| Hotline: 0983.970.780

Gỡ nút thắt cho chuỗi cung ngành gỗ

Thứ Hai 18/11/2024 , 06:00 (GMT+7)

Bên cạnh minh bạch và đảm bảo trách nhiệm giải trình, mã số vùng trồng rừng còn là đầu vào quan trọng để thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng.

TS Hoàng Liên Sơn tập huấn cho người dân sử dụng hệ thống iTwood để cấp mã số vùng trồng rừng. Ảnh: Bảo Thắng.

TS Hoàng Liên Sơn tập huấn cho người dân sử dụng hệ thống iTwood để cấp mã số vùng trồng rừng. Ảnh: Bảo Thắng.

Đảm bảo tính hợp pháp

Yêu cầu về nguồn gốc gỗ hợp pháp của các sản phẩm gỗ là một trong những yêu cầu quan trọng nhất từ 2 thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Hoa Kỳ và EU. Đây được xem là yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu Forest Trends do ông Tô Xuân Phúc dẫn đầu, nguyên liệu gỗ tại Việt Nam có nguồn gốc từ: Gỗ rừng trồng trong nước (keo, bạch đàn, mỡ); Gỗ từ vườn tạp trong nước; Gỗ rừng trồng nhập khẩu (thông, tần bì, bạch đàn, keo) và Gỗ rừng tự nhiên nhập khẩu (lim, hương, dầu, căm xe).

“Chuỗi cung vẫn tồn tại gỗ nguyên liệu có nguồn gốc không rõ ràng, có nguy cơ cao vi phạm pháp luật về khai thác, do đó khó có khả năng đáp ứng được các yêu cầu về tính hợp pháp của gỗ từ các thị trường xuất khẩu chính”, ông Phúc nói và lấy ví dụ về gỗ cao su được khai thác từ các cánh rừng cao su hết tuổi khai thác mủ đang được sử dụng tương đối phổ biến trong sản phẩm xuất khẩu.

Vị chuyên gia về gỗ nhìn nhận, nhiều sản phẩm gỗ thuộc nhóm nội thất phòng ngủ, nội thất văn phòng, nhà bếp và bộ phận đồ gỗ được xuất khẩu sang EU được chế biến từ những diện tích trước kia là rừng được chuyển đổi sang trồng cao su. Khi sử dụng nguồn gỗ này, doanh nghiệp không những gặp thách thức về truy xuất nguồn gốc mà còn vấp phải khó khăn về minh bạch và trách nhiệm giải trình thông tin, đặc biệt là yêu cầu về việc nêu rõ tên gỗ đối với tất cả các loại gỗ sử dụng trong sản phẩm xuất khẩu.

Một yếu tố nữa được ông Phúc chỉ ra, là bằng chứng liên quan đến tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu, bao gồm tên gỗ, hóa đơn chứng từ thương mại. Một số quốc gia còn yêu cầu những bằng chứng khác như bảng kê lâm sản, hóa đơn mua bán gỗ nguyên liệu hay giấy phép khai thác gỗ. Qua đánh gá, nhóm Forest Trends nhận thấy, khả năng đáp ứng của doanh nghiệp về việc xuất trình bằng chứng liên quan có độ chênh đáng kể với yêu cầu của thị trường.

TS Hoàng Liên Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế lâm nghiệp (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam - VAFS) cho biết, lâu nay ngành gỗ vẫn trăn trở với việc phân định giữa “hợp pháp” và “tính hợp pháp” đối với nguồn gốc gỗ nguyên liệu.

Cụ thể, hợp pháp là việc hợp lý hóa về nguồn gốc gỗ trên hồ sơ, giấy tờ. Theo Nghị định 102/2020/NĐ-CP, gỗ hợp pháp là gỗ, sản phẩm gỗ được khai thác, nhập khẩu, xử lý tịch thu, vận chuyển, mua bán, chế biến, xuất khẩu phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, các quy định liên quan của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và pháp luật có liên quan của quốc gia nơi khai thác gỗ xuất khẩu vào Việt Nam.

Hình ảnh quy hoạch các vùng rừng trồng thực tế tại Công ty TNHH Lâm nghiệp Yên Sơn, Tuyên Quang. Ảnh: Bảo Thắng.

Hình ảnh quy hoạch các vùng rừng trồng thực tế tại Công ty TNHH Lâm nghiệp Yên Sơn, Tuyên Quang. Ảnh: Bảo Thắng.

Nghị định 120/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 102 đã bỏ gỗ xử lý tịch thu khỏi danh mục gỗ hợp pháp. Ông Sơn cho rằng, điều này đã giảm được rủi ro đáng kể liên quan tới nguồn gốc gỗ, nhất là với gỗ nguyên liệu khi tham gia chuỗi cung và xuất khẩu ra nước ngoài.

Tuy nhiên, đại diện VAFS cho rằng giải quyết vấn đề “hợp pháp” mới là phần ngọn. Muốn nguồn cung gỗ thật sự ổn định, bền vững, “tính hợp pháp” của gỗ cần được ưu tiên.

