Một lần về nông thôn, làm 'con nuôi' nhà nông dân Nhật Bản

Tùng Đinh - Thứ Ba, 13/02/2024 , 07:43 (GMT+7)

‘Hôm nay, chúng tôi thấy như đang đón các con về nhà’, âm thanh từ chiếc điện thoại Sharp cũ của đôi vợ chồng già người Nhật Bản hướng về 3 chàng trai người Việt.

Thị trấn Ohnan chìm trong màn sương sớm của buổi sáng mùa đông với những mảng xanh, đỏ đan xen của lá rừng. Ảnh: Tùng Đinh.

Shimane là tỉnh ven biển, nằm ở phía tây nam của Nhật Bản nhưng địa hình có đến 70% là núi với nhiều vùng dân cư rải rác trong các thung lũng và thị trấn Ohnan là một trong số đó.

Trong chương trình JENESYS 2023, chúng tôi có cơ hội được ở lại thị trấn yên bình này trong 3 ngày, tại homestay của nhà ông bà Iwane, cụ ông năm nay đã 74 còn cụ bà cũng 66 tuổi.

Trong một chiều mưa đầu tháng 11, ông bà Iwane lái chiếc xe tải mini Mazda GL-super 900kg đến nhà văn hóa của thị trấn đón chúng tôi - 3 thanh niên thuộc đoàn công tác của Bộ NN-PTNT - về nhà, cách đó khoảng 30 phút chạy xe.

Khoảng thời gian tuy ngắn ngủi, nhưng giúp chúng tôi phần nào hiểu được tinh thần Omoiyari - luôn nghĩ cho người khác hay tư tưởng tự cung tự cấp trong sản xuất nông nghiệp của người Nhật, đặc biệt là ở vùng nông thôn.

Ông bà Iwane và cơ ngơi với mảnh ruộng cùng đàn vịt 100 con nuôi lấy trứng phía trước nhà. Phía dưới, bên phải, là gia huy của nhà Iwane được sơn trên đầu hồi. Ảnh: Tùng Đinh.

Vui như đón con về nhà

Sau những phút bỡ ngỡ ban đầu vì bất đồng ngôn ngữ, chúng tôi cũng tìm ra cách giao tiếp nhờ phần mềm phiên dịch trên điện thoại thông minh. Khuôn mặt của đôi vợ chồng già người Nhật hiện rõ lên niềm vui, bà Iwane hào hứng nói gì đó vào điện thoại rồi đưa cho chúng tôi nghe. Giọng nữ phiên dịch cất lên: "Hôm nay, chúng tôi thấy như đang đón các con về nhà".

Sau đó là những trao đổi về bữa ăn tối sắp tới, ông bà chu đáo hỏi chúng tôi có ăn được đồ sống, có uống được rượu, có muốn ăn cay hay không... Quãng đường nếu đi một mạch chỉ hết 30 phút nhưng 5 người phải mất gần 1 tiếng mới về đến nhà vì 2 lần ghé vào siêu thị, 1 lần mua thịt, 1 lần mua rau.

Trên đường về nhà, những mảng xanh, đỏ của cây rừng đang mùa thay lá mờ dần theo nhịp sương xuống. Cuối thu, đầu đông, lại nằm lọt giữa thung lũng nên mới hơn 5 chiều, Ohnan đã tối mịt. Dân cư ở đây sống thành từng cụm, mỗi cụm 2-3 hộ và các cụm cách nhau khoảng vài trăm mét đến cả cây số.

Trời tối, trên đường về nhà, giữa trập trùng núi non chỉ thấy lác đác những ngôi nhà sáng đèn ở phía xa. Là địa phương có mật đô dân cư thấp thứ 2 ở Nhật Bản, lại nhiều người cao tuổi, trong đêm tối Ohnan càng vắng vẻ, heo hút hơn.

Chờ ông đỗ xong chiếc xe vào khoảng sân nhỏ giữa nhà ở và nhà kho, chúng tôi lùa cửa hông, xuống chuyển hành lý và giúp bà đưa thực phẩm vào nhà.

