Yên tâm về thủ tục pháp lý
Sau nhiều ngày tham gia các buổi đào tạo, tập huấn của Chi cục Kiểm lâm, cũng như hoàn thành việc kiểm kê, khai báo hiện trạng rừng trên hệ thống iTwood, ông Mễ Văn Giáo ở xã Đại Đồng, huyện Yên Bình đã trở thành một trong những chủ rừng hộ gia đình đầu tiên được cấp mã số vùng trồng rừng tại tỉnh Yên Bái.
“Tôi vui lắm, từ nay có thể yên tâm hoàn toàn về các thủ tục pháp lý liên quan đến gỗ”, ông tâm sự và nói thêm rằng, sau khi lô rừng trồng keo, bồ đề được cấp mã, ông sẽ đăng ký cấp mã cho những lô rừng còn lại của gia đình, nằm rải rác trên địa phận huyện Yên Bình.
Trước khi những cánh rừng được “đặt tên” (như cách nói của ông), việc theo dõi, cập nhật được ông làm hoàn toàn thủ công. Do rừng trồng khoảng trên dưới 6 năm mới tới chu kỳ khai thác nên vài năm một lần, ông lại bàn với mấy người con đi xuyên rừng để ghi chép, trước khi làm các thủ tục xuất bán.
Giờ thì mọi chuyện đơn giản hơn nhiều. Ông Giáo có thể đi chơi Hà Nội cả tháng mà vẫn nắm được lô rừng của mình sắp đến tuổi khai thác hay chưa. Đôi mắt nhăn nheo ở tuổi thất thập cổ lai hy ánh lên niềm sung sướng.
Cách nhà ông Giáo khoảng 30km, ông Nguyễn Văn Bùi ở xã Tân Hương cũng hưởng niềm vui chung. Từng trăn trở vì nhận nhiều rừng nhưng các lô lại phân thành nhiều mảnh nhỏ, nên khi nghe được thông tin có cán bộ Trung ương về cmấp ã số vùng trồng rừng, ông hồ hởi đi ngay.
“Mấy năm qua, Yên Bái đẩy mạnh phát triển rừng và có nhiều chương trình tuyên truyền, phổ biến chính sách, hỗ trợ người dân. Tôi tin là nếu áp dụng được, kiểu gì gỗ rừng trồng có mã số cũng được giá”, ông Bùi chia sẻ.
Ngoài Đại Đồng, Tân Hương, huyện Yên Bình còn 2 xã khác là Phú Thịnh và Thịnh Hưng cũng nằm trong chương trình thí điểm cấp mã số vùng trồng rừng do Cục Lâm nghiệp phối hợp Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái và Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam tổ chức thực hiện theo Quyết định 2260 của Bộ NN-PTNT về việc ban hành tài liệu hướng dẫn tạm thời cấp và quản lý mã số vùng trồng rừng nguyên liệu.
Theo đó, quá trình triển khai thí điểm cấp mã số vùng trồng rừng được thực hiện trong thời gian 24 tháng trên địa bàn 5 tỉnh, trong đó có Yên Bái. Trải qua hơn 4 tháng thực hiện, đến nay chương trình đã xây dựng được nền tảng cơ sở dữ liệu về vùng trồng rừng, với tổng diện tích rừng đăng ký cấp mã số là trên 16.000ha; trong đó diện tích được xác minh và cấp mã số vùng trồng là 3.350ha.
Với riêng Yên Bái, diện tích rừng đăng ký cấp mã số vùng trồng đến nay đạt trên 600ha. Trong đó, diện tích được xác minh và cấp mã số vùng trồng rừng là 304ha, cùng 321 mã đã được cấp. Mã số vùng trồng rừng được cấp cho các loài cây trồng chủ yếu như quế, keo lai, keo tai tượng, bạch đàn, bồ đề…Đây cũng là các loài cây trồng chính trên địa bàn tỉnh.
Ông Kiều Tư Giang, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Yên Bái coi việc cấp mã số giúp người trồng rừng được “công khai, minh bạch” thông tin. Sau nhiều cuộc họp thống nhất với địa phương, Chi cục đã phối hợp tổ chức 3 lớp tập huấn ứng dụng hệ thống iTwood cho cán bộ thuộc chi cục, các hạt kiểm lâm, các kiểm lâm địa bàn, UBND các xã thí điểm và hội nông dân.
Xác định cấp mã số vùng trồng rừng là vì lợi ích của người dân, góp phần đảm bảo, nâng cao tính hợp pháp của gỗ theo chuỗi cung, nên Chi cục Kiểm lâm Yên Bái đã cử nhiều đợt tuyên truyền, hướng dẫn chủ rừng là hộ gia đình đăng ký mở tài khoản trên hệ thống iTwood.
"Khoảng 45% rừng tại Yên Bái là do UBND cấp xã quản lý. Việc cấp mã số vùng trồng rừng là điều hết sức cấp thiết, bởi giúp người dân phát triển các vùng sản xuất lâm nghiệp chuyên canh, tập trung, đồng thời hình thành chuỗi liên kết giữa hộ gia đình trồng rừng với doanh nghiệp”, ông Giang bày tỏ.
