| Hotline: 0983.970.780

Nơi nông dân có độ tuổi trung bình xấp xỉ 'cổ lai hy' ở Nhật Bản

Thứ Tư 22/11/2023 , 14:54 (GMT+7)

Thị trấn Ohnan, tỉnh Shimane (Nhật Bản) có độ tuổi trung bình của nông dân là 69, thậm chí, có những cụ ông ngoài 90, sống một mình nhưng vẫn còn làm nông.

Ảnh chân dung của những nông dân của thị trấn Ohnan tham gia bán hàng tại trạm dừng nghỉ trên cao tốc, đa phần trong số họ là người già. Ảnh: Tùng Đinh.

Ảnh chân dung của những nông dân của thị trấn Ohnan tham gia bán hàng tại trạm dừng nghỉ trên cao tốc, đa phần trong số họ là người già. Ảnh: Tùng Đinh.

Dân số già, thiếu lao động

Thị trấn Ohnan nằm ở trung tâm tỉnh Shimane, có độ cao so với mực nước biển dao động từ 100 - 600m và diện tích gần 420km2 nhưng 86% là rừng núi.

Dân số của thị trấn này vào cuối tháng 8/2023 là hơn 9.800 người và đang nằm trong xu thế giảm (vào tháng 10/2020, dân số của địa phương vẫn còn hơn 10.100 người). Trong số đó, tỷ lệ người trên 65 tuổi chiếm đến 45,5% và tỷ lệ trẻ dưới 15 tuổi chỉ khoảng 10%.

Đây là những con số cho thấy Ohnan đang phải đối mặt với thực trạng dân số già, kéo theo đó là việc lao động trong nông nghiệp cũng có độ tuổi trung bình cao và ngày càng khan hiếm. Theo số liệu của thị trấn, tỷ lệ người làm nông trong độ tuổi lao động ở đây gần 22% nhưng độ tuổi trung bình của họ lên đến 69 tuổi.

Thống kê cho thấy, trong vòng 20 năm, từ 2000 – 2020, số hộ làm nông ở Ohnan giảm gần một nửa, từ gần 2.600 xuống gần 1.400, số hộ bán nông sản còn giảm mạnh hơn, từ 2.005 xuống 918, tương đương 54%. Tỷ lệ giảm thấp nhất trong 20 năm đó là số hộ làm nông có thể tự cung cấp được lương thực, từ 591 xuống 487, giảm 18%.

Song song đó, độ tuổi trung bình của nông dân cũng tăng lên đáng kể, nếu vào năm 2020 con số này là 69 thì vào trước đó 20 năm, nông dân ở Ohnan chỉ có độ tuổi trung bình ở mức 59.

Ông Iwane Hidenori, năm nay 74 tuổi, vẫn làm nông và tự đem nông sản ra trạm dừng nghỉ để bán. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Iwane Hidenori, năm nay 74 tuổi, vẫn làm nông và tự đem nông sản ra trạm dừng nghỉ để bán. Ảnh: Tùng Đinh.

Ngoài ra, diện tích đất canh tác nông nghiệp của thị trấn này cũng giảm đến 30% trong khoảng thời gian trên. Điều này cho thấy vấn đề về đất nông nghiệp bị bỏ hoang ngày càng nhiều.

Nằm trong xu thế chung của nông nghiệp Nhật Bản, thị trấn nhỏ này đang phải đối mặt với những vấn đề lớn. Thứ nhất là do dân số già đi nên thị trường nông sản ngày càng thu hẹp, thiếu lao động.

Bên cạnh đó, các biến động trên thế giới cũng tạo ra những rủi ro về lương thực. Chưa kể, các tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai cũng tạo ra áp lực cho ngành nông nghiệp của Nhật Bản nói chung và Ohnan nói riêng.

Để giải quyết phần nào những vấn đề này, chính quyền thị trấn Ohnan cho rằng cần củng cố vấn đề tự chủ lương thực, ví dụ như mở rộng sản xuất các loại nông sản đang phụ thuộc vào nhập khẩu như lúa mỳ, đậu nành, ngũ cốc cho gia súc...

Ngoài ra, họ cũng nhận thấy tầm quan trọng của nông nghiệp thông minh và từ đó dần bước chân vào lĩnh vực xuất khẩu nông sản.

"Chúng tôi muốn hướng tới một ngành nông nghiệp có sức hấp dẫn với người trẻ tuổi. Ngành nông nghiệp này sẽ hoạt động sôi nổi, hiệu quả và sẽ là thành quả để truyền lại cho thế hệ sau", Phó Chủ tịch thị trấn, ông Hidaka nhấn mạnh.

Trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc được kết hợp làm nơi buôn bán nông sản của nông dân địa phương. Ảnh: Tùng Đinh.

Trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc được kết hợp làm nơi buôn bán nông sản của nông dân địa phương. Ảnh: Tùng Đinh.