Ông bà Iwane có 3 người con, 2 trai, 1 gái nhưng người con trai lớn đã không may qua đời do tai nạn giao thông, 2 người còn lại đều lập gia đình và ở xa. Từ nhiều năm nay, 2 ông bà sống trong căn nhà gỗ 2 tầng, rộng nhưng nội thất khá đơn giản và ngăn nắp, đa phần các phòng chia nhau bằng vách trượt.

Chúng tôi được bố trí nghỉ ở phòng khách ngoài cùng, sát hiên, cách sân một lớp cửa trượt. Giữa phòng có một chiếc bàn nhỏ cùng mấy chiếc đệm ngồi uống nước, đêm đến sẽ bê bàn ra hiên để trải đệm ngủ. Phía trên bàn có một chiếc đèn chụp, công tắc là sợi dây thả lưng lửng, cách sàn khoảng 30cm để khi đã nằm cũng có thể tắt, bật một cách dễ dàng.

Bên trong nhà của ông bà Iwane không quá rộng rãi nhưng gọn gàng, ấm cúng. Trong ảnh là không gian bếp và bàn ăn của gia đình. Ảnh: Tùng Đinh.

Trong khi bà dưới bếp chuẩn bị đồ ăn, ông mượn chiếc điện thoại thông minh Sharp đã cũ của bà để chuyển ngữ, trò chuyện với 3 chàng trai người Việt. Từ bếp, vọng ra tiếng hát của bà Iwane, ông bảo đó là những bài dân ca của người Nhật và hôm nay bà rất vui vì nhà đông người nên mới hát như vậy.

Từng là phóng viên, những câu chuyện, câu hỏi của ông Iwane đi từ nông nghiệp, nông thôn rồi xa hơn là ý chí của người trẻ như: "Các bạn là thế hệ trẻ, vậy các bạn nghĩ sẽ làm gì để giúp Việt Nam phát triển?".

Về phía mình, cụ ông 74 tuổi với mái tóc gần như đã bạc trắng vẫn trăn trở về câu chuyện nông nghiệp, về ruộng đồng bỏ hoang. Ông nói, ngày càng có nhiều đất bỏ hoang và song song đó là người trẻ Nhật thờ ơ với nông nghiệp.

"Ở đây, có những người đàn ông 95 tuổi, sống một mình, vẫn làm nông", ông Iwane tâm sự cùng nụ cười móm mém với vài chiếc răng đã bọc vàng. Bản thân ông, 74 tuổi nhưng vẫn làm nông, lý giải của ông là muốn tự cung tự cấp, không muốn phụ thuộc nguồn lương thực, thực phẩm.

Dù một mình cáng đáng 3ha ruộng đồng vì bà bị đau chân, không làm nông được nhưng ông Iwane rất hào hứng với công việc của mình. Phần nữa là gia đình sở hữu rất nhiều máy nông nghiệp như máy cày, máy cấy, máy gặt rồi máy sát... và ông có thể sử dụng thành thạo tất cả các loại máy đó.

Một điểm đáng chú ý là các máy móc này được làm với kích thước nhỏ, vừa cho những mảnh ruộng cỡ nhỏ hay thậm chí là cả ruộng bậc thang. "Không nhiều người lái được tất cả các loại máy như tôi nên thi thoảng tôi cũng giúp đỡ hàng xóm việc đồng áng", ông Iwane nói.

Nếu như ở đô thị của Nhật Bản, bóng dáng người trẻ đã ít thì ở nông thôn, tình trạng già hóa dân số của đất nước mặt trời mọc càng rõ rệt hơn. Ngay từ khi đặt chân đến sân bay, có thể dễ dàng bắt gặp những người già tóc đã bạc vẫn lao động, họ hướng dẫn làm thủ tục nhập cảnh, lái taxi, thu ngân ở các cửa hàng tiện lợi... Còn ở những vùng nông thôn như Ohnan, người già vẫn làm ruộng. Tại thị trấn này, tuổi trung bình là 65.

