Người đàn ông nuôi cua lông Thượng Hải ở Bắc Giang

Dương Đình Tường - Thứ Ba, 02/04/2024 , 13:27 (GMT+7)

'Ní hảo'. Vừa mở cửa trang trại nuôi cua lông Thượng Hải đầu tiên ở Bắc Giang, vị chuyên gia Trung Quốc vừa chào tôi.

Thuê cả chuyên gia Trung Quốc ăn ở tại bờ ao

Nói rồi người này để cho tôi tự do tham quan để trở lại với công việc đang dở tay của mình. Trang trại nuôi cua lông Thượng Hải của ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc HTX sản xuất, kinh doanh, dịch vụ Nham Biền, rộng hàng chục ha ở xã Đồng Việt, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Vốn làm nghề xây dựng nhưng ông lại có tình yêu rất lớn với nông nghiệp nên gần chục năm trước đã đầu tư tới mấy cái trang trại.

Ở trang trại này ông từng nuôi cá rồi nuôi tôm thẻ chân trắng đều không thành công bởi hiệu quả kinh tế không cao, bởi kỹ thuật khó. Đến năm 2022, ông thử thả xuống một cái ao ít cà ra tự nhiên bắt ở ngoài sông Thương, loại khoảng 30-40 con/kg và dùng thức ăn là các loại cá tạp băm nhỏ.

Những cái ao trong trang trại thông với sông Thương qua hệ thống kênh, có nước vào ra theo chế độ thủy triều, độ mặn khoảng 3‰. Ngày xưa, dân kể vùng này có rất nhiều cà ra sinh sống. Về sau, phần vì đánh bắt kiểu tận diệt không kể to nhỏ, phần vì nước ô nhiễm nên chúng gần như vắng bóng.

Một ao nuôi cua lông trong trang trại. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sau khi nuôi 8-10 tháng, đám cà ra trong ao đạt kích cỡ khoảng 100 g/con nhưng số lượng lại bị hao hụt tới 50-60% do khi bắt từ sông về để lâu sinh ốm yếu, do không cùng một lứa, lớn nhỏ khác nhau nên khi lột xác chúng ăn thịt lẫn nhau. Bởi thế, thả xuống 30kg giống cà ra, ông Chiến chỉ thu được 100kg thương phẩm.

Thấy có khả năng phát triển được, năm 2023, ông nuôi thử 2 vạn cua lông Thượng Hải nhập từ Trung Quốc về - một loại thủy sản có nhiều điểm tương đồng với cà ra của Việt Nam nhưng khi trưởng thành trọng lượng nặng hơn hẳn. Kích cỡ cua lông giống chừng 140-150 con/kg được mua xô không phân biệt đực cái với giá hơn 10.000 đồng/con, cũng chăm bằng thức ăn là cá tạp băm nhỏ. Nuôi từ tháng 2 đến tháng 10 thì ông xuất bán.

Lần này, tỷ lệ đạt được 80% nhưng quan trọng là cua phát triển tốt, kích cỡ đồng đều, trung bình con cái đạt 200g, con đực đạt 300g. Giá bán cua đực 500.000-550.000 đồng/kg, cua cái 700.000-750.000 đồng/kg, cao hơn cả cua lông Thượng Hải nhập về bởi cua ông Chiến nuôi tại Bắc Giang to, nặng hơn hẳn, 3-5 con/kg so với 7-10 con/kg, nghĩa là con bé nhất cũng bằng con to nhất của họ. Có thể là do khí hậu khác biệt, ở Việt Nam ấm hơn nên chúng lớn nhanh hơn.

“Còn chất lượng thì phụ thuộc vào cả khí hậu lẫn thức ăn. Ở Trung Quốc rét sâu hơn, cua phải tích lũy chất dinh dưỡng nên chắc thịt, gạch nhiều, nghe nói ăn ngon hơn cua nuôi ở Việt Nam vì tôi cũng chưa được thử. Gần đến thời kỳ thu hoạch, ngoài thức ăn chính là cá tạp, tôi bổ sung cám hoặc ngô để cho cua thêm béo”, ông Dũng giới thiệu.

Ông Chiến (bên trái) cùng chuyên gia Trung Quốc xem xác cua lột trên đám rong. Ảnh: Dương Đình Tường.

Có thể nuôi cả ở ao lẫn trên ruộng

Ở Trung Quốc, người ta nuôi cua lông Thượng Hải cả ở trên ruộng lúa lẫn dưới ao hồ, còn ở Việt Nam ông Chiến mới chỉ nuôi dưới ao. Ngay từ năm 2023, ông đã thuê Chu An Minh - chuyên gia người Trung Quốc quê ở tỉnh An Huy, vốn là nông dân nuôi cua lông Thượng Hải sang ăn ở tại chỗ để hướng dẫn kỹ thuật cho ăn và chăm sóc. Sống ở trang trại cả năm nhưng vị chuyên gia Trung Quốc không biết nói tiếng Việt, còn ông Chiến không biết nói tiếng Trung nên cả hai toàn giao tiếp bằng điện thoại qua google dịch. Ngoài Chu An Minh, trang trại còn có thêm 1 người Việt Nam nữa phụ giúp.

