Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 3] Đóng góp thầm lặng từ những mô hình nông lâm kết hợp

Bảo Thắng - Thứ Năm, 21/11/2024 , 08:15 (GMT+7)

Bên cạnh việc góp phần chuyển đổi hệ thống thực phẩm, đảm bảo sinh kế cho người dân, nông lâm kết hợp còn có ý nghĩa quan trọng trong mục tiêu trung hòa carbon.

Cán bộ kiểm lâm tỉnh Yên Bái cùng người dân và các lực lượng chức năng trên địa bàn trồng rừng. Ảnh: Bảo Thắng.

Đa giá trị trên một diện tích

Bài liên quan

Để tính toán lượng giảm phát thải từ hệ sinh thái rừng, 2 bể carbon chính thường được cơ quan chuyên môn xem xét tính toán là carbon trong sinh khối, cả trên mặt đất và dưới mặt đất, của cây gỗ sống. Theo tính toán, tỷ lệ carbon trong 2 bể này chiếm hơn 90% tổng lượng carbon của hệ sinh thái rừng và là bể chứa biến động lớn do tác động của con người.

Trên cơ sở đó, Cục Lâm nghiệp đề ra nhiều biện pháp giảm phát thải, trong đó có bảo vệ, phục hồi rừng, nâng cao năng suất, chất lượng rừng. Ngoài ra, còn là nhân rộng những mô hình nông lâm kết hợp để tăng trữ lượng carbon và bảo tồn đất.

Ông Phạm Hồng Lượng, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, giai đoạn từ năm 2010 trở về trước, lĩnh vực lâm nghiệp từng phát thải ròng, lúc cao điểm lên tới gần 15 triệu tấn CO2e mỗi năm. Bên cạnh nguyên nhân về số vụ phá rừng tăng, còn là vấn đề chưa khai thác có hiệu quả việc trồng xen các loại cây công nghiệp và nông nghiệp.

Lấy ví dụ về cây cà phê, ông Lượng đánh giá, mô hình trồng cà phê nông lâm kết hợp sẽ tạo ra môi trường sống phong phú cho nhiều loài động thực vật, góp phần duy trì cân bằng sinh thái, giảm thiểu sự xâm nhập của các loài gây hại. Không chỉ có vậy, các loại cây trong hệ thống nông lâm kết hợp còn giúp cản nước mưa, hạn chế xói mòn đất, duy trì mức độ mùn và chất dinh dưỡng trong đất, thúc đẩy chu trình tuần hoàn của các nguyên tố vi lượng.

Mật độ cây xanh nhiều khi thực thi nông lâm kết hợp cũng giúp điều tiết nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng cho cà phê, giảm sự bay hơi của nước và khí nhà kính. “Cà phê trồng theo nông lâm kết hợp sẽ hấp thụ nhiều CO2 hơn so với cà phê độc canh, chuyên canh truyền thống”, ông Lượng nói và lý giải rằng, nguyên nhân nằm ở cả cây cà phê lẫn cây che bóng đều hấp thụ CO2 từ khí quyển.

Đẩy mạnh nông lâm kết hợp còn tạo động lực để người nông dân sử dụng những biện pháp thân thiện với môi trường như sử dụng phân bón hữu cơ, chế biến rác thải, vỏ cà phê... thành chế phẩm sinh học bón trở lại cho cây cà phê giúp duy trì và cải thiện chất lượng đất vùng trồng. Vì thế, việc trồng cà phê nông lâm kết hợp có thể giúp giảm thiểu tác động môi trường rộng lớn hơn, trung hòa carbon hoặc phát thải âm.

Dù có nhiều ưu điểm vượt trội, mô hình nông lâm kết hợp vẫn tồn tại một số hạn chế như xảy ra tình trạng tranh chấp giữa cây cà phê và cây trồng xen, hoặc năng suất cà phê sụt giảm vì bị tán cây lâu năm che phủ…

Tổ chức CIFOR-ICRAF hướng dẫn, đào tạo, tập huấn cho người dân Sơn La về mô hình nông lâm kết hợp. Ảnh: Bảo Thắng.

Bộ NN-PTNT đang gấp rút xây dựng Tiêu chuẩn carbon rừng Việt Nam để áp dụng cho thị trường carbon trong nước. Căn cứ thông lệ quốc tế, mỗi tiêu chuẩn carbon thường bao gồm 6 nội dung chính: (i) Biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; (ii) Phạm vi không gian, giai đoạn tham chiếu, giai đoạn tín chỉ; (iii) Phương pháp đo đạc, tính toán, báo cáo phát thải và hấp thụ carbon trong giai đoạn tham thiếu và giai đoạn thực hiện, xác định tính bổ sung; (iv) Xác định nguy cơ rò rỉ và dịch chuyển phát thải, đảo nghịch phát thải; (v) Đảm bảo an toàn môi trường và xã hội; (vi) Xác minh, thẩm định và cấp tín chỉ.