Tính hợp pháp, theo ông Sơn, là một thuộc tính của gỗ, nghĩa là ngay từ lúc chuẩn bị nguyên liệu đầu vào (giống, đất trồng, các biện pháp lâm sinh…) đều phải đúng quy định. Song hành với đó là việc cung cấp các bằng chứng liên quan để minh bạch, đảm bảo trách nhiệm giải trình và truy xuất nguồn gốc tới tận vùng trồng.

Công nghệ QR code động của hệ thống iTwood giải quyết được những vấn đề này. Từng khâu trong chuỗi cung, bao gồm sản xuất, thu hoạch, chế biến, thương mại hóa… đều có một QR code để người tiêu dùng và cơ quan quản lý nắm rõ thông tin. Nói một cách khác, khi gỗ đảm bảo được “tính hợp pháp”, hay hợp pháp là một thuộc tính của gỗ, thì những rủi ro sẽ tự khắc được giải quyết.

Đầu vào quan trọng cho nhiều quy trình

Từ trước đến nay, Nghị định 102 (hay hiện tại là Nghị định 120) là căn cứ pháp lý để doanh nghiệp Việt thực hiện trách nhiệm giải trình. Đây được xem là "giấy thông hành" cho gỗ Việt đi đến thị trường Hoa Kỳ, EU... Dù vậy, khi thực hiện thu mua gỗ nguyên liệu, nhiều nơi vẫn sử dụng hồ sơ, giấy tờ thay vì chuyển đổi số trong quản lý truy xuất nguồn gốc gỗ.

Thực hiện chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị, hướng tới một nền lâm nghiệp bền vững và trở thành ngành kinh tế kỹ thuật có giá trị gia tăng cao, Cục Lâm nghiệp đã hướng dẫn địa phương và doanh nghiệp gỡ các nút thắt liên quan đến tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu, trong đó có việc cấp mã số vùng trồng rừng.

“Truy xuất là mệnh lệnh của thị trường, bắt buộc mọi thành phần tham gia trong chuỗi cung phải đáp ứng”, TS Hoàng Liên Sơn nhận xét. So sánh với mã số vùng trồng trong xuất khẩu nông sản, ông thấy có nhiều điểm chung, đặc biệt là việc minh bạch hóa thông tin, tiến tới đảm bảo, nâng cao chất lượng cho nguồn nguyên liệu gỗ.

Cấp mã số vùng trồng rừng sẽ góp phần tăng đáng kể giá trị cho ngành lâm nghiệp. Ảnh: Hồng Lượng.

Cấp mã số vùng trồng rừng sẽ góp phần tăng đáng kể giá trị cho ngành lâm nghiệp. Ảnh: Hồng Lượng.

Dựa trên hệ thống iTwood, doanh nghiệp gỗ thu thập và lưu trữ hồ sơ hợp pháp của gỗ từ những nhà cung cấp tuyến trên (chủ rừng, nhà xuất khẩu gỗ...) đến quy trình sản xuất ra thành phẩm. Tất cả thông tin về nguồn gốc và tính hợp pháp của gỗ sẽ được thể hiện qua mã số vùng trồng. Thông qua thao tác đơn giản là quét QR code, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí, thời gian, và nhân lực cho công tác lưu trữ, chứng minh và xác minh nguồn gốc gỗ.

Lâu dài hơn, mã số vùng trồng rừng sẽ là đầu vào quan trọng cho các hoạt động như cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, chi trả dịch vụ môi trường rừng, hoặc thích ứng với những quy định khắt khe của quốc tế như EUDR (Quy định không gây mất rừng của EU).

Chẳng hạn như tiền dịch vụ môi trường rừng, hiện nay Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam đều chuyển về quỹ địa phương để thực hiện chi trả. Trong hơn 10 năm qua, tổng số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đạt hơn 25.000 tỷ đồng. Diện tích rừng nhận tiền dịch vụ môi trường rừng liên tục tăng qua các năm (hiện hơn 7 triệu ha), kéo theo đà tăng của số tiền tổng. Tuy nhiên, việc chi trả khá mất thời gian do đối chiếu giấy tờ và thời gian đi lại tới vùng sâu, vùng xa.

“Nếu phần diện tích của mỗi chủ rừng được minh bạch hóa theo mã số vùng trồng, người dân sẽ chủ động hơn trong việc nhận hỗ trợ. Việc chi trả một cách minh bạch cũng khuyến khích bà con tham gia nhiều hơn vào công tác quản lý, bảo vệ rừng”, Giám đốc Hoàng Liên Sơn phân tích.

TS Hà Công Tuấn, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và PTNT, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT nhận xét, Việt Nam còn khoảng 1 triệu ha đất quy hoạch lâm nghiệp dành cho việc khoanh nuôi tái sinh rừng. Dư địa trồng mới của nước ta không nhiều, do trong 1 triệu ha này có hơn 300.000ha là núi đá và rất nhiều đất ngập nước.

“Theo quy hoạch lâm nghiệp quốc gia vừa ban hành, diện tích rừng Việt Nam cơ bản ổn định, đảm bảo tỷ lệ che phủ từ 42 - 43%. Do đó, số hóa công tác quản lý là nhiệm vụ cần thiết và khả thi lúc này”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Những công nghệ 'chia lửa' cho lực lượng giữ rừng

Rừng đầu nguồn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai. Việc ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng đầu nguồn giúp nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.