Chỉ cho tôi những cái ao nước trong leo lẻo, dưới đáy nhìn rõ lớp rong đuôi chó, ông Chiến giới thiệu trước đây vốn chúng là những ao nuôi cá, sau khi diệt hết các loại tạp thì cấy rong đuôi chó để tạo môi trường. Thứ nhất, rong có tác dụng lọc nước. Thứ hai, rong để lúc cua lột xác, thân mềm yếu có chỗ mà chúi vào, con nọ không nhìn thấy con kia mà ăn thịt lẫn nhau. Thứ ba, lúc đói cua cũng ăn cả rong. Thứ tư, rong giúp cua đỡ lạnh cho mùa đông, đỡ nóng khi mùa hè. Cái quan trọng nhất quyết định sự thành công là làm sao để nước trong ao không bị ô nhiễm.

Năm 2023, từ 4 ao, mỗi cái rộng 3.000m2 ông đã thu hơn 2 tấn cua lông Thượng Hải, bán được hơn 1 tỉ đồng, trừ chi phí còn lãi hơn ½. Được đà, phấn khởi nên năm nay ông dự định thả 13 ao, to thì 1ha, bé thì 3.000m2, số lượng giống dự tính hơn 10 vạn con, hiện đã thả được hơn 2 vạn. Trong 4 ao đã có hệ thống sục khí để nuôi với mật độ dày 3-4 con/m2, còn những ao nuôi thưa 1 con/m2 thì không cần thiết…

Cua lông nuôi ở Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trong lúc chúng tôi ngồi nói chuyện thì trời đã ngả về chiều, tiếng ếch nhái kêu râm ran mỗi lúc một lớn. Vị chuyên gia Trung Quốc đã rời căn nhà tạm ở bờ ao, nơi ông tự trồng rau, tự nấu nướng để chuẩn bị đi thái cá tạp, buổi chiều rải xuống ao cho cua ăn. Cua lông có tập tính buổi tối mới ra ăn, thường tha mồi vào bụi rong để nhấm nháp dần dần. Trung bình mỗi tháng chúng lột vỏ một lần, mỗi lần lột lại một lần lớn thêm.

Cua lông không đào hang, không hay bò đi như cua đồng nhưng trên bờ ao vẫn chắn bằng những tấm fibro xi măng bởi mùa rét, khi chúng đã to thường bò ra ngoài, hoặc chắn chuột vào cắn. Vì sức đề kháng tốt nên gần như cua lông ít bị bệnh, không cần đến thuốc, thỉnh thoảng chỉ cần cho thêm chất khoáng để tạo canxi cho lớp vỏ thêm cứng. Trời càng đông giá, cua lại càng đặc thịt, đặc gạch. Hễ bấm vào chân, chỗ sát với thân của cua thấy cứng, ấy là đã đến thời điểm thu hoạch. Món được chuộng nhất hiện nay là hấp bởi như thế mới cảm hết được vị thơm, vị ngọt của cua lông Thượng Hải.

Cận cảnh con cua lông khủng nuôi ở Việt Nam. Ảnh: Tư liệu.

"Tại sao khi ông bán không nói là cua lông Thượng Hải mà lại giới thiệu là cà ra Yên Dũng?", tôi hỏi. Ông Chiến trả lời rằng từ lâu Yên Dũng đã nổi tiếng về cà ra, thứ nữa là bản thân muốn xây dựng thương hiệu cho một đặc sản của quê hương. Tôi hỏi tiếp, nuôi thế này có lo ngại về đầu ra không?

Ông cười mà rằng: “Một đại lý buôn một vụ 10-20 tấn cua lông Thượng Hải là bình thường, đằng này có mấy chục đại lý như thế cung cấp hàng nhập từ Trung Quốc sang Việt Nam nên sản lượng hơn 2 tấn của trang trại tôi năm 2023 không nhằm nhò gì. Thị trường rộng thế thì còn điểm gì phải e ngại? Về giá cả vài năm nữa theo tôi không phải bận tâm bởi không phải ai cũng nuôi được. Không hiểu kỹ thuật có khi là thất bại ngay dù nhiều nơi có thể nước còn tốt hơn ở đây nữa.

Dự tính 1-2 năm nữa khi nuôi thành công cua lông thương phẩm thì tôi mới thử sản xuất giống bởi công đoạn đó rất phức tạp, liên quan đến công nghệ và máy móc, đầu tư lớn. Còn con cà ra ở Việt Nam thì đến bây giờ viện nghiên cứu thủy sản còn chưa nhân được giống, vẫn còn đang thử nghiệm, nói chung là khó vì muốn chúng sinh sản phải có điều kiện độ mặn thích hợp. Nuôi cà ra phụ thuộc hoàn toàn vào giống bắt từ tự nhiên, kích cỡ không đều nên tốc độ sinh trưởng chậm, không hiệu quả kinh tế, thành ra tôi đã bỏ hẳn hướng này”.