Minh bạch thông tin về nguồn gốc gỗ
Thống kê của Cục Lâm nghiệp cho thấy, cả nước hiện có khoảng 4 triệu ha rừng trồng, cung cấp từ 35 - 40 triệu m3 gỗ mỗi năm. Đây là nguồn nguyên liệu quan trọng cho ngành sản xuất, chế biến gỗ.
“Cấp mã số vùng trồng rừng là một nhiệm vụ quan trọng của ngành lâm nghiệp, là bước đi có tính chiến lược trong giai đoạn hiện nay nhằm minh bạch hóa thông tin về nơi trồng rừng, góp phần đáp ứng các yêu cầu truy xuất nguồn gốc gỗ, đặc biệt khi Việt Nam chúng ta tham gia sâu rộng vào chuỗi cung gỗ và sản phẩm gỗ toàn cầu”, ông Nguyễn Tuấn Hưng, Trưởng phòng Chế biến và Thương mại lâm sản, Cục Lâm nghiệp, đánh giá.
Chia sẻ thêm về mục đích cấp mã số vùng trồng rừng, ông Hưng đặt mục tiêu cấp mã số cho khoảng 25.000ha rừng nguyên liệu. Đối tượng áp dụng là toàn bộ chủ rừng theo quy định tại Điều 8 Luật Lâm nghiệp, cũng như các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo tài liệu do Cục Lâm nghiệp xây dựng, việc cấp mã số vùng trồng rừng nguyên liệu được giao cho Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh. Nhiệm vụ quản lý mã số vùng trồng thuộc thẩm quyền của cơ quan cấp mã số. Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm sẽ phối hợp chính quyền địa phương, người dân cùng các tổ chức liên quan kiểm tra, giám sát việc sử dụng mã số. Đồng thời, lập sổ theo dõi việc cấp mã số, lưu trữ hồ sơ cấp mã để sử dụng lâu dài phục vụ công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc gỗ và lâm sản.
"Mã số vùng trồng rừng là những viên gạch đầu tiên trong việc số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về tài nguyên rừng tại địa phương, phục vụ công tác xác định vị trí lô rừng (tiểu khu, khoảnh, lô rừng, tọa độ trung tâm của lô trồng rừng) gắn với chủ rừng và quyền sử dụng đất của họ", ông Hưng nhấn mạnh.
Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Lâm nghiệp (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam), cơ quan xây dựng hệ thống iTwood phục vụ cấp mã số vùng trồng rừng thông tin, mã số vùng trồng rừng nguyên liệu có kết cấu dưới dạng ký tự: FAC.84.AA.YYYY-XXXXXX.
Trong đó, FAC là ký hiệu nhận biết không thay đổi, được viết tắt từ cụm từ “Forest Area Code” - mã số vùng trồng rừng nguyên liệu được cấp. 84 là mã quốc gia Việt Nam. Các ký hiệu kế tiếp lần lượt là: AA - Mã địa phương theo quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BCA ngày 01/02/2016 của Bộ Công an; YYYY - Năm cấp mã số vùng trồng rừng nguyên liệu; XXXXXX - Số thứ tự hồ sơ cấp mã vùng trồng nguyên liệu của cơ quan cấp mã số cho vùng trồng.
Ví dụ, một mã số vùng trồng rừng là FAC.84.08.2024-000001. Có thể hiểu, đây là mã số được cấp cho vùng rừng thuộc tỉnh Tuyên Quang vào năm 2024, với số thứ tự hồ sơ cấp mã số là 000001.
Ông Hoàng Liên Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Lâm nghiệp cho biết, hiện có 3 bước để 1 tổ chức, cá nhân được cấp mã. Bước đầu tiên là chủ rừng cung cấp thông tin, bao gồm thông tin về chủ rừng, thông tin về quyền sử dụng đất (có xác nhận của UBND cấp xã), thông tin về vị trí vùng trồng, thông tin về hiện trạng rừng.
Cơ quan cấp mã số (Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh) sẽ thực hiện kiểm tra kết quả đồng bộ và xác minh thông tin được cung cấp và gắn với cơ sở dữ liệu, bổ sung tọa độ trung tâm (XY), tọa độ ranh giới của vùng trồng rừng gắn với quyền sử dụng đất của chủ rừng được thực hiện bởi các Hạt kiểm lâm cấp huyện. Kế đó, là hoàn thiện biên bản kiểm tra xác minh thông tin vùng trồng rừng nguyên liệu đăng ký cấp mã với sự tham gia của chủ rừng, UBND cấp xã, kiểm lâm địa bạn và Hạt kiểm lâm cấp huyện. Sau khi hoàn thiện đủ hồ sơ, thông tin, Chi cục Kiểm lâm sẽ cấp mã số vùng trồng.
Song song với quá trình cấp mã số, cơ chế hủy bỏ mã số vùng trồng rừng nguyên liệu cũng được thực hiện với những lý do, gồm: Theo yêu cầu của chủ rừng khi thực hiện khai thác lô rừng; Theo đề nghị của chủ rừng khi lô rừng bị thiên tai, sâu bệnh; Phát hiện mã số bị mạo danh hoặc không đáp ứng yêu cầu tại thời điểm kiểm tra.