Để tạo thành công tín chỉ carbon có thể giao dịch được với quốc tế, các chi phí tương đối nhiều như: (i) Chi phí thực hiện các biện pháp giảm nhẹ; (ii) Chi phí xây dựng ý tưởng, và tài liệu chi tiết; (iii) Chi phí đo đạc, báo cáo, thẩm định; (iv) Chi phí cấp tín chỉ và các chi phí khác (mở và duy trì tài khoản đăng ký…). Rắc rối và vẫn chờ thêm khung pháp lý hoàn thiện, nên Phó Cục trưởng Phạm Hồng Lượng cho rằng, ở cấp nông hộ người dân nên tập trung vào những biện pháp đơn giản như nông lâm kết hợp, để chủ động tự trung hòa lượng phát thải.

“Sản xuất nông nghiệp sẽ đi kèm với phát thải. Vì thế, ngay từ cấp nông hộ, bà con nên hình thành phương án trồng thêm cây xanh để tăng lượng hấp thụ carbon”, ông Lượng chia sẻ.

Chênh lệch rõ rệt về trữ lượng carbon giữa các loại rừng

TS Hà Công Tuấn, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và PTNT nhớ lại, giai đoạn 2010 - 2020, lĩnh vực lâm nghiệp có bước “đột phá” về giảm phát thải. Từ chỗ phát thải 15 triệu tấn CO2e, ngành giữ lượng hấp thụ ổn định ở mức 40 triệu tấn CO2e.

“Việt Nam đã bảo vệ rừng tương đối tốt, tình trạng xâm hại rừng không còn nhiều như trước. Nhưng cũng chính vì vậy, nếu không nâng cao chất lượng rừng, khả năng hấp thụ sẽ giữ nguyên vì quỹ đất cho rừng khoanh nuôi tái sinh hiện không còn”, ông phân tích và cho biết thêm, rằng khoảng 80% diện tích rừng được trồng hằng năm là rừng trồng phục vụ khai thác và tái canh.

Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (VFCO) đã tiến hành đo đạc trữ lượng carbon đối với một số kiểu rừng chính tại Việt Nam và nhận thấy sự chênh lệch khá lớn. Cụ thể, với rừng giàu, lượng carbon hấp thụ từ 123 - 206 tấn carbon/ha, trong khi rừng trung bình giảm còn 100 - 155 tấn carbon/ha, rừng nghèo chỉ còn 84 - 123 tấn carbon/ha, rừng phục hồi chỉ là 66 - 106 tấn carbon/ha.

Trữ lượng carbon của rừng tự nhiên phục hồi thấp nhất, chỉ đạt 19 - 35 tấn carbon/ha. "Điều này đặt ra nhiệm vụ cho chúng ta, là phải cố gắng giữ rừng, bảo vệ và làm giàu cho rừng tốt nhất có thể. Nếu để bị xâm hại, trữ lượng carbon sẽ mất nhiều thời gian trở về mức cũ”, Giám đốc VFCO Vũ Tấn Phương nhấn mạnh.

Cũng theo ông Phương, để nâng hạng rừng từ nghèo lên trung bình cần hàng chục năm. Thời gian để trở lại rừng giàu còn lâu hơn nữa.

Nhiều mô hình nông lâm kết hợp được xây dựng trên cây cà phê. Ảnh: TL.

Dựa trên hiện trạng rừng toàn quốc được Cục Lâm nghiệp công bố, diện tích rừng có trữ lượng carbon thấp và trung bình thấp chiếm tỷ lệ nhiều nhất trên cả nước, nhưng có xu thế tăng trong những năm gần đây. Ngược lại, diện tích có trữ lượng carbon cao (tập trung chính ở Tây Nguyên và Nam Trung bộ) lại có xu thế giảm trước áp lực phá rừng và suy thoái rừng.

Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu này, ông Lương Quang Huy, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, mục tiêu tối thượng khi Việt Nam triển khai thị trường carbon và tham gia vào sàn giao dịch toàn cầu, là để giảm phát thải khí chứ không phải tạo ra giá trị thặng dư của nền kinh tế.

Hiện hai lĩnh vực phát thải nhiều là năng lượng và nông nghiệp đều đã xây dựng các kế hoạch giảm phát thải, đồng thời có các thông tư hướng dẫn về kiểm kê khí nhà kính, đo đạc, báo cáo giảm nhẹ làm cơ sở báo cáo kết quả của ngành đóng góp vào cam kết quốc gia về khí hậu.