Cua lông Thượng Hải hay còn gọi là cua lông Hồng Kông là một trong những món ăn thượng hạng của giới nhà giàu tại Trung Quốc, loại to thường có giá quy ra tiền Việt vài triệu đồng/kg, chủ yếu được tiêu thụ nội địa còn loại nhỏ mới được xuất đi các nước. Mùa vụ chính từ tháng 9 đến tháng 10 âm lịch. Cua lông hấp là món ăn được đề xuất phải thử khi du khách tới Thượng Hải, Hồng Kông.

Dương Đình Tường
Tin khác
Người nuôi biển Vân Đồn làm lớn, xây chuỗi liên kết rong - hàu 5 sao
Người nuôi biển Vân Đồn làm lớn, xây chuỗi liên kết rong - hàu 5 sao

QUẢNG NINH Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam tin tưởng Chi hội Nuôi biển Vân Đồn sẽ đem lại thành công cho dự án chuỗi liên kết rong - hàu 5 sao.

Hướng dẫn nhặt lá mai đúng cách để hoa nở vàng đúng dịp Tết 2025
Hướng dẫn nhặt lá mai đúng cách để hoa nở vàng đúng dịp Tết 2025

Hoa mai là biểu tượng quen thuộc của Tết cổ truyền Việt Nam. Nhặt lá đúng cách là kỹ thuật quan trọng giúp mai nở đúng dịp.

Nghề làm bún 400 tuổi bên sông Bồ trở thành di sản văn hóa quốc gia
Nghề làm bún 400 tuổi bên sông Bồ trở thành di sản văn hóa quốc gia

THỪA THIÊN - HUẾ Nghề làm bún Vân Cù (thị xã Hương Trà) và lễ hội điện Huệ Nam (thành phố Huế) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ tháng 12/2024.

Triển khai toàn diện quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM
Triển khai toàn diện quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM

Ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật: Ngành Nông nghiệp, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, sẽ tiếp tục phối hợp tốt trong triển khai quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM.

Trên 47.000 cán bộ khuyến nông cộng đồng có thể tham gia chương trình IPHM
Trên 47.000 cán bộ khuyến nông cộng đồng có thể tham gia chương trình IPHM

Trình bày và đề xuất của đại diện Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang và lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia về lực lượng khuyến nông tham gia triển khai chương trình IPHM.

Cách thành phố Cần Thơ triển khai mô hình IPHM gắn với nông nghiệp sinh thái
Cách thành phố Cần Thơ triển khai mô hình IPHM gắn với nông nghiệp sinh thái

Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ giới thiệu cách triển khai mô hình IPHM gắn với nông nghiệp sinh thái và cảnh quan.

Cây trồng có giá trị kinh tế cao cần phân bón 'chuyên dụng'
Cây trồng có giá trị kinh tế cao cần phân bón 'chuyên dụng'

Theo GS.TS Trần Văn Hâu, nguyên Giảng viên cao cấp Trường Đại học Cần Thơ, những cây trồng có yêu cầu kỹ thuật, giá trị kinh tế cao cần có phân bón 'chuyên dụng'.

Lợi ích từ áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM
Lợi ích từ áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM

Chia sẻ của ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật về những lợi ích trong áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM, đảm bảo an toàn sản xuất và xuất khẩu.

Phân bón mới nâng cao hiệu suất sử dụng BiO
Phân bón mới nâng cao hiệu suất sử dụng BiO

Ông Lê Văn Hải, Tổng Giám đốc BiOWISH Việt Nam trình bày về dòng phân bón mới nâng cao hiệu suất sử dụng hữu hiệu (BIO EFF).

Mỗi năm Syngenta Việt Nam đào tạo cho 1 triệu nông dân sử dụng thuốc BVTV
Mỗi năm Syngenta Việt Nam đào tạo cho 1 triệu nông dân sử dụng thuốc BVTV

Mỗi năm Syngenta Việt Nam tiếp cận, tập huấn kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV an toàn hiệu quả cho hơn 1 triệu nông dân. Có 250.000 nông dân được tập huấn theo chuyên đề 4 đúng, 5 nguyên tắc vàng, sử dụng thuốc và thu gom bao gói sau sử dụng có trách nhiệm.

Ứng dụng cây trồng cải tiến trong thực hành IPHM
Ứng dụng cây trồng cải tiến trong thực hành IPHM

Bà Đào Thu Vinh, Điều phối viên tổ chức Croplife Việt Nam cho biết các giống cây trồng cải tiến, kháng sâu bệnh hại giúp cây trồng khỏe mạnh hơn, có khả năng chống chịu lại các yếu tố bất lợi của môi trường và dịch hại. Đây luôn là một cấu phần quan trọng trong chương trình IPHM và IPM.

Các sinh vật gây hại mới nổi và biện pháp phòng ngừa
Các sinh vật gây hại mới nổi và biện pháp phòng ngừa

GS.TS Nguyễn Văn Tuất, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật BVTV Việt Nam, chia sẻ, nhiều sinh vật gây hại bùng phát mạnh trong điều kiện biến đổi khí hậu, cần phòng ngừa bằng tổng hợp nhiều giải pháp.