Những bữa ăn của người Nhật Bản thường được chia theo khẩu phần. Trong ảnh, phía cao bên trái là đậu nành natto lên men, phía cao bên phải là rau củ muối, ngay phía dưới là bát cơm độn hạt dẻ. Ảnh: Tùng Đinh.

Tối ăn cơm dẻ, sáng uống canh nghêu

Chẳng mấy chốc, bà Iwane đã chuẩn bị xong bữa tối, tiếng gọi từ phía nhà trong vọng ra, mấy ông cháu liền đứng dậy vào bàn ăn. Bữa cơm của người Nhật, nhất là ở vùng nông thôn không cầu kỳ, suất ăn được chia đều cho mỗi người, còn cơm thì có thể lấy thêm từ nồi.

Ngoài một đĩa sashimi nhỏ vừa mua ở siêu thị, suất ăn có thêm cá hồng sốt, thịt gà kho và bí đỏ nghiền cùng vài lá xà lách sống. Ngoài ra, có một đĩa đồ củ quả muối để ăn chung, gồm cà rốt, dưa cải và su hào không chia thành suất nhưng lại có một đôi đũa riêng để gắp.

Đặc biệt nhất trong bữa ăn là bát cơm độn, rắc thêm vừng đen. Nhìn qua thì khó phát hiện nhưng khi ăn thì tôi nhận ra là cơm độn hạt dẻ nhưng vì miếng hạt dẻ rất to nên phải hỏi lại bà Iwane. "Đúng rồi, đó chính là hạt dẻ. Mùa thu, người Nhật thường ăn cơm độn với hạt dẻ vì vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe", bà chủ của căn bếp hào hứng lý giải.

Có lẽ vì lâu rồi nhà mới đông người nên bà Iwane rất vui, bà không cho chiếc điện thoại nghỉ ngơi mà trao đổi liên tục với những thanh niên ngoại quốc, có lúc tưởng như bà còn quên cả ăn.

Quỳ trên ghế để ăn tối, những câu chuyện của bà xoay quanh vấn đề về gia đình, con cái. Bà hỏi đàn ông Việt Nam có giúp đỡ vợ việc gia đình không và tự hào khoe với chúng tôi, từ ngày cưới nhau, ông đã không ngại ngần giúp đỡ việc nhà.

"Người già ở Việt Nam bao nhiêu tuổi thì nghỉ ngơi và có ở cùng con gái không", giọng nữ phiên dịch trên điện thoại truyền tải thắc mắc của người phụ nữ Nhật Bản đã ngoài 60. Khi nhận được câu trả lời của chúng tôi, bà nói người già ở Nhật Bản thường ít sống với con cháu, thay vào đó thường tự lực cho cuộc sống của mình.

"Tôi cũng ước gì có thể được nghỉ ngơi sau tuổi 60", người phụ nữ đang hoạt động trong một lớp dạy ngôn ngữ ký hiệu tại trung tâm văn hóa địa phương chia sẻ thêm.

Sau bữa ăn, bà Iwane đi gọt hoa quả và pha trà. Giống như ăn cơm, hoa quả được chia vào từng đĩa cho mỗi người, kèm theo một cốc trà. Người Nhật dường như tôn trọng sự riêng tư, cá nhân, thể hiện qua cách chuẩn bị đồ ăn lẫn đồ tráng miệng.

10 giờ tối, nhiệt độ xuống khoảng 8 độ C, ông bà hướng dẫn chúng tôi dọn phòng, mỗi người được phát 1 đệm, 1 gối, 2 chăn để đủ giữ ấm. Trước khi ngủ, bà nói mai có việc đi xa nên sẽ chuẩn bị trước đồ ăn sáng và ăn trưa cho 4 ông cháu.

