văn hóa dân tộc sẽ góp tiếng nói sâu sắc, chính trực trong một khát vọng chung nhằm góp phần xây dựng những nền tảng quan yếu cho một xã hội tốt đẹp trong hiện tại và cho tương lai.

Rất mong nhận được sự ủng hộ, chia sẻ và cộng tác của những bậc thức giả cùng bạn đọc yêu mến!

Bài viết cho chuyên mục xin được gửi về Báo Nông nghiệp Việt Nam, 14 Ngô Quyền, Hà Nội. Email: baonnvnts@gmail.com.

Hoặc liên hệ người phụ trách chuyên mục: Ông Tô Đức Huy, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn; Điện thoại: 0913.378.918; Email: toduchuy75@gmail.com.

NNVN

 
.
Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt
Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt

Gần đây, trường hợp viết đảo ngược từ xuất hiện tràn lan và ngày một phát triển. Có cơ hội, có dịp là đảo ngược. Đảo lấy được. Nhà văn, nhà báo cũng đua nhau viết ngược từ.

Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết
Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết

Đại tá Nguyễn Văn Hồng sau 30 năm cầm súng lại có tiếp 30 năm cầm bút, đó là nội dung tọa đàm văn chương diễn ra sáng 12/4 tại TP.HCM.

Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác
Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác

Hát trống quân Đức Bác là sự kết hợp giữa lời hát và nhịp điệu, cùng với những khúc hát sôi động xoay quanh các chàng trai Đức Bác và cô đào Phù Ninh.

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ
Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ3

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng thường được nhiều người biết đến với tư cách một nhà khoa học nông nghiệp, nhưng ít ai biết ông từng có thơ được in từ thời sinh viên.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rời khỏi dương gian 23 năm, nhưng di sản nghệ thuật của ông vẫn không ngừng lôi cuốn công chúng, trong đó có những đoản văn tự tình.

Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’
Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’

Việc ứng xử như sách đã chép ít nhiều thể hiện sự tôn trọng đáng kể, dù 'Thư thất điều' đã khiến vua Khải Định bẽ mặt với quốc dân đồng bào ở trong và ngoài nước lúc đó.

Hà Giang hút khách
Hà Giang hút khách

Thị trấn Đồng Văn giờ khác lắm. Cầu trời, năm mười năm nữa, Đồng Văn sẽ không theo bước Tam Đảo, Sa Pa, nhà tầng chất ngất cướp mất dáng núi, thung mây...

Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh
Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh

Trong bài văn tế Phan Châu Trinh, Sào Nam Phan Bội Châu đánh giá 'Thư thất điều đón giá như Tây, uy sấm chớp chẳng kinh cùng chẳng hãi'.

Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?
Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?

Hãy phóng to bức hình này lên, sẽ thấy hai cái tên khác nhau: Bên này là đền “Cửa Đặt”, bên kia là chùa “Cửa Đạt”. Đặt và Đạt, có liên hệ/liên quan gì không?

Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'
Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'1

Một người dạy tiếng Việt ở Mỹ, giáo sư Andrea Hoa Pham cho rằng, ngôn ngữ luôn luôn biến đổi, dù muốn hay không cũng không ngăn được thực tế ấy.