Diện tích ngô đang bị thu hẹp
Ở Việt Nam, ngô là cây lương thực có vị trí đặc biệt quan trọng trong cơ cấu sản xuất trồng trọt, có diện tích lớn đứng thứ 2 sau cây lúa. Trong thời gian qua, sản xuất ngô trong nước đã đạt được những thành tựu khá nổi bật, nhất là trong nghiên cứu chọn tạo giống ngô lai, các biện pháp kỹ thuật canh tác, thời vụ, công nghệ và thị trường.
Tuy nhiên, cây ngô được trồng chủ yếu trên diện tích thiếu nước, nghèo dinh dưỡng, vùng núi, vùng khó khăn, quy mô sản xuất ngô của nước ta vẫn còn phân tán, nhỏ lẻ; công nghệ sau thu hoạch chưa được quan tâm, diện tích áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất ngô vẫn còn rất thấp, sử dụng phân bón thiếu khoa học gây lãng phí là nguyên nhân làm giảm hiệu quả của sản xuất ngô. Ngoài ra, sản lượng ngô trong nước hiện chưa đáp ứng đủ nhu cầu nội địa, hằng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn ngô hạt về làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi.
Dẫn thống kê từ năm 2015 - 2023, TS Đinh Công Chính cho biết diện tích ngô giảm từ gần 1,2 triệu ha xuống 884.000ha, năng suất năm 2015 đạt 44,8 tạ/ha, đến năm 2023 mới chỉ tăng lên 50,2 tạ/ha.
“Năng suất ngô trung bình vẫn chưa được cải thiện đáng kể! Đây là những con số cần phải thảo luận để có cách làm tối ưu hơn. Ngô chuyển đổi gen rất tốt, vậy làm thế nào để ứng dụng rộng rãi để cải thiện năng suất”, đại diện Cục Trồng trọt đánh giá.
Giống ngô GMO cho năng suất cao ở những vụ, vùng chịu áp lực cao về sâu hại
Tính đến hết ngày 30/9/2024, Bộ NN-PTNT (Cục Trồng trọt) đã công nhận tổng số 31 giống ngô biến đổi gen (GMO), bao gồm: 30 giống ngô GMO tạo ra từ giống nền được công nhận theo Thông tư 29 Quy định về các biện pháp lâm sinh và 1 giống ngô GMO được công nhận theo Luật Trồng trọt và Nghị định 94 hướng dẫn Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác.
Ngay sau khi được công nhận, đa số các doanh nghiệp đã chủ động phối hợp với Sở NN-PTNT, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, vùng trồng ngô trọng điểm để xây dựng mô hình trình diễn các giống ngô GMO.
Trước khi xây dựng mô hình, các đơn vị đã tổ chức tập huấn, tư vấn kỹ thuật gieo trồng giống ngô GMO ở hầu hết các điểm xây dựng mô hình trình diễn, tổ chức hội thảo, tham quan đánh giá và tổng kết mô hình.
Theo báo cáo của các công ty, trong 10 năm qua (từ năm 2015, khi có giống ngô GMO đầu tiên được công nhận đến hết ngày 30/9/2024), tổng lượng hạt giống ngô GMO nhập khẩu là 13.256/72.141 tấn (chiếm 22,5% tổng lượng giống nhập khẩu), tương đương 662 nghìn ha diện tích gieo trồng (không tính lượng giống ngô GMO các đơn vị sản xuất trong nước không báo cáo Cục).
Các giống ngô GMO nhập khẩu đều mang gen kháng sâu hại bộ cánh vảy (sâu đục thân, đục bắp, đục cờ) được gieo trồng tại các vùng sinh thái được công nhận.
TS Đinh Công Chính dẫn đánh giá sơ bộ của các địa phương, các giống sinh trưởng phát triển khỏe và phù hợp với cơ cấu mùa vụ tại các vùng trồng ngô nước ta do giống ngô GMO tương đồng so với giống nền ở các tính trạng hình thái đặc trưng.
Đối với vụ, vùng trồng ngô chịu áp lực cao về sâu hại bộ cánh vảy, sử dụng giống ngô GMO thể hiện khả năng kháng sâu với các nhóm sâu bệnh mà giống được chuyển gen kháng.
Ngược lại, đối với vụ, vùng trồng ngô không chịu áp lực cao về sâu đục thân, sử dụng giống ngô GMO không thể hiện rõ khả năng kháng sâu hại bộ cánh vảy. Hiệu quả kinh tế mang lại không rõ ràng với giống truyền thống.
Về năng suất, chất lượng cho thấy giống ngô GMO cho năng suất trung bình cao hơn so với giống truyền thống ở những vụ, vùng chịu áp lực cao về sâu hại; chất lượng hạt thương phẩm cũng tốt hơn so với giống truyền thống do hạt không bị hại bởi sâu đục thân và nấm bệnh.
Đánh giá vùng sâu hại để xây dựng giống ngô GMO hiệu quả nhất
Cục Trồng trọt xác định ngô (ngô lấy hạt các loại, ngô sinh khối, ngô rau) là đối tượng cây trồng quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, với ngô GMO cần có những đánh giá chuyên sâu, bài bản, hệ thống và lâu dài.
Ở thời điểm trước mắt, đại diện Cục Trồng trọt đề xuất các đơn vị cung ứng giống cần phối hợp chặt chẽ với Sở NN-PTNT các tỉnh để có thông tin cụ thể về vùng quy hoạch, vùng sản xuất ngô tập trung, chuyên canh quy mô lớn tại địa phương để lập kế hoạch phát triển trung và dài hạn.
Tổ chức đánh giá thật chi tiết vùng, thời vụ và chân đất chịu áp lực cao về sâu hại và ngược lại để xây dựng kế hoạch phát triển ngô GMO đạt hiệu quả cao nhất. Cần tiếp tục hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác cụ thể cho từng giống, cho từng thời vụ, vùng sinh thái và chân đất chịu áp lực cao về sâu đục thân, cỏ dại.
Ông Chính cũng cho rằng, trong thời gian tới, cần tập trung xây dựng và ban hành Kế hoạch quản lý tính kháng chi tiết cho các sự kiện chuyển gen.