| Hotline: 0983.970.780

Ứng xử khi ĐBSCL không có lũ

Gạo Việt có giá, ĐBSCL thừa thắng xông lên hay tìm phương kế lâu dài?

Thứ Năm 27/08/2020 , 07:51 (GMT+7)

“Mùa này hơn hẳn mấy mùa qua. Lúa gạo, tin vui khắp mọi nhà” là không khí phấn khởi chung từ nông dân, địa phương đến các cơ quan Trung ương vài tháng qua.

Tận dụng lợi thế gạo Việt giá cao, tiêu thụ mạnh, thừa thắng xông lên, tăng nhanh diện tích, sản lượng lúa, hay thận trọng tính toán, cân đối cung - cầu, phát huy thế mạnh, khắc phục điểm yếu của chuỗi giá trị lúa gạo, thích ứng trước thay đổi của tự nhiên và biến động thị trường? Cần có câu trả lời từ vạch xuất phát.

TS Trần Hữu Hiệp. Ảnh: NVCC.

TS Trần Hữu Hiệp. Ảnh: NVCC.

Tin vui khắp mọi nhà

“Mùa này hơn hẳn mấy mùa qua. Lúa gạo - Tin vui khắp mọi nhà” là không khí phấn khởi chung từ nông dân, chính quyền địa phương đến các cơ quan Trung ương vài tháng qua. Bỏ lại phía sau tác động tiêu cực do dịch bệnh Covid-19, trận hạn mặn kỷ lục và những bất cập trong điều hành xuất khẩu gạo, liên tục những tin vui lúa gạo tạo nhiều kỳ vọng mới.

Mới hết tháng 7, nhưng vùng ĐBSCL đã đạt 25 triệu tấn lúa là đỉnh sản lượng cả năm của vùng này. Giá gạo trong nước, đặc biệt là xuất khẩu tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019, cao nhất trong vòng 10 năm qua. Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, cả nước đã xuất khẩu hơn 3,9 triệu tấn gạo, đạt 1,9 tỷ USD, tăng 12,3% giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu gạo chính là điểm sáng, là 1 trong 6 nhóm hàng xuất khẩu của cả nước đạt trên 1 tỷ USD. Vừa qua, Trung Quốc, Philipppines, Bangladesh đang tăng mua gạo vì Covid-19, các nước Tây Phi cũng sẽ tăng nhập khẩu gạo, trong khi nguồn cung trong nước dồi dào, mở ra khả năng tăng xuất khẩu gạo trong cả năm. 

Thừa thắng xông lên tính toán thiệt hơn? 

Tâm lý phấn khởi cho rằng, nên phát động nông dân cố gắng cao nhất để phát triển sản xuất, tận dụng thời cơ, gia tăng diện tích, sản lượng lúa do tình hình dịch bệnh khó lường, cái ăn luôn là ưu tiên hàng đầu, không sợ thừa, không sợ ế. Trong thực tế, các địa phương đã có những động thái gia tăng sản xuất, nâng diện tích lúa thu đông vùng ĐBSCL từ 720.000 ha theo kế hoạch lên 800.000 ha để tăng sản lượng lúa lên 4,4 triệu tấn thóc. Vụ thu đông lâu nay luôn là vụ lúa khá bấp bênh, nay một số địa phương xác định là “vụ ăn chắc”, thậm chí còn được xem là vụ chính như một cách “thừa thắng xông lên”.   

Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, không nên ăn xổi ở thì, cần thận trọng.

Xét ở đầu vào sản xuất lúa, thì còn nhiều yếu tố bấp bênh. Hiện nay, hầu như các tiểu vùng sản xuất lúa của ĐBSCL đều cần trữ nước. Lũ nhỏ, vấn đề đặt ra là cần tích trữ nước ngọt ở hai vùng rốn lũ trước đây là Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Tài nguyên nước và phù sa được xem là lợi thế đang đứng trước nhiều thách thức phụ thuộc ngày càng lớn yếu tố thượng nguồn (vận hành và tiến độ xây dựng hệ thống thủy điện, các dự án chuyển nước dòng chính) mà hiện tượng “mùa nước nổi” tự nhiên của vùng thưa thớt, vắng bóng và gần như biến mất là một thách thức lớn. Cùng với tác động tích lũy liên hoàn do nước biển dâng, xâm nhập mặn, sạt lở và những bất cập như khai thác cát, nước ngầm trong nội vùng, mặt trái của hệ thống đê bao… đang là thách thức lớn. 

Xét ở đầu ra – Thị trường tiêu thụ lúa gạo đang là điểm sáng trong ngắn hạn. Nhu cầu gạo thế giới tăng bởi tác động của dịch Covid-19, một số nước tăng mua dự trữ do lo dịch sẽ kéo dài, khiến nhu cầu, giá tăng trong ngắn hạn, nhưng nhìn chung, theo dự báo của FAO, an ninh lương thực thế giới vẫn trong ngưỡng an toàn. 

Các số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, tính chung 7 tháng đầu năm nay, giá nhóm hàng nông sản nói chung đã tăng 0,7%, trong đó giá lương thực, thực phẩm tăng 2,2%. Trong khi đó giá nông sản nguyên liệu lại giảm 5% do nhiều ngành công nghiệp chế biến đình đốn. Có chuyên gia đã nhắc lại câu chuyện khuyến khích nông dân tăng mạnh đàn gia cầm để bù vào khoảng trống do dịch tả heo châu Phi khiến giá gà “tụt dốc không phanh”, người chăn nuôi lỗ nặng là bài học vẫn còn nguyên giá trị.