Nhiều chính sách hỗ trợ nông nghiệp

Trước những vấn đề chung của nông nghiệp Nhật Bản cũng như khó khăn riêng của Ohnan, Phó Chủ tịch Hidaka cho biết hiện nay, thị trấn tập trung vào thu hút các doanh nghiệp nông nghiệp đến đầu tư, song song đó là cải tạo, chỉnh trang lại ruộng đồng để những công ty này có thể đưa máy móc hiện đại vào sản xuất.

Ngoài ra, với những hộ nông dân truyền thống, chính quyền cũng vận động cùng phát triển nông nghiệp cộng đồng để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng và có pháp nhân để dễ dàng hơn trong khâu đầu ra cho sản phẩm.

Với vấn đề dân số già, nhiều người cao tuổi làm nông nghiệp, Ohnan dần chuyển đổi từ trồng lúa nước truyền thống sang các loại nông sản có tính chất làm vườn, yêu cầu ít sức lao động hơn. Ví dụ như cà chua, dâu, hành trắng, cà rốt, nho... - đây là những loài cho thu hoạch nhanh, ít công chăm sóc và có thể canh tác trong nhà màng, nhà lưới.

Về tổng thể, chính quyền thị trấn miền núi này mong muốn đảm bảo được thu nhập cho người làm nông, thông qua các chính sách nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh nông sản cũng như chuyển đổi đối tượng canh tác như đã nêu ở trên.

Các thành viên đội hỗ trợ nông nghiệp Aguzaku đang được hướng dẫn cách chăm sóc nho. Ảnh: Tùng Đinh.

Các thành viên đội hỗ trợ nông nghiệp Aguzaku đang được hướng dẫn cách chăm sóc nho. Ảnh: Tùng Đinh.

Một trong những chính sách nổi bật nữa của Ohnan trong giải quyết vấn đề nông nghiệp là thành lập các đội hỗ trợ nông nghiệp, gọi là Aguzaku, kêu gọi những người trẻ từ thành thị đến học tập, thực hành về nông nghiệp và trở thành những thế hệ nông dân mới với những chính sách hấp dẫn.

Theo đó, những công dân thành thị từ 20-50 tuổi sẽ được mời đến Ohnan để học tập và thực hành nông nghiệp. Trong năm đầu tiên, họ sẽ được đào tạo tại trường Đại học Nông lâm Shimane và 2 năm sau sẽ tham gia các khóa dạy trồng nho hoặc rau củ, tùy lựa chọn của mỗi người.

Trong 3 năm này, mỗi tháng các thành viên của Aguzaku sẽ được nhận một khoản hỗ trợ trị giá 233.000 yên. Theo thống kê của thị trấn, hiện nay đang có 12 thành viên của Aguzaku đang trong quá trình đào tạo với 9 người học trồng nho và 3 người còn lại trồng rau củ.

Sau 3 năm đào tạo, những thành viên này sẽ được khuyến khích ở lại Ohnan để tiếp tục làm nông nghiệp, nếu định cư hoặc lập gia đình ở đây nữa thì càng tốt.

Để hỗ trợ họ, chính quyền xây dựng hệ thống nhà kính quy mô để cho thuê. Điều này giúp các cựu thành viên của Aguzaku có thể giảm được đáng kể chi phí đầu tư ban đầu nhưng vẫn có công cụ để sản xuất, giúp sớm có thu nhập từ nông nghiệp và ổn định kinh tế.

Những khu nhà kính, nhà màng để đào tạo và cho thuê nhằm thu hút người thành thị về Ohnan làm nông nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh.

Những khu nhà kính, nhà màng để đào tạo và cho thuê nhằm thu hút người thành thị về Ohnan làm nông nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh.

Nhằm kích hoạt sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu ruộng đồng bỏ hoang, Ohnan xây dựng những chợ bán nông sản trực tiếp từ nông dân đến khách hàng, đẩy mạnh phong trào tự sản tự tiêu ở nông thôn.

Điển hình là chợ nông sản được bố trí trên trạm dừng nghỉ của đường cao tốc đi qua thị trấn, được khai trương từ năm 2003 và do Hội doanh nghiệp chợ Mizuho vận hành.

Với diện tích mặt bằng hơn 300m2, đây là nơi các nông dân trong vùng tự đem nông sản đến, tự định giá và tự bày lên kệ để bán. Sau khi khách mua hàng, 15% doanh thu sẽ được trích lại cho cơ sở làm chi phí vận hành, 85% còn lại thuộc về nông dân. Thống kê cho thấy, doanh thu hằng năm của chợ nông sản này lên đến gần 300 triệu yên.

Do là nơi bán hàng trực tiếp của nông dân nên các sản phẩm ở đây rất tươi ngon với đặc trưng là nhiều loại, có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ đa dạng của người dân trong khu vực lẫn khách vãng lai.

Hiện nay, khu chợ này đang được lên kế hoạch nâng cấp, mở rộng và dự kiến sẽ khai trương vào năm 2025.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.