Bên cạnh ý nghĩa về lưu trữ carbon, Tổ chức CIFOR-ICRAF còn ứng dụng các mô hình nông lâm kết hợp theo hướng chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững. Những nghiên cứu này có giá trị đặc biệt quan trọng tại khu vực vùng sâu, vùng xa, góp phần giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số ổn định sinh kế.

Bảo Thắng
Tin khác
Phát triển kit chẩn đoán nhanh giám định sinh vật gây hại
Phát triển kit chẩn đoán nhanh giám định sinh vật gây hại

Ngoài một số bệnh hại sẵn có, cây trồng còn chịu tác động của nhiều sinh vật gây hại mới nổi, sinh vật ngoại lai khiến công tác phòng chống gặp khó khăn.

Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 5] Đặt trụ hướng nắng, thu nhập cao từ thanh long trái vụ
Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 5] Đặt trụ hướng nắng, thu nhập cao từ thanh long trái vụ

Chăm sóc thanh long trái vụ tốn công hơn nhưng bù lại, giá bán cao hơn hẳn và sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy.

Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 4] Trồng chuối theo nanh sấu để hạn chế xói mòn
Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 4] Trồng chuối theo nanh sấu để hạn chế xói mòn

Nhiệt độ thích hợp nhất để chuối sinh trưởng là khoảng 27 độ C, nếu xuống quá thấp (dưới 6 độ C), cây sẽ yếu và dễ bị chết nếu không có phương án phòng, chống.

Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 3] Chú ý cắt tỉa khi nhãn vừa đậu quả non
Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 3] Chú ý cắt tỉa khi nhãn vừa đậu quả non

Để quả nhãn đủ chất lượng và tiêu chuẩn xuất khẩu, người dân cắt tỉa đợt 1 khi đậu quả non và giai đoạn 2 khi quả nhãn to bằng đầu đũa.

Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 2] Sử dụng bao trái, nâng cao chất lượng xoài
Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 2] Sử dụng bao trái, nâng cao chất lượng xoài

Cây xoài đặc biệt phù hợp với những vùng có hai mùa mưa và khô rõ rệt, trong đó mùa khô ít nhất kéo dài 4 tháng, mùa mưa không quá 7 tháng. 

Mong về chuỗi giá trị rong biển ‘5 sao’
Mong về chuỗi giá trị rong biển ‘5 sao’

Khi các bên cùng hợp tác và tham gia, chuỗi giá trị sẽ trở nên toàn diện và phát triển bền vững, góp phần đưa ngành rong biển Việt Nam vươn xa.

Rong biển - 'yến sào' của đại dương xanh
Rong biển - 'yến sào' của đại dương xanh

Rong biển được ví như một 'kho báu' trong thời đại chuyển đổi xanh, không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường.

Kinh nghiệm nuôi trồng rong sụn từ doanh nghiệp tiên phong ở miền Bắc
Kinh nghiệm nuôi trồng rong sụn từ doanh nghiệp tiên phong ở miền Bắc

STP Group là doanh nghiệp đầu tiên ở phía Bắc nghiên cứu và triển khai thành công mô hình nuôi trồng rong sụn tại huyện Vân Đồn, Quảng Ninh.

Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 1] Bảo đảm độ ẩm, luân canh các loại cây trên đất trồng chanh leo
Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 1] Bảo đảm độ ẩm, luân canh các loại cây trên đất trồng chanh leo

Cây chanh leo rất dễ trồng, có thể sống được trên đất sỏi đá hoặc đất cát và đang định hướng phát triển vùng nguyên liệu quy mô 5.000ha tại Sơn La.

Bí kíp tạo tác những siêu cây nghệ thuật tiền tỷ
Bí kíp tạo tác những siêu cây nghệ thuật tiền tỷ

Dù là thú chơi, thế nhưng, có những tác phẩm cây cảnh nghệ thuật có giá trị hàng chục tỷ đồng và có rất nhiều người sẵn sàng bỏ tiền để sở hữu.

Nghệ nhân ra sách chia sẻ kỹ năng tạo tác cây cảnh nghệ thuật
Nghệ nhân ra sách chia sẻ kỹ năng tạo tác cây cảnh nghệ thuật

Lê Đức Nam, nghệ nhân nổi tiếng trong làng cây cảnh Việt Nam viết sách chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm tạo tác cây cảnh nghệ thuật cho những người yêu cây.

Thôi đốt đồng, nhà nông thêm tiền, bớt ưu phiền sức khỏe
Thôi đốt đồng, nhà nông thêm tiền, bớt ưu phiền sức khỏe

Nhiều nông dân trồng lúa đã từ bỏ thói quen đốt đồng sau khi được hướng dẫn cách xử lý rơm rạ mang lại hiệu quả kinh tế cao và cải thiện sức khỏe.