Những hình ảnh cho thấy sự tận tâm, nghĩ cho người khác trong cách làm dịch vụ của người Nhật Bản. Từ trên xuống, trái qua: Soi đèn cho hành khách xuống xe ở chỗ tối; máy đo nồng độ CO2 trong nhà hàng; máy đo chất lượng không khí trong taxi; kính chiếu hậu không ảnh hưởng đến hoạt động của khách đi xe. Ảnh: Tùng Đinh.

Phần mệt, phần lạnh, sáng hôm sau, 7h30 chúng tôi mới ra khỏi chăn để dọn dẹp, ăn sáng. Đồ ăn đã chuẩn bị tinh tươm, mỗi người 1 bát cơm, 1 miếng cá nướng, 1 bát canh nghêu miso và đĩa rau sống kèm đậu phụ. Trước khi dùng cơm, ông Iwane nói người Nhật quan niệm con nghêu rất tốt cho gan, nên thường ăn vào bữa sáng.

"Nghêu mùa này béo, chúng tôi nấu cùng với đậu phụ, rong biển và tương miso để ăn vào buổi sáng", cụ ông tuổi cổ lai hy giải thích rồi mời chúng tôi ăn nhanh kẻo nguội.

Ngoài ra, ông cũng giới thiệu thêm một đặc sản, vốn được cho là rất tốt cho sức khỏe, góp phần nâng cao tuổi thọ cho người Nhật Bản là đậu nành lên men - natto. Món ăn này có mùi rất khó ngửi và dính với nhau bằng những sợi keo sinh ra sau quá trình lên men.

Theo hướng dẫn của ông Iwane, chúng tôi cho đậu nành natto đã trộn với cá khô vào bát cơm trắng, rưới thêm mù tạt rồi trộn đều trước khi ăn. Mặc dù rất nổi tiếng nhưng quả thật không phải ai cũng có thể thưởng thức được món ăn này.

Điểm đáng học tập trong cách làm homestay của người Nhật là họ rất tinh tế khi quan sát và tận tâm với du khách. Đơn cử, nếu một món ăn thừa nhiều, hay đơn giản là một cái nhăn mặt khi nếm thử thì các bữa tiếp theo sẽ không bao giờ xuất hiện nữa. Ví dụ như, đậu nành natto khó ngửi hay su hào muối, củ dền muối có vị mặn chát.

Khi trải nghiệm các dịch vụ ở Nhật Bản, du khách có thể dễ dàng cảm nhận được sự tận tâm trong cung cách phục vụ của họ, hay còn gọi là tư tưởng Omoiyari. Xe taxi được bố trí gương hậu trên nắp capo, để người ngồi ghế phụ có thể thoải mái sử dụng điện thoại, đọc sách mà không chắn tầm nhìn của lái xe. Trong xe taxi, nhà hàng thường xuyên có máy đo chất lượng không khí, máy đo nồng độ CO2 để theo dõi và điều chỉnh, nhằm đem lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

Khi đi xe, lái xe sẽ là người đưa hành lý của khách vào cốp xe, nếu bạn tự làm, họ sẽ cảm thấy áy náy. Lúc xuống xe, nếu trời tối, nhân viên sẵn sàng ngồi dưới bậc thang, cầm gậy phát sáng giúp khách hàng định vị, bước đi dễ dàng hơn.

Buổi sáng, ông Iwane cho vịt ăn từ khi mặt trời còn chưa ló, sau đó dùng ô tô đi đến mảnh ruộng trồng rau củ quả được rào sắt để chống lợn rừng. Ảnh: Tùng Đinh.

Một ngày làm nông dân

Ngoài căn nhà 2 tầng, ông bà Iwane còn sở hữu một nhà kho rộng khoảng 50m2 chất đầy lúa và dụng cụ, máy móc làm nông. Chưa hết, nhà còn có một khoảnh ruộng nước trước nhà, được quây lưới làm chuồng nuôi 100 con vịt lấy trứng.