Nhận diện bất cập, tìm kế lâu dài

Trong khi trân trọng những kỳ tích lúa gạo và phấn khởi trước nhiều tin vui tạo vị thế mới của hạt gạo, cũng không nên quên định hướng lâu dài, yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp vùng ĐBSCL từ “lúa gạo, trái cây, thủy sản” sang “thủy sản, trái cây, lúa gạo” đã được định rõ trong Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển vùng ĐBSCL. Tư duy đó không hề hạ thấp vai trò hạt gạo mà là đòi hỏi nâng cao giá trị hạt gạo, chuyển đổi từ trọng cung hơn trọng cầu, từ sản lượng sang chất lượng, từ sản xuất nông nghiệp sang kinh doanh nông nghiệp là chủ đạo. 

Điểm yếu cơ bản liên quan thị trường và nâng cấp chuỗi giá trị lúa gạo ĐBSCL nói riêng và gạo Việt nói chung lâu nay vẫn là tăng lượng hơn tăng chất, theo phân khúc thị trường cấp thấp và trung bình. Chuỗi giá trị lúa gạo qua nhiều trung gian, thiếu kết nối cung – cầu, thiếu thông tin thị trường.

Nông dân sản xuất nhỏ lẻ, sử dụng nhiều giống khác nhau, dư thừa nhập lượng đầu vào, chất lượng thấp, giá thành tăng dẫn đến lưu tồn thuốc bảo vệ thực vật. Cơ sở hạ tầng và logistic cho ngành hàng lúa gạo còn bị cắt khúc, vừa yếu vừa thiếu đồng bộ. Dịch vụ và kinh doanh lúa gạo nhiều khó khăn, yếu kém. Các ngành công nghiệp chế biến thiếu chiến lược và gắn kết nông nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Giá lúa gạo tăng cao là không khí phấn khởi chung từ nông dân, địa phương đến các cơ quan Trung ương vài tháng qua. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Giá lúa gạo tăng cao là không khí phấn khởi chung từ nông dân, địa phương đến các cơ quan Trung ương vài tháng qua. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Để ứng phó vừa chủ động lâu dài, vừa linh hoạt tình huống, thì sản xuất lúa gạo nói riêng và nông nghiệp ĐBSCL không thể “ăn xổi” theo tình thế. Không nên cứng nhắc duy trì hoặc gia tăng đột biến diện tích lúa và xuất khẩu gạo số lượng lớn. Cần linh hoạt chuyển đổi theo thị trường. Các kết quả nghiên cứu đang được đề xuất liên quan hệ chủ động bố trí sản xuất lúa phù hợp ở 3 tiểu vùng sinh thái gắn với thị trường tiêu thụ. 

Đó là vùng thượng, vùng giữa và vùng biển ĐBSCL. Vùng thượng nằm ở phía Bắc, gồm các khu vực đất phù sa, ven sông và, vùng trũng ngập nước của các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp và Long An. Đây là vùng bị ngập sâu, diện tích nước ngọt khoảng 1,3 triệu ha, bị chi phối bởi nguồn nước từ lưu vực sông Mê Công tràn qua biên giới và lũ tràn qua bờ sông Tiền, sông Hậu. Vùng giữa ngập nông, nước ngọt, nước lợ, mặn, diện tích khoảng 1,6 triệu ha, bao gồm các khu vực đồng bằng phù sa và khu vực đô thị của Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang, các khu vực đất ngập mặn tạo thành một vành đai rộng 20-50 km dọc theo bờ biển phía Đông, phía Tây và hầu hết bán đảo Cà Mau. Vùng ven biển là vùng nước mặn với diện tích khoảng 1 triệu ha, có nước lợ, ngọt và mặn. 

Theo đó, cần tiếp cận theo lợi thế sinh thái, tài nguyên nước, mô hình canh tác và nhu cầu thị trường để sản xuất thích ứng theo tiểu vùng an toàn (có lợi thế nhất), tiểu vùng chuyển đổi đầu tư chủ động tạo lợi thế mới và tiểu vùng linh hoạt để thích ứng trước những yếu tố khó lường.

Những tín hiệu tích cực từ ngành hàng gạo Việt cho thấy một bước chuyển mới. Xuất khẩu gạo tăng trưởng về lượng, giá bán, giá trị, lượng gạo thơm vươn lên chiếm tỉ trọng cao. Cần tiếp tục thực thi nhiều cơ chế, chính sách giải pháp xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo hoàn chỉnh. Phải kiểm soát được tiêu chuẩn chất lượng gạo từ sản xuất, chế biến đến các kênh phân phối bằng pháp luật và chất lượng quản lý. 

Nông dân đang cần tập hợp lại cùng với các doanh nghiệp đủ mạnh phát triển sản xuất theo các chuỗi giá trị được quản lý từ đầu vào đến đầu ra. Thành tích của sản xuất lúa là cần, vị thế của một cường quốc số 1 thế giới về xuất khẩu không phải không cần, nhưng quan trọng hơn là những giá trị mà nó mang lại.

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hà Nội chuyển rét từ ngày mai

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, Hà Nội chuyển rét, nhiệt độ thấp nhất ở mức 18 độ C. Gió Đông Bắc mạnh cấp 2-3, nhiều nơi có mưa rào rải rác.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.