
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đam mê vẽ gốm.
Nguyễn Huy Thiệp (29/4/1950- 20/3/2021) lúc sinh thời kết giao với nhiều họa sĩ. Những năm bao cấp, Nguyễn Huy Thiệp từng làm công việc trang trí mỹ thuật cho các cuốn sách giáo khoa ở Nhà xuất bản Giáo Dục và đảm nhận trang trí nội thất cho các cơ sở tư nhân.
Theo chia sẻ của họa sĩ Lê Thiết Cương, thì Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn mê hội họa, đặc biệt mê gốm. Ông đi về với gốm, với làng gốm Bát Tràng thường xuyên. Ông vẽ nhiều chân dung, người thân trong gia đình, tự họa, bạn bè văn nghệ trên đĩa như một thú chơi và làm quà tặng cho mọi người. Nhiều người vẫn giữ, treo trong nhà như một kỷ niệm với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Nguyễn Huy Thiệp tự họa.
Một đề tài nữa mà Nguyễn Huy Thiệp ưa thích là viết rồi vẽ những câu thơ cổ lên lọ gốm, đĩa gốm từ Nguyễn Gia Thiều, Hồ Xuân Hương, Bùi Giáng, rồi Đường thi, Tống thi….

Nguyễn Huy Thiệp vẽ chân dung Tô Hoài.
Triển lãm “Gốm Thiệp” tại Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Hà Nội gồm các tác phẩm gốm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và tác phẩm của 41 họa sĩ lấy cảm hứng từ những trang văn Nguyễn Huy Thiệp.
Chất liệu gốm và chất liệu văn được cộng hưởng qua tài hoa các họa sĩ Lê Trí Dũng, Phan Cẩm Thượng, Đặng Xuân Hòa, Tào Linh, Nguyễn Đình Vũ, Bình Nhi, Quách Phương Đông, Trần Thắng, Hà Trí Hiếu, Trần Nhật Thăng… thực sự đem lại nhiều cảm xúc cho người hâm mộ Nguyễn Huy Thiệp.

Nguyễn Huy Thiệp vẽ chân dung Lê Lựu.
Tại sao tôn vinh Nguyễn Huy Thiệp cùng gốm, mà không phải chất liệu mỹ thuật khác? Những người tổ chức “Gốm Việt” cho rằng: Trước thời Đông Sơn, ba nền văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun ở miền Bắc đều đã có gốm nhẹ lửa, hoa văn khắc vạch kỷ hà. Gốm Đồng Nai và Sa Huỳnh ở Nam và Trung Bộ. Tiếp nối truyền thống là gốm Việt – Hán giai đoạn Bắc thuộc rồi đến gốm Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn cho tới hôm nay.
Gốm Việt là một truyền thống, “một truyền thống khác biệt”. Đấy là theo chiều dài thời gian/ lịch sử. Còn theo chiều dọc/ địa lý của chữ S thì từ Bắc xuôi Nam không có vùng nào không có làng gốm: Hương Canh, Phù Lãng, Bát Tràng, Thanh Hà, Cậy, Bồ Bát, Chăm, Gò Sành, Lái Thiêu, Mỹ Tho…
Gốm Bát Tràng cũng là một làng nghề hơn ngàn tuổi, nào ít gì. Minh văn trên gốm, nhất thi nhất họa cũng là một truyền thống của gốm Á Đông và Việt Nam. Từ gốm đắp nổi Lê, Mạc đến gốm ký kiểu Blue de Hue… Gốm thân thuộc trong đời sống và nghệ thuật của người Việt. Các họa sĩ dù là chuyên sơn dầu, lụa hay sơn mài đều thích vẽ trên gốm. Gốm là một chất liệu của hội họa. Lịch sử nghệ thuật của người Việt nằm ở điêu khắc và gốm là chủ yếu.

"Những ngọn gió Hua Tát".
Các bảo tàng lớn trên thế giới đều trưng bày gốm Việt. Bảo tàng Anh (British Museum) ở London sở hữu một lư hương gốm của Việt Nam, được làm từ đầu thế kỷ 17. Không chỉ Bảo tàng Anh; Bảo tàng Guimet ở Paris; Bảo tàng Metropolitan ở New York; Bảo tàng Cổ vật Á châu ở San Francisco; Bảo tàng Idemitsu; Bảo tàng Machida ở Tokyo; Bảo tàng văn minh Châu Á ở Singapore...
Gốm đủ cả ngũ hành Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ. Âm dương cân bằng, thủy hỏa, thủy thổ hài hòa. Đấy là đạo. Gốm là đạo. Văn chương nghệ thuật nào thì cũng phải đưa ra được câu chuyện người, giá trị người. Tinh thần nhân văn là đích của nghệ thuật. Văn là đạo. Đạo người.