Mỗi sáng, cứ từ 6h kém, khi mặt trời còn chưa ló, ông Iwane đã dậy chuẩn bị đồ đạc cho công việc đồng áng của cả ngày, sau đó là cho đàn vịt ăn. Theo kế hoạch, 3 chúng tôi được bố trí 1 ngày trải nghiệm làm nông dân ở thị trấn thôn quê này với gia đình Iwane, mà cụ thể là do cụ ông hướng dẫn.

Nếu như chiếc xe tải mini Mazda chuyên để đi vào trung tâm thị trấn thì với các mảnh ruộng, mảnh vườn quanh nhà, ông Iwane lái chiếc xe tải thùng hãng Suzuki, có lẽ tương đương với "Su cóc" ở Việt Nam.

Cà rốt và gạo lứt được đóng gói, chất lên xe để đem đến siêu thị. Do canh tác hoàn toàn hữu cơ, cà rốt sau khi thu hoạch chỉ cần rửa sạch đất là có thể đem bán ngay. Ảnh: Tùng Đinh.

Sau khi kết thúc bữa sáng, 8h chúng tôi ra xe và được ông đưa cho 3 đôi ủng để chuẩn bị đi thu hoạch cà rốt. Trước khi lên xe, ông còn chỉ cho chúng tôi hình ảnh gia huy sơn trên tường đầu hồi của căn nhà. Ông Iwane, dòng họ nào cũng gia huy và các gia đình sẽ sơn hình gia huy lên căn nhà của họ.

Vắt vẻo trên thùng xe tải, hít thở không khí trong lành của buổi sáng vùng nông thôn, chúng tôi được ông đưa qua con dốc nhỏ, đến ruộng cà rốt nằm ở lưng chừng đồi.

Xuống xe, vừa mở chiếc khóa nhỏ ở cửa vườn ông vừa giải thích, ở đây có nhiều thú hoang, nhất là lợn rừng nên phải làm rào thép để ngăn chúng phá hoại hoa màu.

Mảnh vườn của ông rộng độ 500m2, trồng hoa màu theo mùa, thời điểm tháng 11 là đang trồng cà rốt và hành, hẹ, tỏi. Rau củ trong các khu vườn này được trồng hoàn toàn hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay phân bón hóa học.

Cà rốt được thu hoạch từng phần, cây nào già, củ to sẽ được nhổ trước, cứ thế cho đến khi hết mùa. Củ cà rốt sau khi nhổ được đem về, rửa bằng nước suối chảy qua trước nhà trước khi đóng gói và đem bán ở siêu thị.

Ông Iwane tự in giá ở siêu thị để dán lên các túi nông sản đóng sẵn của mình. Ảnh: Tùng Đinh.

Như đã nói ở trên, người Nhật có tinh thần tự cung tự cấp rất cao, nhất là ở những vùng nông thôn như Ohnan, nông sản được họ trồng và trao đổi với nhau ở siêu thị của địa phương, vốn là một điểm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc chạy qua thị trấn.

Ở đây, mùa nào thức nấy, nông sản nhà làm ra không dùng hết sẽ được bày bán, từ gạo cho đến rau củ, trứng, cá, tôm... Dưới sự dướng dẫn của ông Iwane, cà rốt được chúng tôi đóng thành từng gói, khối lượng xấp xỉ 600 gr/gói. Ngoài ra, ngày hôm đó ông cũng mang thêm gạo lứt đi bán, gạo được đóng gói khoảng 300 gr/túi, bán giá 240 yên/túi, còn giá của cà rốt là 170 yên/túi.

Ở siêu thị, các sản phẩm rau củ tươi sẽ được bày bán trong vòng 2 ngày, mỗi ngày siêu thị đều thông báo cho các nông dân về số lượng bán được, nếu qua 2 ngày vẫn còn tồn thì sẽ được vận chuyển vào kho để nông dân tự đến lấy về.

Ở thị trấn Ohnan, để hỗ trợ nông dân trong quá trình buôn bán, chính quyền thị trấn xây dựng một siêu thị nông sản, vốn là một trạm dừng nghỉ trên tuyến đường cao tốc huyết mạch của địa phương. Trong khu vực bán nông sản, ảnh chân dung của những người nông dân làm ra chúng được treo ở một khu vực trang trọng, phía trên các quầy hàng, như một hình thức để vinh danh họ.

Hình ảnh các nông dân được in và dán ngay phía trên khu bán nông sản của họ tại siêu thị. Ảnh: Tùng Đinh.

Tùng Đinh
Tin khác
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.

Thay đổi công nghệ để nâng cao chất lượng chè xuất khẩu
Thay đổi công nghệ để nâng cao chất lượng chè xuất khẩu

Đầu tư đồng bộ vào công nghệ, quy trình và thương hiệu, ngành chè Việt Nam có thể tăng khả năng cạnh tranh và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.

Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 4] Cơ hội còn nhiều ở thị trường carbon bắt buộc hơn 900 tỷ USD
Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 4] Cơ hội còn nhiều ở thị trường carbon bắt buộc hơn 900 tỷ USD

Thị trường carbon quốc tế đang rất sôi động, với giá trị ước tính có thể lên tới gần 1.000 tỷ USD, đòi hỏi Việt Nam cần có sự chuyển dịch mạnh mẽ.

Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc
Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc

‘Ký ức không phai’ là cuốn sách ghi lại kỷ niệm gắn bó với Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève.

Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 3] Đóng góp thầm lặng từ những mô hình nông lâm kết hợp
Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 3] Đóng góp thầm lặng từ những mô hình nông lâm kết hợp

Bên cạnh việc góp phần chuyển đổi hệ thống thực phẩm, đảm bảo sinh kế cho người dân, nông lâm kết hợp còn có ý nghĩa quan trọng trong mục tiêu trung hòa carbon.

Tầm quan trọng của giống đối với ngành chè Việt Nam và thế giới
Tầm quan trọng của giống đối với ngành chè Việt Nam và thế giới

Việc mở rộng các giống chè chất lượng cao đang là mục tiêu chiến lược để tăng giá trị xuất khẩu​.

Làm sao thoát ‘bẫy giá rẻ’ cho chè xuất khẩu?
Làm sao thoát ‘bẫy giá rẻ’ cho chè xuất khẩu?

Ngành chè Việt Nam, với vị thế là một trong năm quốc gia xuất khẩu chè lớn nhất thế giới, đang đối mặt với một thực tế đáng lo ngại khi giá chè xuất khẩu trung bình chỉ đạt 67% so với giá chè thế giới.

Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 2] Đặt tên cho rừng bằng mã số
Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 2] Đặt tên cho rừng bằng mã số

Nhờ mã số vùng trồng, từng lô rừng được minh định trong cơ sở dữ liệu, giúp các bên thuận tiện theo dõi, giám sát và dễ dàng truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp.

Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện
Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện

Tâm sự nghề nghiệp của những người đã và đang đứng trên bục giảng với nhiều kỷ niệm khó quên, càng trở nên ấm áp nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 1] Thách thức tăng gấp 3 lượng carbon hấp thụ từ rừng
Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 1] Thách thức tăng gấp 3 lượng carbon hấp thụ từ rừng

Để phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, lĩnh vực lâm nghiệp phải tăng khả năng hấp thụ carbon lên 185 triệu tấn CO2e, trong khi tỷ lệ che phủ rừng giữ ổn định.

Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò
Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò

Cô giáo người Nùng Lý Thị Thủy đang dạy văn ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Phú Yên, vừa ra mắt cuốn sách lý luận phê bình có tên gọi ‘Khơi chuyện’.

Dừa tươi Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ tăng 4 con số
Dừa tươi Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ tăng 4 con số

Dừa tươi Việt Nam đang được các thương nhân Hoa Kỳ đẩy mạnh nhập khẩu trong năm nay, qua đó đưa Việt Nam vào tốp 3 những nguồn cung lớn nhất cho thị trường này.