"Kiếm sắc".
Với tư cách giám tuyển cho triển lãm “Gốm Thiệp”, họa sĩ Lê Thiết Cương đánh giá: “Từ Đổi mới 1986 đến nay thì Nguyễn Huy Thiệp vẫn là “vua truyện ngắn”. Phong cách là khác biệt, là độc bản. Chỉ có một Nguyễn Huy Thiệp. Có lẽ cái đường dẫn nối văn ông với các họa sĩ, tạo đà cảm hứng cho các họa sĩ vẽ trên gốm chính là lời thoại.
Lời thoại của Nguyễn Huy Thiệp sắc, ngắn, trực diện, sâu, hiểm, là phi tiêu chứ không cứ phải thanh long đao. Những đặc điểm này rất gần với minh họa trên gốm, hàm sức cô đọng hợp gốm (gốm hiện đại) không lê thê dài dòng, vòng vo. Đấy không phải là gốm và không phải là ngôn ngữ của Nguyễn Huy Thiệp. Vờn tỉa tỉ mẩn cầu kỳ khéo tay cũng được nhưng nên dành cho sơn dầu chẳng hạn.
Gốm hiện đại và vẽ gốm từ văn Nguyễn Huy Thiệp thì nên đốn ngộ - Nam tông. Chấm bút vào men, vẽ, nhấc bút lên là xong. Không chơi kiểu dạm đi tô lại. Vẽ và tô cách nhau một nửa sợi tóc nhưng lại cũng là một trời một vực thì phải.

"Chảy đi sông ơi".
41 họa sĩ khách mời triển lãm "Gốm Thiệp" đều là độc giả của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Trước khi vẽ, trước khi là họa sĩ thì họ là người đọc đã. Vậy nên những tác phẩm gốm trong triển lãm này, gọi là minh họa thì chưa đúng vì không nên hiểu minh họa theo nghĩa đen vì minh họa kiểu ấy sẽ làm rẻ đi cả văn lẫn họa.
Minh họa nên là chuyển ngữ câu văn ấy sang một ngữ khác, ngữ - hội họa. Tức là để văn trở thành hình, thành mầu, thành đậm nhạt, thành mảng, thành nét, thành bố cục… để văn có thêm một đời sống khác, để người đọc có thêm một cách đọc khác. Hoặc nói như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, minh họa ấy phải là một văn bản khác. Tôi muốn chia sẻ với ông về nhận định này bởi chỉ có vậy thì minh họa mới trở thành một tác phẩm độc lập. Có lẽ cũng đúng thôi vì văn chương chả cần bất kể nghệ thuật nào sống tầm gửi vào nó. Trong minh họa, văn chương là điểm xuất phát nhưng hội họa bắt buộc là đích đến.
41 nghệ sĩ với hơn 100 tác phẩm gốm sáng tác trên cảm hứng từ các tác phẩm văn thơ kịch của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Suy cho cùng chính là câu chuyện đạo được kể bằng nghệ thuật. “Văn học có nhiều con đường, nhiều con đường dẫn tới văn học. Tất cả vẫn còn đang đi trên đường”, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã từng chia sẻ như vậy.

"Những người thợ xẻ".
Mỗi họa sĩ đều là người tìm đường riêng cho mình, không ai giống ai. Mỗi họa sĩ một cảm hứng khác nhau, người thì vẽ dựa trên cốt truyện, hoặc nút thắt của truyện, người thì vẽ trên gợi ý từ những câu đối thoại của nhân vật thậm chí tên truyện, kẻ thì viết hẳn một đoạn mà anh ấy tâm đắc lên đĩa gốm… Mỗi người mỗi giọng dù chỉ là gốm xanh – trắng Bát Tràng, đơn sắc nhưng vẫn đa thanh, đa sắc. Cũng có thể coi đó là những ngọn nến kỷ niệm sinh nhật tuổi 75 của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp”.